Chúng ta đã biết rằng vào đầu tháng 5-2021 vừa qua, tin tức về việc vợ chồng tỷ phú Mỹ Bill Gates, hai trong số những nhà từ thiện có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới, tuyên bố ly hôn sau 27 năm chung sống đã gây ngạc nhiên và xôn xao trên toàn thế giới. Theo tin báo chí thì trong một thông báo trên Twitter ngày 3-5-2021, vợ chồng tỷ phú Bill Gates và Melinda cho biết rằng sau nhiều suy nghĩ và cân nhắc về mối quan hệ, họ đã quyết định kết thúc cuộc hôn nhân của mình.
Cặp đôi này cũng cho biết thêm họ đã nuôi dạy 3 người con và gây dựng một tổ chức thiện nguyện hoạt động khắp nơi trên thế giới nhằm giúp đỡ tất cả mọi người có một cuộc sống khỏe mạnh và hiệu quả. Nhưng họ nghĩ rằng họ không thể tiếp tục đi cùng nhau ở chặng đường sắp tới. Hai người muốn một không gian riêng, một sự riêng tư cho gia đình khi họ bắt đầu tìm kiếm một cuộc sống mới.
Được biết, tỷ phú Bill Gates, 65 tuổi, đồng sáng lập tập đoàn Microsoft, là người giàu thứ tư thế giới. Bà Melinda, 56 tuổi, từng là giám đốc của Microsoft. Họ gặp gỡ nhau và kết hôn năm 1994 khi Bill Gates đã trở thành tỷ phú. Cặp đôi sở hữu khối tài sản lên đến 124 tỷ USD. Họ điều hành một quỹ từ thiện có tên Bill & Melinda Gates Foundation với khối tài sản khoảng hơn 51 tỷ USD. Cặp đôi đã dành ít nhất 40 tỷ USD cho từ thiện kể từ năm 1994. [[1]]
Sau khi xảy ra vụ việc bất ngờ này, người ta đã đưa ra khá nhiều nghi vấn liên quan nguyên nhân khiến ông bà tỷ phú nổi tiếng này phải ra tòa đưa đơn ly hôn. Đa số các nguyên nhân được báo chí và dư luận đề cập đến có liên quan đến bản thân của Bill Gates hơn là bà Melinda, vợ ông. Chẳng hạn người ta đã nhắc đến mối quan hệ giữa Gates với nhà tỷ phú ấm dâm Jeffrey Epstein.
Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ một cựu nhân viên làm việc cho Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates cho biết, một trong những lý do dẫn tới sự bất đồng của cặp đôi dường như liên quan tới việc ông Gates giao du với tỷ phú tai tiếng Jeffrey Epstein. Mặc dù cả Gates và Melinda không tiết lộ nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ trong cuộc hôn nhân của họ, nhưng các nguồn tin đã xác nhận rằng bà Melinda không hài lòng về Epstein.
Được biết Epstein bị bắt hồi tháng 7-2019 sau khi từ Pháp trở về Mỹ vì bị cơ quan công tố liên bang New York truy tố tội điều hành mạng lưới mại dâm trẻ vị thành niên quy mô lớn trong nhiều năm. Ngày 10-8-2019, Epstein đã tự tử trong buồng giam tại một nhà tù ở Manhattan, New York. Báo Mỹ cho biết sự không hài lòng của bà Melinda về mối quan hệ giữa Gates và Epstein dường như bắt nguồn từ năm 2013. Mặc dù, một phát ngôn viên của Bill Gates nhấn mạnh rằng, các cuộc gặp giữa 2 người chỉ liên quan tới vấn đề từ thiện và Gates “hối tiếc về những cuộc gặp đó”.
