GÓC SUY TƯ ĐỜI TU Đời sống chung

Đời sống chung

Ngạn ngữ Anh quốc có câu: “không ai là một hòn đảo”. Thật vậy, con người sinh ra đâu chỉ sống cho chính mình nhưng còn là sống cho, sống với người khác. Mọi việc cá nhân thực hiện đều có ảnh hưởng đến người khác.

Đời sống cộng đoàn là nét đặc trưng của đời sống tu trì. Nét đặc trưng ấy được thể hiện cách cụ thể qua đời sống yêu thương hiệp nhất trong cộng đoàn; và đó cũng là dấu chỉ cho người môn đệ của Đức Kitô (x. Ga 13,35). Khi sống yêu thương hiệp nhất thì cộng đoàn tu trì đã phát triển hết tất cả sự phong phú của mình. Thật vậy, khi ấy cộng đoàn sẽ không là cộng đoàn thuần túy nhân loại, không là một thực tại tầm thường nhưng mang tính thiêng liêng vì cộng đoàn ấy được tham dự vào mầu nhiệm tình yêu Ba Ngôi. Tuy nhiên để có thể xây dựng cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương, thiết nghĩ cần nhận diện được những thách đố đặt ra cho đời sống ấy. Trong viễn tượng ấy, bài viết dưới đây là những suy tư cá nhân về những khó khăn mà đời sống cộng đoàn có thể gặp phải dưới khía cạnh những tương quan (tự nhiên) trong cộng đoàn.

1.       

Đời sống cộng đoàn bắt nguồn từ mầu nhiệm Ba Ngôi. Chính Ba Ngôi là suối nguồn tình yêu. Tình yêu ấy được thể hiện trong tương quan Cha-Con-Thánh Thần. Người sống đời thánh hiến sẽ thông phần tình yêu ấy cách đặc biệt nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần và mỗi người chỉ có thể sống mầu nhiệm Ba Ngôi trong cộng đoàn khi yêu thương bằng chính tình yêu của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần được đổ xuống trong lòng: “vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Ngài đã ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Khi sống yêu thương là mỗi người được hiệp thông và góp phần họa lại mầu nhiệm ấy trong cộng đoàn. Bởi vì, một mặt đời sống cộng đoàn phải là họa ảnh của tình yêu Ba Ngôi giữa lòng trần gian, đồng thời, chính nếp sống cộng đoàn sẽ giúp mỗi thành viên sẽ sống đời tận hiến cách trọn hảo hơn. Vì thế, nhiệm vụ của người sống đời thánh hiến là sống và làm chứng cho tình yêu ấy chính nơi đời sống cộng đoàn của mình.

2.       

Không ít người thường quan niệm đời tu là một thiên đàng trần thế. Chính vì vậy mà nhiều người bước vào đời sống tu trì (cộng đoàn) với những đợi chờ từ hình ảnh một cộng đoàn lý tưởng trong tâm trí mình: mọi người sống yêu thương và hiệp thông trong tình huynh đệ từ đời sống tinh thần đến đời sống vật chất. Tuy nhiên, trong thực tế ngoài những người đã tìm được niềm vui, sự hiệp thông trong đời sống cộng đoàn, vẫn còn đó không ít người chỉ thấy nét tiêu cực và đời sống chung là một gánh nặng cho bản thân. Có thể nêu ra một số thực trạng: thiếu thống nhất trong cuộc sống và những tác động tiêu cực từ môi trường xã hội.

Thật vậy, nhiều người sống đời thánh hiến đã tách biệt đời sống cộng đoàn với việc mục vụ. Cuộc sống trong cộng đoàn như là một sự hiện diện thụ động, không “ăn nhập” với đời sống chung. Họ tự phân mảnh đời sống của họ, tách rời chính mình với đời sống cộng đoàn. Điều này gây ra những tác động tiêu cực đến từng cá nhân và cả cộng đoàn vì cuộc sống con người gồm nhiều phương diện: thể lý, đạo đức, tinh thần… những khía cạnh ấy hòa quyện chặt chẽ với nhau làm nên một tổng thể hữu cơ. Đời sống của một cá nhân chỉ triển nở khi họ chú ý phát triển đúng đắn và hài hòa mọi phương diện trong đời sống nhất là đời sống chung trong cộng đoàn.

