Đoản Xuân ca
Xuân dài hay ngắn? Chẳng ai biết. Dài cũng là mùa Xuân, ngắn cũng là mùa Xuân. Khoảng thời gian vẫn thế, chẳng ai là phàm nhân có thể thay đổi được.
Mùa Xuân dài hay ngắn, tùy theo cách cảm nhận của con người. Người vui thấy mùa Xuân dài, người buồn thấy mùa Xuân ngắn. Nhưng ngắn hay dài cũng không phải là “thước đo” nỗi vui hay buồn. Dài chưa chắc là vui, và ngược lại. Ngắn chưa chắc là buồn, và ngược lại.
Với NS Thanh Sơn (1), không biết ông vui hay buồn, nhưng cách nhìn của ông là mùa xuân “không dài”, nghĩa là “mùa Xuân ngắn”. Có lẽ vì thế mà ông viết ca khúc “Đoản Ca Xuân”, nghĩa là “bài ca ngắn của mùa Xuân”.
Ca khúc này được viết ở âm thể Trưởng, với nhịp 2/4 và tiết tấu nhanh, nghe thật rộn ràng. Tiết tấu “không lạ”, không hề đảo phách hoặc nghịch phách, nhưng người nghe vẫn cảm thấy có cái gì đó “khác”. Đó là kiểu cách tân của nhạc sĩ. Âm nhạc chỉ có 7 nốt, với các dạng biến tấu là các dấu thăng hoặc dấu giáng, nhưng vẫn chỉ là 7 nốt. Trường độ nốt nhạc cũng chỉ phổ biến là nốt trắng, nốt đen, nốt móc đơn hoặc móc đôi, nhưng cách kết hợp khéo léo có thể chứng tỏ tài năng của nhạc sĩ.
Ông giới thiệu mùa Xuân rất bình thường, hoàn toàn tự nhiên: “Nghe Xuân sang thấy trong lòng mình chứa chan, tiếng pháo vui vang đó đây ôi rộn ràng, kìa mùa Xuân đang đến trước thềm, gần xa điệu nhạc Xuân đến, như bước chân tô đẹp thêm”.
Cái “lạ” là nhạc sĩ “nghe” được mùa Xuân sang và “thấy” mùa Xuân ở ngay trước thềm nhà. Chưa ai “thấy” mùa Xuân thế nào chứ đừng nói “nghe”, thế nhưng điều ông nói ra vẫn rất thật. Thế mới lạ. Thực ra “nghe” hoặc “thấy” cũng chỉ là cảm giác, chứ Xuân vẫn là Xuân, tết vẫn là Tết, không hề khác, khác là do con người mà thôi. Xuân là cái không-mà-có, và là cái có-mà-không. Đó là triết-lý-thật trong cuộc sống loài người.
Có khả năng cảm nhận được mùa Xuân nên ông vừa tâm sự với mùa Xuân vừa mời gọi mọi người mừng Xuân: “Xuân ơi Xuân vẫn muôn đời yêu mến Xuân, nhấp chén vui ta chúc nhau ly rượu mừng”. Mừng nhau bằng những điều rất thực tế: “Ngày đầu năm hạnh phúc phát tài, người người gặp nhiều duyên may, Xuân thắm tươi hương nồng say”. Say men rượu, say men tình nghĩa, say men hạnh phúc. Đó là tận hưởng mùa Xuân, dù giàu hay nghèo cũng như nhau thôi.
Ai cũng phải làm việc để sống, nhưng đáng thương là những người phải tha phương cầu thực: “Ai xuôi ngược trên khắp nẻo quê hương, nhớ quay về vui đón mùa Xuân yêu thương”. Người không đi xa thì cũng khó cảm thấy cảm giác “trở về”, nhưng người đã từng đi xa mới hiểu được thế nào là niềm vui “về sum họp”, nhất là vào những ngày Xuân – những ngày thực sự linh thiêng. Cảm giác đó rất rõ rệt: “Lòng dạt dào hồn Xuân nao nao, thật tuyệt vời mùa Xuân thanh cao, ta chúc nhau những gì đẹp nhất lòng nhau”. Tất nhiên lời chúc nhau an lành vẫn là lời chúc tốt đẹp nhất trong mùa Xuân dành cho nhau.