Dù sao tờ New York Post cũng đưa ra lời của một người bạn của Bill Gates rằng: “Quyết định ly hôn không có gì ngạc nhiên đối với tôi. Bất kỳ tình bạn nào với Epstein cũng sẽ là điều khó chấp nhận đối với Melinda. Không đời nào Melinda lại muốn (Gates) dành thời gian cho Epstein”. [[2]]
Ngoài ra, báo chí cũng nhắc đến một nguyên nhân khác liên quan người tình cũ của Gates, đó là bà Ann Winblad. Bà Ann Winblad là một doanh nhân phần mềm và lớn hơn ông Gates 5 tuổi. Tỷ phú Gates tiết lộ ông đã hỏi xin ý kiến của bà Winblad để được bà ủng hộ trước khi cầu hôn với bà Melinda. Về phần Winblad nhắc lại năm 1997 đã nói là Melinda là người hợp với ông Gates vì bà này là người có trí tuệ bền bỉ. Được biết, bà Winblad và ông Gates hẹn hò từ năm 1984 đến năm 1987. Sau khi chia tay, họ vẫn giữ mối quan hệ thân thiết. [[3]]
Nói gì thì nói, cuối cùng thì sự thật cũng hé lộ. Nguyên nhân chính yếu về việc ly hôn của ông bà tỷ phú Gates quy về một điểm quan trọng này, đó là cuộc hôn nhân của họ đến lúc này không còn tình yêu nữa. Mặc dù ông bà tỷ phú này đã kết hôn được 27 năm, đã có ba mặt con và giàu có không ai bằng, nhưng cuối cùng do tình yêu giữa họ đã cạn kiệt nên họ quyết định chia tay.
Thực vậy, chính nhà tỷ phú Bill Gates đã nói với bạn thân là mình đang sống như không có tình yêu. Những người bạn thân chơi golf của tỷ phú Mỹ Bill Gates nằm trong số những người đầu tiên biết rằng cuộc hôn nhân của ông có vấn đề. Tờ New York Post (Mỹ) hôm 12-5-2021 đã cho biết ông Bill Gates, 65 tuổi, tỷ phú Mỹ và là người đồng sáng lập Microsoft, từng nói với những người bạn thân chơi golf của ông rằng cuộc hôn nhân giữa ông và bà Melinda, 56 tuổi là một cuộc hôn nhân không có tình yêu và nó đã kết thúc một lúc nào đó rồi, khiến họ đã sống một cuộc sống ly thân… [[4]]
Sở dĩ chúng ta nói khá chi tiết về vụ ly hôn này là vì yếu tố quan trọng nhất nhằm giúp một cuộc hôn nhân hạnh phúc lâu dài, không dựa trên tiền bạc, tiếng tăm, địa vị xã hội…mà căn cứ vào chất lượng tình yêu giữa hai vợ chồng. Khi tình yêu “vỗ cánh bay đi” thì hôn nhân trở nên vô nghĩa. Chúng ta nhất trí rằng, vợ chồng đến với nhau vì tình yêu, vì sự cảm thông, thấu hiểu và mong muốn dựa dẫm vào nhau để cùng đồng hành đến cuối cuộc đời. Vậy mà thử tưởng tượng xem, nếu một ngày hôn nhân không còn những nền tảng cốt lõi ấy, thì vợ chồng sẽ ra sao? Cả hai sẽ bên nhau bằng cách gì?
Trong phạm vi bài này, chúng ta thử nhận diện xem thế nào là một cuộc hôn nhân không còn tình yêu và hậu quả của cuộc hôn nhân ấy sẽ ra sao.
1.- NHẬN DIỆN CUỘC HÔN NHÂN KHÔNG CÒN TÌNH YÊU
Có thể nói trên thực tế để nhận ra một cuộc hôn nhân không còn tình yêu không phải là chuyện khó khăn lắm. Bởi vì khi hai vợ chồng lạnh nhạt trong tình yêu thì hôn nhân không còn là “thiên đàng nữa, mà trái lại là con đường dẫn đưa tới hỏa ngục” (Balzac). Nói cách khác, lúc đó hôn nhân không còn là cảnh “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” nữa, mà là một “thảm họa” mà cả hai bạn đều sợ hãi và muốn thoát khỏi.
Sau đây, chúng ta tạm liệt kê một số nét tiêu biểu về một cuộc hôn nhân không còn tình yêu.
