GÓC SUY TƯ MÙA CHAY - PHỤC SINH Đỉnh Cao Thập Giá

Đỉnh Cao Thập Giá

Mãi mãi Thập giá Chúa Giêsu nói lên sự độc ác của con người; là đỉnh cao của trí tuệ con người trong việc sáng chế ra những phương thế hành hạ và loại trừ nhau; là bản án của tội lỗi nhân loại trải qua mọi thời đại. Nhưng Thập giá không chỉ là một mạc khải về tội lỗi con người, mà còn là biểu hiện của ánh sáng tình yêu: một tình yêu kiên trung và tha thứ cho đến cùng.

Cần chiêm ngắm Thập giá Chúa Giêsu để cảm nghiệm được tình yêu thương tràn đầy mà Ngài dành cho ta; để khám phá ra hơn nữa nỗi cùng cực trong tâm hồn mà Ngài đã phải chịu vì tội lỗi ta; để ta hiểu hơn nữa về mầu nhiệm thập giá của đời mình cũng như của mọi người; để ta biết tận dụng mọi khổ đau hầu được thông phần với Chúa mà cải hóa đời mình trong tiến trình hoàn thiện.

Cùng với Mẹ Maria đứng dưới chân Thập giá, ta hãy để tâm hồn mình chìm lặng xuống, hòa nhập vào những nỗi thống thiết của Chúa Giêsu. Hãy để cho trái tim khao khát tình yêu của Ngài đốt cháy tâm hồn giá băng của chúng ta. 

  1. Chúa Giêsu bị bỏ rơi

Trong giây phút đau khổ tột cùng trên Thập giá, Chúa Giêsu đã kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Sau khi chịu những nhục mạ và những cực hình tàn bạo của con người, Chúa Giêsu cảm thấy bị bỏ rơi đến mức tột cùng, cảm thấy một sự trống rỗng mênh mông: hoàn toàn vắng bóng Thiên Chúa, không còn cảm giác về sự hiện diện của Cha, Đấng mà Ngài gọi bằng Abba: “Cha ơi!”

Kinh nghiệm bị bỏ rơi cho thấy Chúa Giêsu đang ở mức độ tột cùng của mọi nỗi cô đơn: bị loài người từ bỏ mà dường như cũng bị chính Thiên Chúa chối từ. Thánh Gioan Thánh Giá cho biết: “Đó là tình trạng bỏ rơi thê thảm nhất mà Chúa Giêsu cảm nghiệm trong cuộc sống trần thế của Ngài… Theo thể thức ấy, Chúa Kitô hầu như bị hủy diệt và trở nên hư không”.

Chúa Giêsu đã từng chịu những nỗi đau khổ ê chề nhất mà cuộc đời có thể mang lại. Cho tới lúc đó Ngài đã trải qua mọi kinh nghiệm của đời sống, nhưng kinh nghiệm về hậu quả của tội lỗi thì Ngài chưa từng nếm mùi, vì là Đấng không hề biết đến tội. Chính lúc trải qua những giây phút cuối cùng như hoàn toàn xa rời Thiên Chúa, Ngài mới trải nghiệm thế nào là sự độc hại và hủy hoại của tội lỗi gây ra. Trong giây phút kinh hoàng, đen tối và rùng rợn đó, Ngài đã xem như mình bị đồng hóa với loài người tội lỗi, vì “Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2Cr 5, 21). Còn điều gì nhục nhã hơn khi Chúa chịu đóng đinh giữa hai tên trộm cướp. Bảy trăm năm trước, Isaia đã nói tiên tri về việc Chúa bị liệt vào số những kẻ bất lương (x. Is 53,12). Thánh sử Luca cho biết lời tiên tri đó đã ứng nghiệm: “Ngài bị liệt vào hàng những kẻ hung ác” (Lc 22,37).