Không ai nghe được âm thanh mùa Xuân thế nào, chẳng ai thấy được vóc dáng mùa Xuân ra sao, nhưng ai cũng cảm nhận được mùa Xuân. Thế mới lạ. Nhưng điều đó rõ ràng như ban ngày: “Đôi uyên ương sánh vai nhịp nhàng thắm xinh, dưới nắng Xuân trông bướm hoa đang tỏ tình”. Tình yêu không chỉ đơn thuần là tình yêu đôi lứa, mà còn là tình người, tình đồng loại, tình phu thê, tình phụ tử, tình mẫu tử, tình huynh đệ, tình bằng hữu, tình láng giềng, tình xóm làng,…
Cuộc đời tuy nhiều gian khổ nhưng vẫn may mắn. Tại sao? Vì “còn mùa Xuân đem vui đất trời, còn nụ cười nở trên môi”, do đó mà “nhân thế luôn mong đợi Xuân”. Một câu kết thật hay. Đó là sự mong chờ chan chứa niềm hy vọng, nghĩa là còn cảm thấy hạnh phúc đang “chảy” trong châu thân, trong chính huyết quản và tâm hồn mình. Xin cảm ơn cuộc đời, xin cảm ơn con người, xin cảm ơn tất cả!
Dù là “Đoàn Ca Xuân” nhưng thực ra có thể nói là “Trường Ca Xuân”, vì mùa Xuân tuy ngắn mà lại rất dài, nếu mùa Xuân không dài thì người ta không thể nào tiếp tục sống được. Cách diễn tả mùa Xuân của NS Thanh Sơn thật khéo léo, và cũng thật khiêm nhường!
Âm nhạc thật kỳ diệu, nó có thể biến người ta đang buồn thành vui, đang vui thành buồn. Âm nhạc là quốc tế ngữ, ai cũng có thể hiểu theo cảm nhận riêng mình, đồng thời cũng có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực (2). Âm nhạc cũng có sứ vụ riêng, như danh nhân Nguyễn Trãi đã xác định: “Dùng nhạc không phải để vui chơi, mà chính là để uốn nắn lòng người và chăm lo đời sống”. Thật vậy, âm nhạc cần lắm, chứ không đơn giản như người ta tưởng!
Mùa Xuân dài hay ngắn cũng vẫn là Xuân, cuộc đời cũng vậy, sống lâu hay mau (đời dài hay ngắn) cũng vẫn là cuộc đời, tức là cuộc sống tùy vào “chiều sâu” chứ không tùy vào “chiều dài”.
Âm nhạc không chỉ quan trọng trong cuộc sống mà còn quan trọng trong các nghi lễ tôn giáo, cách riêng đối với Công giáo. Nhạc Bình Ca được Giáo hội Công giáo đề cao, người tiên phong là ĐGH Grêgôriô. Thánh Phaolô cũng khuyên: “Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng” (Cl 3:16).
Nói đến âm nhạc thì không thể không nhắc tới nhạc sĩ, nhưng nhạc sĩ thường là người bị lãng quên. Sách Khải huyền cũng nhắc tới nhạc sĩ 2 lần: “Tôi nghe thấy tiếng từ trời như tiếng nước lũ, như tiếng sấm lớn. Tiếng tôi nghe thấy tựa hồ tiếng những nhạc sĩ vừa gảy đàn vừa hát” (Kh 14:2), và “Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn nghe tiếng nhạc sĩ gảy đàn, ca hát, thổi sáo và thổi kèn” (Kh 18:22). Như vậy, đâu phải là “xướng ca vô loài” như người ta vẫn “kết tội” cho những người có “máu nhạc”!
Điển hình là xưa nay âm nhạc vẫn luôn được sử dụng trong các giờ phụng vụ, đặc biệt là trong các Thánh lễ. Cuộc đời có thể là đoản ca Xuân hoặc trường ca Xuân, nhưng chắc chắn rằng Thiên Chúa là Trường Ca Xuân.
TRẦM THIÊN THU
Tất niên Nhâm Thìn – 2012
_____________________________
(1) Nhạc sĩ Rulance (Pháp) đã sáng tác bản nhạc “Ngày Chủ Nhật Đen” (Black Sunday) vào năm 1932. Sau được đổi tên là “Lời Mời Của Ma Quỷ”. Nó tồn tại 13 năm và đã khiến hơn 100 thính giả tìm đến chốn Tây Thiên (chết, tự tử). Chưa nhà soạn nhạc hoặc chuyên gia tâm lý nào lý giải nổi tại sao ai nghe xong bản nhạc đó đều muốn chết. Các đài phát thanh và truyền hình Anh, Mỹ, Pháp và Tây ban nha đã phải tổ chức hội thảo đặc biệt để kêu gọi các nước Âu Mỹ ngăn chặn sự lan tràn của bản nhạc này. Mãi đến năm 1945, “Lời Mời Gọi Của Quỷ” mới bị hủy. NS Rulance hối hận và nói: “Không ngờ tác phẩm của con lại làm cho đồng loại đau khổ đến thế. Xin Chúa trừng phạt con ở thế giới bên kia”. Dù bản nhạc đó có ma lực kỳ diệu đến thế, nó vẫn là một kiệt tác, và hẳn ai cũng phải công nhận rằng NS Rulance thực sự là một tài năng đặc biệt, vĩ đại, phi thường và xuất chúng.
