Càng về cuối Năm Phụng Vụ, Lời Chúa càng xoáy sâu vào chủ đề Tận Thế, hướng tới Ngày Cánh Chung, ngày Chúa Giêsu Kitô tái lâm để xét xử công minh theo cách sống của mọi người – bất luận nam, phụ, lão, ấu.
Dĩ nhiên Ngài cũng chẳng phân biệt hoặc cần biết đó là ai: “Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử” (1 Pr 1:17a). Đó là điều chúng ta phải tự biết “liệu hồn” mà chấn chỉnh cách sống: “Anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này” (1 Pr 1:17b).
Trong cuộc sống có rất nhiều cái cuối cùng: Cuối bữa ăn, cuối buổi họp, cuối cuộc chơi, cuối giờ học, cuối giờ giải lao, cuối ngày, cuối tháng, cuối năm, và đặc biệt là… cuối đời. Nói đến tận thế và sự chết không phải là nói chuyện xui xẻo, mà là tỉnh thức, là khôn ngoan đấy.
Có đầu thì có cuối. Đơn giản như sợi dây cũng có hai đầu. Cuộc sống có sinh và có tử. Sinh ra được coi là vui, nhưng thực ra là buồn. Không buồn sao ai sinh ra cũng khóc? Chết là được coi là buồn nhưng lại là vui, vì “chết là thoát khỏi quyền của tội lỗi” (Rm 6:7). Vả lại, Thiên Chúa đã minh định để củng cố đức tin của chúng ta: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng” (Kh 22:13).
Đừng bao giờ “vô tư” mà cho rằng ngày đó còn xa. Đoạn cuối có thể là cái chết của chính mỗi chúng ta, bất cứ lúc nào, thậm chí có thể ngay bây giờ – như Tv 103, câu 15-16, “ngậm ngùi” cho biết:
Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi
Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng
Một cơn gió thoảng là xong
Chốn xưa mình ở cũng không biết mình
Cuối năm, cuối tháng, cuối ngày. Đó là lúc thuận tiện để chúng ta tự nội soi chính mình bằng Tia X Siêu Nhiên…
Trước tiên, hãy ghi nhớ cách Thiên Chúa xét xử: “Người phận nhỏ được thương tình miễn thứ, kẻ quyền thế lại bị xét xử thẳng tay. Chúa Tể muôn loài không bao giờ vị nể, kẻ quyền cao chức trọng, Người cũng chẳng kiêng dè. Sang hay hèn đều do Người tạo tác, đều được Người chăm sóc hệt như nhau, nhưng kẻ quyền cao sẽ bị tra vấn nghiêm nhặt” (Kn 6:6-7).
Cũng đừng làm ngơ lời nhắn nhủ của Thánh Phêrô: “Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử. Vậy nếu anh em gọi Người là Cha, anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này” (1 Pr 1:17). Đặc biệt hơn, chính nhóm Pha-ri-sêu và phe Hê-rô-đê là những người không ưa Chúa Giêsu, chỉ tìm cách gài bẫy Ngài, nhưng họ cũng phải công nhận: “Chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta” (Mt 22:16).
Rõ ràng Thẩm Phán Giêsu rất THẲNG THẮN. Vì thế, chớ có ai ngu xuẩn mà ảo tưởng về mình thế này hay thế nọ!
Về cuộc quang lâm của Chúa Giêsu, Thánh Mátthêu cho biết: “Nếu người ta bảo anh em: ‘Này, Người ở trong hoang địa’, anh em chớ ra đó; ‘Kìa, Người ở trong phòng kín’, anh em cũng đừng tin. Vì, như chớp loé ra từ phương đông và chiếu sáng đến phương tây thế nào thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy. Xác chết nằm đâu, diều hâu tụ đó” (Mt 24:26-28).
Thánh Luca gọi ngày đó là “Ngày của Con Người” và cho biết: “Người ta sẽ bảo anh em: ‘Người ở kia kìa!’ hay ‘Người ở đây này!’, anh em đừng đi, đừng chạy theo. Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người” (Lc 17:23-24).
Về hiện tượng Ngày Tận Thế, Thánh Mátthêu cho biết: “Ngay sau những ngày gian nan ấy, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ, dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời; bấy giờ mọi chi tộc trên mặt đất sẽ đấm ngực và sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời kia” (Mt 24:29-31).
Tương tự, Thánh Máccô cũng cho biết: “Trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời” (Mc 13:24-27).