“Vị xứng kỳ đức”: người công chính mà còn bị xử nghiệt ngã như thế thì sống đạo đức có ý nghĩa gì? Vậy mà Chúa Giêsu vẫn chấp nhận chịu đồng cảnh ngộ với những tên gian ác, chịu nhận lấy nhục hình và cách đối xử tệ bạc nhất của con người dành cho Ngài. Kinh nghiệm chết như một người tội lỗi gây nên đau đớn và thảm não vô vàn. Quả thật, tiếng than thở của Chúa Giêsu đã vang lên từ trong cô đơn sâu thẳm của lòng người, cho con người và vì con người. Sự tột đỉnh của đau khổ mà Con Thiên Chúa phải chịu đã cho thấy sự tột đỉnh của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Trong kinh nghiệm thiêng liêng, Chị Chiara Lubich đã nói:

Để chúng con được ánh sáng,

Chúa đã trở nên “mù lòa”.

Để chúng con được hiệp nhất,

Chúa đã chịu xa cách Chúa Cha.

Để chúng con được khôn ngoan,

Chúa đã trở nên “dốt nát”.

Để chúng con được nên vô tội,

Chúa đã thành người “tội lỗi”.

Để chúng con hy vọng,

Chúa đã hầu như tuyệt vọng.

Để Thiên Chúa ở trong chúng con,

Chúa đã cảm nghiệm tình trạng bị bỏ rơi.

Để chúng con được thiên đàng,

Chúa đã cảm nghiệm hỏa ngục.

Hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu để ta sống những biến cố đau thương trong cuộc đời mình. Nếu ta cứ bám chặt lấy Chúa, dù có cảm tưởng dường như vắng bóng Chúa, dù khi đức tin đã hao mòn và sức lực hầu như cạn kiệt, thì chính vào lúc cao điểm của mọi gian khó là lúc bình minh ló rạng, là lúc ta vượt thắng.

–     Người chiến thắng là người tin rằng Thiên Chúa vẫn ở với mình ngay lúc mình cảm thấy như Thiên Chúa hoàn toàn xa cách.

–     Kẻ chiến thắng là kẻ trải qua những kinh nghiệm cùng cực, nhưng vẫn xác tín rằng mình vẫn đang nằm trong vòng tay đầy yêu thương của Thiên Chúa.

Đó là điều mà Chúa Giêsu đã sống cách trọn vẹn khi thốt lên: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Thả mình vào vòng tay của Thiên Chúa là một điều kinh khủng. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã hiến mình cho sự kinh khủng ấy bằng sự vâng phục triệt để của tình yêu, nên thập giá không biến thành nỗi kinh hoàng, nhưng là ngõ vào bình an và hạnh phúc là chính Thiên Chúa. Qua sự phó mình, Chúa Giêsu đã qui hướng mọi sự về Cha, đã dâng trao tất cả cho Cha, và cuối cùng đặt trong tay Cha chính sự sống của mình, và đó cũng chính là sự sống Thần Linh được trao ban cho chúng ta, khi “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19,30).

  1. Chúa Giêsu hoàn tất mọi sự

Sau cùng, trên Thập giá, Chúa Giêsu kêu lên một tiếng lớn rồi trút linh hồn. Tiếng kêu đó in đậm trong trí mọi người và được bốn sách Phúc Âm ghi lại. Gioan không dùng những từ đó, nhưng cho biết trước khi chết, Chúa Giêsu đã cất lời: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30). Câu này trong tiếng Hy Lạp chỉ có một chữ “telestai” (τέλεσται)  là tiếng reo vui của một người chiến thắng; là tiếng hân hoan của người đã thắng vượt gian khổ để hoàn tất sứ mạng; là tiếng ca vang của một người đã vượt ra khỏi bóng tối để bước vào ánh sáng. Tiếng kêu cuối cùng Chúa Giêsu trên Thập giá cho thấy Ngài đã chết như một người chiến thắng sự chết, và mở ra vinh quang sự sống cho tất cả những ai tin và bước theo Ngài.

