GÓC SUY TƯ ĐỜI TU Đời sống cộng đoàn qua dòng lịch sử linh đạo

Đời sống cộng đoàn qua dòng lịch sử linh đạo

Nhớ lại trong Tân Ước, mỗi khi kêu gọi ai, Đức Giêsu thường tháp nhập họ vào cộng đoàn, hay đúng hơn là một nhóm người. Có những lúc Ngài kêu gọi cá nhân từng người (x.Mt 8,22; 9,9; 19,21; x.Mc 2,14; 10,21; x.Lc 5,27; 9,59; 18,22; x.Ga 1,43) nhưng cũng có lúc kêu gọi vào tập thể (x.Mt 4,18-21; 10,1-38; 16,24; x.Mc 1,20; 6,7; 8,34; x.Lc 9,23). Chunh quanh Đức Giêsu, ta thấy có các nhóm môn đệ, mà lâu nay vẫn được người ta chia theo mức độ “thân thiết” với Ngài. Nhóm thứ nhất được gọi là “nhóm vòng trong”, rất gần gũi với Chúa, gồm có Phêrô, Giacobê và Gioan. Ba người này thường có mặt vào những biến cố quan trọng như lúc Chúa hiển dung (x.Mt 17,1), tại Vườn Dầu (x.Mt 26,37), tiệc ly (x.Ga 13,23-24). Nhóm thứ hai vẫn thường được gọi cách chung là “nhóm Mười Hai” (x.Mt 8,23; 20,24). Nhóm này là nhân chứng và là kiểu mẫu cho đời sống cộng đoàn. Rồi có cả “nhóm phụ nữ” (x.Lc 8,1-2; x.Lc 23,49; x.Mc 15,40-41; x.Ga 19,25). Nhóm này cũng đi theo Chúa và dùng của cải mình để giúp đỡ thầy trò. Họ cũng giữ vai trò loan báo Tin Mừng phục sinh. Ngoài ra cũng có “nhóm bảy mươi hai” (x.Lc 10,1), là nhóm các môn đệ của Chúa. Cuối cùng là đám đông theo Chúa (x.Mt 4,25; 8,1; 12,15), những người từng thọ ơn Chúa hay hâm mộ Chúa. Tất cả những nhóm này đều trải qua cơn thử thách là chính cái chết của Chúa. Có những người mất hết hy vọng (x.Lc 24,13). Có người thì lo sợ, bỏ trốn (x.Ga 20,19). Có nhóm thì tin vào Đức Giêsu phục sinh (x.Lc 24,33-35) trở thành cộng đoàn vượt qua mới (Giáo Hội).

Khi Đức Giêsu bước vào cuộc Thương Khó, các nhóm theo Ngài cũng tan tác. Nhưng sau khi Ngài phục sinh, một luồng sức mạnh mới lại thổi vào trong cộng đoàn nhỏ mười mấy người của Ngài, làm cho nó lớn mạnh thêm. Những ai buồn bã có lại được niềm vui. Những ai từ bỏ lý tưởng lại mau mắn trở về với cộng đoàn. Đặc biệt, nhờ biến cố hiện xuống, với sức mạnh mà Thánh Thần ban cho, các tông đồ lại được hiệp nhất với nhau, họ như được gia tăng thêm sức mạnh để cùng nhau làm chứng cho Đức Kitô đã chết nhưng nay đã sống lại. Chính Chúa Thánh Thần đã hiệp nhất và khai mở mùa hồng ân, ban tự do và đặc sủng cho tất cả mọi người trong cộng đoàn, không chỉ giữa các tông đồ nhưng còn có cả các tín hữu khác nữa (x.1Cv 12-14). Họ bắt đầu sống một lối sống mới, tất cả cùng một lòng một ý với nhau (x.Cv 4,32), chia sẻ với nhau những gì mình có và giúp đỡ những ai túng thiếu theo khả năng của mình (x.Cv 2,44-45). Họ cùng nhau lắng nghe Lời, cùng cầu nguyện, sống thân ái, cử hành bữa tiệc của Chúa (x.Cv 2,42). Đây là một cộng đoàn lý tưởng, là mẫu mực cho các cộng đoàn dòng tu, nhưng tự bản thân nó không phải là dòng tu.

Đời tu bắt đầu với các ẩn sĩ. Họ sống riêng lẻ, tự tu, không muốn dính dáng, đụng chạm hay chung sống với ai nên cũng chẳng có cái gọi là đời sống cộng đoàn. Dấu vết đầu tiên của đời sống chung chỉ dừng lại ở tương quan huấn luyện. Ai muốn trở thành ẩn sĩ, trước hết phải sống với một ẩn sĩ để được người đó hướng dẫn. Khi nào cảm thấy có thể tự mình tu được thì họ tách ra, không sống chung nữa. Ta thấy ví dụ về Pacom. Sau một khoảng thời gian thụ huấn với Palemon, Pacom nhận thấy việc độc tu một mình như vậy không giúp ông tăng trưởng nhân đức. Ông nghĩ đến đời sống chung và bắt đầu tự lập cộng đoàn cho mình.

