Điều kiện tiên quyết của ba lời khấn

90

Ba lời khấn không phải ai cũng có thể khấn hay tùy tiện khấn. Ở đây không muốn nói tới những điều khoản giáo luật vốn đòi hỏi ứng viên phải hội đủ những điều kiện nhất định, nhưng chỉ muốn phân tích lý do tại sao ba lời khấn lại đòi hỏi cách nghiêm ngặt những điều kiện phải có trước (tiên quyết) để một người có thể khấn. Bài viết phân tích dựa theo ba cấp độ hạnh phúc của con người.

Cấp độ hạnh phúc thấp nhất là mức độ tạm gọi là bất hạnh. Ở mức độ này, một người một cách căn bản không có được những gì mình muốn và ước ao. Càng muốn mãnh liệt, càng ước ao nhiều, mà không được thì khi ấy bất hạnh càng nảy sinh. Thế nên, để có hạnh phúc người ta có hai cách: một là giảm ham muốn và khát khao xuống (thiểu dục, diệt dục, và biết tri túc), khi ít ham muốn thì ít khổ. Cách thứ hai là cố sức để đạt được những gì mình ham muốn, khi đạt được sẽ cảm thấy hạnh phúc, ít là trong một thời gian nhất định. Nhưng cách này không bền lâu, vì đạt được ước muốn này, ước muốn khác nảy sinh. Tuy nhiên ở đây không đi sâu vào việc nên làm thế nào, chỉ cần biết là khi có ước muốn nhiều mà không đạt được thì khổ thế thôi.

Cấp độ hạnh phúc thứ hai là đạt được những gì mình muốn và hưởng dùng những gì mình muốn. Ví dụ, thèm ăn tôm hùm, có được tôm hùm và ăn thì cảm thấy sung sướng hạnh phúc. Thích xe hơi, làm kiếm tiền mua được và sử dụng xe hơi ấy, thì sung sướng hạnh phúc. Nói chung lại, muốn gì được nấy thì hạnh phúc.

Hạnh phúc cấp 3, cấp cao nhất, là hạnh phúc có được khi một người có được những gì mình muốn, nhưng thay vì hưởng dùng, thì lại đem cho tặng người mình yêu quý hay người cần đến. Ví dụ, thích ăn kem, và hôm nay được thưởng tiền, và có thể dùng tiền này để mua kem, nhưng người ấy lại không mua, nhưng đem tiền ấy biếu ông bà, hay bỏ vào nhà thờ, hay cho người hàng xóm để họ mua thuốc chữa bệnh. Khi làm như vậy, một niềm hạnh phúc sẽ trào dâng, và niềm hạnh phúc này có đặc tính rất lâu bền, niềm vui sẽ kéo dài mãi. Còn nếu đem đi ăn kem thì cũng vui, nhưng rồi tan biến ngay.

Nhưng vấn đề ở chỗ này. Chúng ta giờ đây biết cho đi thì hạnh phúc hơn là hưởng dùng, và chúng ta có đứa con. Nó được thưởng 50 ngàn và nó định mua kem để ăn. Nhưng chúng ta biết rằng cho đi thì tốt hơn nên chúng ta ép nó phải cho người nghèo. Nó không muốn, nó chưa sẵn sàng, thế nên cho dù chúng ta có ép được nó, thì việc cho người nghèo đó chỉ làm nó thêm tức giận, bực bội, hạnh phúc đâu không thấy, nhưng chỉ thấy bất hạnh. Thế nên muốn mà không được hay được mà bị “cưỡng chế” lấy đi thì cũng bất hạnh như nhau.

Áp dụng vào đời sống dâng hiến, đời sống dâng hiến là đời sống cho đi, dâng hiến chính mình. Vấn đề căn bản là chúng ta đã sẵn sàng để cho đi chưa? Nếu chưa, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng bị cưỡng chế, và khi ấy cuộc sống rất khổ.

Đời sống dâng hiến và ba lời khuyên phúc âm là đời sống tự nguyện, không buộc một ai phải vào. Cũng giống như chúng ta có 50 ngàn, thì chúng ta làm gì với số tiền ấy là tùy chúng ta, chúng ta không buộc phải đi cho. Nhưng đời sống dâng hiến là đời sống cho đi 50 ngàn này mà không dùng đồng nào. Ai bước vào nhà dòng thì mặc nhiên hiểu rằng ‘người này muốn cho hết (dâng hết) 50 ngàn mà không muốn giữ lại đồng nào. Không ai buộc phải vô dòng, nhưng hễ chọn vào dòng là chọn như vậy. Và bề trên thay mặt Chúa thu hết 50 ngàn. Nếu bề trên không thu hết, là đã làm sai chức vụ của mình, phá hoại căn tính của đời tu.

