GÓC SUY TƯ SUY TƯ Đi tìm Sự thật Không thể bàn cãi

Đi tìm Sự thật Không thể bàn cãi

Ronald Rolheiser, 2018-10-01

Trong quyển 12 Quy luật Cuộc đời – Thuốc giải cho Sự Hỗn loạn (12 Rules for Life – An Antidote to Chaos), quyển sách đang gây xôn xao trong nhiều nhóm hiện thời, Jordan Peterson đã chia sẻ về cuộc hành trình của mình đi tìm sự thật và ý nghĩa. Câu chuyện của ông là thế này.

Đi tìm Sự thật Không thể bàn cãi Khi ông còn trẻ và đi tìm con đường cho riêng mình, có giai đoạn ông thấy mình theo thuyết bất khả tri, không chỉ hoài nghi về nền Kitô giáo nông cạn mà ông được dạy dỗ, mà còn về tất cả mọi sự khác liên quan đến sự thật và uy tín. Thật sự có điều gì để ta có thể tin tưởng đây? Điều tối hậu để tin tưởng là gì đây?

Không dám sánh ngang với một trong những bộ óc vĩ đại nhất lịch sử, Rene Descartes, người cũng đã đấu tranh với thuyết bất khả tri tương tự cách đây 500 năm, Peterson đã học theo cách tiếp cận của Descartes khi cố gắng tìm kiếm một sự thật mà mình không thể nào hoài nghi. Thế là, như Descartes, ông lên đường tìm một “sự rành rành”, một tiền đề tuyệt đối không thể nghi ngờ. Như chúng ta biết, Descartes tìm được “sự rành rành” của ông, trong câu nói, “Tôi suy tư, bởi thế, tôi tồn tại!” Đó là một chuyện không thể lừa phỉnh được, bởi dù có bị lừa phỉnh thì cũng là bằng chứng rành rành rằng mình tồn tại. Triết lý của Descartes dựa trên tiền đề không thể chối cãi này, xin để lịch sử phán định. Nhưng lịch sử không thể bác bỏ sự thật trong câu nói của ông.

Thế nên Peterson cũng đặt ra cùng câu hỏi triệt để như thế. Một sự duy nhất nào không thể bị nghi hoặc? Có sự gì đích thực hiển nhiên đến nỗi không một ai nghi hoặc được? Với Peterson, đó không phải là việc chúng ta suy nghĩ, vốn không thể bàn cãi rồi, mà là việc chúng ta đau khổ. Đây là sự thật rành rành của ông, đau khổ có thật. Và không thể nghi hoặc nó. “Những người theo thuyết hư vô không thể nào dùng hoài nghi mà hạ thấp nó. Những người theo thuyết chuyên chế không thể xóa bỏ nó. Những người yếm thế cũng không thể thoát được hiện thực của nó.” Đau khổ là có thật, vượt quá mọi nghi hoặc.

Hơn nữa, theo Peterson, loại đau khổ nặng nề nhất không phải là do những ngẫu nhiên bẩm tại trong con người và sự khả tử của ta, cũng không phải do sự tàn bạo đôi khi vô tình của tự nhiên. Đau khổ nặng nề nhất là đau khổ mà người này gây ra cho người kia, loại đau khổ mà phần này nhân loại gây ra cho phần kia của nhân loại, loại đau khổ mà chúng ta đã thấy trong biết bao ác nhân của thế kỷ 20, Hitler, Stalin, Pol Pot, và vô số những người khác đã gây ra qua các cuộc tra tấn, cưỡng hiếp, hành hạ, và cái chết của hàng triệu người.

Từ tiền đề không thể bàn cãi này, ông đưa ra một điều khác cũng không thể nào phản bác. Loại đau khổ này không những chỉ có thật, mà còn sai trái! Chúng ta đều có thể đồng ý rằng loại đau khổ này không tốt và thậm chí còn tệ hơn mức “không tốt” quá nhiều. Và nếu có điều gì đó không tốt, thì có điều gì đó tốt. Lập luận của ông là: “Nếu tội xấu xa nhất là giày vò người khác với mục đích duy nhất là gây đau khổ, thì sự thiện là bất kỳ điều gì đối lập tuyệt đối với nó.”

Và những diễn giải tiếp theo thật rõ ràng: Sự thiện là bất kỳ điều gì ngăn chặn những chuyện như thế xảy ra. Nếu đúng là thế, thì cũng nêu lên rõ ràng sự thiện là gì, và sống tốt là thế nào. Nếu những loại đau khổ kinh khủng nhất được gây nên bởi ái kỷ, ích kỷ, dối trá, kiêu ngạo, tham lam, thèm khát quyền lực, tàn bạo chủ tâm, và vô cảm, thì rõ ràng chúng ta được kêu gọi hãy theo đuổi những gì đối lập với chúng, là vị tha, quên mình, khiêm nhượng, thành thật, trìu mến, và hy sinh.

Không phải ngẫu nhiên mà Peterson xác nhận tất cả những điều này trong cùng một chương mà ông nêu bật tầm quan trọng của hy sinh, trì hoãn sự tưởng thưởng cho bản thân để hướng đến lợi ích lớn lao hơn. Thấu suốt của ông cũng tương đồng với triết gia René Girard và các nhà nhân học khác đã chỉ ra rằng trước sự hiến tế vô thức cho những vị thần vô tình, vốn thể hiện nơi sự tàn ác của Hitler và cả nơi lời phỉ báng ác ý chúng ta dành cho người khác, thì cách duy nhất để ngăn chặn nó chính là hy sinh quên mình. Chỉ khi chấp nhận để mình chịu đau khổ do những chuyện ngẫu nhiên, do tội lỗi và sự khả tử của mình, thì chúng ta mới thôi phóng chiếu chúng sang người khác để khiến họ đau khổ nhằm cảm thấy thoải mái hơn về bản thân mình.

Peterson viết với tư cách một người theo thuyết bất khả tri, hay có lẽ, chính xác hơn là một nhà phân tích, một người quan sát cho toàn nhân loại, nên không muốn bàn đến đức tin riêng của mình. Cũng hợp lý. Có lẽ là khôn ngoan nữa. Không có lý do gì để trách cứ các động cơ của ông. Nền tảng cho lập luận của ông mới quan trọng, và nền tảng đó cực kỳ vững chắc. Đấy chính là nền tảng cho Bài giảng trên núi của Chúa Giêsu, là nền tảng cho những đặc tính tốt đẹp nhất của các Giáo hội Kitô giáo, là nền tảng cho mọi tôn giáo cao đẹp trên thế giới, và là nền tảng cho những gì tốt đẹp nhất nơi con người.

Nhà thần nghiệm thời Trung cổ, Têrêsa thành Avila, đã viết nhưng lời sâu sắc và đầy thách thức. Luận thuyết của thánh nữ về đời sống thiêng liêng giờ đã là một phần kinh điển và cấu thành trong tiêu chuẩn các bài viết thiêng liêng Kitô giáo. Thánh nữ đã nêu lên rằng, trong những năm sống đời hoạt động của mình, thì câu hỏi quan trọng nhất cần thách thức cho chính bản thân mình là: Tôi có thể giúp ích đến đâu? Jordan Peterson, với một lập luận và ngôn ngữ dễ hiểu với người thời nay, cũng đưa ra cùng một thách thức hệt như thế.

J.B. Thái Hòa dịch

Exit mobile version