SINH HOẠT HỘI DÒNG Suy niệm hàng tháng Dịch Virus trong đời sống hàng ngày

Dịch Virus trong đời sống hàng ngày

(Bài chia sẻ dịp Tĩnh tâm tháng 2 của Chị Tổng Phụ trách)

Chị em thân mến,

Chúng ta đang cùng với đất nước cũng như toàn thế giới đối diện với đại dịch virus Corona mới, với con số rất lớn người nhiễm bệnh và nhiều người tử vong, nhất là anh chị em ở thành phố Vũ Hán và nhiều tỉnh thành khác của Trung Quốc. Đáp lại lời mời gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Đức Tổng Giám Mục Sàigòn, cùng các vị chủ chăn khác, chị em chúng ta cùng hiệp thông cầu nguyện trong Tuần Cửu nhật, ăn năn sám hối và cải thiện đời sống, dâng những hy sinh để nài xin Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót ban cho các nhà khoa học sớm tìm ra thuốc đặc trị, cho các nhà lãnh đạo biết thương dân và biết hợp tác với nhau để áp dụng mọi biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, cho các y bác sĩ thêm sức khỏe tinh thần và thể lý để cứu chữa bệnh nhân, cho những người bệnh được bình phục, cho anh chị em sống trong những vùng bị cách ly có đủ lương thực và nhu yếu phẩm, cho nạn dịch mau chóng bị đẩy lùi…

Nạn dịch này cũng là lời cảnh tỉnh chúng ta, vì tuy chúng ta chưa bị nhiễm loại virus này, nhưng mỗi người chúng ta cũng có thể đang bị nhiễm một loại virus nào đó, làm suy yếu đời sống của chúng ta.

Virus “vô cảm” làm suy yếu cảm thức thuộc về

Chúng ta thuộc về đại gia đình cộng đồng nhân loại, tất cả chúng ta đều là con cùng một Cha trên trời, nên đều liên kết với nhau. Những người Trung Quốc là anh chị em của chúng ta, những người nhiễm bệnh trên khắp thế giới là anh chị em của chúng ta, những người Việt Nam bị nhiễm bệnh, cho dù ở miền Bắc hay Việt kiều, cũng đều là anh chị em của chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta cảm thấy đau xót, lo lắng và cầu nguyện cho những anh chị em này, dù chưa một lần gặp mặt, chưa biết họ là ai. Đó là lý do các y bác sĩ ngày đêm tận lực chăm sóc cứu chữa bệnh nhân, như một điều dưỡng đã nói: “Mình không làm thì ai làm đây?” Cảm thức thuộc về sẽ nối kết trái tim của chúng ta với trái tim của mọi người, hòa chung nhịp đập, thấu cảm được những đau khổ thân xác và tinh thần của anh chị em. Tiếc là trong cuộc sống, đôi khi chúng ta nói về những anh chị em đó như là nói về những người xa lạ không có quan hệ gì, nói về dịch bệnh với sự quan tâm làm sao cho chính mình không bị lây nhiễm mà thôi. Ngay cả khi cầu nguyện, có khi chúng ta chỉ dừng lại ở việc cầu xin Thiên Chúa ban ơn cho những anh chị em bị nhiễm bệnh, như là người ngoài cuộc, mà không đặt mình vào chính vị trí của họ để cầu nguyện, để cảm được những đau thương và dâng lên Chúa những lời nguyện thiết tha, cùng với họ và cùng với toàn thế giới hiệp thông trong lời cầu nguyện. Thật vậy, virus vô cảm làm lạnh giá con tim của chúng ta, nhanh chóng làm suy yếu cảm thức thuộc về, dẫn đến thái độ thờ ơ với những việc chung hoặc những vấn đề của người khác, thiếu nhạy cảm để nhận ra người chị em của mình đang cần được quan tâm giúp đỡ, chỉ chăm chú lo cho bản thân, đòi hỏi quyền lợi mà thiếu trách nhiệm với cộng đoàn, tạo cơ hội cho chủ nghĩa cá nhân lây lan và phát triển.

