Đi tìm một cách thế hiện diện mới của Giáo Hội tại Châu Á
Suy tư thần học và mục vụ bao giờ cũng xuất hiện trong một bối cảnh cụ thể được tạo nên bởi sự cộng hưởng của nhiều yếu tố: văn hóa, tôn giáo, kinh tế, xã hội… Những yếu tố này làm nên vóc dáng của một dân tộc trong một không gian và thời gian cụ thể. Do đó, để thấu hiểu những suy tư thần học và cảm nhận được những thao thức mục vụ của Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC),[1] không thể không quan tâm đến Kitô giáo trong bối cảnh Á châu.
GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TRONG BỐI CẢNH Á CHÂU
Đúng như Đức Gioan Phaolô II đã viết trong tông huấn Ecclesia in Asia, thật là nghịch lý khi Đức Giêsu vốn được sinh ra trên mảnh đất Á châu lại bị hầu hết dân châu Á xem như một khuôn mặt của phương tây hơn là châu Á.[2] Và cho đến bây giờ, sau 20 thế kỷ Tin Mừng được loan báo trên toàn thế giới, Đức Giêsu vẫn cứ là khuôn mặt xa lạ với đa số người dân châu Á. Thực tế là tại châu lục mênh mông này, chỉ có hơn 2% người dân tin vào Đức Giêsu Kitô. Ngoại trừ Philippines là đất nước có tỷ lệ người Công giáo đáng kể, còn lại các quốc gia khác, người Công giáo là thiểu số thật nhỏ nhoi. Điều đau đớn hơn nữa là Kitô giáo bị xem là sản phẩm của quyền lực và văn hóa phương Tây, xa lạ với văn hóa và đời sống của người dân châu Á;[3] do đó không thu hút được nhiều người dù đã hiện diện ở đây rất lâu.
Có đặt mình trong bối cảnh đó, mới hiểu được tại sao mối quan tâm lớn nhất của các Giáo hội địa phương tại châu Á là làm thế nào để Giáo hội Chúa Kitô trên châu lục này không bị đánh giá là một Giáo hội xa lạ nhưng là một Giáo hội cắm rễ sâu trong mảnh đất châu Á. Như Sergio Luciani đã nhận xét cách chí lý, chính mối quan tâm mục vụ đó đã thúc đẩy các giám mục Á châu tập trung suy tư của mình vào những vấn đề thuộc lãnh vực Giáo hội học hơn là những lãnh vực khác trong Thần học. Nói cách khác, có một nguyên lý hoặc minh nhiên hay mặc nhiên tác động trên định hướng toàn diện của FABC là làm sao hình thành một tầm nhìn mới về Giáo hội, có khả năng đáp trả những nhu cầu và vấn nạn trong hoạt động mục vụ.[4] Đối với các giám mục Á châu, thần học và mục vụ là hai việc không thể tách rời.
Chính trong bối cảnh đó mà FABC đã và đang thúc đẩy việc xây dựng một cách thế hiện diện mới của Giáo Hội tại châu Á. Theo các giám mục Á châu, xây dựng một cách thế hiện diện mới của Giáo Hội trên đại lục này trước hết là phải làm sao xây dựng Giáo hội thực sự trở thành một Giáo hội địa phương (local Church), một Giáo hội ăn rễ sâu vào những thực tại đời sống của các dân tộc Á châu. Muốn hiểu thế nào là một Giáo hội địa phương thì hãy qui chiếu về mầu nhiệm Thiên Chúa làm người như là suối nguồn và nguyên lý nền tảng cho suy tư thần học cũng như cho công tác mục vụ. Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người đã không diễn ra cách chung chung mơ hồ, nhưng trong một bối cảnh lịch sử, địa lý và văn hóa rất cụ thể. Và bối cảnh cụ thể đó đã gây ảnh hưởng rất lớn trên cuộc sống của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ: lối sống, cách rao giảng, kể cả cuộc khổ nạn và cái chết của Người. Tương tự như thế, để thi hành và chu toàn sứ vụ yêu thương và phục vụ của mình, Giáo hội cần phải nhập thể vào trong một bối cảnh nhân sinh cụ thể.