Trong mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, cho ta xác tín rằng, trong giờ cùng cực Chúa Con cảm thấy bị bỏ rơi, cũng là lúc Chúa Cha cùng sống cuộc khổ nạn với Con mình, vì Chúa Cha và Chúa Con luôn là một với nhau trong mọi tình trạng. Chính Cha đau khổ trong Con vì tình trạng vong thân cực độ của loài người do tội lỗi gây nên. Biến cố thập giá thảm sầu là điều mà Cha muốn để biểu lộ tình yêu vô biên nơi Con mình, để cứu chuộc và hiệp nhất chúng ta lại trong Ngài.                                                                          

Như thế, một cách huyền nhiệm nhưng rất thực tế, kinh nghiệm bị xa cách Chúa cũng bao gồm kinh nghiệm về sự hiệp nhất với Chúa cách rất trọn vẹn. Cũng chính trong huyền nhiệm này, mọi đau khổ của chúng ta được đón nhận và biến đổi, mọi trống rỗng được lấp đầy, và mọi tội lỗi được cứu chuộc. Thánh Gioan Thánh Giá đã quả quyết rằng: “Chính trong lúc cùng cực nhất, Chúa Kitô đã hoàn tất công trình kỳ diệu nhất… Công trình kỳ diệu ấy chính là sự hòa giải và kết hiệp nhân loại với Thiên Chúa bằng ơn thánh”[1].

Chúa Giêsu đã hoàn tất mọi sự theo ý muốn của Chúa Cha trong kế hoạch cứu chuộc nhân loại. Ngài đã làm tất cả những gì cần phải làm của một trái tim yêu mến Cha và yêu thương nhân loại đến tận cùng. Ngài đã hoàn tất để chúng ta bước vào sự khởi đầu đời sống mới. Tuy nhiên một cách thiêng liêng vô hình, mỗi linh hồn xa lạc vẫn còn là một đồi Canvê hành hình; mỗi tội phạm vẫn là một thập giá mới treo thân Chúa não nề.

Từ đó chúng ta hiểu rằng, điều làm cho chúng ta nên cao cả không hệ tại sự kiện chúng ta là gì hay làm gì, mà hệ tại ơn thánh hóa của Chúa ban trên cuộc đời mình. Phần việc của mỗi người là mở rộng tâm hồn để đón nhận.

  1. Nỗi đau khổ của ta với hình ảnh về Thiên Chúa[2]

Chính trong đau khổ ta có một hình ảnh về Thiên Chúa. Với người xem căn bệnh của mình như một quả báo hay như một kẻ thù, chắc chắn sẽ có một cái nhìn tiêu cực cả về Thiên Chúa lẫn căn bệnh. Nhưng với người xem đau khổ như một cơ hội hay như một “người bạn” muốn đưa ta vào một nghệ thuật sống tốt hơn, chắc chắn ta sẽ có một cái nhìn tích cực về Thiên Chúa.

Hình ảnh về Thiên Chúa tạo nên tâm trạng và xác định lối sống của ta. Hình ảnh ấy đẹp thì tạo nên một tâm trạng tốt; hình ảnh ấy xấu thì tạo ra một lối sống dở. Hình ảnh ấy có thể bóp nghẹt hoặc khai thông niềm tin; khiến ta mở ra hay đóng kín lòng mình lại; dìm ta trong tăm tối hoặc nâng ta lên trong ánh sáng.

Có khi hình ảnh về Thiên Chúa bị tan vỡ, vì ta đã sử dụng Thiên Chúa theo mục đích riêng, hoặc đã nắn đúc ra một hình ảnh Thiên Chúa cho phù hợp với nguyện vọng của mình. Và khi cảm thấy Thiên Chúa không tương ứng với hình ảnh mình đã có thì ta thất vọng, buông xuôi, phát sinh thái độ hững hờ hoặc quay lưng lại với Ngài.

