Kinh Thánh cho biết: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1:1-2). Và rồi Thiên Chúa đã định dạng muôn loài từ không thành có – cả hữu hình và vô hình, đặc biệt là tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài.
Đối với những gì đã có, định dạng là thay đổi kiểu dáng cho phù hợp, đổi kiểu cũ thành kiểu mới, cũng có thể là sắp xếp theo một trình tự nào đó. Bề ngoài cần có kiểu định dạng cho phù hợp, tinh thần cũng vậy, và tâm linh cũng thế.
ĐỊNH DẠNG ĐÚNG ĐẮN
Chuyện kể rằng có một giáo sư nọ uyên bác kiến thức nên ông thường được các học viện thỉnh giảng. Một hôm, sau khi giảng xong đề tài “Thực Tập Nhận Lỗi và Sống Hòa Thuận Với Tha Nhân”, ông đã tự lái xe ra về. Xe vừa ra ngoài cổng trường thì gặp một chiếc taxi từ xa phóng tới thắng gấp vì suýt chút nữa đụng phải xe của giáo sư. Rõ ràng tài xế taxi có lỗi đã phóng nhanh giữa đường phố đông người. Nhưng thay vì nhận lỗi, anh tài xế này lại lớn tiếng la mắng giáo sư: “Bộ ông bị đui hay sao mà lái xe bất cẩn như vậy hả?”.
Nghe lời khiếm nhã như vậy, giáo sư tức giận mặt đỏ tía tai, vì theo luật giao thông, tài xế này đã phóng nhanh trên đường phố đông người đi lại như vậy là vi phạm luật giao thông đường bộ. Giáo sư liền lớn tiếng phản bác: “Chính anh mới là kẻ đui khi lái xe bạt mạng như vậy”. Gã tài xế taxi vội xuống xe và thách thức: “Ông có giỏi thì ra đây nói chuyện phải quấy với tôi!”. Giáo sư cũng không vừa: “Ra thì ra chứ tôi sợ gì anh”.
Vừa ra khỏi xe, giáo sư thấy một đám học viên đang từ học viện đi ra gần tới chỗ ông. Ông chợt nhớ đề tài mình mới thuyết trình là “Thực Tập Nhận Lỗi và Sống Hòa Thuận Với Tha Nhân”. Do đó, thay vì tranh cãi hơn thua với gã kia, ông tiến đến bắt tay anh ta và ôn tồn nói: “Đúng là tôi có lỗi, cho tôi xin lỗi nhé!”. Gã tài xế đang sẵn sàng đối phó thì ngạc nhiên trước thái độ hòa nhã của đối phương nên cũng nắm tay giáo sư và hạ giọng: “Thật ra đây là lỗi của cháu đã lái xe quá nhanh, chứ không phải hoàn toàn lỗi của bác đâu. Bác cho cháu xin lỗi nhé!”. Sau cái bắt tay xin lỗi và làm hòa, cả hai lại vui vẻ lên xe đi về nhà.
Tiền nhân chia sẻ kinh nghiệm quý giá: “Một sự nhịn, chín sự lành”. Chúa Giêsu truyền dạy bài học vô giá: “Anh em HÃY CÓ LÒNG NHÂN TỪ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em ĐỪNG XÉT ĐOÁN thì sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em ĐỪNG LÊN ÁN thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em HÃY THA THỨ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em HÃY CHO thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6:36-38; Mt 7:1-2).
ĐỊNH DẠNG LỆCH LẠC
Kinh Thánh nói: “Duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân” (Cn 31:30). Và Kinh Thánh khuyên: “Đừng nhìn người phụ nữ nhan sắc, cũng đừng ngắm nghía một giai nhân xa lạ. Vì sắc đẹp đàn bà mà bao kẻ đảo điên, cũng vì thế mà ái tình bừng lên như lửa” (Hc 9:8).
Chuyện kể rằng có một cô hoa hậu nọ đi lễ chùa, cô gặp một chú tiểu đang quét lá nên tới gần và kiêu hãnh hỏi chú tiểu: “Tôi là hoa hậu, chú thấy tôi đẹp không?”. Chú tiểu nhẹ nhàng đáp: “Thưa cô, có cả hàng ngàn vạn người còn đẹp hơn rất nhiều”. Nghe nói thế, cô gái tròn đôi mắt và lên giọng: “Hoa hậu là người đẹp nhất trong những người đẹp rồi. Chú nói thử xem những người đẹp hơn tôi như thế nào?”.
Chú tiểu ôn tồn: “Giữ gìn trang nghiêm giới hạnh là THÂN đẹp; ăn ở hiền hòa, thủy chung là NẾT đẹp; thấy người ta ngã mà nâng lên, đó là CỬ CHỈ đẹp; thấy người ta đói cho ăn, rách cho mặc, nghèo túng thì giúp đỡ, đó là TẤM LÒNG đẹp; phụng dưỡng cha mẹ già, chu cấp cho người cô quả,… đó là TÂM HỒN đẹp; thấy người ta lâm nguy, sợ hãi thì nói lời an ủi, giúp đỡ,… đó là NGÔN NGỮ đẹp; tính nết đoan chính, không tà tâm, đó là Ý đẹp; thấy người ta u tối, không hiểu biết mà khai mở trí tuệ, cho học hành, đó là TRÍ TUỆ đẹp; khai phá mê muội, hướng dẫn người ta vào con đường an vui, giải thoát, đó là CÁI ĐẸP CAO THƯỢNG. Còn cái đẹp của hoa hậu là CÁI ĐẸP CỦA SỰ HAM MUỐN, chiếm đoạt, xoay vần trong vòng sinh tử, ngầm chứa đau khổ, như hoa sớm nở tối tàn, KHÔNG CÓ GÌ ĐÁNG TUYÊN DƯƠNG”.