[5] Do đó, ngay từ lần họp Hội Nghị Khoáng Đại (Plenary Assembly) đầu tiên, các giám mục châu Á đã mô tả Giáo hội địa phương là “một Giáo hội nhập thể trong một dân tộc, một Giáo hội bản địa, một Giáo hội hội nhập trong một nền văn hóa.”[6] Ở một nơi khác, các ngài khẳng định rất mạnh rằng Giáo hội “chỉ thực sự trở thành Giáo hội khi nhập thể vào một dân tộc và một nền văn hóa, trong không gian và thời gian cụ thể. Mầu nhiệm Giáo hội chỉ là một, toàn thể và phổ quát, nhưng sự thể hiện cụ thể của Giáo hội thì thay đổi, đa dạng và đặc thù.”[7]
MỘT GIÁO HỘI ĐỐI THOẠI
Định hướng đã rõ ràng nhưng vấn đề là phải làm gì và làm thế nào để Giáo hội thực sự hội nhập trong một nền văn hóa và trở thành một Giáo hội bản địa. Theo các giám mục châu Á, định hướng đó chỉ trở thành hiện thực khi Giáo hội bước vào cuộcđối thoại với mọi thực tại đời sống của người dân tại nơi mà Giáo hội đang có mặt, không chỉ là sự có mặt của cơ chế nhưng là sự hiện diện của một Giáo hội muốn mang lấy những ưu sầu và lo lắng, mừng vui và hy vọng của người dân làm ưu sầu và lo lắng, mừng vui và hy vọng của chính mình.[8]
Nói đến châu Á là nói đến cái nôi của những tôn giáo lớn trên thế giới như Do thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, Ân giáo, cũng như những truyền thống tâm linh khác như Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo. Những tôn giáo và truyền thống tâm linh này đã ghi dấu ấn lâu đời và sâu sắc trên đời sống của các dân tộc Á châu, hình thành những giá trị tôn giáo và văn hóa của Á châu, đặc biệt là sự “yêu mến thinh lặng và chiêm ngắm, tính đơn sơ, hài hòa, siêu thoát, bất bạo động, cần mẫn, kỷ luật, sống đạm bạc, khao khát học hỏi và truy tìm triết ly.”[9] Nói đến châu Á cũng là nói đến đại dương những người nghèo khổ. Thật thế, dân số châu Á chiếm 2/3 dân số toàn cầu và tuy có một số quốc gia được đánh giá là những nước phát triển cao, phần đông vẫn là những nước nghèo, và một số được xếp vào hàng nghèo nhất thế giới.
Trong bối cảnh đó, nếu Giáo hội muốn tiến bước trên con đường đối thoại thì không thể không quan tâm đến những thực tế nói trên của châu Á. Chính vì thế mà từ nhiều năm qua, các giám mục châu Á đã không ngừng thúc đẩy và khuyến khích tiến hành cuộc đối thoại ba mặt với các truyền thống lâu đời tại châu Á, với nhiều nền văn hóa khác nhau tại Á châu, và với đại dương mênh mông những người nghèo khổ. Cuộc đối thoại này phải là cuộc đối thoại liên lỉ, khiêm tốn và tràn ngập tình yêu thương. Phải là cuộc đối thoại liên lỉ chứ không chỉ là một vài hoạt động mang tính thời vụ trong một vài thời điểm nào đó; đúng hơn đó phải là một thái độ sống thấm sâu vào trong cung cách hiện diện và hoạt động của Giáo hội. Phải là một cuộc đối thoại trong khiêm tốn để cùng nhau lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần chứ không phải với thái độ trịch thượng của những kẻ tự cho mình là độc quyền chân lý. Phải là một cuộc đối thoại chứa chan yêu mến, tôn trọng và tương kính, dứt khoát khước từ bạo lực dưới bất cứ hình thức nào.