Vào nhà dòng là dâng hết. Việc dâng hiến trong nhà dòng không phải là việc cá nhân mà là một việc làm mang tính công khai và có tính pháp lý. Nếu mình ở ngoài nhà dòng, là giáo dân, mình có thể tự khấn với Chúa và giữ ở mức độ nào tùy ý. Nhưng một khi đã bước vào nhà Dòng, vào thể chế, thì việc dâng hiến không còn mang tính cá nhân nhưng mang tính đòi hỏi khách quan, đỏi hỏi ở đây là dâng hiến hết qua ba lời khấn, và bề trên là người “nhận lời khấn” nhưng đúng hơn là “nhận của lễ” và phải nhận cho hết. Không thể có chuyện tôi thích cho bao nhiêu tùy ý.

Vậy một khi tự nguyện bước chân vào nhà Dòng thì mặc nhiên bề trên phải hiểu rằng con người này tự nguyện dâng hiến tất cả, vì vậy bề trên phải thực hiện cho đúng việc “nhận lấy trọn vẹn lễ vật”. Không bao giờ được hiểu là “để tùy cá nhân dâng nhiêu thì dâng”.

Điều trọng tâm của bài viết này là, vì nhiều lý do, người vào dòng không có ý hướng ngay lành, hay ít là không hiểu được đặc tính của Dòng tu, “quên đọc kỹ hướng dẫn trước khi vào”, quên đọc kỹ các điều khoản của tổ chức. Ý hướng ngay không chỉ là tôi muốn dâng hiến cho Chúa. Nhiều người hiểu lầm ở chỗ này, họ nghĩ họ muốn dâng hiến cho Chúa là tốt rồi. Không phải vậy, nếu họ muốn dâng hiến cho Chúa thì họ có thể sống ở ngoài, sống một mình và họ vẫn có thể dâng hiến cho Chúa. Còn vào dòng thì dâng hiến cho Chúa để Chúa hoàn toàn tự do sử dụng mình qua tay bề trên (mà bất cứ bề trên nào, vô điều kiện). Không thể thêm rằng để Chúa sử dụng qua bề trên tốt, hợp ý con, bề trên có lý, còn những bề trên khác thì con không chịu, con cãi cho tới cùng.

Vậy ai mà vào dòng mà không có ý ngay lành là để Chúa sử dụng hoàn toàn qua bề trên thì người ấy chưa sẵn sàng dâng hiến. Thế nhưng họ lại khấn, và bề trên khi ấy thâu nhận lễ vật của họ, nhưng họ không sẵn sàng, họ cảm thấy như bị “cưỡng chế”, “bóc lột”, “đàn áp”… họ rơi vào cấp độ hạnh phúc thấp nhất, cấp độ bất hạnh. Những người này không nên đi tu, mà nên ở ngoài, sống ở cấp độ thứ hai: tức kìm kiếm những gì mình khao khát và giữ lại sử dụng. Đó là tìm tiền bạc, gia đình, chồng vợ, con cái, danh tiếng, sự khẳng định cá nhân, khẳng định bản thân. Rồi khi nào thoải mái, họ có thể dâng hiến và đóng góp gì đấy ở một mức độ nhất định tùy theo lòng của họ. Như vậy sẽ tốt hơn. Chứ nếu họ vào dòng, tức ở một trình độ mà người ta đã gần như không còn muốn gì cho mình, chỉ muốn dâng hiến thôi, thì họ chịu làm sao nổi.

Có một thực tế là do áp lực gia đình hay vì một yếu tố nào đó, một người vào dòng lại để tìm kiếm và khẳng định bản thân hơn là dâng hiến. Điều này đi ngược hoàn toàn lại với căn tính của đời dâng hiến. Họ vào dòng và khao khát vô thức hay ý thức của họ là tìm kiếm những gì họ muốn như quyền lợi, địa vị danh vọng. Như vậy, những con người này rất khó sống trong dòng, vì “trái môi trường”. Thử hỏi trong một môi trường mà mọi người đã qua giai đoạn tìm mình khẳng định mình, mà chỉ muốn hiến toàn tâm toàn ý cho chúa và nhà dòng sử dụng, còn mình lại đi tìm kiếm cái riêng tư như khẳng định cá nhân, sự công bằng, quyền lợi… thì lạc lõng biết bao nhiêu.

Vì thế, vấn đề quan trọng cần đặt ra trước khi khấn là: tôi có hoàn toàn tự do, và tự nguyện muốn trao phó cuộc đời duy nhất của tôi, cùng tất cả những quyền lợi chính đáng mà tôi có quyền được hưởng cho Chúa để Chúa sử dụng qua bề trên không? Nếu không thì trước mặt Chúa, người ấy không nên khấn.