Một câu chuyện khác kể rằng có một mỹ nhân bị mù và được một anh chàng yêu thương. Anh yêu cô chân thành đến nỗi anh sẵn sàng hy sinh đôi mắt để cô được sáng mắt. Và cuộc giải phẫu ghép mắt thành công. Ngày cắt băng mắt, cô muốn người đầu tiên cô nhìn thấy là người yêu của cô. Nhưng sự thật lại quá phũ phàng, vì cô thấy người yêu cũng bị mù. Sau một hồi lặng lẽ, anh chàng hỏi cô nàng có đồng ý làm vợ anh hay không, cô nàng nói ngay: “Em không thể có một người chồng mù như anh”. Vài ngày sau, cô nàng nhận được lá thư vỏn vẹn mấy chữ: “Em hãy cẩn thận chăm sóc đôi mắt của tôi. Chúc em hạnh phúc”. Thật khốn thay những con người như cô gái vong ân bội nghĩa này!
Cái gì TỐT thì luôn ĐẸP, còn cái gì ĐẸP thì chưa chắc TỐT. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Ôi, “cái tôi” thật tồi tệ, chỉ vì nó mà người ta kiêu ngạo – như tổng thần Luxiphe biến thành quỷ vương, ông bà nguyên tổ bị trừng phạt. Không dễ triệt tiêu cái tôi, bởi vì Thị Nở vẫn kiêu hãnh về ngoại hình của mình kia mà, nhưng cố gắng triệt hạ nó thì sẽ được. Đây là bài học quyết tâm của Thánh Gabriel Possenti: “Hết ngày này sang ngày khác, tôi sẽ gắng sức đập vỡ ý riêng của tôi thành từng mảnh nhỏ. Tôi muốn làm trọn thánh ý của Thiên Chúa, chứ không phải ý riêng của tôi”. Tác giả sách Khôn Ngoan chia sẻ: “Từ thời trai trẻ, tôi đã yêu quý và kiếm tìm Đức Khôn Ngoan, tôi tìm cách cưới Đức Khôn Ngoan làm bạn đời; và vẻ đẹp của Đức Khôn Ngoan làm tôi say đắm” (Kn 8:2).
Văn sĩ Mark Twain cho biết: “KINDNESS is the language which the DEAF can HEAR and the BLIND can SEE – TỬ TẾ là ngôn ngữ mà NGƯỜI ĐIẾC có thể NGHE và NGƯỜI MÙ có thể THẤY”. Ông là văn sĩ trào phúng nhưng nhận định của ông nghiêm túc chứ không khôi hài chút nào.
Chính “cái tôi” khiến người ta sa đà, lâu ngày thành sa đọa, rồi mắc bẫy lừa bịp của ma quỷ mà hóa sa ngã, nếu không kịp ăn năn và thành tâm sám hối thì sẽ bị sa thải. Cái “sa” nào cũng nguy hiểm, khôn hồn thì phải “xa” ngay – càng sớm càng tốt. Là phàm nhân, ai cũng có kinh nghiệm để biết rằng con người rất dễ “nhiễm” chứng ảo tưởng nên cũng dễ định dạng lệch lạc, biết như vậy để có thể chuyển hướng và chuyển hóa, làm cho định dạng lệch lạc trở thành định dạng đúng đắn theo định hướng của Thiên Chúa.
Cuộc đời có nhiều thứ cần định dạng, đơn giản nhất là các cơ phận của chúng ta: mắt, miệng, tai, tim, phổi, ruột, tứ chi,… Chúng phải được định dạng đúng chức năng, nếu không thì chúng sẽ rối loạn, gây bất lợi và có thể nguy hiểm tới tính mạng của chúng ta. Thiên Chúa đã định dạng mọi thứ đều tốt lành – từ thiên nhiên tới con người, từ vật chất tới tinh thần, nhưng chúng ta đã và đang làm chúng biến dạng – nghĩa là chúng ta tự tạo “tận thế” cho chính mình mà thôi.
Định dạng quan trọng nhất là tâm linh. Có những người không theo tôn giáo nào, họ nhận là vô thần, thế nhưng họ vẫn thắp nhang khấn vái. Có những người không vô thần nhưng lại mê tín dị đoan, cúng kiếng đủ kiểu, sống bất nhân rồi đi giải hạn, thậm chí có những lễ hội độc ác hoặc thờ cúng những dị vật quái gở. Vậy mà người ta gọi là văn hóa. Thật khủng khiếp! Tâm linh kiểu đó là dạng định dạng lệch lạc. Dân Việt còn nhiều người chưa trưởng thành tâm lý và tinh thần, mặc dù đã trưởng thành thể lý. Họ tự ép mình làm “con nít” chứ không chịu “lớn” lên. Như vậy làm sao có thể khá hơn, làm sao thoát khỏi xiềng xích lừa bịp của những kẻ ác tâm?
Người ta ngu xuẩn tự hạ thấp nhân phẩm và nhân vị của mình khi nhận loài khỉ là tổ tiên của mình, càng ngu xuẩn hơn khi tôn thờ con vật, và còn ngu xuẩn hơn nữa khi tôn thờ loại cơ phận của chình mình – như một số lễ hội quái đản ở Bắc Việt. Kinh tởm quá!
Lạy Thiên Chúa, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Xin giải thoát dân tộc Việt khỏi mọi mưu ma chước quỷ. Amen.
TRẦM THIÊN THU