Còn Thánh Luca cho biết chi tiết: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21:25-28).
Cảnh tượng vô cùng khủng khiếp, hơn hẳn những cảnh tượng khủng khiếp mà chúng ta đã từng thấy, ai cũng cảm thấy “sợ đến hồn xiêu phách lạc” kia mà. Vì thế mà ai cũng phải chuẩn bị, tức là phải “canh thức và sẵn sàng”.
Thánh Mátthêu mô tả: “Quả thế, thời ông Nô-ê thế nào thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại” (Mt 24:37-41 – tương đương Mc 13: 32-37; Lc 17:26-30, 35-36).
Một lần nọ, khi Đức Giêsu ngồi trên núi Ô-liu, đối diện với Đền Thờ, các ông Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê tỉ tê hỏi nhỏ Sư Phụ: “Xin Thầy nói cho chúng con biết bao giờ các sự việc ấy sẽ xảy ra, và khi tất cả sắp đến hồi chung cục, thì có điềm gì báo trước?” (Mc 13:4).
Chúa Giêsu căn dặn họ: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị người ta lừa gạt. Sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘Chính Ta đây!’, và họ sẽ lừa gạt được nhiều người. Khi anh em nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã, thì đừng khiếp sợ. Những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là chung cục. Quả thế, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có động đất ở nhiều nơi, sẽ có những cơn đói kém. Những sự việc ấy là khởi đầu các cơn đau đớn” (Mc 13:5-8).
Chúa Giêsu cho biết thêm: “Khi anh em thấy Đồ-Ghê-Tởm-Khốc-Hại đứng ở nơi nó không được phép đứng, bấy giờ ai ở miền Giu-đê thì hãy trốn lên núi; ai ở trên sân thượng thì đừng xuống và đừng vào lấy gì ra khỏi nhà; ai ở ngoài đồng, đừng trở lại lấy áo choàng của mình. Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó! Anh em hãy cầu xin cho điều ấy đừng xảy ra vào mùa đông. Vì những ngày đó sẽ là những ngày gian nan đến mức từ lúc khởi đầu, khi Thiên Chúa tạo thành vạn vật cho đến bây giờ, chưa khi nào xảy ra và sẽ không còn xảy ra như vậy nữa. Nếu Chúa không rút ngắn những ngày ấy lại, thì không ai được cứu thoát; nhưng vì những kẻ Người đã tuyển chọn, Người đã rút ngắn những ngày ấy lại. Bấy giờ, nếu có ai bảo anh em: “Này, Đấng Kitô ở đây! Kìa, Đấng Kitô ở đó!”, anh em đừng có tin. Thật vậy, sẽ có những kitô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, làm những dấu lạ và những việc phi thường, để lừa gạt những người đã được tuyển chọn, nếu có thể. Phần anh em, hãy coi chừng: Thầy đã báo trước tất cả cho anh em!” (Mc 13:14-23).
Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn Cây Vả: “Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần.29 Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi.30 Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.31 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.32 “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay Người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13:28-32).
Thánh Gioan cho biết: “Khi Con Chiên mở ấn thứ bảy, cả trời yên lặng chừng nửa giờ…” (Kh 8:1). Sau đó là bảy thiên thần lần lượt thổi loa.
Thánh Gioan cũng cho biết điều gì xảy ra sau khi từng chiếc kèn được thiên thần trổi lên. Đợt một (Kh 8:7-13) là bốn tiếng kèn:
– Tiếng kèn thứ nhất nổi lên. Mưa đá và lửa, hoà với máu trút xuống đất. Một phần ba mặt đất bị thiêu huỷ, một phần ba cây cối bị thiêu huỷ, và tất cả cỏ xanh bị thiêu huỷ.
– Tiếng kèn thứ hai nổi lên. Có cái gì như quả núi lớn rực lửa bị ném xuống biển. Một phần ba biển hoá thành máu. Một phần ba các loài thụ tạo sống dưới biển bị chết, và một phần ba tàu bè bị phá huỷ.
– Tiếng kèn thứ ba nổi lên. Từ trời rơi xuống một ngôi sao lớn cháy như đuốc. Sao rơi xuống một phần ba sông ngòi và xuống các nguồn nước. Tên ngôi sao là Ngải Đắng. Một phần ba nước hoá thành ngải đắng, và có nhiều người chết vì thứ nước đã hoá đắng ấy.