Chính qua hành trình đối thoại đó mà Giáo hội mới có thể nhập thể vào trong những truyền thống xã hội, văn hóa và tôn giáo của các dân tộc đang hiện diện tại châu Á, cũng như hòa vào khát vọng của người dân hướng đến một xã hội nhân đạo và công bằng hơn. Cũng chính qua hành trình đối thoại đó mà Giáo hội mới mong trở thành một Giáo hội Á châu trong cách suy nghĩ và diễn đạt tư tưởng thần học của mình chứ không chỉ lệ thuộc những phạm trù tư tưởng tây phương vốn xa lạ với tâm thức Á châu. Đồng thời, xuyên qua con đường đối thoại, Giáo hội có thể sống và thể hiện tính phổ quát của Giáo hội trong nét đặc thù của mình (universality in particularity) bởi lẽ Giáo hội địa phương không chỉ có nghĩa là một phần của Giáo hội (partial Church) cũng không chỉ đơn thuần là một đơn vị quản trị trong cơ chế mênh mông là Giáo hội toàn cầu.[10] Đúng hơn, mỗi Giáo hội địa phương chứa đựng toàn bộ mầu nhiệm Giáo hội và như thế là toàn thể thực tại Giáo hội được thu nhỏ.[11]Cuối cùng, cũng chỉ qua nẻo đường đối thoại đó mà cộng đoàn Giáo hội địa phương mới hy vọng chu toàn sứ mạng chia sẻ kinh nghiệm đức tin với những anh chị em thuộc các truyền thống tôn giáo hay những nền văn hóa khác, và loan báo Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại.
MỘT GIÁO HỘI NHƯ SỰ HIỆP THÔNG CỦA NHỮNG CỘNG ĐOÀN
Để xây dựng một cách thế hiện diện mới, Giáo hội cần đối thoại với mọi thực tại đời sống Á châu. Đó là cả một hành trình dài và trong hành trình đó, nội bộ Giáo hội cũng cần được đổi mới. Theo đó, cần có một tầm nhìn mới về Giáo hội và nỗ lực xây dựng Giáo hội như là sự hiệp thông của các cộng đoàn (communion of communities) và là một Giáo hội tham gia (a participatory Church). Trong Hội nghị khoáng đại lần thứ nhất, FABC đã khẳng định, “ Giáo hội tại châu Á phải là sự hiệp thông của các cộng đoàn, nơi đó, giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ nhìn nhận và đón nhận nhau như anh chị em.”[12] Khẳng định này được chính Đức Gioan Phaolô II xác quyết trong tông huấn Ecclesia in Asia: “ Các nghị phụ đã chọn mô tả giáo phận như là sự hiệp thông của các cộng đoàn qui tụ chung quanh Chủ chăn, ở đó hàng giáo sĩ, những người sống đời thánh hiến, và giáo dân đều tham dự vào cuộc đối thoại bằng cuộc sống và con tim được ân sủng Thánh Thần nâng đỡ.”[13]
Về mặt thần học, cách nhìn và trình bày về Giáo hội như sự hiệp thông giữa các cộng đoàn được xây dựng vững chắc trên nền Giáo hội học về hiệp thông.[14] Thực vậy, dù các tài liệu của FABC không minh nhiên nói đến một nền Giáo hội học nào nhưng một nghiên cứu sâu cho thấy có một nền Giáo hội học bao trùm và làm nền cho tất cả những tuyên ngôn cũng như tài liệu của FABC: đó là cách nhìn và cách hiểu về Giáo hội như là Hiệp Thông.[15]
