Điệp khúc của Bố

51

ĐIỆP KHÚC CỦA BỐ

Bố đi làm ở nhà nhớ trông em cho cẩn thận đấy ! Đừng để em chơi một mình, em mà té là khổ lắm đấy ! Nhớ chưa ?

–       Dạ, con biết rồi.

–       Nhớ cho em ăn và tắm cho em đấy !

–       Vâng ạ.

–       Ở nhà thì 10 giờ mới nấu cơm trưa, đừng có nấu sớm, cơm nó ôi, nghe chưa?

–       Dạ nghe. Bố cứ đi làm đi, con biết phải làm gì mà. Bố không phải lo !

–       Ừ, Bố đi làm đây. Nhớ trông em cẩn thận đấy !

–       Dạ, con biết rồi. Bố đi làm đi.

Ngày nào trước khi đi làm, Bố cũng dặn tôi đủ thứ : nào là nấu cơm, nào là chăm em, nào là tắm cho em… Điệp khúc này tôi đã thuộc lòng từ năm 7 tuổi.

Bố tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có mười người con. Bố là con thứ ba trong nhà. Lúc bố mười lăm tuổi là lúc bà Nội tôi ra đi mãi mãi, để lại cho ông Nội một đàn con nheo nhóc với căn nhà rách nát và vạn nỗi đau thương. Gia đình quá đông, một mình Nội cáng đáng không nổi. Bác Cả và bác Hai lập gia đình chạy tang trước khi bà Nội mất. Bố tôi phải sang ở nhà bà Bác kiếm tiền phụ giúp Nội nuôi các em.

 Cuộc sống vất vả hun đúc sự trưởng thành cho Bố. Hai mươi tuổi, Bố tôi trở thành một chàng trai nổi tiếng nhất làng bởi vẻ lãng tử đẹp trai, chịu thương chịu khó không ai bằng. Bố là mẫu người lý tưởng của biết bao cô gái thời bấy giờ. Sáng, Bố giúp Bác nấu rượu, giao hàng, bán hàng. Ban ngày, Bố đi làm hợp tác xã tính công, một mình Bố làm công bằng cả ba, bốn người. Tối đến, Bố nhận hàng đan giỏ thủ công kiếm thêm thu nhập phụ ông Nội… Vậy mà Bố chẳng hề để ý đến những cô gái xinh đẹp con nhà giàu, lại chỉ chọn Mẹ, người con gái bình thường về nhan sắc nhưng đảm đang và duyên dáng. Cuộc sống của Bố sang trang từ ngày ấy.

Lập nghiệp với hai bàn tay trắng, cuộc sống của Bố Mẹ gặp nhiều khó khăn. Bố cưới Mẹ được năm tháng thì Nội quyết định cho Bố Mẹ tôi ra ở riêng với một túp lều nho nhỏ, hai cái nồi nhỏ, và mười kilogam gạo. Thực ra Nội cũng chẳng có nữa mà cho thêm. Bố Mẹ tôi vui vẻ đón nhận tất cả.

Lấy nhau được ba năm, Mẹ tôi hư thai hai lần, đúng là “một lần sàng bằng ba lần sẩy”. Tới năm thứ tư, Mẹ mang bầu và sinh tôi. Bố tôi mừng không sao tả xiết khi nghe tin “mẹ tròn con vuông”, đến nỗi từ dưới bếp, Bố để xổng khỏi tay con gà mái tơ định nấu cháo cho vợ đẻ ăn bồi bổ sức khỏe. Mọi người trong nhà vẫn hay ghẹo Bố : “Thấy vợ đẻ con gái buồn quá hay sao mà thả mất gà mái tơ ?”. Bố chẳng nói gì mà chỉ cười. Nhưng hơn ai hết, Mẹ là người hiểu được niềm vui có con gái đầu lòng của Bố. Bố thấy thế là đủ.

Bố tôi cũng là một “tài xế” đẳng cấp và hài hước. Mỗi Chúa Nhật, một mình Bố chở ba chị em tôi đi lễ trên chiếc xe khung cà tàng nhất làng. Một cảnh tượng trông thật lạ mắt : Bố ngồi đằng trước, một tay bế út, một tay điều khiển xe, phía sau là tôi và nhỏ em ôm nhau ngồi trên gacbarga. Mỗi lần đi lễ, Bố kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất cho chị em tôi nghe, những câu chuyện cười vỡ bụng và vô cùng lý thú.

Hết lớp 12, tôi thi trượt đại học. Ở ngoài kia, có vài anh chàng đang “ngấp nghé”. Bố tôi tưởng mình sắp lên chức ông. Chờ mãi chẳng thấy gì, chỉ thấy con gái yêu đã hai mươi tuổi mà chẳng chịu “chống lầy”. Bố thấy lo. Bố bảo: “Bố thấy thằng Thanh, nó ưng con lắm đấy, lấy nó cũng được. Nó chịu khó, lại ngoan ngoãn nữa. Gia đình nhà nó cũng tử tế. Con gái tuổi xuân có thì, 20 tuổi rồi đấy…”.

Rồi một ngày kia, đứa con gái lớn đưa đến cho gia đình một thông tin “giật gân” : “Thưa Bố Mẹ, con cảm ơn Bố Mẹ đã sinh ra con, nuôi dưỡng, dạy dỗ con nên người. Con biết Bố Mẹ rất yêu thương con và mong cho con có được mái ấm riêng của mình. Trong hai năm qua, con đã suy nghĩ và cầu nguyện để xin Chúa soi sáng cho con biết Ngài muốn con bước theo ơn gọi nào. Giờ đây, con xác quyết con đường Chúa muốn con đi là đường tận hiến. Con rất mong Bố Mẹ đồng ý với quyết định này và chúc phúc cho lựa chọn của con”. Suốt hai tuần, Bố buồn rười rượi, chẳng nói chẳng rằng. Bố sợ con gái lựa chọn sai lầm. Bố sợ con đi tu phải khổ… Sau khi cầu nguyện, cuối cùng, Bố cũng đồng ý để con ra đi sống cuộc đời tận hiến cho Chúa.

Vào nhà Dòng, cứ mỗi buổi sáng, tôi lại nghe văng vẳng trong tim điệp khúc của Bố :

–       Bố đi làm ở nhà nhớ trông em cho cẩn thận đấy ! Đừng để em chơi một mình, em mà té là khổ lắm đấy ! Nhớ chưa ?

–       Dạ, con biết rồi.

–       Nhớ cho em ăn và tắm cho em đấy !

–       Vâng ạ.

–       Ở nhà thì 10 giờ mới nấu cơm trưa, đừng có nấu sớm, cơm nó ôi, nghe chưa?

–       Dạ nghe. Bố cứ đi làm đi, con biết phải làm gì mà. Bố không phải lo !

–       Ừ, Bố đi làm đây. Nhớ trông em cẩn thận đấy !

–       Dạ, con biết rồi. Bố đi làm đi.

Mặc dù những điệp khúc ấy thật bình dân, giản dị nhưng sao nghe thương quá khi tôi xa nhà.

Bố là động lực và là điểm tựa của tôi trên con đường tôi đã chọn. Dù bây giờ không ở cạnh Bố nhưng hình ảnh của Bố và “điệp khúc” dễ thương của Bố luôn khắc ghi trong tim tôi. Tôi tự hào về Bố.

Phạm Thị Văn

Thanh tuyển viện MTG. Thủ Đức