Tin Giáo hội Giáo huấn “Dốc đổ chính mình” là con đường của cuộc sống kitô

“Dốc đổ chính mình” là con đường của cuộc sống kitô

“Dốc đổ chính mình” là con đường của cuộc sống kitô

Cái luận lý của loài người là tìm kiếm quyền bính, thống trị, các phương tiện mạnh mẽ, mà không biết rằng việc thực hiện tràn đầy chính mình là ở nơi thái độ ”dốc đổ chính mình”. Đó là con đường Chúa Giêsu Kitô đã chỉ cho chúng ta.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với 9.000 tín hữu hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua trong đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trình bầy ý nghĩa bài thánh thi kitô học trong chương 2 thư thánh Phaolô gửi tín hữu Philiphê. Đây là bức thư thánh nhân viết cho tín hữu từ trong tù, có lẽ tại Roma. Người cảm thấy cái chết gần kề vì khẳng định rằng sự sống của người sẽ được dâng lên như hy lễ (Pl 2,17). Tuy đang phải sống trong tình trạng nguy hiểm tới sự an toàn thể lý như thế, nhưng trong toàn thư thánh nhân bầy tỏ niềm vui được là môn đệ của Chúa Kitô, được đi găp Người, cho tới chỗ coi cái chết như là một lợi lộc, chứ không phải là một sự mất mát. Chính vì thế trong chương cuối cùng của thư, thánh nhân mời gọi tín hữu hãy vui lên: ”Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4,4). Làm sao mà có thể vui trước án tử hình gần mkề như vậy? Làm sao Thánh Phaolô đã kín múc được sự thanh thản, sức mạnh, lòng can đảm bước đi gặp sự tử đạo và đổ máu như thế?

Câu trả lời ở trong phần chính giữa của thư, mà truyền thống kitô thường gọi là ”bài ca của Chúa Kitô”, hay đúng hơn là bài thánh thi kitô học trình bày các tâm tình của Chúa Kitô, nghĩa là kiểu suy tư và thái độ sống cụ thể của Chúa. Đức Thánh Cha nói:

Lời cầu nguyện này bắt đầu với một lời khích lệ: ”Anh em hãy có những tâm tình của chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2,5). Các tâm tình ấy được trình bầy trong các câu tiếp theo: tình yêu thương, sự quảng đại, lòng khiêm nhường, sự vâng phục Thiên Chúa, việc trao ban chính mình. Đây không phải chỉ là theo gương Chúa Giêsu như là theo một luân lý, nhưng là liên lụy toàn cuộc sống theo kiểu suy tư và hành xử của Người. Lời cầu nguyện phải dẫn tới một sự hiểu biết và kết hiệp tình yêu ngày càng sâu xa hơn với Chúa, để có thể suy nghĩ, hành động và yêu thương như Người trong Người và cho Người. Tập cho có các tâm tình của Chúa Giêsu là con đường đời sống kitô.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích một vài yếu tố của bài thánh thi súc tích tóm gọn toàn lộ trình cuộc sống là Thiên Chúa và là Người của Con Thiên Chúa, và cũng bao gồm toàn lịch sử nhân loại: từ trong điều kiện là Thiên Chúa cho tới khi nhập thể, cho tới cái chết trên thập giá và được nâng cao trong vinh quang của Thiên Chúa Cha; phần nào đó nó cũng là thái độ của Ađam, của con người vào lúc khởi đầu.

Bài thánh ca khởi đầu từ lúc Chúa Kitô còn trong hình thể của Thiên Chúa hay đúng hơn còn trong điều kiện của Thiên Chúa. Đức Giêsu, Thiên Chúa thật và Người thật, không sống bản thể là Thiên Chúa của người để chiến thắng hay áp đặt quyền tối thượng của Người. Người không coi nó là một sự chiếm hữu, một đặc ân, một kho tàng cần gìn giữ cẩn trọng. Trái lại, Người ”lột bỏ”, Người ”dốc đổ chính mình”, bằng cách mặc lấy ”hình thể của nô lệ”, thực tại nhân loại bị ghi dấu bởi khổ đau, nghèo nàn và cái chết. Người đã trở nên hoàn toàn giống con người, ngoại trừ tội lỗi, để sống như tôi tớ hoàn toàn tận hiến cho việc phục vụ người khác. Liên quan tới điều này Đức Giám Mục Eusebio thành Cesarea sống hồi thế kỷ thứ IV đã khẳng định rằng: ”Người đã mang trên mình các mệt nhọc của các chi thể khổ đau. Người đã biến các bệnh tật hèn hạ của chúng ta thành của Người. Người đã đau khổ và chao đảo vì chúng ta: phù hợp với tình yêu thương cao cả của Người đối với nhân loại” (La dismostrazione evangelica, 10,1,23).