1.1. Cuộc sống ngày càng nhàm chán vô vị
Nét tiêu biểu nổi bật nhất mà ta có thể đề cập tới liên quan cuộc hôn nhân không còn tình yêu, đó là sự nhàm chán vô vị. Nếu khi mới lấy nhau, đôi bạn luôn cảm thấy đời sống vợ chồng thật là vui vẻ, phấn khởi và ấm cúng, thì có thể chỉ sau một thời gian chung sống, vì lý do nào đó, họ rơi vào tình trạng bi quan, chán nản, thất vọng. Thực tế này xuất phát từ nguyên nhân tình yêu giữa hai người đã phai nhạt, cạn kiệt, thậm chí có khi còn tiêu tan hẳn. Dần dần cuộc sống chung trở nên nhàm chán, vô vị và đôi bạn cảm thấy cuộc sống hôn nhân chỉ còn là gánh nặng cho nhau mà thôi.
Nhà thơ Lord Byron đã nói “Không có tình, không có gia đình”, điều đó có nghĩa là đời sống hôn nhân gia đình chỉ thực sự sống động và có ý nghĩa khi đôi vợ chồng giữ được ngọn lửa yêu thương luôn nồng cháy. Nhưng một khi hôn nhân không còn chút gì hương vị nồng ấm của tình yêu nữa thì quả thực đời sống vợ chồng lúc đó thật là vô vị và nhàm chán!
1.2. Sự gặm nhấm của căn bệnh vô cảm, lạnh lùng
Khi không còn tình yêu nữa, vợ chồng sẽ dễ dàng đối xử với nhau một cách lạnh lùng, xơ cứng. Họ ở cạnh nhau, sống bên nhau nhưng như là những người khách lạ. Lúc này, căn bệnh vô cảm sẽ âm thầm hủy hoại mối quan hệ vợ chồng của đôi bạn. Người ta thường nói “Đồng sàng dị mộng”, ngay cả khi vợ chồng ngủ cùng giường, ăn cùng bàn, ở cùng nhà…nhưng tuyệt nhiên do thiếu tình yêu nên họ không còn hiện diện với nhau nữa, giữa họ dường như có một khoảng cách xa xăm vời vợi.
Hiện nay, người ta nhận thấy rằng trong nhiều gia đình, vô cảm đã trở thành một thứ bệnh nguy hại, mức độ tàn phá kinh khủng. Nó không chỉ tấn công vào da thịt của con người nhưng là một thứ siêu vi gây tổn thương chính con tim con người. Có người đã khẳng định rằng “Vô cảm là mồ chôn của tình yêu con người”. Nhà tâm lý hiện sinh nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ Rollo May cũng đã nói : “Hận thù không phải là thứ đối lập với tình yêu mà đó là sự vô cảm”. Đại văn hào Nga Maksim Gorky cũng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”.
Nếu căn bệnh vô cảm trở nên nặng nề và kéo dài thì đó là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng trầm trọng trong mối quan hệ vợ chồng. Cuối cùng, điều gì đến sẽ phải đến, đó là viễn ảnh một cuộc chia tay không thể cứu vãn được.
1.3. Hôn nhân chỉ còn gánh nặng và nghĩa vụ
Vợ chồng sống với nhau muốn hạnh phúc lâu dài thì phải vừa có tình vừa có nghĩa. Nhưng một khi tình mất đi thì chỉ còn lại nghĩa. Nhằm tránh những đổ vỡ có thể nặng nề hơn, nhiều đôi bạn đành chọn cách sống chấp nhận thi hành nghĩa vụ vợ chồng một cách tối thiểu và miễn cưỡng. Lúc yêu nhau thì họ quyến luyến nhau, quan tâm chăm sóc nhau, họ tỏ ra cần nhau và muốn nương tựa vào nhau. Nhưng khi tình đã hết thì đời sống vợ chồng chỉ còn là gánh nặng mà đôi bạn cố gắng từng ngày chịu đựng cho xong bổn phận.
Chúng ta biết rằng, hạnh phúc thực sự được xây dựng trên tình thương và sự hiểu biết nên ở đâu có hiểu, có thương và có sự chia sẻ thì ở đó có hạnh phúc. Nếu trong đời sống hôn nhân thiếu tình thương, thiếu tôn trọng, thiếu sự chia sẻ và đồng cảm, chắc chắn sẽ không hạnh phúc. Bằng chứng là rất nhiều cuộc hôn nhân phải đổ vỡ, hay ít là phải bó buộc chịu đựng lẫn nhau.