– Tiếng kèn thứ bốn nổi lên. Một phần ba mặt trời, một phần ba mặt trăng và một phần ba các ngôi sao bị đánh trúng, khiến chúng tối đi một phần ba, ngày mất sáng một phần ba và đêm cũng thế.
Sau đó, một con đại bàng bay trên đỉnh vòm trời và kêu lớn tiếng: “Khốn thay! Khốn thay! Khốn thay những người sống trên mặt đất, vì sắp nổi lên những tiếng kèn còn lại của ba thiên thần!”.
Giờ G bắt đầu điểm rồi đấy!
– Tiếng kèn thứ năm nổi lên. Một ngôi sao từ trời sa xuống đất; ngôi sao ấy nhận được chìa khoá của giếng vực thẳm. Ngôi sao mở giếng vực thẳm, và một đám khói từ giếng bốc lên, giống như khói một cái lò lớn, khiến mặt trời và không khí tối sầm lại vì khói của giếng ấy. Từ đám khói ấy, châu chấu bay ra khắp mặt đất. Chúng nhận được quyền phép như quyền phép của bọ cạp trên mặt đất (Kh 9:1-3) .
– Tiếng kèn thứ sáu nổi lên. Một tiếng phát ra từ bốn sừng của bàn thờ bằng vàng ở trước nhan Thiên Chúa (Kh 9:13).
Và hình phạt cuối cùng đang tới… Thánh Gioan cho biết: “Sau đó, tôi thấy một thiên thần dũng mãnh khác từ trời xuống, có mây bao phủ, có hào quang trên đầu; mặt thiên thần tựa mặt trời, còn chân như những cột lửa. Người cầm trong tay một cuốn sách nhỏ mở sẵn, Người đặt chân phải lên biển, chân trái lên đất, và kêu lớn tiếng như sư tử gầm” (Kh 10:1-3).
Cuối cùng, tiếng kèn thứ bảy nổi lên. Trên trời có những tiếng lớn nói rằng: “Vương quyền trên thế gian nay đã thuộc về Chúa chúng ta và Đức Kitô của Người; Người sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (Kh 11:15).
Ai đã từng đọc những đoạn Kinh Thánh vừa nêu? Ai đã “nghiên cứu” tận thế mấy lần hay là chưa bao giờ? Và rồi cảm thấy như thế nào? Lo lắng, sợ hãi, hốt hoảng, hoang mang,… hay vẫn bình thản?
Thánh Gioan nhắn nhủ: “Hỡi anh em là những người con thơ bé, đây là giờ cuối cùng. Anh em đã nghe biết là tên Phản Kitô sẽ đến; thế mà giờ đây nhiều tên Phản Kitô đã xuất hiện. Do đó, chúng ta biết được rằng đây là giờ cuối cùng. Chúng xuất thân từ hàng ngũ chúng ta, nhưng không phải là người của chúng ta; vì nếu là người của chúng ta, chúng đã ở lại với chúng ta. Nhưng như thế mới rõ: không phải ai ai cũng là người của chúng ta” (1 Ga 2:18-19). Thật khủng khiếp, vì kẻ Phản Kitô không ai xa lạ, giòi trong xương giòi ra, chứ còn ai trồng khoai đất này nữa?
Để xử lý tình huống, và cũng là để tự trấn an, Thánh Phêrô cho biết bí quyết: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế” (1 Pr 5:8-9).
Trong lúc chờ đợi Chúa Giêsu quang lâm, chúng ta phải làm gì? Tác giả Thánh Vịnh cho biết: “Hãy bênh quyền lợi kẻ mồ côi, người hèn mọn; minh oan cho người khốn khổ, kẻ bần cùng, giải phóng ai hèn mọn, ai nghèo túng, cứu khỏi nanh vuốt bọn ác nhân” (Tv 82:3-4).
Có hai dạng “đoạn cuối”, hai dạng kết thúc: Chung và Riêng. Tận thế là kết thúc chung, cái chết là kết thúc riêng. Sự thật vẫn mãi mãi là sự thật mà thôi! Sinh ký, tử quy. Có khởi đầu thì phải có kết thúc. Thế thôi. Cứ bình tĩnh, cầu nguyện và tín thác vào Đức Giêsu Kitô, Vua Công Lý chí minh và chí thiện, luôn giàu lòng thương xót.
TRẦM THIÊN THU
Những ngày cuối Năm Phụng Vụ 2015