Nếu nói đến thực tại sâu xa nhất của Giáo hội thì phải nói rằng Giáo hội chính là sự hiệp thông (koinonia) bắt nguồn từ sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi. Do đó Giáo hội là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ cho sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người theo hai mặt: một bên là Thiên Chúa vì yêu thương đã trao ban chính mình cho nhân loại (self-communication), một bên là sự đáp trả của con người trong tin yêu và hy vọng.[16] Sự hiệp thông này trước hết là sự hiệp thông của người tín hữu với Thiên Chúa, sự hiệp thông làm cho họ được nên một với Thiên Chúa và được diễn tả qua những tương giao hài hòa với Chúa trong cuộc sống người tín hữu. Sự hiệp thông ở chiều sâu này khơi nguồn cho mối hiệp thông mà Kitô hữu chia sẻ cho nhau trong Đức Kitô qua tác động của Thánh Thần. Đây là hai chiều kích không thể tách rời nhau – Đức Gioan Phaolô II gọi là chiều ngang và chiều dọc – của mầu nhiệm hiệp thông duy nhất. Một đàng, sự hiệp thông với Thiên Chúa là nền tảng và điều kiện thiết yếu cho mối hiệp thông đích thực giữa các Kitô hữu. Đàng khác, mối hiệp thông giữa các anh chị em Kitô hữu lại chính là hoa trái hữu hình nhất và thuyết phục nhất cho sự hiệp thông với Thiên Chúa. Chỉ trong ý nghĩa toàn diện và sâu xa đó mới có thể nói về Giáo hội như bí tích của sự hiệp nhất nhân loại.[17] Không chỉ là bí tích của sự hiệp nhất nhân loại, Giáo hội còn là bí tích của sự phục hồi toàn thể vũ trụ bởi vì Đấng Trung gian của sự hiệp thông này là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã Thiên Chúa đặt làm Đầu Giáo hội và đồng thời làm Đức Chúa của cả vũ trụ (Cl 1, 14-18).[18] Như thế, Giáo hội là cộng đoàn của những con người sống hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau, đồng thời là những người phục vụ cho công cuộc phục hồi sự hài hòa nguyên thủy của toàn thể vũ trụ.
Quả là một tầm nhìn rất sâu và rất rộng về bản chất cũng như về sứ mạng của Giáo hội. Vấn đề là làm thế nào để không ngừng dưỡng nuôi và phát triển sự hiệp thông đó, và phải làm gì để diễn tả sự hiệp thông đó trong đời sống Giáo hội?
Sự hiệp thông này được nuôi dưỡng và tăng trưởng nhờ các bí tích đức tin, bắt nguồn từ bí tích Thánh tẩy và không ngừng được xây dựng nhờ Thánh Thể; do đó cử hành Thánh Thể phải là suối nguồn và đỉnh cao của cộng đoàn Kitô hữu.[19] Như Đức Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh, Thánh Thể và Qui tụ (gathering) (nghĩa chính của từ ekklesia là triệu tập, qui tụ) là hai mặt không thể tách rời của từ communio (hiệp thông). Giáo hội là sự hiệp thông với Lời Chúa và Mình Chúa. Sự hiệp thông này đưa con người đến với nhau không chỉ là chuyện bên ngoài như một cuộc họp mặt trong đời sống xã hội mà là “từ bên trong và từ bên trên,” do đó làm cho họ nên “một Dân, một Thân Mình.”[20] Chính vì mối liên hệ hết sức chặt chẽ giữa Thánh Thể và Giáo hội như thế mà các nghị phụ trong Thượng Hội Đồng khóa đặc biệt năm 1985 một đàng nhấn mạnh rằng hiệp thông là “ý tưởng nền tảng và trung tâm” để hiểu về Giáo hội; đàng khác các ngài kêu gọi đào sâu một nền Giáo hội học mang chiều kích Thánh Thể (Eucharistic Ecclesiology).[21]