Thực tế ta thấy rằng nhiều cặp vợ chồng dù không còn tình yêu nhưng vẫn cố níu kéo, cố sống với nhau vì những trách nhiệm, vì những ràng buộc khác như vì con, vì thể diện, vì sợ tai tiếng… Nhưng cuộc hôn nhân duy trì mà không còn tình yêu thì bi thương biết mấy. Hai người sống cạnh nhau khác gì những cái xác không hồn, ngày ngày dày vò nhau bằng những thờ ơ hoặc mâu thuẫn không hồi kết. Để rồi sau cùng cuộc đời họ chìm trong thảm kịch đau khổ, tổn thương và trầm cảm. [[5]]
1.4. Không thể giải quyết được những mâu thuẫn bất đồng kéo dài
Ông bà ta thường nói, “Yêu nhau trăm sự chẳng nề / một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Tuy nhiên, một khi đôi bạn không còn yêu nhau nữa thì chỉ cần một chỗ lệch thôi cũng không giải quyết nổi, chứ đừng nói gì đến một chục hay một trăm. Lúc này, dường như chuyện gì cũng trở thành nguyên nhân gây mâu thuẫn giữa hai người. Chuyện bé thì xé ra to. Không có chuyện cũng thành chuyện! Rồi cứ tái diễn cái cảnh “Ông nói gà, bà nói vịt”, hay “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”…Cứ thế mâu thuẫn, bất đồng, bất hòa kéo dài từ ngày này qua ngày khác, khiến cho cuộc sống vợ chồng lúc nào cũng căng thẳng, ngột ngạt và mệt mỏi.
Lawrence Siegel, chuyên gia tình dục học đã nói thế này: “Khi những cặp đôi có xu hướng cãi nhau vì những điều nhỏ nhặt, ví dụ như là treo khăn tắm như thế nào mới đúng, nên bóp kem đánh răng ra từ đáy hay từ đầu tuýp kem vv. thì hôn nhân của họ khó mà tồn tại lâu. Vào lúc này, thường xuyên có những xung đột về hành vi xảy ra, khiến cặp đôi bị đẩy xa nhau. Những sự không hài lòng đã quá nhiều và gây khó khăn cho quá trình kết nối trở lại”.
1.5. Chọn cách sống ly thân
Trong bài viết có tựa đề “Khi hôn nhân không có tình yêu”, tác giả đã đề cập đến hiện tượng sống tách biệt nhau giữa hai vợ chồng. Bài báo viết:
Đó là khi hai bạn đời không chung sống với nhau như vợ chồng. Cả hai có cuộc sống riêng và đều hài lòng với kiểu tồn tại đó. Thay vào đó, vợ hay chồng sẽ chọn cách làm mọi thứ mình thích mà không cần tham khảo ý kiến với bạn đời. Trong một cuộc hôn nhân không có tình yêu, cả hai không thể hiểu nhau và không sẵn lòng kề vai sát cánh bên nhau. Khi kết hôn, vợ/chồng không chỉ là bạn đời mà còn là người tư vấn cho các quyết định quan trọng. Do vậy, nếu đôi bạn không muốn hỏi bạn đời ý kiến khi đưa ra những kế hoạch, quyết định thì rõ ràng cuộc hôn nhân của họ là không có tình yêu. [[6]]
Trở lại câu chuyện ly hôn của nhà tỷ phú Bill Gates, ta thấy rằng trước khi ly hôn, hai ông bà Gates và Melinda đã chấp nhận sống “tách biệt” từ lâu, mặc dù họ vẫn ở chung nhà và làm việc chung với nhau. Nhắc lại là tờ New York Post (Mỹ) hôm 12-5-2021 đã cho biết ông Gates, 65 tuổi, tỷ phú Mỹ và là người đồng sáng lập Microsoft, từng nói với những người bạn thân chơi golf của ông rằng cuộc hôn nhân giữa ông và bà Melinda, 56 tuổi là một cuộc hôn nhân không có tình yêu và nó đã kết thúc một lúc nào đó rồi, khiến họ đã sống một cuộc sống ly thân…
2.- HẬU QUẢ CỦA HÔN NHÂN KHÔNG TÌNH YÊU
Người ta cho rằng, một khi cuộc hôn nhân đã vắng tình yêu thì đôi bạn sẽ phải gánh lấy hậu quả tai hại chẳng những cho bản thân họ mà còn lây lan sang con cái và những người thân trong gia đình nữa. Sau đây ta thử liệt kê một số hậu quả điển hình về cuộc hôn nhân không tình yêu.