Virus “thành kiến” làm suy giảm năng lực yêu thương

Hiện tượng những người Trung Quốc bị kỳ thị, xa lánh và loại trừ ở nhiều nơi trên thế giới và ngay tại chính quê hương của mình đã làm cho bao nhiêu người đau khổ. Việc cẩn thận đề phòng virus lây lan là cần thiết, chúng ta cần áp dụng mọi biện pháp nhưng không phải là lý do để có những thái độ và lời nói xúc phạm đến anh chị em. Virus thành kiến có khi làm cho ta không phân biệt cái xấu và con người. Chúng ta cần chê ghét và chống lại cái xấu, nhưng chính con người thì cần được đón nhận và yêu thương, cho nên chúng ta chống lại virus nhưng không kỳ thị những người bị nhiễm virus mà cần yêu thương họ nhiều hơn. Thành kiến dễ làm cho chúng ta kết án sai lệch hay thậm chí loại trừ anh chị em, đặt dấu chấm hết cho họ mà không tin và hy vọng là họ có thể biến đổi để trở nên tốt hơn, làm cho trái tim chúng ta ngày càng chai cứng và suy giảm năng lực yêu thương, thiếu lòng bao dung và cái nhìn rộng mở để yêu thương tất cả mọi người, nhất là nâng đỡ những chị em đang nỗ lực để được giải thoát khỏi những bóng đêm quá khứ.

Virus “dối trá” làm cho người ta bất an và bất hạnh

Khi virus Corona mới bắt đầu xuất hiện và lây nhiễm, vì lý do nào đó, người ta muốn che giấu thông tin, dẫn đến mọi người không biết để sớm đề phòng và ngăn chặn dịch bệnh, chính những người bị nhiễm cũng không biết mình nhiễm bệnh nên đã mang mầm bệnh đi khắp cùng thế giới. Những người lên tiếng cảnh báo thì bị ép phải im lặng. Trong đời sống hàng ngày của chúng ta cũng thế, có khi chúng ta không dám đối diện với sự thật, tự dối mình và dối người, không chấp nhận sự thật về chính mình. Virus dối trá này cũng dễ lây lan, làm cho con người sống giả hình, coi trọng vẻ bề ngoài và lời khen tiếng chê, không dám nhận lỗi và chịu trách nhiệm mà tìm cách biện minh và đổ lỗi cho người khác hay cho hoàn cảnh, dần dần chúng ta sống xa rời sự thật, làm băng hoại chính mình, không có được một cuộc sống bình an hạnh phúc.

Virus “chỉ trích” gây chia rẽ

Đứng trước đại dịch virus Corona mới, có không ít lời chỉ trích phê bình. Thay vì tích cực nỗ lực đóng góp vào việc cứu chữa và ngăn chặn dịch bệnh, những lời nói tiêu cực này không mang lại ích lợi gì, trái lại càng làm cho mọi người bất an.  Trong đời sống chúng ta, những lời vu khống thóa mạ, chỉ trích phê bình không có tính cách xây dựng, nói xấu nói hành, làm tổn thương nhau và gây chia rẽ trong cộng đoàn. Loại virus này đặc biệt lây nhiễm rất nhanh, những lời nói tiêu cực được lan truyền nhanh chóng, lặp đi lặp lại, thêm mắm dặm muối, gây hiểu lầm, làm mất danh dự người khác và nhất là gây chia rẽ, tạo nên sự bất an trong cộng đoàn.

Trong Tuần Cửu nhật này, chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện cùng những hy sinh, nhất là ăn năn sám hối, nhận ra những loại virus đang làm suy yếu đời sống chúng ta, nỗ lực diệt trừ những virus vô cảm, thành kiến, dối trá và chỉ trích, bằng muối Tin Cậy Mến và ánh sáng Lời Chúa, để chúng ta có thể sống dồi dào trong tình yêu, trở nên muối và ánh sáng cho đời.                                                                                                

Nt. Anna Vân Nga

Exit mobile version