Trong lòng Giáo hội, sự hiệp thông này được diễn tả qua mối hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương với nhau cũng như với Giáo Hội hoàn vũ. Mỗi cộng đoàn Giáo hội địa phương không được phép khép lại với chính mình nhưng cần liên kết với các cộng đoàn khác, cụ thể là với những giáo xứ và giáo phận khác. Mối hiệp thông này được diễn tả cách tuyệt vời qua từ ngữ “các Giáo hội chị em” được sử dụng lần đầu tiên trong Hội nghị khoáng đại lần thứ ba của FABC. Sau khi nói đến mối hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương tại châu Á trong việc cầu nguyện với nhau và cho nhau, học hỏi những thành công cũng như thất bại của nhau, chia sẻ với nhau những mối quan tâm chung về thần học cũng như mục vụ, hỗ trợ nhau về nhân sự cũng như vất chất, các giám mục Á châu đã tóm tắt những hoạt động đó trong một câu: “càng ngày chúng ta càng trở nên những Giáo-hội-chị-em đích thực trong một gia đình duy nhất là Giáo hội Chúa Giêsu Kitô.”[22]
Đồng thời mỗi Giáo hội địa phương phải liên kết với Giáo hội duy nhất và phổ quát; có thế mới thực sự sống tính duy nhất Công giáo (Catholica unitas) của Giáo hội Chúa Kitô.[23]
Về mặt thần học, mối tương quan giữa các Giáo hội địa phương và Giáo Hội hoàn vũ là vấn đề quan trọng và cần được hiểu cho đúng đắn. Những phạm trù thuần túy xã hội không thể giải thích và trình bày sâu sắc đủ về mối tương quan này bởi lẽ Giáo hội là một mầu nhiệm mang trong bản chất mình những chiều kích vượt lên trên những phạm trù xã hội. Theo giáo huấn của Công đồng Vatican II, Giáo hội duy nhất và phổ quát hiện diện trong và ngoài các Giáo hội địa phương. Điều này có nghĩa là Giáo hội phổ quát không chỉ đơn thuần là tổng số các Giáo hội địa phương gộp lại. Nhưng mỗi Giáo hội địa phương đã là “một thực tại đầy đủ và toàn diện của mầu nhiệm hiệp thông trong Chúa Kitô, và Giáo hội phổ quát là sự hiệp thông của tất cả những mối hiệp thông đó, là Giáo hội của các Giáo hội.”[24] Nói theo cách diễn tả quen thuộc và nổi tiếng của Henri de Lubac thì “Giáo hội là toàn thể trong từng phần: duy nhất trong số nhiều , và tất cả trong mỗi phần.”[25] Sự hiệp thông đó được diễn tả cách hữu hình qua tính hiệp đoàn của các giám mục mà đứng đầu là giám mục của Rôma. Quyền bính của giám mục Rôma không thể chỉ được nhìn như quyền bính về mặt luật pháp đối với các Giáo hội địa phương, nhưng trước hết và trên hết phải được nhìn như “ưu quyền về mục vụ nhằm phục vụ tính duy nhất đức tin và sự sống của toàn thể Dân Thiên Chúa.”[26] Giây liên kết này bảo đảm cho tính Tông đồ và Công giáo đích thực của mỗi Giáo hội địa phương, đồng thời bảo đảm rằng một Giáo hội địa phương sẽ không bao giờ rời xa cấu trúc căn bản mà Đấng Sáng lập đã ban cho Giáo hội.[27]
MỘT GIÁO HỘI THAM GIA
Như đã khai triển, dựa trên một nền Giáo hội học về hiệp thông, các giám mục Á châu thúc đẩy việc xây dựng Giáo hội như là sự hiệp thông của các cộng đoàn. Thế nhưng sự hiệp thông giữa các cộng đoàn chỉ có thể trở thành hiện thực – chứ không chỉ là những suy tư thần học trừu tượng – nếu có sự hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa trong từng cộng đoàn. Do đó, để ứng dụng suy tư này vào trong thực tế của đời sống mục vụ, các giám mục Á châu đưa ra một hướng đi mới, đó là làm sao mỗi Giáo hội địa phương phải trở thành một Giáo hội tham gia (a participatory Church), trong đó mọi thành phần Dân Chúa đều có ơn gọi và vai trò riêng của mình, đồng thời cùng tham gia vào sứ mạng chung của Giáo hội.