Dĩ nhiên câu hỏi thực tế là trong cuộc sống ít ai đạt được trạng thái hoàn toàn thanh thoát với nhu cầu bản thân để dâng hiến cho Chúa. Nhưng ít ra cõi lòng phải có một sự sẵn sàng ở một mức độ nhất định, và các nhu cầu như khẳng định bản thân, có một tình yêu riêng, dang tiếng, tuy vẫn còn, nhưng ở một mức độ yếu, có thể kiểm soát được và người ấy có khả năng chịu những đau đớn hi sinh khi từ khước đáp ứng những nhu cầu đó. Đôi khi cũng vấp phạm chiều theo những nhu cầu đó, nhưng họ ý thức được, và đặc biệt khi được nhắc nhở thì họ rất vui sướng, vì họ thực sự muốn dâng hiến, muốn dứt khoát với các nhu cầu tự nhiên đó. Hơn nữa trong cuộc sống họ luôn có những nỗ lực để sống sát hơn hơn điều họ khấn hứa.

Ngược lại, với người chưa sẵn sàng, những nhu cầu kia quá đỗi mạnh mẽ, khiến họ một cách vừa vô thức và ý thức đi tìm thỏa mãn. Và khi bị nhắc nhở, tức bị ngăn cản, họ “nổi xung” lên, coi bề trên là người ngăn cản họ đáp ứng những nhu cầu tự nhiên đó. Vậy đây có thể là một dấu hiện để biết chính mình: tôi phản ứng ra sao khi bị nhắc nhở về việc giữ các lời khấn, về cuộc sống của tôi? Nếu tôi cũng vui vẻ chấp nhận và ra sức sửa chữa thì tôi có thể khấn; nếu không, thì phải tìm cách khác thôi, tức tìm hạnh phúc ở cấp độ hai thôi.

Thực sự bề trên là người khổ. (Ở đây không muốn nói đến những bề trên đi tìm mình, tức chưa dâng hiến). Họ rất thương bề dưới. Họ biết rằng cuộc đời ai cũng thèm ăn kem, cuộc đời ai cũng chỉ có 50 ngàn. Ăn kem là nhu cầu chính đáng mà. Họ đâu có lỡ lấy hết 50 ngàn, nhưng đời dâng hiến đòi hỏi như vậy. Nói cụ thể hơn, lớn lên ai chẳng cần có người yêu, có gia đình, con cái, được làm theo ý mình và thể hiện chính mình. Bề trên cũng muốn cho bề dưới có những thứ này, nhưng tiếc đây là nhà Dòng, chứ không là nơi của bậc giáo dân.

Nhưng vấn đề ở chỗ, trong Giáo hội, có những con người cảm nhận được ơn Chúa và một cách căn bản những nhu cầu kia không còn quá mạnh mẽ, nhưng lòng biết ơn Chúa lại mạnh mẽ trong họ. Nên họ đã tự nguyện dâng hiến hoàn toàn để phục vụ Chúa qua nhà Dòng, họ là người sáng lập dòng. Chúng ta là những người đi sau, thấy đời tu tốt đẹp, cũng muốn vô, nhưng những nhu cầu chúng ta còn quá mạnh, và chúng ta lại phải sống cùng một nếp sống với những con người “sáng lập dòng rất thánh thiện và tự do” ấy, nên chúng ta cảm thấy mình bị tước đoạt, chơi với… Bề trên thấy chứ, nhưng biết làm sao? Không lẽ để nhà dòng thành nơi dâng hiến nửa vời? Thành nơi tự do, sẵn sàng bao nhiêu dâng bấy nhiêu, biến nhà dòng thành nơi để mọi người tìm chỗ đứng, quyền lợi, khẳng định ý riêng và sự giỏi giang của mình?

Vấn đề càng phức tạp hơn khi bề trên lại là người chưa thanh thoát và đi tìm mình. Người thường gian lận đã khổ mà chính quan tòa hay người nắm pháp lý mà gian lận thì lại càng gây rối hơn. Thế nên bề trên phải là người được tuyển chọn kỹ.

Vậy phải làm sao? Vậy phải đọc kỹ lại căn tính của đời tu, của nhà Dòng, của các đòi hỏi rất nghiêm ngặt của ba lời khấn. Thứ đến, kiểm tra bản thân xem mình có đạt đến mức sẵn sàng và tự do để dâng hiến không? Nếu cảm thấy những nhu cầu tự nhiên quá mạnh, và đã sau thời gian cầu nguyện và cố gắng lâu dài mà vẫn không cải thiện được, thì nên chọn đời sống giáo dân. Khi đó mình được quyền tìm ý riêng, khẳng định bản thân, có tình yêu gia đình, có sáng kiến và mình sẽ dâng hiến ở mức “tùy lòng hảo tâm, hay tùy mức sẵn sàng”. Còn nếu thấy những nhu cầu tự nhiên nhẹ bớt, không khó chịu nhưng vui vẻ khi được nhắc nhở, ra sức sửa mình, có những tiến bộ nhỏ nhưng đều, thì có thể khấn.

Lm. Giuse Vũ Uyên Thi (31.8.23)