VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN Điểm hẹn của chân lý đức tin

Điểm hẹn của chân lý đức tin

Nhà bác học Newton nói: “Tôi đã nhìn thấy Thiên Chúa ở đầu kính viễn vọng”

 Điểm hẹn của chân lý đức tin

1. Một thoáng nhìn về con người và sự gian nan của đức tin
 

Nhà bác học Newton nói: “Tôi đã nhìn thấy Thiên Chúa ở đầu kính viễn vọng”

Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở thành một sinh vật” (St 2,7). Vì “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27).

Một nhà bác học Mỹ đã phân tích các yếu tố vật chất trong con người và đánh giá như sau: trong con người có một số nước đủ để giặt một cái khăn lau bàn. Máu có chứa một lượng sắt có thể làm được 7 cái đinh đóng móng ngựa. Một số vôi đủ để quét được một bức tường nhỏ. Một số than đủ để làm 65 cây bút chì. Một lượng phốt phát đủ để làm được một hộp diêm. Số muối khoảng 1 muỗng cà phê. Trị giá tất cả những yếu tố này dĩ nhiên không quá 1 mỹ kim. Nhưng cũng trong một cách lượng giá ấy, một chuyên gia về nguyên tử lại ước tính rằng: năng lượng nguyên tử trong mỗi con người có thể lên đến 1 triệu kw, nghĩa là bình quân cứ mỗi giờ, 1 kg sức nặng trong thân thể con người có thể sản xuất được 400.000 triệu kw. Như vậy, mỗi người đều có giá trị đến 85 tỷ mỹ kim (x. R. Veritas, Bước theo chân Mẹ, tr. 165).

Quả thật,
“Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo
Muôn trăng sao Chúa đã an bài,
Thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến
Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8,4-7).

Những đoạn Kinh Thánh được ghi trong sách Sáng Thế nói về việc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người một thời được hiểu theo nghĩa đen thùi lùi nên đều trái ngược với phát kiến khoa học của Corpecnic và tiếp đến là của nhà khoa học nổi tiếng Galileo (1564-1642): trái đất tự quay quanh mình và quay quanh mặt trời một vòng 365 ngày. Giới khoa học lấy Nicolas Corpecnic (1473-1543) với phát kiến hệ nhật tâm (mặt trời là trung tâm) của ông để như một thứ mốc phân chia hai thời kỳ. Từ Corpecnic trở về trước là thời Ptolemy (83-161) thuộc hệ địa tâm (trái đất là trung tâm). Còn triết gia Aristote (384-322) của Hy Lạp với tư tưởng đi tìm căn nguyên của vạn vật cũng đã gặp phải phản ứng gay gắt. Vào năm 1210, Tổng Giám mục Sens và nhiều giám mục khác họp Công Đồng tại Pais đã lên án cấm chỉ đọc Aristote!

Kiến thức khoa học này, ngày nay không ai dám chối cãi và dám hiểu khác. Thế mà, cách đây mấy thế kỷ, đây là một sự kiện long trời lở đất, đặc biệt là đối với Giáo Hội. Nên đã xảy ra phản ứng gay gắt, suýt nữa nhà bác học nổi tiếng của chúng ta bị Giáo Hội đưa lên giàn hoả thiêu. Sự phát kiến ra hệ nhật tâm của Corpecnic và Galileo và một cuộc cách mạng trong nền thiên văn học và làm chao đảo niềm tin Kitô giáo đứng trước sự hiểu biết nông cạn về mạc khải của Kinh Thánh Cựu ước. Chưa hết, thuyết tiến hoá của Darwin (1809-1882) là cuộc cách mạng rất lớn trong ngành sinh học. Trước đó, người ta quan niệm vạn vật và cả con người được Thiên Chúa dựng nên một lần và chúng không hề có sự biến đổi nào theo không gian và thời gian. Thuyết tiến hoá tỏ rõ sức sống của nó được củng cố bằng những khám phá khoa học ngày càng nhiều trên khắp các lĩnh vực từ thiên văn cho đến địa chất, từ sinh học cho đến di truyền học… Cuối cùng, Đức Giáo hoàng Pio XII trong một thông điệp hồi tháng 8-1950 đã tuyên bố: giáo dân được học học thuyết tiến hoá miễn là thuyết ấy chỉ tìm căn nguyên thể xác con người trong một sinh cơ tiền tại, và từ đầu thế kỷ XX, thay vì dùng Kinh Thánh để phi bác thuyết tiến hoá, các nhà biện giải Kinh Thánh ngược lại đã cố giải thích Kinh Thánh cho phù hợp với các khám phá khoa học (x. Phùng Văn Hoá, Khoa học và Đức tin, tr. 7).