Trong tông huấn Người Kitô hữu giáo dân(Christifideles Laiici), Đức Gioan Phaolô II nói đến một nét đặc thù trong thời đại hiện nay là hiện tượng tham gia (phenomenon of participation). Sau khi nói đến thời đại này như là thời đại của chủ nghĩa nhân bản, ngài nhấn mạnh đến nhu cầu của con người hôm nay là muốn được tham gia vào tiến trình của xã hội mà trong đó họ là thành viên, và Đức Gioan Phaolô II coi đó là “một trong những nét đặc thù nhất của nhân loại hôm nay, một dấu chỉ thời đại đang phát triển trong nhiều lãnh vực và bằng nhiều cách khác nhau.”[28] Tiếp theo đó, ngài bàn đến sự tham gia của người giáo dân vào trong đời sống của giáo xứ, nhấn mạnh vai trò hết sức cần thiết của người giáo dân trong mọi sinh hoạt của cộng đoàn Giáo hội.[29] Quan điểm của Đức Giáo Hoàng được minh họa rõ nét nhất qua cách ngài triển khai dụ ngôn những người thợ làm vườn nho (Mt 20,1-16) trong phần đầu của tông huấn. Tất cả mọi người đều được goị đi làm việc trong vườn nho của Chúa. Không có chuyện thất nghiệp ở đây và cũng không được phép để cho ai thất nghiệp! Nếu hiểu vườn nho ở đây là Giáo hội thì Giáo hội phải trở thành một “Giáo hội Tham gia”, trong đó mọi người đều tham gia và đồng trách nhiệm, mọi người đều bình đẳng và đều cảm thấy mình thực sự là thành viên.[30]
Dựa trên ý tưởng căn bản này, văn phòng Giáo dân và Văn phòng Phát triển Con người thuộc FABC đã triển khai một số chỉ dẫn trong việc xây dựng một Giáo hội Tham gia tại Á châu.[31]
Theo đó, Giáo hội Tham gia trước hết là một cộng đoàn trong đó mọi tín hữu đều dự phần vào sứ mạng của Dân Chúa trong Giáo hội cũng như trong thế giới (a community of authentic participation). Đó không chỉ là Giáo hội mà hàng giáo sĩ đóng vai trò độc tôn, tự mình quyết định mọi sự, và người giáo dân chỉ đóng vai trò thụ động đón nhận hoặc dửng dưng quan sát. Thực ra, mọi tín hữu đều được chia sẻ chức năng tiên tri, tư tế và vương đế của Chúa Kitô nhưng mỗi người thể hiện theo cách riêng của mình.[32] Vì thế mọi người đều có quyền và có bổn phận góp phần vào việc xây dựng Thân Mình Chúa Kitô.
Kế đến, đó là một cộng đoàn đồng trách nhiệm (a community of co-responsibility) trong đó mọi tín hữu đều chia sẻ trách nhiệm chung và trở nên đồng nghiệp trong cùng một sứ mạng là sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô. Khi người giáo dân tham gia vào công việc chung của Giáo hội, họ không thể chỉ bị xem như cánh tay nối dài của linh mục; đúng hơn họ chia sẻ trách nhiệm chung với linh mục nhưng thể hiện theo ơn gọi và vị trí riêng của mình. Hiểu như thế, linh mục và những người có vai trò lãnh đạo khác trong cộng đoàn không thể là những người lãnh đạo độc đoán và thống trị, nhưng phải thê hiện sự lãnh đạo theo tinh thần Phúc Âm, sự lãnh đạo của người tôi tớ (servant leadership) nhằm hỗ trợ, khuyến khích, và đồng hành với mọi thành viên của cộng đoàn thay vì áp đặt và ép buộc họ.
Tiếp theo, đó là một cộng đoàn bình đẳng thực sự ( a community of true equality). Như Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định, mọi tín hữu đều bình đẳng với nhau về phẩm giá cũng như về hoạt động mà họ chia sẻ trong việc xây dựng Thân Mình Chúa Kitô.[33] Trên nền tảng đó, không thể có sự kỳ thị hay phân biệt giữa giáo sĩ với giáo dân, trí thức với bình dân, người giàu với người nghèo, kẻ quyền thế với người cô thế…vì tất cả đều được gọi đến sự thánh thiện, tất cả đều được chia sẻ cùng một ân huệ đức tin tất cả đều có cái gì đó để trao ban và hiến tặng. Không ai chỉ hoàn toàn trao ban mà không cần nhận lãnh, và cũng không ai chỉ nhận lãnh mà không có gì để trao ban.