Ta thường gán cho Thiên Chúa chủ yếu hai đặc tính: là Đấng toàn năng và là Cha yêu thương, nên khi gặp đau khổ thì hình ảnh lý tưởng đó làm ta vỡ mộng. Chính vì ta chỉ muốn hạn chế Thiên Chúa ở một vài phẩm tính hay tính cách nào đó có lợi cho bản thân mình, mà ta trở nên kẻ lầm lẫn đáng thương. Bao lâu Thiên Chúa xử sự theo những gì ta mong đợi thì ta dễ dàng hòa nhịp với Ngài, hết lòng tán dương và chúc tụng Ngài. Nhưng khi ta gặp bất trắc và thống khổ thì hình ảnh Thiên Chúa đẹp đẽ kia liền sụp đổ.

Hoàn toàn đúng khi cho rằng Thiên Chúa là Đấng làm cho sống, Đấng giải thoát, Đấng chữa lành… nhưng không có nghĩa là Ngài phải luôn hành động theo cách thức và ý hướng của ta. Ngài không phải là Đấng cứ lo thỏa mãn mọi ước muốn của con người, càng không phải là thứ ma túy làm ta mê mẩn hầu tránh đối mặt với thực tế đời mình. Thiên Chúa có thể tỏ lộ cho con người như Đấng hoàn toàn không thể hiểu được. Trong trường hợp đó Ngài muốn đặt lại vấn đề nơi ta: không những chỉ hình ảnh ta có về Ngài, mà cả hình ảnh ta tạo nên về bản thân mình, vì cả hai đều liên quan chặt chẽ với nhau. Sự sai lạc về hình ảnh này sẽ tạo nên sai lầm về hình ảnh kia.

Nhìn về Chúa Giêsu, ta thấy điều quan trọng đối với Ngài là đón nhận thánh ý Chúa Cha, nên Ngài cũng muốn ta đón nhận cuộc sống như nó hiện hữu. Biết đón nhận ý Chúa ta mới biết đón nhận cuộc đời, và khám phá ra tất cả sự phong phú ẩn chứa trong đó. Chúa Giêsu cũng cho thấy điều quan trọng không phải là những gì ta muốn làm nên cho đời mình, mà là điều Thiên Chúa quan phòng đã hoạch định và mời gọi ta kiện toàn. Chỉ trong trong thánh ý Chúa ta mới gặp được Ngài và chính mình.

Dường như lúc nào ta cũng muốn lợi dụng tối đa cuộc sống của mình, và nghĩ rằng đó là cách tốt nhất để thăng tiến bản thân. Còn Chúa Giêsu lại mời gọi ta phải từ bỏ chính mình, vác thập giá để theo Ngài. “Từ bỏ mình” chứ không “tự giảm giá bản thân mình”.

Chữ “từ bỏ” trong tiếng Hy lạp là “aparneomai” (άπαρνέομαι): nghĩa là “nói không, từ chối, chống lại”. Người theo Chúa Giêsu là người phải biết nói không với những xu hướng muốn chiếm đoạt, muốn sử dụng mọi cái và mọi người vào mục tiêu cá nhân, và muốn thoát hiểm cách an toàn; đồng thời cũng là người phải biết từ chối những tham vọng trần tục, và chống cự lại những sức mạnh luôn muốn phá hoại sự sống ở trong mình. Có như vậy ta mới tìm ra bản chất đích thực của mình, là vẻ đẹp khôn tả của Thiên Chúa đang bị che lấp dưới những tham lam và dục vọng.

Đối với Chúa Giêsu, ai lo lắng thái quá cho sự sung túc thoải mái của mình, sẽ không ngừng xuống dốc (x. Mt 10,39). Ai đi tìm cuộc sống bên ngoài mình, sẽ chẳng bao giờ gặp được mình, càng không thể hiểu mình. Điều quan trọng không phải là có nhiều thành đạt trong cuộc đời nhưng là khám phá chính cuộc đời; không phải chỉ biết tư duy cách tích cực nhưng còn biết dò xét những suy tư của mình để rút tỉa những kinh nghiệm thiêng liêng; không phải xem người khác đánh giá thế nào về mình, nhưng mình phải sống thế nào tốt hơn cho người khác; không phải là lợi dụng tối đa cuộc sống nhưng là đầu tư cuộc sống với trọn con tim. Chỉ những ai chấp nhận mình vô điều kiện, mới có thể chấp nhận Thiên Chúa dưới mọi hình thức, ngay cả những hình thức không thể hiểu được dưới mắt con người. Chỉ khi nào ta dám buông mình trong sự hiệp nhất với Đức Kitô bằng việc đón nhận Thập giá, ta mới tìm thấy chính mình trong sự sống sung mãn.