Lịch sử Giáo Hội đã trải qua giai đoạn khủng hoảng về đức tin liên quan đến lĩnh vực khoa học, tín lý và văn chương… Điển hình vụ án nhà bác học Galileo mà Giáo Hội đã phải xin lỗi và trả lại danh dự cho ông hay như chuyện Linh mục nổi tiếng Frate Savonarole là Tu viện trưởng Dòng Đaminh tại Florence (Italia) đã bị lột áo dòng rồi bị treo cổ và vứt vào giàn hoả thiêu ngày 23-5-1498 vì bi kịch cá nhân với Giáo hoàng Alexandre VI mà Giáo Hội lại đang làm hồ sơ phong Á thánh cho ngài (Lm. Thiện Cẩm, Cỏ dại ven đường, tr. 170). Rồi vụ Cha Anthony Mello (tu sĩ Dòng Tên, Ấn Độ) bị lên án và một số thần học gia mới đây cũng vậy.

Nhìn lại thế kỷ XIX, trong số 432 nhà bác học lớn trên thế giới, đã có tới 357 người là Kitô hữu. Họ là những người có đức tin chân chính và có tầm ảnh hưởng rất lớn với nhân loại.

Một vài năm trở lại đây tại Việt Nam rộ lên một số tác phẩm văn học nhắm vào Giáo Hội và đức tin Kitô giáo. Phải kể tới những tác phẩm: Da tô bí lục, Cuộc đời bên ngoài, Bão biển, Giáp mặt – Chu Văn, 1986, Đổ bóng – Trần Đức Tiến (tạp chí Thanh Niên, viết về tượng Chúa Kitô Vua ở Vũng Tàu). Bí mật cây thập tự vàng – Trần Hữu Tòng (Hội nhà báo VN, 1994). Vừa qua với Mật mã De Vinci – Dan Brown. Mới đây nhà văn Dan Brown còn liên kết với giới báo chí trong việc rò rỉ tin mật của Toà Thánh Vatican. Hiện đang là nỗi đau buồn nhức nhối cho Giáo Hội, tạo ra những cái nhìn không đúng đắn về  Hội Thánh và ảnh hưởng tới đức tin của người Kitô hữu.

2. Nhìn vào Con Người Giêsu từ một góc độ

Nơi Đức Giêsu làm người, Thiên Chúa đã để cho “Ngài chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích” (Is 53,2). Một khối vẻ đẹp của chân lý vĩnh cửu lại ở trong con người Đức Giêsu đang bị sỉ nhục, tan nát chẳng còn ra hình tượng gì như thế thật khó khăn cho việc đón nhận. Tính chất của Mầu nhiệm Nhập thể luôn có thể bị che khuất ở bất cứ góc độ nào, đó là một sự giới hạn và Thiên Chúa muốn khi phải chấp nhận làm người. Thậm chí nói như Thánh Phaolô là Thiên Chúa chấp nhận huỷ mình ra không, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.