Một thế giới năng động nhưng cô độc và trống vắng đang xâm nhập nhà tu. Xã hội hiện đại đa phức, bận bịu của cuộc sống, mê cung của các trào lưu làm người sống đời thánh hiến dễ bị phân mảnh và cuốn vào dòng chảy ấy với nguy cơ lạc mất chính mình. Người sống đời thánh hiến sẽ lạc mất chính mình và làm biến dạng đời sống yêu thương của cộng đoàn khi không chấp nhận mình và đón nhận nhau; khi không biết đối thoại và lắng nghe nhau; khi sống thờ ơ với nhau và không dành thời giờ quan tâm đến nhau.

3.       

Bước vào tu là bước vào hành trình sửa đổi để mỗi ngày nên tốt hơn. Tiến trình sửa ấy không phải ngày một ngày hai nhưng là suốt đời. Nhất là sửa trong đời sống chung vì mỗi người có những đặc điểm và lịch sử cá nhân khác nhau. Khi hiểu và chấp nhận của người khác, mỗi người sẽ trưởng thành và làm phong phú ơn gọi riêng của mình. Thật vậy, mỗi người đều có một nét đặc thù và khác biệt riêng về: tâm lý, văn hóa, tính tình, khả năng và mỗi người là một bông hoa với vị trí riêng trong cộng đoàn, góp phần làm nên vẻ đẹp chung của cộng đoàn sống đời thánh hiến. Cộng đoàn người sống đời thánh hiến cần đến sự đa dạng của các thành viên “không có sự chia rẽ trong thân thể, trái lại, các bộ phận đều lo lắng cho nhau” (1Cr 12,25). Nên điều tiên quyết là mỗi người cần phải đổi mới cách nhìn và lối sống để trở nên người đồng hành của nhau. Cụ thể, cần khiêm tốn chấp nhận chính mình và đón nhận anh chị em với tất cả con người của họ. Chấp nhận chính mình với những điểm yếu, khiếm khuyết và tập đón nhận cái yếu đuối của anh chị em. Những điểm giống nhau giúp hiểu nhau nhưng chính việc đón nhận những khác biệt giúp yêu thương và làm phong phú cho nhau. “Sự hiệp nhất và đa dạng kết hợp với nhau thành sự phong phú. Mỗi người mang những gì Thiên Chúa đã ban cho riêng mình để làm cho người khác trở nên phong phú… cộng đoàn như một dàn nhạc trong đó tất cả cùng chơi chung với nhau trong sự hòa hợp nhưng âm sắc của mỗi nhạc cụ không bị xóa bỏ mà trái lại đặc tính riêng của từng nhạc cụ sẽ đạt đến mức tối đa” (ĐGH Phanxicô, Yết kiến chung, ngày 09/10/2013).

Ngoài ra, mỗi thành viên cần ý thức giới hạn để cần sự trợ lực của người khác. Mỗi người có một nét độc sáng trong chương trình của Thiên Chúa. Cộng đoàn là những người tìm kiếm và kinh nghiệm về Thiên Chúa. Do đó, mỗi người đều cần sự trợ lực. Khi một người biết chấp nhận chính mình sẽ dễ dàng mở rộng tâm hồn đón nhận những trợ lực nơi anh chị em của mình.“Một nhân cách vững mạnh nhưng bình thản nhẹ nhàng, được xây dựng trên việc vui lòng chấp nhận sứ mạng độc nhất và giới hạn duy nhất của mình. Chỉ khi nào một người chấp nhận chính thực tại của mình thì mới thấy được bình an nơi chính mình.”(Adrian Van Kaam, C.S.Sp., Religion and Personality, New York: Englewood Cliffs, 1964; Nhân cách tôn giáo, Ngô Văn Vững dịch, trang 73-74). Khi ấy, mỗi người sẽ sống dưới và cho những đòi hỏi của ân sủng; biết lấy khuôn mẫu hành xử của Thiên Chúa với chính mình cư xử với anh chị em. Nhờ vậy, đời sống cộng đoàn sẽ trở nên phong phú và triển nở. Đức Giê-su là Thiên Chúa tương quan. Mỗi người được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nên con người cũng phải xây dựng chính mình qua mối tương quan ấy với Thiên Chúa và  tha nhân.“Đức tin là một cuộc gặp gỡ với Đức Giê-su và chúng ta phải làm điều Đức Giêsu đã làm là gặp gỡ người khác” (ĐGH Phanxicô, Lời huấn dụ dành cho các phong trào giáo dân, ngày 18/05/2013). Anh chị em là bước đầu để gặp gỡ Đấng Tình quân; và lắng nghe nhau là bước đầu để thiết lập mối tương quan với anh chị em trong cộng đoàn.

