Điệp Khúc Lòng Thương Xót Chúa

151

Tháng 6 về, một tháng đặc biệt kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, sứ điệp ấy không chỉ trải dài trong Cựu Ước, Tân Ước, nhưng là trong chính cuộc đời tôi. Như là các lời thơ, Thánh Vịnh đã diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa rất đẹp và phong phú, tác giả Thánh Vịnh đã nhắc nhớ tôi và hiện thực hóa một điệp khúc yêu thương mà Chúa đã viết trong chính những trang đời tôi. Ở đây, trong phạm vị hạn hẹp, người viết chỉ xin được đề cập đến Thánh vịnh 136 trong cái nhìn đối chiếu với cuộc đời mình. Nếu yếu tố lòng thương xót làm cho tất cả các biến cố trong Cựu Ước mang ý nghĩa cứu độ sâu xa thì tôi cũng thấy được lòng thương xót Chúa đã bao bọc mình như một điệp khúc, ngay khi lọt lòng mẹ cho đến giây phút hiện tại, và cả trong tương lai. Dẫu có lúc chới với trên hành trình đức tin, nhưng chắc chắn lòng thương xót Chúa sẽ đồng hành với bất cứ ai có lòng tín thác. Thiên Chúa giàu lòng xót thương là Đấng luôn che chở, gìn giữ, Đấng bênh đỡ những con người yếu đuối, những người bất hạnh và nhỏ bé, những người đau khổ thể xác lẫn tinh thần và tôi cũng nằm trong số ấy. Trong Thánh Vịnh 136, Thiên Chúa đã được ca tụng là Đấng giàu lòng xót thương, và muôn người cần ý thức sống tâm tình tri ân cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136, 1). Đó cũng là câu Kinh Thánh mà lớp khấn của tôi (20/06/2017) đã chọn như một phương châm sống cho đời tu của mình: Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Trong sự tĩnh lặng của cõi lòng, tôi đọc lại lịch sử cuộc đời, ôn lại những giờ phút chỉ có Chúa và tôi biết được, những giờ phút hạnh phúc và thân ái, những giờ phút buồn phiền và đau khổ tột cùng, những giờ phút xót thương và ân sủng. Tôi thấy cuộc đời như được biến thành một lời kinh, những ký ức của tôi không còn dày vò làm tôi đau khổ và những biến cố lớn nhỏ, vui buồn, chung riêng trong đời tôi là một cơ hội khám phá tình Chúa.

Tôi có thể đọc lại cuộc sống của tôi ngay qua Thánh vịnh 136. Đọc những trang đó, tôi thấy tất cả những điều này như được viết cho chính mình. Tôi nhớ lại ân huệ sự sống, và ơn gọi làm con Chúa, ơn gọi dâng hiến. Chúa dắt tay tôi bước từng bước nhỏ trong hành trình cuộc đời. Trời cao hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng Chúa cao hơn tư tưởng tôi bấy nhiêu. Tôi sẽ chẳng bao giờ thấu đáo được tình thương ấy. Nhưng biểu hiện của tình thương thì tôi thấy rõ. Một đứa út sinh sau đẻ muộn trong một gia đình đông con. Người lớn coi sự ra đời của nó chỉ là chuyện “nhỡ nhàng” ngoài ý muốn. Tôi hay tủi thân và mặc cảm. Một tuổi thơ thiếu thốn và cô đơn. Tuổi hoa niên cách biệt và lặng lẽ. Những bươn trải tự lập trong quãng đời sinh viên càng làm cho nỗi cô đơn, lạc lõng xâm chiếm tâm hồn tôi. Trong tôi luôn cảm thấy thiếu thốn, không hẳn là thiếu thốn tình cảm từ bố mẹ, anh chị. Nhưng đó là một nỗi khao khát không được gọi tên. Tôi rung động trước đời Thánh hiến nhờ một gương sống dấn thân đến tuyệt vời. Với động lực thật đơn giản nhưng đó là khởi điểm cho một hành trình khác mà tôi đã can đảm bước vào: Đời Dâng hiến. Sau gần 7 năm cảm nếm hạnh phúc trong nhà Chúa, tôi cứ ngỡ rằng mình đã vững vàng trong tình yêu với Chúa. Nhưng Chúa lại cần tôi chứng minh điều đó ngay vào dịp lễ khấn lần đầu của tôi. Một tuần trước ngày tuyên khấn lần đầu, vào một buổi sáng đẹp trời. Tôi nhận được cuộc điện thoại từ gia đình. Tôi mừng vui vì đoán rằng, có lẽ bố mẹ gọi để báo cho tôi về việc nhận được thiệp khấn.