Hơn nữa, ta phải tin rằng, Chúa Kitô cùng chịu đau khổ với ta trong mọi tình trạng. Chính Ngài ban cho ta sức mạnh để ta có thể vượt qua như Ngài. Ngài vẫn hiện diện sống động qua những con người bị thử thách, bị đánh đập, bị khinh dể, bị chối từ… Ðấng chịu đóng đinh luôn có mặt trên mọi nẻo đường đời với mọi người thống khổ, nơi cả những người dường như đã đánh mất niềm tin và hy vọng. Tuy vậy, trong cõi thâm tâm, họ đang khao khát tình thương và sự nâng đỡ của chúng ta. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tâm sự: “Sống trên đời chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn còn tình yêu thì vô hạn, ta hãy sống sao với tình yêu, để tình yêu có thể cứu ta trên cây thập giá đời”.  

  1. Những tấm gương cho đời

Ngay từ thời Cựu Ước đã có những tấm gương chịu đau khổ phi thường. Vì lòng kính sợ và muốn sống trung tín với Thiên Chúa đến cùng, họ sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ. Họ chỉ là những tín hữu bình thường, nhưng lại can trường cách lạ thường trước những bách hại.

Như trường hợp của Êlêazarô (2Mcb 6,18-31) cương quyết giữ lề luật thánh không ăn đồ cấm dù phải chết. Các bạn cố tri khuyên ông chỉ cần giả vờ ăn thịt cúng thôi, nhưng thà bị hành hình chứ ông không giả vờ để được yên thân. Khi sắp chết vì đòn vọt, ông thều thào trong hơi thở cuối cùng: “Lạy Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, Chúa cũng thấu rõ là con có thể thoát chết, nhưng con xin chịu đòn vọt đau thương trong thân xác con, với niềm vui trong lòng vì kính sợ Chúa”.

Trường hợp khác của một bà mẹ đã can đảm chứng kiến bảy đứa con trai mình chết trong một ngày (x. 2Mcb 7,20-31). Theo lệnh nhà vua, người ta dùng gậy và roi gân bò đánh đập họ, buộc họ phải ăn thịt heo mà luật đã cấm. Nhưng rồi bà đã khôn ngoan khuyên nhủ các con mình hãy coi thường mạng sống để tuân giữ luật Chúa. Đến phiên người con út còn lại, vua Antiôcô hứa cho cậu được giàu sang và chức tước, nếu cậu từ bỏ lề luật của cha ông. Vua nhờ người mẹ thuyết phục, nhưng bà lại khuyên con út như sau: “Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ”.

Cho tới nay, biết bao nhiêu tín hữu đã sống tinh thần bất khuất nhờ lòng tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa. Cách riêng, các thánh tử đạo Việt Nam là những bậc cha ông của chúng ta đã sống mầu nhiệm thập giá một cách sâu xa. Các Ngài chẳng những vác thập giá mình hằng ngày bằng một đời sống thánh thiện quên mình, chết đi cho lòng vị kỷ và tội lỗi, mà còn dám uống chén đắng, và trải qua cuộc thanh tẩy bằng máu mà Chúa Giêsu đã trải qua. Các ngài đã sống cho tình yêu và chết cho tình yêu. Đối với tình yêu thì giá nào cũng vẫn còn là thấp, kể cả sự chết. Quả thật, “Máu các Thánh Tử đạo đổ ra, là hạt giống nẩy sinh các Tín hữu” (Tertunianô).