2.1. Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tâm lý vợ chồng
Các chuyên gia tâm lý nhận định rằng, hôn nhân không tình yêu sẽ dần hủy hoại đôi bạn từ bên trong. Mặc dù các cuộc hôn nhân không tình yêu không thể hiện các dấu hiệu tiêu cực hay mâu thuẫn một cách quá rõ ràng, nhưng ta nên nhớ là cuộc sống chung với người mà mình không yêu thương chắc chắc sẽ hủy hoại dần ta từ bên trong. Vì thế, càng kéo dài lâu hôn nhân không tình yêu, ta sẽ càng mất đi cơ hội để nhận được hạnh phúc. Tồi tệ hơn, khi trái tim và tinh thần của ta không thoải mái, hài lòng, nó sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về thể chất khác. Chúng ta sẽ chẳng thể khỏe mạnh khi cuộc sống vợ chồng không mang lại cho ta niềm vui, cảm giác trao yêu thương và nhận được thương yêu.
2.2. Dễ dàng châm ngòi bạo lực trong gia đình
Ngày nay, các chuyên gia về hôn nhân gia đình đều cho rằng bạo lực xảy ra giữa hai vợ chồng là nguyên nhân hàng đầu của các vụ ly hôn. Thực vậy, trước khi kết hôn thì ai cũng mơ ước hôn nhân là quà tặng, là ơn huệ do tình yêu đem lại. Hôn nhân là để tận hưởng chứ không phải là để chịu đựng. Nhưng sau một thời gian kết hôn, vì không biết nuôi dưỡng tình yêu hay vì một lý do nào đấy, đôi bạn trở nên ích kỷ và quên đi lời thề hứa cam kết ban đầu. Vợ chồng không còn coi nhau như bạn đời, bạn tình, bạn tri kỷ nữa, mà trái lại họ coi nhau như kẻ thù, đến nỗi sẵn sàng cư xử với nhau một cách thô lỗ, hung bạo. Vấn đề bạo lực gia đình xuất phát từ đây.
Khi xảy ra bạo lực thì biết bao hệ lụy kèm theo. Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, trung bình một năm trên cả nước ta có khoảng 8.000 vụ ly hôn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình để lại những hậu quả hết sức tiêu cực: 87,5% số vụ gây tổn hại về sức khỏe, thể chất; 89% gây tổn thương về tâm lý, tinh thần, 90% gây tan vỡ gia đình; 89% gây rối loạn trật tự, an toàn xã hội; 91% ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, gây mất niềm tin vào gia đình, dẫn đến chán học, dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội hoặc có hành vi phạm pháp luật.
2.3. Ảnh hưởng tiêu cực đến con cái và sự bền vững gia đình
Một cuộc hôn nhân nhạt nhẽo, không có kết nối của tình thương vợ chồng, thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng không ít tới con cái và bầu khí gia đình. Khi con cái chứng kiến cảnh cha mẹ không hạnh phúc, không đầm ấm, không hòa thuận thì chúng sẽ cảm thấy thiếu thốn tình thương và sự bình an. Một đứa trẻ sẽ sống ra sao, sẽ học hành thế nào, sẽ nhìn cuộc đời cách nào nếu nó sống trong một gia đình cha mẹ luôn xung khắc, chửi bới đánh đập nhau, nếu chúng thường xuyên chứng kiến cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” của cha mẹ chúng, nếu chúng không được hưởng sự ấm áp hạnh phúc từ chính tình thương của cha mẹ dành cho nhau…Nhiều đứa trẻ đã bỏ nhà ra đi chỉ vì chúng không còn tìm thấy trong gia đình một niềm vui hay an ủi nào nữa.
