Điều gì làm Chúa Giêsu nổi nóng?

85

DieuGi Khien ChuaGiesu NoiNongKinh Thánh không cấm chúng ta tức giận nhưng cấm chúng ta phạm tội, nghĩa là “cứ tức giận nhưng đừng phạm tội”. Chúa Giêsu sống công chính, vô tội, nhưng cũng có lúc Ngài phẫn nộ, nhưng phẫn nộ chính đáng khi thực sự cần thiết để dạy chúng ta về bài học đời đời. Chúa Giêsu đã nổi nóng vì nguyên nhân gì?

GIẢ HÌNH

Chúa Giêsu rất ghét thói giả nhân giả nghĩa, điển hình là nhóm Pharisêu, chú trọng vẻ nhân đức bề ngoài nhưng lòng họ chứa cả “bồ dao găm”. Ai thử động vào họ thì “biết tay” liền. Họ thấy rõ cái rác trong mắt người khác mà lại không chịu nhìn ra cái xà trong mắt mình. Chúa Giêsu nói thẳng: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7:5; Lc 6:42).

Tiền nhân dạy chúng ta phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Trước khi kết án người khác, chúng ta không được hồ đồ, mà phải xét mình trước. Kinh Thánh đã cảnh báo: “Chưa tra xét thì đừng buộc tội, suy nghĩ trước rồi hãy trách móc sau” (Hc 11:7).

THAM LAM

Có lẽ lần Chúa Giêsu nổi nóng nhất là đánh đuổi lũ người buôn bán ra khỏi Đền Thờ (Mt 21:12-17; Mc 11:15-19; Lc 19:45-48; Ga 2:13-22). Họ đã biến Đền Thờ thành nơi buôn bán, sào huyệt bọn trộm cướp, nơi lừa lọc nhau để trục lợi cá nhân. Tất cả chỉ vì thói tham lam. Mà lòng tham thì không có đáy. Đền Thờ là Nhà Cầu Nguyện nhưng bị người ta biến thành nơi mua gian bán lận. Chúa Giêsu thấu suốt tâm can họ: Xác ở trong nhà thờ nhưng lòng còn ở đâu đâu rất xa, miệng lâm râm kinh kệ mà hồn còn đang đi du lịch.

Chúng ta cũng vậy, ở ngay trong nhà thờ, rất gần Chúa, nhưng hồn lại xa Chúa, vì còn mải tính toán thu chi sao cho có nhiều lợi lộc, lòng tham đã chặn kín con đường đến với Chúa, thế nên chúng ta không thể gặp được Chúa Giêsu. Ngài muốn chúng ta ưu tiên Ngài số một: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6:33).

NỬA VỜI

Chúa Giêsu muốn chúng ta tìm hiểu Ngài và tín thác vào Ngài, chứ không nửa vời, chân trong chân ngoài. Ngài muốn chúng ta sống kết hiệp mật thiết với Ngài qua từng hơi thở, có đời sống tâm linh mạnh mẽ, vì đó là cách sống dồi dào như Ngài muốn. Cũng như hoạt động thể lý, hoạt động tâm linh phải dứt khoát, không thể “lửng lơ con cá vàng” hoặc như nước ao tù.

Thiên Chúa đã cảnh báo Hội Thánh Lao-đi-ki-a: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3:15-16).

Ngài cũng đang trách nặng lời với chúng ta như vậy. Chúng ta cũng chẳng khác họ, vì chúng ta vẫn thường tự nhủ: “Tôi giàu có, tôi đã làm giàu, tôi chẳng thiếu thốn chi” (Kh 3:17a). Nhưng chúng ta lầm to, vì chúng ta không biết rằng chính mình lại đang là những “kẻ khốn nạn, đáng thương, nghèo khổ, đui mù và trần truồng” (Kh 3:17b).

CỨNG LÒNG

Thánh sử Máccô cho biết: “Đức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá” (Mc 3:5). Lý do? Hôm đó là ngày Sa-bát, Chúa Giêsu chữa lành tay cho một người bị bại liệt, nhưng nhóm Pharisêu ghen tức, và họ lập tức bàn tính với phe Hêrôđê để tìm cách giết Ngài. Thấy người khác làm tốt mà lại tức giận. Kỳ thật! Chính sự trung thành giữ luật của họ đã ngăn cản họ đến với Chúa Giêsu. Chỉ lo bề ngoài mà bỏ điều quan trọng hơn: Nội tâm. Còn chúng ta đã bao giờ có thái độ và mưu mô như họ? Rất “ngại” trả lời!

Ỷ LẠI

Các kinh sư, nhóm Pharisêu và các thượng tế thường xỏ xiên và gài bẫy Chúa Giêsu, nhưng không vì thế mà Ngài ghét họ. Ngài vẫn yêu thương họ, muốn họ sống tốt, Ngài chỉ ghét thói ỷ lại của họ, cứ tưởng mình có chức có quyền là “ngon” hơn người khác, và có thể “hành” người khác. Vì họ quá cố chấp và ỷ lại, Chúa Giêsu đã phải nặng lời: “Khốn cho cả các người, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào” (Lc 11:46). Thế mà họ vẫn cứ trơ trơ, cố ý giả mù sa mưa!

TỰ KIÊU

Chúa Giêsu tha thiết mời gọi chúng ta sống đời sống cầu nguyện liên lỉ, ăn chay, sám hối, nhưng phải kín đáo chứ không khoe khoang để được tiếng khen. Cách làm đó xem chừng dễ lắm, nhưng thật ra lại khó vô cùng. Cứ nhìn vào thực tế mà xem! Khoe khoang là tự kiêu, là “nổ”, là “chảnh”, tức là toàn những cái không thật. Và như vậy là đối nghịch với Thiên Chúa.

Khiêm nhường đối lập với kiêu ngạo. Người khiêm nhường luôn được Thiên Chúa yêu thương: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1:52). Khiêm nhường là một trong tám mối phúc: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5:4).

TRẦM THIÊN THU