Vì thế mới có vấn đề là tầm cỡ như ông quan Philatô mà còn hỏi Chúa Giêsu: “Chân lý (sự thật) là gì?” (x. Ga 18,37-38). Thật là ngớ ngẩn! Ông có quyền lớn như thế mà không biết chân lý, kể cũng lạ thật? Hay là ông không được học hành đến nơi đến chốn và bị quyền lực đè bẹp chân lý rồi chăng?! Thật đáng buồn cho một câu hởi ngớ ngẩn được đặt trên môi miệng kẻ có quyền lực. Có lẽ theo đánh giá chủ quan thì sự hiểu biết của ông ta quá nông cạn hay vì ông chỉ loay hoay chuyện chính trị, kinh tế và công việc triều đình nên không có thời gian nghe và gặp gỡ trực tiếp Chúa Giêsu?!

Vẻ đẹp cao sang của Ngài là trở nên người tôi tớ phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. Chính sự hiến thân phục vụ ấy đã làm cho thân xác Ngài chẳng còn ra hình tượng gì nữa. Nhưng người ta không thể chấp nhận vẻ đẹp con người ở phương diện thể lý mà quan trọng là tâm hồn qua cách sống, vì ‘tốt gỗ hơn tốt nước sơn’. Vẻ đẹp của Thiên Chúa trở nên quá rực rỡ, lung linh, uy nghi đến nỗi phải đáng tôn thờ trong Con Một yêu dấu của Ngài lúc trên thánh giá lại là lúc vẻ đẹp thân xác Ngài chẳng còn ra sự gì nữa. Vẻ đẹp đó là sự hy sinh tận hiến trao ban tới giọt máu, giọt nước cuối cùng từ trái tim đến nỗi người ta phải thốt lên ‘quả thật, Người này là Con Thiên Chúa’ (x. Mc 15,39; Ga 19,34-37; Lc 23,47). Đây mới là tính cao siêu của Thiên Chúa quyền năng. Một sự vượt trội đẳng cấp tuyệt đối, khó hiểu. Không giống như chúng ta càng cao cả thì càng tránh né những cái tầm thường, xấu xí, bụi bặm, nhơ nhớp, tội lỗi… không dám để cho nó dính dấp vào áo quần của mình vì sợ mất vinh quang chăng!

3. Thái độ của chúng ta và lập trường Giáo Hội

Có lẽ chúng ta quá quen chỉ tập trung đề cao vẻ đẹp cao sang của Thiên Chúa như thể lúc nào Ngài cũng ở trên 9 tầng mây! Điều đó đúng nhưng chưa đủ và ý Thiên Chúa muốn không phải như thế. Vẻ đẹp cao sang của Thiên Chúa đang hiện diện trong con người chúng ta, vì con người là hình ảnh Thiên Chúa’ và được thấy trọn vẹn trong Chúa Giêsu. Nhưng cũng chính vì thế mà người ta khó đón nhận được thiên tính của Ngài. Cũng chính vì thế mà người ta chỉ dễ dàng tìm kiếm yếu tố loài người nơi Đức Giêsu nên bị vấp phạm sai lầm trong những cái nhìn chưa toàn diện. Đương nhiên sẽ không bao giờ gặp điểm hẹn trong chân lý đức tin chính thống.

Không phải cứ có quyền, có học, có tuổi mà đã nhận thức được vẻ đẹp của chân lý. Có những người quyền lực, có tri thức nhưng đã hiên ngang vất bỏ đi những giá trị đáng trân trọng của nhân loại của dân tộc của cộng đồng vì sự thiếu hiểu biết hay hiểu biết quá nông cạn.

Không phải ai cũng hiểu được nghệ thuật. Không phải ai cũng cảm nhận được cái đẹp. Không phải ai cũng tin vào chân lý. Tuy nhiên, những hạn chế đó có thể thay đổi được nếu người ta được huấn luyện, đào tạo và hướng dẫn theo những quy ước, nguyên tắc hay truyền thống chuẩn mực nhất định.