2.4. Ly thân và ly hôn
Hậu quả rõ ràng nhất mà ai cũng nhận thấy, đó là khi hôn nhân mất đi tình yêu thì đôi bạn sẽ mất tất cả: niềm tin về sự chung thủy, sự hy vọng về hạnh phúc lâu dài và sự bền vững của gia đình. Hai bạn cảm thấy trước mắt là ngõ cụt với đầy sự thất vọng và mỗi người tự tìm lối thoát cho riêng mình. Và lối thoát thông thường nhất, đó là ly thân hay ly hôn.
Friedrich Engels, nhà lý luận chính trị, triết gia và khoa học gia người Đức thế kỷ 19 đã nói: “Khi tình yêu đã chết, gia đình là địa ngục, cuộc sống vợ chồng chỉ còn là sự đầy ải lẫn nhau thì chia tay là điều nên làm, sẽ có lợi cho cả hai người và xã hội”. Thực tế cho thấy rất nhiều người đã chọn giải pháp bất đắc dĩ và cuối cùng cho cuộc hôn nhân của họ, đó là đường ai nấy đi, nhà ai nấy ở. Có trường hợp sau thời gian ngắn kết hôn, đôi bạn đã ra tòa xin ly hôn, người ta gọi đó là là ly hôn xanh. Có trường hợp các vị đã qua tuổi trung niên hay lão niên cũng đệ đơn xin ly thân, ly hôn, người ta gọi đó là ly hôn xám. Dù là ly hôn kiểu gì thì đôi bạn đành phải chấp nhận một cái kết cục bi thương, gây bao hệ lụy chẳng những cho bản thân hai người, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới con cái, gia đình và xã hội nữa.
3.- KHUÔN MẶT ĐÍCH THỰC CỦA TÌNH YÊU TRONG HÔN NHÂN KI-TÔ HỮU
Thánh Au-gus-ti-nô đã từng nói “Cứ yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm” (Ama et fac quod vis). Ngạn ngữ La-tinh có câu “Tình yêu chiến thắng tất cả” (Amor vincit omnia). Điều đó chứng tỏ là tình yêu là yếu tố hàng đầu, quyết định hạnh phúc vợ chồng và sự bền vững của đời sống hôn nhân. Do đó khi trao nhẫn cưới cho nhau trong lúc cử hành Bí tích Hôn phối, đôi bạn đã khẳng định như sau: “Anh/em …, nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và lòng chung thủy của anh/em. Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.”
Một khi tình yêu và lòng chung thủy đã được xác tín và tuyên bố công khai như vậy, thì từ lúc này đôi bạn phải trung thành với cam kết của mình dù cuộc đời có thay đổi thế nào đi nữa. Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II trong Tông huấn những bổn phận gia đình Ki-tô hữu đã nhấn mạnh như sau: “Đối với đôi bạn Kitô hữu, ơn bí tích là một ơn gọi và đồng thời cũng là một lệnh truyền phải trung thành mãi mãi, bất chấp các thử thách và khó khăn với một lòng quảng đại tuân theo ý Chúa: ‘Điều Thiên Chúa đã phối hợp thì người ta không được phân ly’ (Mt 19,6) ” (số 20).
Cũng trong Tông huấn này, Đức thánh GH Gio-an Phao-lô nhắn nhủ tiếp: “Chỉ có một tinh thần hi sinh cao cả mới giúp gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau. Không gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình” (số 21).
Riêng thánh Phao-lô, ngài đã có những lời khuyên thiết thực sau:
“Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3, 12-13); “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ…” (Cl 3, 18-19).
“Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội thánh, thân thể của Người. Và như Hội thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy” (Eph 5, 21-33).
Một đặc điểm nổi bật trong hôn nhân Ki-tô hữu, đó là sự hy sinh vì người yêu và tình yêu vợ chồng dành cho nhau dõi theo tình yêu Thiên Chúa yêu nhân loại và tình yêu Đức Ki-tô dành cho Hội thánh.