Kitô giáo chẳng bao giờ tôn sùng đau khổ, nhưng chấp nhận đau khổ để đẩy lùi đau khổ, và đem tới niềm vui ơn cứu độ cho con người. Không chấp nhận đau khổ ta sẽ có thái độ phản kháng lại cuộc đời và chống lại chính mình. Nếu không như thế thì ta cũng tìm cách che chắn và tránh né bằng mọi cách để được yên thân. Điều này có nguy cơ khiến ta dễ dàng thỏa hiệp với sự dữ để mình được yên vị. Vẫn luôn có những cám dỗ và lôi kéo như thế trong đời sống ta hằng ngày dưới mọi hình thức.

Ông Shahbaz Bhatti, một Kitô hữu, và là Bộ Trưởng Các Nhóm Tôn Giáo tại Pakistan đã thổ lộ như sau: “Người ta hứa sẽ để tôi giữ chức vụ cao trong chính quyền, và người ta yêu cầu tôi bỏ cuộc tranh đấu của tôi, nhưng tôi luôn luôn từ chối, cho dù nguy hiểm đến chính tính mạng mình. Tôi không muốn nổi tiếng, cũng không muốn những địa vị đầy quyền lực. Tôi chỉ muốn một chỗ dưới chân Chúa Giêsu. Tôi muốn rằng cuộc sống của mình, tính cách và  các hành động của mình sẽ nói thay cho mình và làm chứng rằng tôi đang bước theo Đức Giêsu Kitô. Niềm mong ước này mạnh đến nỗi tôi cho rằng  trong nỗ lực và trong cuộc tranh đấu của tôi để giúp đỡ người nghèo, người túng thiếu, các Kitô hữu bị bách hại tại đất nước tôi, nếu Chúa Giêsu muốn nhận sự sống của tôi làm hy lễ, thì đấy sẽ là  ân huệ đặc biệt Chúa dành cho tôi.  Tôi muốn sống cho Đức Kitô và tôi muốn chết cho Ngài”.

Thật là những lời tuyệt vời của một tâm hồn đầy lòng yêu mến Thập giá Đức Kitô và yêu thương cách riêng những người khốn khổ, nghèo hèn. Người ta cho ông được yên thân sung sướng mà ông lại không muốn; được chức tước, bổng lộc và địa vị mà ông lại không ham; được lời lãi tất cả mà ông lại không nhận, “rượu mời không uống, muốn uống rượu phạt”. Trước mắt người đời, ông quả là khờ dại: bỏ danh giá để chọn thập giá.

Ông nói tiếp như sau: “Nhiều lần các thành phần cực đoan muốn sát hại tôi, muốn cầm tù tôi; họ đe dọa tôi, bách hại tôi, gieo rắc kinh hoàng cho gia đình tôi. Nhưng tôi nói rằng, bao lâu tôi còn sống, cho đến hơi thở cuối cùng, tôi sẽ tiếp tục phục vụ Chúa Giêsu và phục vụ thành phần nhân loại đáng thương đang đau khổ, các Kitô hữu, những người cần giúp đỡ, người nghèo”.

Cuối cùng, đường Thập giá mà Shahbaz Bhatti chọn, đưa ông tới cái chết: sáng thứ tư 2-3-2011 ông bị một toán võ trang mang mặt nạ sát hại tại thủ đô Islamabad. Trong buổi đọc Kinh chung vào trưa Chúa Nhật 6-3-2011, Đức Thánh Cha lên tiếng: “Tôi cầu xin Chúa Giêsu cho cuộc hy sinh mạng sống thật cảm động của Bộ Trưởng Pakistan Shahbaz Bhatti thức tỉnh nơi các lương tâm lòng can đảm và sự dấn thân bảo vệ tự do tôn giáo của mọi người, và như thế là thăng tiến nhân phẩm bình đẳng của họ”.