Các ẩn sĩ dù sống riêng, mỗi người một xà lim nhưng lâu lâu vẫn gặp nhau trao đổi vừa để giúp nhau sinh tồn, vừa để giúp nhau trên đàng thiêng liêng. Họ họp nhau cử thành Thánh Thể, đọc kinh và ăn chung.Dần dần, nhu cầu về một nếp sống cộng đoàn có tổ chức và thường xuyên nảy sinh. Các cộng đoàn trinh nữ được coi là đi tiên phong. Có lẽ do bản chất của phụ nữ luôn muốn ở với nhau, nhưng có lẽ cũng do nhu cầu về sinh tồn, họ sống chung để bảo vệ nhau. Nhưng người ta vẫn thường cho rằng chính Pacom là người đầu tiên khởi xướng việc sống thành cộng đoàn vào thế kỷ 4 ở Ai Cập.

Pacom và đồ đệ định cư ở một ngôi làng hoang. Ông xây ở đó một ngôi nhà thờ. Vào thứ bảy hàng tuần, ông tổ chức lễ bẻ bánh cho mọi người. Chúa Nhật thì có linh mục đến dâng lễ. Khi số thầy tu tăng lên và người ta dần dần kéo đến, bắt đầu xuất hiện tường rào và phép tắt. Rồi dần dần, người ta bắt đầu quan tâm đến việc sống thành cộng đoàn vì thấy được những lợi ích của nóCộng đoàn của Pacom rất nhấn mạnh đến kỷ luật. Thánh Basil cũng xem cộng đoàn là thành trì để sống chung đời sống Tin Mừng trong tinh thần huynh đệ để tách khỏi thế gian. Đời sống cộng đoàn từ đó mà hình thành. Trải qua những thăng trầm khác nhau, đời sống tu chung trong một tập thể như thế này vẫn tồn tại, và chưa bao giờ người ta nghĩ đến chuyện huỷ bỏ nó.

Chúng ta có thể thấy nơi dòng lịch sử phát triển linh đạo có hai kiểu cộng đoàn chính yếu: kiểu truyền thống và kiểu tự do. Cộng đoàn theo kiểu truyền thống là kiểu cộng đoàn chú trọng rất nhiều đến các kỷ luật và phép tắt trong nhà. Họ sống tách biệt bao nhiêu có thể với thế giới bên ngoài. Trong xu thế phát triển, cộng với một số nhu cầu của Giáo hội như việc truyền giáo, hình thức cộng đoàn này sớm gặp những khó khăn. Kiểu cộng đoàn tự do có xu hướng thoáng hơn trong việc giữ luật nghiêm ngặt. Dĩ nhiên, các thành viên vẫn phải tuân giữ những quy định, nhưng nó không quá khắt khe như lúc trước. Áo dòng cũng đơn giản hoá hơn. Thậm chí, một số dòng đã không còn có tu phục riêng nữa. Đối với những dòng hoạt động tông đồ mạnh, mỗi người tự giữ giờ, cử hành phụng vụ tuỳ vào cá nhân. Yếu tố nối kết anh chị em với nhau trong cộng đoàn chính là vị bề trên. Cổng tu viện mở cửa cho tự do ra vào trong một khoảng thời gian nhất định nào đó và vì một lý do chính đáng nào đó. Các tu sĩ mở ra với thế giới hơn. Nguyên nhân cho sự ra đời của kiểu cộng đoàn này, ngoài lý do tông đồ, còn có thể là do chủ nghĩa cá nhân bừng dậy, người ta có xu hướng giải phóng con người.

Kiểu cộng đoàn truyền thống không phải không có những điều tốt đẹp của nó cũng như kiểu cộng đoàn tự do không phải không có những bất cập. Trong khi kiểu đời sống cộng đoàn tự do rất thích hợp cho các hoạt động tông đồ thì những yếu tố tích cực của kiểu cộng đoàn truyền thống vẫn còn được tuân giữ cho đến ngày nay và được xem là những yếu tố trụ cột của đời tu. Đánh mất nó, ơn gọi của người tu sĩ rất dễ bị ảnh hưởng. Cộng đoàn tông đồ tuy có những quy định nhằm hỗ trợ đắc lực cho công việc mục vụ, nhưng nếu không có đủ trưởng thành, người tu sĩ dễ bị lạc mất và quên đi căn tính tu sĩ của mình. Vấn đề đặt ra là phải làm sao để dung hoà hai yếu tố: truyền thống và thích nghi với thời đại. Cần phải luôn phản tỉnh để biết được đâu là cái phải giữ, đâu là cái thay đổi cho phù hợp mà bản chất đời tu vẫn được bảo tồn. Điều này rõ ràng là một thánh đố rất lớn mà các tu sĩ, đặc biệt là những vị bề trên, phải luôn bận tâm, mở ra với Thánh Thần để được hướng dẫn.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

dongten.net

Exit mobile version