Chúng ta biết rằng, hy sinh có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất là chết (ngừng mọi hoạt động của cơ thể), nghĩa thứ hai là chịu thiệt hại, mất mát quyền lợi về vật chất, tinh thần hoặc một bộ phận nào đó trên cơ thể nhằm một mục tiêu cao cả hoặc một lý tưởng tốt đẹp (Theo Wikipedia).
Sự hy sinh trong tình yêu Ki-tô hữu luôn hàm chứa sự đau khổ, mất mát, thiệt thòi. Thực vậy, tình yêu trong hôn nhân đòi hỏi đôi bạn phải hy sinh hết mình vì bạn đời của mình và vì hạnh phúc gia đình. Đó là cách chứng minh tình yêu cụ thể nhất. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã nói: “Yêu là hy sinh, chưa hy sinh thì chưa gọi là yêu”. Hy sinh cũng là điều kiện để bảo tồn và gia tăng sự hiệp thông, hiệp nhất trong gia đình.
Người ta thường nói ví von rằng hoa hồng nào mà chẳng có gai. Cuộc tình nào mà chẳng có nước mắt và đau khổ. Hôn nhân đích thực không phải là thiên đàng của những mộng mơ, viễn tưởng mà trái lại đó là một trường đào tạo, một cuộc chiến đấu cam go của những anh hùng. Như có người đã nói: “Hôn nhân không phải là luống hồng mà là bãi chiến trường” (Danh ngôn).
Thực vậy, khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình là chúng ta chấp nhận đi vào con đường khổ giá, con đường mà Chúa Giêsu đã mời gọi mọi môn đệ cùng đi với Ngài. Tác giả D. Wahrheit trong cuốn sách tựa đề “Cẩm nang hạnh phúc gia đình Ki-tô” đã chia sẻ như sau: “Ngày thành hôn trước mặt Giáo hội, hai người nam nữ nên vợ nên chồng. Bí tích hôn phối đưa hai người lên đường, hé mở cho họ thấy sự thánh thiện mà tay trong tay họ cùng nhau đạt tới. Cuộc lễ long trọng trong nhà thờ mới chỉ là một khởi hành. Đức tin không là một cây đũa thần để họ làm phép lạ. Họ chỉ biết rằng, con đường mà trên đó họ cùng nắm tay tiến bước với Chúa Kitô là một con đường hẹp. Con đường ấy được trải đầy những thập giá mà họ phải vác lấy từng ngày…”
Như vậy, nếu phải chiến đấu, phải nỗ lực để có được một tình yêu chân chính trong một cuộc hôn nhân bền vững, thì ta phải dõi theo những gì mà Chúa đã dạy. Ngài đã nói: “Không có tình thương lớn hơn tình thương của người hi sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Sự đau khổ và sự chết của Đức Ki-tô đã giải thích cho ta hiểu rằng vì yêu và vì hạnh phúc của chúng ta, Ngài đã hi sinh đến chết (x. Ga 10, 17; Pl 2, 8). Đó là một Tình Yêu đích thực, tình yêu có sức mạnh cứu chuộc, thăng hoa và biến đổi ./. .
Aug. Trần Cao Khải
[[1]] https://dantri.com.vn/the-gioi/vo-chong-ty-phu-bill-gates-tuyen-bo-ly-hon-sau-27-nam-chung-song-20210504060555969.htm
[[2]]https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/vo-chong-ong-bill-gates-ran-nut-vi-ti-phu-au-dam-20210510085527793.htm
[[3]]https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tiet-lo-gay-soc-ve-ti-phu-bill-gates-va-tinh-cu-20210505105553164.htm
[[4]]https://tuoitre.vn/ti-phu-bill-gates-noi-voi-ban-than-song-khong-co-tinh-yeu-20210513055201372.htm
[[5]] https://www.webtretho.com/f/cuoi-p4-4731/5-dau-hieu-cho-thay-hon-nhan-khong-con-tinh-yeu-co-o-lai-chi-tu-ton-thuong-huy-hoai-doi-minh-2795702
[[6]] https://doanhnhanplus.vn/khi-hon-nhan-khong-co-tinh-yeu-372231.html