Cũng vậy, không phải ai cũng đón nhận được Mầu nhiệm Nhập thể của Thiên Chúa. Không phải ai cũng hiểu được siêu việt tính của Ngài. Vì thế, cần phải lưu ý và cập nhật nghiên cứu đường hướng hội nhập để có thể nhập cuộc với đức tin. “Chúng ta đang sống trong lịch sử, và trong lịch sử không có giai đoạn nào là vĩnh viễn cả. Mỗi giai đoạn đều bị chờ vượt qua, chuẩn bị và đòi hỏi phải được vượt qua bởi giai đoạn kế tiếp. Chỉ có những gì siêu việt lịch sử mới vĩnh viễn, và những gì xuất hiện trong lịch sử đều là hình ảnh tượng trưng, diễn tả và kêu gọi những gì ở bên kia lịch sử” (Yves Raguin, SJ, Độc thân ngày nay – nguyên tác:Supplément à vie chrétienne). Sách Diễm Ca đã ca ngợi tình yêu Thiên Chúa bằng ngôn ngữ con người. Có người ngạc nhiên khi thấy bài ca ngợi này được đưa vào sách Lời Chúa, tôi cũng chỉ bắt gặp được nếu nó làm rung động được con tim khốn khổ của tôi. Thiên Chúa chơi bài ca yêu thương trên dây đàn ghita của con người, những dây đàn tinh thần đang được căng trên sợi dây thần kinh, dây gân và xương cốt của con người. Để hiểu hết tình yêu của Thiên Chúa, ta chỉ cần đọc những mạc khải rất đẹp của Đức Kitô hay của Thánh Gioan: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban chính Con Một mình cho thế gian” (Ga 3,16). “Vì yêu thương các môn đệ, Người đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). “Thiên Chúa là Tình Yêu…” (1 Ga 4,3) (Yves Raguin SJ, sđd., tr. 21). Hy vọng có cả sự hội nhập trong lĩnh vực kinh tế và chính trị nữa chứ?

Chính vì thế, phải có sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa nhân loại này để dạy cho chúng ta biết thế nào là Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối trong bản tính của Ngôi Hai. Tất cả con đường hội nhập tôn giáo ở mọi lĩnh vực đều phải khởi đi và dựa trên nền tảng của Mầu nhiệm Nhập thể. Nếu không nhìn vào Mầu nhiệm Nhập thể trước đã thì người ta có nguy cơ lẫn lộn hay làm mất đi những giá trị khác trong tiến trình hội nhập. Giáo Hội hôm nay phải mạnh dạn và tích cực hơn trong việc hội nhập. Cần có sự đột phá và dám đầu tư. Thực sự Công đồng Vatican II đã triển khai hướng này từ lâu rồi. Tông huấn Giáo Hội tại Á châu nhắc nhở chúng ta phải biết kể chuyện về Giêsu cho anh em mình bằng ngôn ngữ thời đại như Giêsu đã rao giảng bằng dụ ngôn thì người ta mới hiểu được Nước Trời chứ nếu không thì như vịt nghe sấm cả lượt với nhau chứ được cái ích lợi gì! Và phải “đặt mình vào hoàn cảnh người nghe, để cho việc loan báo của mình thích ứng với trình độ và mức trưởng thành của người nghe, và theo hình thức ngôn ngữ phù hợp”. Nhà truyền giáo vĩ đại Phaolô đã xác tín: “Chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển” (1 Cr 2,7).

