Đôi Mắt

88

Trong nhạc phẩm “Đôi mắt” của tác giả Xuân Hồng có câu: “Đôi mắt em là cửa sổ tâm hồn.”

Đôi mắt, không những là cửa sổ mà là cửa chính. Bởi, nhìn vào mắt của một người, ta có thể nhận biết được tâm trạng bên trong của người đó như thế nào? Vui hay buồn, giận dỗi, lo lắng hay âu sầu, thất vọng, oán hận, căm thù hay khoan dung, tha thứ,…

Tạ ơn Chúa đã ban cho tôi có đôi mắt, để tôi có thể ngắm nhìn vạn vật là công trình do Thiên Chúa tạo dựng. Một ngày sống, từ khi tôi mở mắt ra đến lúc khép mắt lại, tôi đã nhìn thấy biết bao vẻ đẹp của những cánh hoa sắc màu khác nhau, những cảnh vật tuyệt tác hiện hữu xung quanh cuộc sống, cả những sự kiện diễn tiến trong cuộc đời,… Tất cả là hồng ân.

Đôi mắt, cái nhìn, được trải dài trong Tin mừng, hầu như trang Tin mừng nào cũng vẽ lên rất rõ nét về những hình ảnh của đôi mắt. Ở đây, tôi chỉ xin được chia sẻ vài cảm nhận về đôi mắt nhân từ của Chúa Giêsu, đã cảm hóa tôi và không biết bao nhiêu con người được nói đến trong Tin mừng, hoặc trong cuộc sống hôm nay. Chỉ mong sao tôi và bạn mỗi ngày hãy dành thời gian để chiêm ngắm đôi mắt của Chúa thật nhiều. Càng nhiều càng tốt! Bởi điều đó, rất hữu ích cho cuộc đời của bạn và của tôi.

Câu chuyện hai môn đệ đi trên đường từ Giêrusalem trở về làng Emmau. Chắc hẳn, tâm trạng các ông mang trong tâm hồn là sự rối bời, vì những xáo động bên trong và bên ngoài. Hai ông vừa đi vừa trò chuyện, câu chuyện chẳng vui nên hiện rõ trên nét mặt buồn của các ông. Vừa lúc ấy, một vị khách lạ từ đâu bỗng xuất hiện cùng song hành với các ông. Người lạ mặt này chủ động hỏi: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Người hỏi đó, chính là Đức Giêsu, Vị Thầy của họ, ấy vậy sao họ lại không nhận ra? Đơn giản là vì từ trong suy nghĩ của họ: Đức Giêsu đã chết. Điều đó làm cho mắt họ bị ngăn cản không nhận ra Người. (Lc 24, 16) Và suốt quãng đường dài hai môn đệ giãi bày tâm sự, Thầy giải thích Kinh Thánh, những gì liên quan đến Người, thế nhưng các ông cũng không nhận ra tiếng của Người hoặc cách thức Người giảng dạy. Qua đây cho thấy: để thay đổi được con tim thì thay đổi não trạng thôi chưa đủ, nhưng phải được đổi thay cả “cái nhìn”. Cho đến lúc các ông nhìn thấy Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Lúc này mắt họ mới được mở ra và nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. (Lc 22, 30-31)

Cuộc sống hôm nay, chúng ta đang sống trong một thời đại nghe-nhìn. Những gì ta được nghe, được nhìn sẽ dễ dàng đi sâu vào con tim để cảm nhận, để sống.

Xin cho bạn và tôi luôn biết sử dụng đôi mắt Chúa ban để chiêm ngắm và ca ngợi tình thương của Thiên Chúa đã tạo tác nên ta. Hơn thế nữa, Ngài còn trở nên của ăn nuôi dưỡng cho chúng ta bằng Lời và bằng chính Máu Thịt Ngài nữa. Hãy dùng thời gian để chiêm ngắm đôi mắt yêu thương, nhân từ của Ngài dành cho chúng ta, bạn nhé!

Sr. Maria Thùy Linh

 MTG. Thủ Đức