  • A lô!
  • Bố à, con đây. Bố mẹ khỏe chứ ạ? Ở nhà nhận được thiệp của con chưa bố? Bố đặt vé chưa ạ? Tôi hỏi liên tục với giọng háo hức.

Bố lặng thinh hồi lâu như thể lấy hết can đảm để báo cho tôi điều gì đó hệ trọng hơn cả lễ khấn của tôi. Một chút sợ hãi chạy dọc sống lưng khi tôi chợt nhận ra dở đầu dây bên kia giọng của bố rất lạ.

  • Con à, cầu nguyện cho chị Liên con nhé!
  • Chị bị làm sao hả bố? Nỗi sợ tăng lên trong tôi. Tôi hỏi thêm câu nữa.
  • Chị bị tai nạn mất rồi con ạ! Là một gã say rượu…

Tôi đánh rớt chiếc điện thoại và không còn biết gì nữa. Tôi không còn nghe rõ bố nói gì ở đầu dây bên kia. Mọi thứ lịm tắt trong đầu óc và trái tim tôi. Người chị gái yêu quý và gắn bó nhất với tôi đã ra đi. Hai năm rưỡi tôi không được gặp chị và mãi mãi như thế! Trước biến cố này, làm sao tôi có thể thốt lên câu Thánh vịnh thân quen kia: Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136, 1). Tôi ngửa mặt hỏi Chúa: “Sao Chúa lại cất người chị của con về giữa lúc con chuẩn bị quỳ xuống khấn hứa rằng sẽ chung thủy, chung thành với Ngài?”. Tôi khóc rất nhiều trong “ngày cưới”, và những ngày dài sau đó, tôi rơi vào trạng thái trống rỗng. Những giọt nước mắt không màu, mặn chát đọng ứ như những dấu chấm hỏi không lời đáp. Dẫu trong Dòng tôi đã được tiếp cận với nhiều giáo huấn về “thập giá”, nhưng khi phải đối diện với thực tế, nó khác xa nhiều, nó đớn đau gấp bội. Dường như nỗi đau ấy đã xâm chiếm và làm suy nhược nguồn năng lực, sức mạnh và cả niềm tin trong tôi. Tôi không hiểu được Chúa đang làm gì và Chúa muốn nói gì đằng sau những đau khổ, những sự dữ, trái ngang đang chen lấn, song hành trong cuộc đời tôi và của biết bao con người khác nữa. Phải sau đó rất lâu, tôi mới nghiệm ra được rằng: Chúa đã chịu đựng lời trách móc, dỗi hờn của tôi. Nếu không có Ơn Chúa, có lẽ tôi đã không thể đứng dậy bước tiếp sau những thử thách đau đớn. Nhất là khi phải đối diện với sự ra đi của người thân, của những sự khó hiểu giữa lòng cuộc sống hôm nay. Thập giá, đau khổ sẽ sinh ích lợi cho tôi ngay từ khi tôi không muốn đầu hàng nó. Thập giá giúp tôi phần nào cảm nghiệm được nỗi đau của Chúa và của người khác.