Thánh Cypriano (210-258) đã nói một câu chí lý “người không có Giáo Hội làm Mẹ thì cũng không thể có Thiên Chúa làm Cha” (Habere non protest Deum Patrem qui Ecclesiam non habet Matrem). Theo Vatican I, không thể dùng lý trí để trình bày đức tin và cũng không thể cưỡng ép hành vi đức tin. Vatican I mô tả đức tin là “việc trí tuệ và ý chí tuân phục Thiên Chúa, Đấng mặc khải” (DS 3008). “Giáo hội Công giáo tuyên xưng đức tin khởi đầu công cuộc cứu rỗi con người” (x. Trent DS 1532). Theo nhà thần học Rahner, mỗi một nền tảng đức tin là đối tượng của đức tin, nhưng mỗi một đối tượng đức tin không phải là nền tảng đức tin. Theo Balthasar, các phạm trù mỹ học giúp chúng ta vượt qua sự tương phản giữa khách thể tính và chủ thể tính trong hành động đức tin. Và đức tin là lời đáp trả về mạc khải cách trí tuệ và xác tín. Burrows viết thái độ của đức tin “nhất thiết hệ tại vào sự chấp nhận cách triệt để kinh nghiệm đau thương về khó nghèo và sự nhất quyết chấp nhận khó nghèo ngay trong hành động chứ không chỉ bằng trí tưởng tượng đạo đức, chấp nhận chịu lột trần trước Thiên Chúa hằng sống, vết thương phong hủi phơi bày ra làm cho cơ thể tàn phế, mù, câm, điếc: một nhu cầu sống. Khi đối diện sự khó nghèo cách tận căn, chúng ta tái định vị để sống ý nghĩa của đức tin lần đầu tiên”.

Công đồng Vatican II quả quyết: “Sự thật sâu xa nhất về Thiên Chúa và công cuộc cứu rỗi con người được sáng tỏ cho chúng ta nhờ vào Đức Kitô là Đấng trung gian và cũng là mặc khải viên mãn” (DV2). Công Đồng rất thận trọng khi cho rằng mặc khải nằm sâu trong cội rễ các tôn giáo ngoài Kinh Thánh, mặc dù ‘Giáo hội Công giáo không phủ nhận những gì thánh thiện và chân thật trong các tôn giáo này’ (x. Tuyên ngôn về các tôn giáo ngoài Kitô giáo, Nostra Aetate).

Theo Tôma Aquinô, qua đức tin chúng ta hướng về Thiên Chúa là cứu cánh cuối cùng và hướng về con đường cứu rỗi mà Thiên Chúa đã truyền dạy. Và “đối tượng chính thức của đức tin là ‘sự thật đầu tiên’ (Thiên Chúa) như đã được biết qua Kinh Thánh và qua giáo lý của Giáo Hội phát sinh từ sự thật đầu tiên”. Ngài đã định nghĩa đức tin như sau: “Tin là một hành vi lý trí hướng tới chân lý Thiên Chúa nhờ vào nhân đức thuộc ý chí điều khiển. Nhờ vào ân sủng, Thiên Chúa đánh động ý chí này. Theo cách tiếp cận này, hành vi tin được ý chí tự do điều khiển và được hướng về cùng đích Thiên Chúa” (x. Summa Theologiae, I-II, q2, art. 9). Theo Augustinô, “không ai tin bất cứ điều gì mà trước tiên không nghĩ rằng phải tin điều đó”. Tác giả thư Do Thái nói: “Ai đến gần Thiên Chúa thì phải tin là có Thiên Chúa” (Dt 11,6). Thành ngữ “lex orandi lex credendi” (luật cầu nguyện là luật đức tin) nhằm bảo đảm không đi ra ngoài truyền thống mặc khải cho dù đức tin được hoà nhập vào tất cả mọi phương diện trần thế.

“Mạc khải của Kinh Thánh không cạnh tranh cũng không mâu thuẫn với lý trí và khoa học. Lý trí và khoa học không thể mâu thuẫn với mặc khải trừ khi chúng ta cố ép mặc khải vào phạm trù khoa học” (Lm. Nguyễn Luật Khoa, OFM, biên dịch, Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết, tr. 319). Văn kiện Mysterium Ecclesiae, Mầu nhiệm Giáo Hội, của Bộ Giáo lý Đức tin đưa ra vai trò quan trọng của các phạm trù ngôn ngữ học, bối cảnh lịch sử, tính khiếm khuyết và các vũ trụ quan thừa nhận tính lịch sử của truyền thống. Đức tin được hình thành do sự cảm nhận và chiêm ngắm bằng trái tim chứ không phải bằng lý luận khoa học kiểm chứng hay xác thực kiểu toán học.