Thánh Phaolô miêu tả sự dốc đổ ấy như sau: ”Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến chết” (Pl 2,8). Con Thiên Chúa đã trở thành người thật, và đã đi trọn lộ trình trong sự vâng phục hoàn toàn và trung thành với ý muốn của Thiên Chúa Cha, cho tới hiến tế tột đỉnh sự sống của mình. Còn hơn thế nữa ”cho tới chết và chết trên thập giá”. Trên thập giá Đức Giêsu đã đạt tột định sự nhục nhã, bởi vì đóng đinh là hình phạt dành cho nô lệ chứ không phải cho người tự do.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Trong thập giá Chúa Kitô con người được cứu chuộc, và kinh nghiệm của Ađam bị đảo ngược: Adam đã được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, đã yêu sách trở nên như Thiên Chúa từ sức mạnh riêng của mình, yêu sách thay thế Thiên Chúa và như thế đã đánh mất đi phẩm giá ban đầu được ban cho ông. Đức Giêsu, trái lại, đã ở trong điều kiện của Thiên Chúa, nhưng đã tự hạ mình và dìm mình trong điều kiện của con người, trong sự trung thành hoàn toàn với Thiên Chúa Cha để cứu chuộc Ađam ở trong chúng ta và trao trả lại cho con người phẩm giá đã đánh mất. Các giáo phụ nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu đã vâng lời bằng cách trả lại cho bản tính nhân loại qua nhân tính và sự vâng phục của Người, điều đã bị mất bởi sự bất tuân phục của Ađam.

Trong lời cầu nguyện, trong tương quan với Thiên Chúa, chúng ta mở tâm trí và ý chí cho hành động của Chúa Thánh Thần để bước vào trong chính sự năng động của sự sống, như thánh Cirillo thành Alessandria mà chúng ta mừng lễ hôm nay khẳng định: ”Công trình của Thần Khí tìm biến đổi chúng ta qua ơn thánh thành bản sao toàn vẹn sự hạ nhục của Người” (Lettera Festale 10,4). Cái luận lý của loài người, trái lại, thường tìm kiếm việc thực hiện chính mình trong quyền bính, trong thống trị, trong các phương tiện mạnh mẽ. Con người tiếp tục muốn xây dựng với sức mạnh của riêng mình cái tháp Babel, để tự mình đạt tới độ cao của Thiên Chúa, để như Thiên Chúa. Đức Thánh Cha giải thích sự thành đạt trong nhãn quan linh đạo dốc đổ chính mình của Chúa Giêsu như sau:

Sự Nhập thể và Thập giá nhắc cho chúng ta biết rằng việc thực hiện tràn đầy chính mình là ở trong việc làm cho ý muốn nhân loại của mình phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa Cha, trong việc dốc đổ chính mình khỏi ích kỷ, để làm cho mình được tràn ngập tình yêu, lòng bác ái của Thiện Chúa, và như thế thực sự có khả năng yêu thương tha nhân.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Trong phần thứ hai của bài thánh thi kitô học của thư gửi tín hữu Philiphê, thánh Phaolô miêu tả hành động của Thiên Chúa Cha đối với Đức Giêsu: ”Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,9). Đấng đã tự hạ thẳm sâu bằng cách nhận lấy thân phận nô lệ được Thiên Chúa Cha nâng cao trên mọi sự, và ban cho danh hiệu ”Kyrios”, Chúa. Đó là chính tên gọi của Thiên Chúa trong Thánh Kinh Cựu Ước; trước danh hiệu đó ”mọi gối phải bái qùy cả trên trời dưới đất và để tôn vinh Thiên Chúa Cha mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,10-11).

Đức Giêsu được nâng cao ở đây cũng là Đức Giêsu trong Bữa Tiệc Ly đã cởi áo ngoài, thắt lưng, rửa chân cho các Tông Đồ và hỏi họ: ”Các con có hiểu điều Thầy đã làm cho các con không? Các con gọi Thầy là Thầy là Chúa, và các con nói phải, vì qủa thật Thầy là Thầy và là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,12-14). Đây là điều quan trọng cần luôn luôn ghi nhớ trong lời cầu nguyện và đời sống của chúng ta: ”Việc lên cao với Thiên Chúa xảy ra chính trong việc hạ mình phục vụ, trong việc hạ mình trong tình yêu, là điều cốt tủy của Thiên Chúa và như thế chính là sức mạnh thanh tẩy thực sự khiến cho con người có khả năng nhận thức và trông thấy Thiên Chúa” (Đức Giêsu thành Nagiarét, Milano, 2007, tr.120)

Tiếp đến Đức Thánh Cha rút tỉa ra hai điểm quan trọng đối với lời cầu nguyện. Thứ nhất là lời khẩn nài ”Chúa” hướng tới Chúa Giêsu Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa Cha: chính Người là Chúa duy nhất của cuộc sống chúng ta, giữa biết bao nhiêu ”người thống trị” muốn chỉ đường và hướng dẫn nó. Vì thế cần có một bậc thang giá trị, trong đó chỗ nhất phải dành cho Thiên Chúa.

Thứ hai là sự phủ phục, quỳ gối, ám chỉ sự thờ lậy. Qùy gối trước Mình Thánh Chúa hay quỳ gối cầu nguyện diễn tả thái độ thờ lậy trước mặt Thiên Chúa, cả với thân xác. Vì thế cần ý thức được tầm quan trọng của việc quỳ gối, không phải vì thói quen nhưng với ý thức. Khi chúng ta quỳ gối trước mặt Chúa, chúng ta tuyên xưng đức tin của mình nơi Người, chúng ta thừa nhận rằng Người là Chúa duy nhất cuộc đời chúng ta.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc mọi người những ngày hành hương và nghỉ hè tươi vui bổ ích. Sau cùng ngài cất kinh Lay Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

RadioVatican

Exit mobile version