4.       

Sống tinh thần phục vụ và hăng say cho sứ vụ là đòi hỏi quan trọng nhưng đời thánh hiến đâu chỉ là như thế. Đời sống người thánh hiến trên hết và trước hết là sự gắn bó với Đức Kitô nên phải dành giờ để lắng nghe và gặp gỡ Người (x. Lc 10, 39) để rồi đến với anh chị em trong cộng đoàn. Tuy nhiên, do những ảnh hưởng khác nhau, người sống đời thánh hiến ngày càng khó ra đi để gặp gỡ anh chị em. Lý do có thể là nhiều người thường có thái độ nhìn anh chị em với cặp kính tối màu; hoặc việc “làm ngơ”, “bịt mắt bịt tai chẳng thèm nghe” xem như không có sự hiện diện của anh chị em trong cộng đoàn. Với thái độ như thế, người sống đời thánh hiến không thể hiệp thông. Khi ấy cộng đoàn nên như hỏa ngục và anh chị em là gánh nặng cho nhau.

Để phá vỡ tình trạng chiến tranh lạnh ấy, khả năng đối thoại và lắng nghe nhau là điều rất quan trọng. Đó là chiếc cầu để đi vào thế giới của người khác. “Phải đi ra luôn luôn! Chúng ta hãy làm điều này với tình yêu thương và dịu hiền của Thiên Chúa trong sự tôn trọng và kiên nhẫn”(ĐGH Phanxicô, Yết kiến chung, ngày 27/3/2013). Con người cần lắng nghe nhau hơn là nói. Vì thế mỗi người cần “một đôi tai thật to và một cái miệng nhỏ”. Bí quyết để đối thoại và lắng nghe hiệu quả là sự kiên nhẫn, quên mình, lắng nghe với cả con tim chân thành và đến với anh anh chị em với tất cả con người chứ không bằng những mặt nạ.“Tự bản thân con người là không hoàn hảo, con người cần phải có tương giao. Con người cần phải lắng nghe. Chỉ như vậy, con người mới có thể nhận biết chính mình, mới trở thành chính mình” (x. Bài nói chuyện của ĐGH Bê-nê-đi-tô, đăng trong bản tin tổng hợp trên trang web: hđgmvietnam.org ngày 28/2/2010).

5.       

Ngạn ngữ Anh quốc có câu: “không ai là một hòn đảo”. Thật vậy, con người sinh ra đâu chỉ sống cho chính mình nhưng còn là sống cho, sống với người khác. Mọi việc cá nhân thực hiện đều có ảnh hưởng đến người khác. Nếu quan tâm đến chính mình quá sẽ khiến người sống đời thánh hiến loại trừ tất cả khi đó đường về nhà Chúa với họ sẽ bị mất hút trong bụi cây ích kỷ. Thái độ quy ngã sẽ làm giảm bớt sự cởi mở và tham gia với anh chị em. Quả vậy, đời sống của mỗi thành viên phải mở rộng với thực tại và hiện diện đầy đủ với mọi người. Thần học gia Karl Rahner trong tác phẩm Doctrine anh Life, đã nói: “không thể có cảm nghiệm về Thiên Chúa, nếu không được một cảm nghiệm về thế giới làm trung gian. Cái là trung gian cho cảm nghiệm về Thiên Chúa chủ yếu là liên hệ của con người với những con người khác”. Nhiều người chỉ biết chăm chăm chú chú cho việc của riêng mình hơn là lo cho việc chung với phương châm “việc ai người ấy làm”. Vì bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cá nhân, con người ngày trở nên ích kỷ, nhiều cộng đoàn trở nên như nhà trọ; mỗi người chỉ biết đời sống riêng tư của mình và lao vào mọi thứ công việc dưới danh yêu thương và phục vụ vì cộng đoàn nhưng thật ra là chỉ đi tìm bản thân và làm theo ý mình. Đây là mối đe dọa hàng đầu cho sự hiệp thông trong cộng đoàn. Do đó, mỗi thành viên cần phải quan tâm đến anh chị em của mình. Vì đời sống cộng đoàn là một đời sống đặt trên sự tương quan: tương quan giữa cá nhân và cộng đoàn. Đó là một tương quan hai chiều và cả hai cùng hỗ tương cho nhau: “chúng ta liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể” (Rm 13,5).

