SUY NIỆM Lời Chúa Dò xét (Thứ Hai Tuần 23 Mùa Thường Niên)

Dò xét (Thứ Hai Tuần 23 Mùa Thường Niên)

Lời Chúa: Lc 6,6-11
.

6 Một ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. 7 Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người. 8 Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay : “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây !” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. 9 Đức Giê-su nói với họ : “Tôi xin hỏi các ông : ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt ?” 10 Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay : “Anh giơ tay ra !” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. 11 Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không.

“Các kinh sư và Pharisêu xem Chúa Giêsu có chữa người ấy trong ngày Sabát không, để tìm được cớ tố cáo Ngài.” (Lc 6,7)

 
Suy niệm: 

A- Phân tích (Hạt giống…)

Chúa Giêsu và các luật sĩ, biệt phái tranh luận với nhau về luật nghỉ làm việc ngày Sabát.

Hôm ấy trong hội đường có một người bị bại tay, các luật sĩ và biệt phái rình xem Chúa Giêsu có chữa bệnh cho người ấy không để tố cáo Ngài.

Chúa Giêsu biết ý của họ nên hỏi trước: “Ngày Sabát được phép làm điều lành hay điều dữ”: Khi chống đối Chúa Giêsu, các đối thủ đã dựa vào chủ trương “không làm gì cả” trong ngày Sabát. Phần Chúa Giêsu thì đặt vấn đề là “làm điều lành” hay “làm điều dữ”.

Thực ra chủ trương của Pharisêu không hẳn là hoàn toàn không làm gì cả. Họ cũng chấp thuận được cứu người nguy tử trong ngày đó (Mishna Yoma VIII,6). Nhưng họ phải nghiên cứu trong từng trường hợp cụ thể để cho phép làm như vậy. Còn Chúa Giêsu, thái độ của Ngài trong trường hợp này cho thấy rõ: luật ngày Sabát phải lệ thuộc luật yêu thương và giúp đỡ kẻ khác, vì đó là ngày giải phóng.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Kẻ được Chúa Giêsu cứu chữa hôm nay là một người tay hữu bị khô bại, nghĩa là mất khả năng làm việc, do đó cũng mất phương tiện để sinh sống. Tuy người này không xin, nhưng Chúa Giêsu vẫn thương và chữa anh.

Ta hãy cầu nguyện cho những kẻ tật nguyền và những người không có công ăn việc làm để sinh sống.

2. Cái nhìn của Chúa Giêsu và các đối thủ của Ngài rất khác nhau: Chúa Giêsu thấy một người cần được Ngài giúp đỡ; còn họ thì không để ý đến người tàn tật mà chỉ lo rình mò xem Chúa Giêsu có làm sai luật không để mà bắt bẻ.

Xin Chúa cho con có cái nhìn của Chúa: cái nhìn của tình thương chứ không phải là cái nhìn của soi mói, rình mò.

3. Khi người khô tay đã được lành, các biệt phái và luật sĩ không vui mừng với anh mà lại tức giận với Chúa Giêsu và bàn nhau hại Ngài.

Xin Chúa đừng để lòng ganh ghét của con làm mù quáng, trái lại xin cho con biết vui với niềm vui của người khác.

4. Trong một giai thoại về Đức Thích Ca, có kể rằng: Một hôm Ngài rơi vào tay một tên cướp. Tên này dọa giết Ngài, trước khi chết Ngài xin hắn một ân huệ. Ngài chỉ vào một cây lớn trước mặt và nói:

– Ngươi hãy cắt đứt một nhánh cây.

Trong nháy mắt, tên cướp vung kiếp chém đứt một nhánh cây. Đức Thích Ca nói tiếp:

– Bây giờ người hãy tháp nhánh cây vào thân cây.

Tên cướp cười gằn, nói:

– Mi quả là tên khùng nên mới nghĩ rằng ta có thể làm được điều đó. Đức Thích Ca liền dạy hắn một bài học:

– Ngươi mới là tên khùng khi nghĩ rằng sức mạnh sức mạnh con người có thể gây thương tích và phá hủy. Người có sức mạnh thực là người biết sáng tạo và chữa lành. (“Mỗi ngày một tin vui”)

5. “Các kinh sư và Pharisêu xem Chúa Giêsu có chữa người ấy trong ngày Sabát không, để tìm được cớ tố cáo Ngài.” (Lc 6,7)

Lạy Chúa, dò xét, rình rập thì con hay lắm, còn nhìn lại bản thân thì con thật là dở. Con dò xét người này, dòm ngó người kia, rình rập người nọ để tìm ra chỗ hở mà đả kích cho “đã”. Rồi tự biện hộ rằng mình xây dựng cho anh em. Nhưng đó chỉ là những cử chỉ, hành động phô trương đạo đức giả hình.

Nhược điểm và bao nhiêu cái xấu xa của con, con lại không nói ra, mà còn lại khéo tô thêm một lớp sơn hào nhoáng như ngôi mộ bên ngoài trông đẹp mắt nhưng bên trong lại mục nát thối rữa.

Chúa ơi! xin cho con biết nhìn lại chính con nhiều hơn là tìm những sơ hở của anh em mà lên án. (Hosanna)

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Bàn tiệc Thánh Thể luôn là dấu chỉ sự hiệp nhất và bình an. Qua bàn tiệc Thánh Thể, chúng con được quây quần bên Chúa, được chia sẻ cùng một sức sống thần linh là chính Máu Thịt Chúa. Xin giúp chúng con biết sống liên đới với nhau trong tình huynh đệ, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Xin giúp chúng con biết lấy tình bác ái mà bao bọc, cảm thông và tha thứ cho nhau.

Nhưng Chúa ơi, đời sống chung thường làm cho chúng con ganh tỵ và hiềm thù lẫn nhau. Chúng con dò xét, rình rập tội người khác thì giỏi mà chẳng bao giờ chịu nhìn lại chính mình. Chúng con bắt lỗi nhau thì nhiều mà chẳng thấy cảm thông nâng đỡ nhau. Cuộc sống đã cơ cực vì miếng cơm manh áo lại còn khó khăn hơn khi được sống bình yên dưới cái nhìn nhân ái của người đời. Cây muốn lành mà gió chẳng yên. Ai cũng muốn bình yên nhưng chúng con lại cứ thổi vào nhau những bỏ vạ cáo gian, những chua cay tị hiềm. Ai cũng muốn hạnh phúc nhưng mấy ai dám ra đi chung xây hạnh phúc cho tha nhân.

Lạy Chúa, là Ðấng thấu suốt mọi sự. Xin cho chúng con cái nhìn của Chúa để chúng con cảm thông nâng đỡ lẫn nhau. Xin cho chúng con biết tôn trọng đời sống riêng tư của mỗi người để cuộc sống chung là niềm vui, là hạnh phúc thay cho những bất hòa khổ đau. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

Exit mobile version