Biến cố của Shahbaz Bhatti đã họa lại cuộc đời Chúa Giêsu: khi vừa chào đời, mạng sống của Ngài đã bị đe dọa. Khi vào cuộc sống công khai, Ngài phải đối đầu với các thế lực của sự dữ; và cuối cùng đã bị giết chết do sự ngạo mạn và ghen ghét của con người. Ông Shahbaz Bhatti đã trang điểm Thập giá Chúa Giêsu bằng sự hy sinh chính mạng sống mình. Ông đã đạt tới lý tưởng mà Chúa Giêsu đã nêu cao và đã thực hiện: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13).

Không chấp nhận thập giá của Chúa Giêsu trong cuộc đời mình, thì cuộc sống không còn tình yêu chân chính, không còn lẽ sống chân thật, không còn hy vọng điều gì khác tốt đẹp hơn. Loại trừ thập giá Chúa Giêsu, thế giới con người chỉ còn là đảo điên, ly loạn, hận thù và uất ức khôn nguôi.

  1. Thập giá trong đời sống chúng ta

Ta chỉ thực sự hiểu Chúa Giêsu bằng cách vác thập giá đi theo Ngài, vì chính qua thập giá mà Chúa đã cứu chuộc ta. Tình yêu tột độ của Chúa Giêsu thúc đẩy chúng ta sống mọi đau khổ như Ngài và trong Ngài. Chúng ta làm được điều này, nếu biết nhìn nhận trong mọi đau khổ của bản thân và tha nhân là một bóng dáng đau khổ của Chúa.

Mỗi khi đau khổ xuất hiện, chúng ta không xua đuổi và tránh né, nhưng tiếp nhận nó trong thâm tâm như thể chúng ta đón nhận Chúa. Điều này đòi hỏi chúng ta quên mình để đáp ứng đầy yêu thương những gì Thiên Chúa đòi hỏi trong giây phút hiện tại. Chỉ như vậy, tình trạng tâm hồn mới thật sự thông thoáng, và rồi mọi đau thương cũng sẽ tan dần trong ánh sáng của tình yêu, để lại một sức sống mới mà Chúa muốn làm nên.

Đau khổ như một phương thế để phong phú hóa đời sống bản thân ta và tha nhân. Nếu Thiên Chúa để cho ta chịu đau khổ cũng chỉ vì những điều tốt đẹp phát xuất đàng sau những đau khổ đó. Nỗi đau khổ có thể đưa ta đến gần Ngài hơn. Qua đau khổ, ta cảm nghiệm được sức mạnh và tình yêu của Ngài, và là một cách Chúa cho ta được hiệp thông trong chương trình cứu độ của Ngài.

Bởi vậy, từ chối đau khổ là từ chối chính Chúa, Đấng đang hiện diện với ta trong mọi hoàn cảnh. Thật ra, Thiên Chúa đã chẳng bao giờ muốn có sự đau khổ, nhưng Ngài muốn sự sống của con người: một sự sống triển nở ngay trong những đau khổ. Dù chấp nhận hay không thì đau khổ vẫn xảy ra theo qui luật tự nhiên trong đời sống làm người. Chính vì không muốn đón nhận đau khổ nên ta mới thật sự khổ đau.

Nhưng nếu chỉ đón nhận nó một cách bất đắc dĩ, hoặc trong tâm trạng bất mãn, thì trái ngang và oan khiên vẫn còn đó. Chỉ với lòng yêu mến Chúa và tha nhân, Thập giá mới phát sáng hào quang, phát sinh sự sống mới, phát khởi niềm vui ơn cứu độ cho cuộc đời ta.

“Khi nêu cao giá trị của mỗi đau khổ như thể chúng là một trong vô số khuôn mặt của Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Khi kết hiệp những đau khổ ấy với đau khổ của Ngài, chúng ta mới bước vào sức năng động của đau khổ-yêu thương, để tham dự vào ánh sáng, sức mạnh, an bình của Chúa, và tìm lại được trong chúng ta một sự hiện diện mới mẻ và sung mãn hơn của Thiên Chúa[3].