6.       

Nhiều người sống đời thánh hiến có nguy cơ là tín đồ của “căn bệnh thờ ơ”: cùng sống trong cộng đoàn mà chẳng biết điều gì đang xảy ra với anh chị em và cộng đoàn. Trong cộng đoàn sẽ có những thành viên “yếu nhược về thể lý hoặc rã rời về tinh thần”. Nếu không quan tâm cộng đoàn sẽ “biến” họ trở thành những khách trọ hay những con chiên bị bỏ mặc, cô đơn và lạc lõng ngay chính trong cộng đoàn. Điều này khiến họ bị đẩy họ ra xa và sống tách biệt với cộng đoàn. Họ là những người cần được khích lệ và giúp đỡ nhất. Trớ trêu thay và nghịch lý thay! Bởi vì “Chính nhờ tình yêu của Thiên Chúa được đổ tràn trong tâm hồn chúng ta mà cộng đoàn tu trì khởi đầu và được xây dựng thành một gia đình thực sự, trong đó mọi người quy tụ với nhau nhân danh Chúa.” (Bộ Tu sĩ, Đời sống huynh đệ cộng đoàn, số 8).  Những thành viên khác cần quan tâm đến những anh chị em này cách đặc biệt để họ cảm thấy họ thuộc về cộng đoàn và tích cực trong việc xây dựng cộng đoàn qua việc kết hợp với Chúa Ki-tô chịu đau khổ. “Lắng nghe quan tâm câu chuyện của những người đang chịu đau khổ, nâng đỡ bước chân của những người không thể tự mình bước đi. Hãy gạt bỏ mọi hình thức ngạo mạn, hầu biết cúi xuống với tất cả những ai mà Thiên Chúa đã trao ban” (ĐGH Phan-xi-cô, Giáo hội giàu lòng thương xót, NXB Tôn giáo 2015, trang 106, bản dịch việt ngữ của Augustine Nguyễn Minh Triệu S.J).

Không chỉ với những anh chị em ấy, mà bệnh thờ ơ cũng xảy ra với chính những thành viên “bình thường” khác. Đôi khi, mỗi người chỉ “gặp” nhau trong công tác mà chưa gặp được chính con người của nhau. Người sống đời thánh hiến cần phải cân bằng giữa sứ vụ và đời sống cộng đoàn. Những công việc bên ngoài đã chiếm hết thời gian cho nhau và cho đời sống cộng đoàn. Khi ấy, các thành viên sẽ tham gia các sinh hoạt chung mang tính chiếu lệ. Sống như thế là xem thường tinh thần trách nhiệm với tập thể mình đang sống. Để xây dựng cộng đoàn phát triển, mỗi cá nhân cần phải hiện diện đích thực như những con người sống động, dấn thân với tất cả tâm hồn vào công việc và trách nhiệm chung trong cộng đoàn. Nếu không, người sống đời thánh hiến dễ rơi vào nguy cơ: có thể rất thành công trong công việc mục vụ nhưng lại mất đi căn tính của đời tu. Người viết thiển nghĩ: mỗi người cần phải tự vấn: tôi sẽ làm gì cho cộng đoàn chứ không phải cộng đoàn sẽ đem đến cho tôi điều gì?

 Kết luận

Chiều kích cộng đoàn là yếu tố quan trọng trong đời tu. Chiều kích này tuy phong phú tùy từng cộng đoàn nhưng cùng quy về một mục đích theo sát gót Đức Giêsu.  Thiếu yêu thương và hiệp nhất trong cộng đoàn tu trì sẽ làm cộng đoàn thiếu thuyết phục khi làm chứng tá cho tình yêu Chúa và sự sống động của Tin mừng. Do đó, mỗi thành viên trong cộng đoàn cần phải tích cực góp phần xây dựng đời sống cộng đoàn hiệp thông trong huynh đệ: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Cần phải phối hợp hài hòa và nhịp nhàng giữa sứ vụ và cộng đoàn. Trách nhiệm của mỗi thành viên trong cộng đoàn phải cố gắng cộng tác, xây dựng tích cực để bầu khí cộng đoàn tu trì trở nên đầm ấm và được tràn ngập tình huynh đệ hiệp nhất yêu thương. 

 

Felicitas

 

Exit mobile version