(1) NS Thanh Sơn sinh ngày 1-5-1938 tại Sóc Trăng, là con thứ mười trong một gia đình có 12 anh chị em. tên thật Lê Văn Thiện. Ông được biết đến từ thập niên 1960 với những ca khúc trữ tình nói về tuổi học trò, khoảng thời gian sau, ông nổi tiếng là “nhạc sĩ của miền Tây” với những bài nhạc mang âm hưởng dân ca Nam bộ và với dòng nhạc Boléro.
Ông lớn lên ở Sóc Trăng, với một lòng ưa thích ca hát. Ông học nhạc từ hồi tiểu học với thầy NS Võ Đức Phấn (em ruột NS Võ Đức Thu). Năm 1955, thầy Phấn mất, ông lên Saigon học nhạc với thầy NS Lê Thương và nuôi ước mơ trở thành ca sĩ. Tại Saigon, ông đã phải làm nhiều công việc như làm thuê, ở mướn,…
Năm 1959, ông đăng ký tham dự cuộc tuyển lựa ca sĩ của Đài Phát Thanh Saigon và đoạt giải nhất. Ban giám khảo cuộc thi đó có những tên tuổi như Dương Thiệu Tước, Võ Đức Thu, Thẩm Oánh, Nghiêm Phú Thi. Sau khi đoạt giải, ông được mời đi hát trong ban Tiếng Tơ Đồng của NS Hoàng Trọng.
Sau khi đã là ca sĩ, ông mày mò học sáng tác nhạc với cuốn “Để Sáng Tác Một Ca Khúc” của NS Hoàng Thi Thơ. Những người giúp đỡ ông trong giai đoạn này có các NS Hoàng Trọng, Nguyễn Hiền, Văn Phụng,…
Ca khúc đầu tiên của ông là “Tình Học Sinh”, viết năm 1962, tuy nhiên chẳng được lưu ý. Đến năm sau, “Nỗi Buồn Hoa Phượng” ra đời và trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về mùa hè thời đó. Tiếp theo là những ca khúc viết về đề tài học sinh: Ba Tháng Tạ Từ, Màu Áo Hoa Phượng, Lưu Bút Ngày Xanh, Hạ Buồn, Phượng buồn, Ve Sầu Mùa Phượng,… Ngoài ra còn có các nhạc phẩm trữ tình: Mùa Hoa Anh Đào, Nhật Ký Đời Tôi, Trả Lại Thời Gian, Thương Ca Mùa Hạ, Thương Về Cố Đô, Vầng Trán Suy Tư, Gởi Cố Nhân Đôi Lời,… Các ca khúc này được nhiều tầng lớp khán giả đón nhận.
Năm 1963, ông bỏ hẳn nghề ca sĩ để chuyên tâm sáng tác. Từ năm 1973, nhạc của ông bắt đầu chuyển hướng sang đề tài quê hương. Từ thập niên 1990, những ca khúc mang âm hưởng dân ca của ông được đón nhận, gợi mở cho ông một hướng sáng tác mới đó là tiếp tục khai thác chất liệu dân ca Nam bộ. Nhạc của ông lúc này chú trọng về ca từ, trong bài có nhiều âm sắc, phương ngữ đặc trưng Nam bộ. Nhiều bài hát trong giai đoạn này trở nên rất nổi tiếng như Hình Bóng Quê Nhà, Hành Trình Trên Đất Phù Sa, Bạc Liêu Hoài Cổ, Áo Trắng Gò Công, Gợi Nhớ Quê Hương, Hương Tóc Mạ Non, Non Nước Hữu Tình,…
Từ năm 2000, ông làm phụ trách biên tập chương trình cho Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông. Năm 2007, kỷ niệm sinh nhật 69 của NS Thanh Sơn, Nhà hát TPHCM đã tổ chức đêm nhạc mang tên ông. Năm 2009, ông có sang Hoa Kỳ để thực hiện cuộc phỏng vấn với Thúy Nga Paris By Night. Qua nhiều giai đoạn, ông đã viết trên 500 bài hát với nhiều bài trở nên quen thuộc trong công chúng.
Năm 2011 ông bị tai biến mạch máu não khi đang tham gia cùng trung tâm Thúy Nga thực hiện cuốn Paris By Night với chủ đề “Tình Sử Trong Âm Nhạc Việt Nam”. Sau một thời gian điều trị, ông qua đời lúc 14 giờ 30 ngày 4-4-2012 tại Saigon. Theo ý nguyện của NS Thanh Sơn lúc sinh thời, gia đình cùng thân bằng quyến thuộc đã đưa tiễn linh cữu ông về an táng tại đường nghệ sĩ của Hoa Viên Nghĩa Trang Bình Dương, thuộc xã Chánh Phú Hoà, huyện Bến Cát, Bình Dương, vào sáng ngày 9-4-2012.