Chính trong kinh nghiệm đó mà ta không bao giờ ngừng yêu mến tất cả mọi người, không bao giờ loại trừ một ai khỏi tâm hồn ta, cho dù ta bị đối xử cách bất công và tệ bạc. Tất cả những cách đối xử tiêu cực của người khác cũng chỉ là mặt trái của một tình yêu không được đáp trả. Khi họ gặp được tình yêu nơi ta, thì họ cũng bắt đầu chuyển biến khác đi theo hướng tích cực. Người khác chỉ mềm lòng khi đứng trước một con người vác Thập giá với khuôn mặt và tấm lòng của Đức Kitô, để có thể nói được như thánh Phaolô: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24).

Chính trong tâm tình đó mà ta có thể kết hiệp mọi đau khổ của mình với đau khổ của Chúa trên Thập giá để trở nên dụng cụ của ơn cứu độ. Và cũng chính nhờ vậy, Bóng Tối Thập Giá sẽ trở thành Ánh Sáng Phục Sinh. Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh là niềm hy vọng của tất cả chúng ta: “Bởi vì, nếu chúng ta chịu đau khổ nhiều với Chúa Kitô, chúng ta cũng sẽ được chứa chan niềm an vui của Ngài” (2 Cr 1,5).

Cuộc đời ta chỉ toàn là nhận lãnh, chẳng có gì để mất mà phải sợ. Không chịu mất đi mới là đáng sợ. Mọi diễn biến trong đời dù thế nào đi nữa cũng là chuyện tự nhiên theo kế hoạch của Thiên Chúa. Có đau thương cũng là chuyện đương nhiên của kiếp người, vì chẳng ai thành người mà không nếm trải những thương đau, huống chi thành con hiếu thảo của Thiên Chúa.

Trong niềm tin tưởng và yêu mến, ta hãy vác Thập giá của mình hằng ngày đi theo Chúa; hãy ôm trọn Thập giá Chúa Giêsu trong trái tim mình; hãy để cho Thánh Thần dẫn bước ta lên đồi Canvê; hãy phó thác trọn vẹn mạng sống mình và mọi sự cho Thiên Chúa, Đấng đầy lòng thương xót đến muôn đời.

  

Lạy Chúa Giêsu!

Trước những đau khổ, con thường than van, buồn phiền, ít khi con ý thức đó là một cách thế để đền bù tội lỗi con; như một cách thế biểu hiện tình yêu; và như một cơ hội để được thông phần với Chúa trên Thập giá.

Trong đau khổ, con thường phản kháng và tìm cách loại trừ, ít khi con muốn tìm hiểu ý nghĩa và giá trị của nó, theo ý hướng và tâm tình của Chúa.                              

Qua đau khổ, con thấy mình bị nhận chìm và bị vùi lấp, ít khi con cảm thấy mình đang vượt qua và lớn lên trong đường nẻo Chúa.

Với đau khổ, con cảm thấy cuộc sống trở nên khô cằn, hoang vắng, ít khi nghiệm thấy Chúa đang lặng lẽ bước vào đời con.

Con nhìn ngắm Thập giá Chúa, nhưng ít khi con dám ôm Thập giá Chúa vào lòng mình, như ôm lấy chính Chúa là niềm hy vọng duy nhất của đời con.

Chỉ là Tình Yêu khi nào con muốn đón nhận Thập giá, và chỉ với Thập giá con mới biết đón nhận Tình Yêu.

Xin cho con được xác tín thâm sâu là con đang được diễm phúc thông phần với Chúa trong mọi nỗi đau khổ của cuộc đời con, để con bước đi trong an bình, tin tưởng và phó thác. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

[1] Gioan Thánh Giá, Salita del Monte Carmelo, in: Opere, Roma, 1979, pp. 92-93.

[2] Alselm Grun, Hãy mở giác quan bạn cho Thiên Chúa, NXB Đông Phương, 2008, tr. 141-152.

[3] Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Chứng nhân hy vọng, 2000, tr. 152.

 

 

Download lời bài hát:  Chua Da Hien Minh

Exit mobile version