Chưa đầy giỗ chị hai năm, thì bố tôi cũng ra đi bởi căn bệnh ung thư. Tôi đau thêm một lần nữa, và thêm một lần nữa tôi vùi mình suy nghĩ về màu nhiệm sự chết. Cái chết là một phần của huyền nhiệm sâu xa mà lý trí không thể nào lý giải và trái tim tôi cũng chưa thể nào nguôi ngoai. Ở bên bố trong lúc đau đớn và bất lực nhất, tôi thấy như chính sự sống của mình đang bị bòn rút dần. Chưa bao giờ “nỗi sợ” trong tôi đầy tràn như thế! Tôi thấy Chúa đang đau đớn dữ dội trong tim và trong mắt bố, và Chúa cũng đang đau trong chính tim tôi. Tôi không biết đó là thứ cảm giác gì vì không có thứ ngôn từ nào có thể diễn tả được? Mất chị tôi hụt hẫng. Mất bố, tôi chới với. Tôi không thể bám vào Mẹ, vì Mẹ đâu còn sức lực nữa. Tôi cũng không thể dựa vào những người anh của mình vì từ nhỏ tôi không có thói quen ấy. Tôi càng không thể tựa vào chị em vì “gánh” riêng của mỗi người đã đủ nặng lắm rồi! Tôi cố gắng bám vào thứ đức tin mong manh mà tôi đã gom nhặt được sau ngần ấy tuổi đời. Lý trí vẫn nhận biết những dấu chỉ Chúa thương, nhưng trái tim còn đau nhói. Tôi đã không nói với Chúa một lời nào, chỉ có thinh lặng đáp trả sự lặng thinh. Tôi càng không thể bắt chước ông Gióp mà nói “chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao? (G2, 10). Tôi đã quên rằng Chúa còn đau đớn hơn tôi. Mẹ Maria đã nhìn con mình chết, Mẹ cũng đau hơn tôi. Tôi đã từng mong mỏi có được một người bạn giống như một trong ba người bạn của Gióp. Không cần nói lời nào mà chỉ hiện diện ở đó, ngay cạnh Gióp, giữa lúc mà nỗi đau khổ của ông quá lớn (x. G2, 13). Tôi đã rất mong như thế! Giữa thử thách liên tiếp, tôi mong mình có thể đạt đến sự kết hợp siêu nhiên như thế lắm chứ! Nhưng làm sao có thể? khi trái tim tôi vẫn là một trái tim làm bằng thịt, yếu đuối và bất toàn. Tôi nghĩ đến Đấng mà chưa đầy hai năm về trước, tôi đã từng trách cứ Ngài rất nhiều. Cuối cùng Ngài vẫn là nơi cho tôi nương ẩn. Người bạn thực sự của Gióp và của chính tôi là Thiên Chúa chứ không phải ai khác. Ngài có thể thấu hiểu tôi hơn bất cứ người thân hay người bạn nào. Tôi đến với Ngài để có thể tự nhiên nói, tự nhiên gào khóc và thoi thóp trong cơn đau đến kiệt sức. Sau hai biến cố, tôi mới ngộ ra rằng: không nên tin vào những phản ứng đầu tiên của mình. Tôi học cách chờ đợi và suy đi nghĩ lại những biến cố ấy trong cuộc đời dâng hiến. Tôi xin Ngài giúp đỡ và để được hướng dẫn. Trong ký ức cá nhân tôi có rất nhiều câu chuyện và biến cố cho tôi thấy rằng Chúa thương tôi. Nhưng chính trong lúc tăm tối nhất, tôi lại nhận ra Chúa không bỏ rơi tôi. Nhưng ôm ấp, chăm sóc tôi như một người Cha. Sau biến cố này, tôi mới tập không chối từ những gì mình là, mình có: Sự yếu đuối, phận người mong manh, sự chết, cô đơn, chia ly, đau khổ, yêu thương… Màu nhiệm Thập giá là nơi duy nhất tôi có thể ném mình vào đó để có sức đứng dậy, vác lấy, ôm hôn và không tủi hờn chi nữa.

 Tất cả những biến cố và kinh nghiệm về Lòng thương xót của Thiên Chúa, đ không phải là một điều gì trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể. Qua đó, Ngài tỏ bày tình yêu của Ngài như tình yêu của một người cha hay một người mẹ đầy nhân từ luôn dõi theo những đứa con của mình. Tôi dần say mê và yêu mến mầu nhiệm Thập Giá, từng ngày khám phá mầu nhiệm ấy trong những kinh nghiệm và biến cố lớn nhỏ của cuộc đời. Tôi được lớn lên và vững vàng hơn trên hành trình “xuất hành” của chính mình. Tôi học vác thập giá của bản thân, nhưng an tâm vì tin rằng có Chúa bên cạnh. Thập giá dạy tôi biết đồng cảm với nỗi khổ đau của anh chị em đồng loại. Tôi thấy mình được thương ngay cả khi tôi nghi ngờ quay mặt đi với Chúa, khi tôi khóc than và kêu trách Chúa, Chúa vẫn chịu đựng và chờ đợi tôi. Khi tôi đau, Chúa cũng đau, khi tôi buông lơi, bỏ cuộc, Chúa ẵm nâng tôi lên… Và sự hiện diện thiêng liêng vô hình ấy giúp tôi mạnh mẽ bước tiếp về phía trước. Lòng tôi lúc này có thể tự do mà thốt lên rằng: Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

01/06/2021

Nt. Anna Bích Hạt, Học viện MTG Thủ Đức