Đời Ba

100

ĐỜI BA

“Mồ hôi cha ròng ròng nhỏ giọt

Con níu giọt mồ hôi đứng dậy thành người” 

Có lẽ suốt cuộc đời, tôi sẽ không thể đền đáp hết công ơn nuôi dưỡng, dạy dỗ của Ba, nhất là tình yêu ẩn sau sự hi sinh thầm lặng Ba dành cho tôi.

Năm Ba sinh ra, đất nước vẫn chưa giải phóng nên cuộc sống rất khổ cực. Khi Ba lên lớp mười một thì Bà Nội mất. Gia cảnh nghèo khó, Ba nghỉ học và sớm bươn chải giữa đời để mưu sinh.

Ba đi phụ hồ rồi quen và hỏi cưới Mẹ. Lúc cưới Mẹ, Ba chỉ có hai bàn tay trắng. Sinh hai anh em tôi, Ba Mẹ vẫn còn nghèo. Căn nhà lá vách gỗ Ba cùng Mẹ dựng lên để làm nơi ăn chốn ở. Trời mà đổ mưa là nhà tôi sẽ lênh láng nước. Nhà nghèo thế đấy nhưng chẳng bao giờ Ba Mẹ để anh em tôi phải chịu đói chịu khát. Có những lúc túng quá, Ba Mẹ nhường cả phần ăn của mình cho chúng tôi.

Năm tôi lên sáu, Mẹ sinh thằng út. Rồi năm tôi mười bốn tuổi, vì kinh tế gia đình khó khăn, Ba đổi sang làm nghề biển. Tôi không thích Ba làm nghề biển vì nghề biển rất nguy hiểm và Ba thường xuyên không ở nhà với anh em tôi vào buổi tối. Tôi thèm lắm không khí gia đình. Tối đến, khi thấy nhà hàng xóm quây quần bên nhau, tôi ước gì gia đình tôi cũng được như thế. Tôi ghen tị với những đứa trẻ hàng xóm. Tôi không hiểu tại sao Ba cứ giữ mãi cái nghề biển. Bây giờ, khi tôi lớn, tôi đã hiểu. Ba là trụ cột của gia đình. Ba mang trên vai trách nhiệm làm chồng, làm Ba và nghề biển giúp Ba chu toàn những bổn phận, trách nhiệm ấy.

Ba vất vả không ngại khó khăn gian khổ để lo cho cuộc sống gia đình. Thế mà, có lần tôi đã mặc cảm vì cái nghèo của gia đình với đám bạn. Tôi đã thầm nghĩ : “Giá như mình được sinh ra trong một gia đình giàu có thì tốt biết mấy !”. Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình thật tham lam và ích kỷ. Ba mà biết được những suy nghĩ này của tôi chắc Ba sẽ buồn lắm. Tôi thấy hổ thẹn vì đã không biết quý trọng tình thương Ba dành cho tôi. Ngay lúc này, tôi muốn nói với Ba rằng : “Ba ơi, con gái xin lỗi Ba. Con gái mong Ba đừng buồn, xin Ba tha thứ cho lối suy nghĩ thiếu hiểu biết và vô tâm của con”.

Cho đến bây giờ, Ba tôi vẫn làm nghề biển. Cuộc sống vất vả sớm hôm đã làm thân hình Ba vốn gầy lại càng gầy thêm. Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng năm giờ chiều, Ba lại ra khơi cho đến sáng hôm sau mới về. Tôi thương Ba vì lúc anh em tôi được ngủ yên trong chăn ấm nêm êm thì Ba đang phải khó nhọc đánh cá ngoài khơi gió lạnh và đầy nguy hiểm. Một đêm làm việc cực khổ khiến Ba mệt mỏi, đôi mắt đỏ hoe vì thiếu ngủ. Tôi không dám nhìn thẳng vào Ba vì tôi sợ Ba thấy tôi khóc. Tôi hay nhìn lén Ba khi Ba ngủ. Tôi nhìn kỹ từng nét trên khuôn mặt Ba : đôi mắt thâm quầng sau những đêm triền miên thức trắng, đôi tay chai cứng còng lưng kéo lưới, đôi chân nứt nẻ đầy sẹo. Tôi nhìn Ba, hai hàng nước mắt cứ lăn dài trên đôi má.

Ba đã sống và làm việc khổ cực hơn nửa đời người chỉ để lo cho gia đình, lo cho anh em tôi có được một mái ấm hạnh phúc, được ăn học tử tế. Tôi nhớ có lần Ba gọi anh em tôi lại và bảo : “Đời Ba đã khổ nhiều rồi. Ba không muốn các con cũng khổ như Ba. Ba Mẹ học ít nên không thể cho các con kiến thức. Ba sẽ cố gắng làm việc kiếm tiền nuôi các con ăn học. Các con ở nhà anh em bảo nhau cố gắng học hành để sau này có một tương lai tốt hơn”. Nghe những lời ấy của Ba, tôi thấy lòng nghẹn ngào. Tôi thầm nhủ với lòng : Mình phải cố gắng học thật giỏi, ngoan ngoãn để không phụ công nuôi dưỡng của Ba Mẹ.

Ba còn dạy tôi dù nghèo nhưng mình phải giữ chữ hiếu, chữ nghĩa, chữ nhân, chữ tín. Tôi luôn khắc sâu những lời dạy bảo của Ba vì đó là hành trang Ba giúp tôi sắm sửa để bước vào đời. Và cũng chính nhờ những lời dạy ấy của Ba đã hình thành nên nhân cách của tôi ngày hôm nay.

Các cụ trong xóm mỗi lần gặp tôi đều nói : “Cháu nhờ đức Ba cháu nay !”. Ba là niềm tự hào của tôi. Tôi ghi khắc trong trái tim mình công ơn sinh thành, dưỡng dục và tình thương của Ba. Tôi đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để bộc lộ tấm lòng của tôi với Ba. Nhưng lần này tôi quyết lấy hết can đảm đến bên thì thầm vào tai Ba : “Ba ơi, Ba thật tuyệt vời”.

 

Sắc tí

Thanh tuyển viện MTG. Thủ Đức