Nếu Vatican I lý giải vấn đề đức tin và lý trí thì Vatican II xử lý vấn đề đức tin và lịch sử” (Lm. Nguyễn Luật Khoa, OFM, sđd.).

4. Hướng mục vụ cho Năm Đức Tin

Trong Năm Đức Tin, chúng ta cùng lắng nghe giáo huấn của Đức Giáo hoàng và các đức giám mục với vai trò là thầy dạy đức tin là người mẹ Giáo Hội dạy bảo chúng ta cách cụ thể và chắc chắn nhất. Trước hết là những hướng dẫn mục vụ cho Năm Đức Tin (x. Bộ Giáo lý Đức tin, Hướng dẫn Mục vụ cho Năm Đức Tin, báo HT số 69, tr. 120):

“Đối với mọi tín hữu, Năm Đức Tin sẽ đem lại một cơ hội tốt để học hỏi kỹ lưỡng những văn kiện chính của Công đồng Vatican II và nghiên cứu sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các ứng sinh đang hướng đến chức linh mục, nhất là trong các năm dự bị hoặc những năm đầu học thần học, đối với các tập sinh thuộc các hội dòng và các tu đoàn tông đồ, cũng như đối với những người đang sống thời kỳ thử trước khi gia nhập một hiệp hội hoặc phong trào thuộc Giáo Hội” (số 6, cấp hoàn cầu).

“Các mục tử nên hết sức cổ vũ việc sử dụng ngôn ngữ mới của truyền thông, khuyến khích sử dụng truyền hình, phát thanh, điện ảnh, xuất bản sách báo – ở mức độ đại chúng, dễ phố biến – hướng vào đề tài đức tin, những nguyên lý và nội dung đức tin, cũng như tầm ý nghĩa quan trọng đối với Giáo Hội của Công đồng Vatican II” (số 4, cấp HĐGM).

“Thế giới này ngay nhạy bén về mối quan hệ giữa đức tin và nghệ thuật. Do đó, đề nghị các hội đồng giám mục vận dụng thích hợp nguồn di sản nghệ thuật tại địa phương thuộc trách nhiệm mục vụ của mình, đồng thời với sự hợp tác đại kết, để hướng vào việc giảng dạy giáo lý” (số 6, cấp HĐGM).

“Khuyến khích giới học thuật và văn hoá hướng đến những cơ hội mới, mang tính sáng tạo, cho cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí, qua việc tổ chức những hội nghị chuyên đề, thảo luận và những ngày học hỏi, đặc biệt tại các trường đại học Công giáo, nhằm cho thấy ‘giữa đức tin và khoa học đích thực không thể có bất kỳ xung đột nào, bởi cả hai, dù đi trên những con đường khác nhau vẫn hướng đến chân lý” (số 8, cấp giáo phận).

Đức cha G.B. Bùi Tuần nói: “Làm môn đệ Đức Kitô là biết thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Không những là trong tinh thần và chân lý Phúc Âm mà cũng trong tinh thần và chân lý của khoa học, của nghệ thuật, của văn hoá”. Nhà bác học Newton đã nói: “Tôi đã nhìn thấy Thiên Chúa ở đầu kính viễn vọng”. Nghĩa là khoa học sẽ trợ giúp, mở đường cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa. Ở đỉnh điểm của khoa học cũng như các lĩnh vực khác giúp người ta nhận biết Thiên Chúa rõ hơn và làm cho đức tin chắc chắn hơn, chứ không phải như một số người hiểu sai xưa nay.

Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn

empy.org

Exit mobile version