Ngoài ra, đó còn là cộng đoàn trong đó mọi tín hữu cảm thấy mình thật sự thuộc về Giáo hội, và cùng với anh chị em khác, thật sự được chia sẻ đời sống và sứ mạng chung của Giáo hội (a community of belonging and sharing). Mỗi Chúa nhật, mọi tín hữu cùng đến nhà thờ cử hành Thánh lễ. Tuy nhiên, họ có thể nhìn nhau như những người xa lạ, và sau Thánh lễ, không hề có quan hệ gì với nhau. Một cộng đòan phượng tự như thế chưa thề là hình ảnh của Giáo Hội tham gia. Chính vì thế, các giám mục Á châu kêu gọi anh chị em tín hữu nối dài cử hành phượng tự bằng việc cầu nguyện chung và chia sẻ Phúc Âm, cũng như có những việc làm chung với nhau, nâng đỡ nhau để có thể thể hiện tinh thần Phúc Âm trong cuộc sống.[34] Có như thế, các tín hữu mới có thể nên một trong tâm trí, và những ân huệ khác nhau mà Thánh Thần ban cho mỗi người mới được khơi dậy và hoạt động.
Hiểu như thế, Giáo hội Tham gia không chỉ đơn thuần là một cộng đoàn được tổ chức và phân công tốt với nhiều ban ngành đoàn thể phụ trách nhiều công tác mục vụ khác nhau (a task-group church), trong khi đó đa số thành viên vẫn chỉ thụ động hoặc dửng dưng quan sát. Thực tế là những ban ngành đoàn thể trong một giáo xứ giỏi lắm cũng chỉ vận dụng được 10% tài năng của cộng đòan. Số còn lại vẫn thụ động và bất hợp tác. Còn trong tầm nhìn của Giáo Hội tham dự thì giáo xứ là nơi mà đặc sủng của mỗi người đều được nhìn nhận và mời gọi góp phần, nơi mà mỗi người có thể phát triển khả năng của mình hầu sinh ích cho công việc chung. Vấn đề là tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để những đặc sủng và tài năng đó được nhìn nhận và phát triển.
Cuối cùng, Giáo hội Tham gia phải là cộng đòan tích cực tham dự vào sứ mạng Chúa Kitô, sứ mạng loan báo ơn giải thoát cho kẻ bị giam cầm, trả lại ánh sáng cho kẻ mù lòa, và giải thoát những người bị áp bức (Lc 4,18). Điều đó có nghĩa là tầm nhìn của cộng đòan phải vượt xa hơn bốn bức tường của ngôi nhà Giáo hội để đồng cảm và chia sẻ những âu sầu lo lắng, vui mừng và hy vọng của con người hôm nay. Điều đó cũng có nghĩa là người Kitô hữu không thể hành động đơn độc nhưng phải đồng hành và cộng tác với những anh chị em thuộc các tôn giáo bạn và mọi người thành tâm thiện chí trong nỗ lực cầu nguyện, làm việc, đấu tranh và khổ đau của họ nhằm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.[35]
Thực ra hình ảnh một Giáo hội Tham gia như đã mô tả là hình ảnh quá lý tưởng, một ước mơ hơn là hiện thực. Các giám mục Á châu cũng biết điều đó, nhưng chúng ta cần những ước mơ như thế, những ước mơ đẹp như chính Tin Mừng Đức Giêsu, những ước mơ đó luôn vẫy gọi ta tiến về phía trước, không cho phép ta ngủ quên trong một vài thành công hiện tại, nhưng luôn thúc đẩy ta lên đường. Điểm then chốt làm nên một Giáo hội Tham gia là chính Chúa Kitô. Sẽ không có một Giáo hội như thế nếu mỗi tín hữu không sống mối quan hệ yêu thương và bạn hữu với Chúa Kitô. Chính mối quan hệ này thúc đẩy người tín hữu “tham dự” vào sứ mạng của Chúa Kitô, và đây là nguồn động lực cho sự “tham giạ” đích thực của mỗi Kitô hữu vào sứ mạng Chúa Giáo hội. Chính ở đây, mà việc chia sẻ Lời Chúa và cử hành Thánh Thể có tầm quan trọng đặc biệt vì đó là hai phương thế hữu hiệu nhất giúp người tín hữu đi sâu vào mối quan hệ cá vị với Chúa Kitô.
Để tóm tắt, không gì tốt hơn là lặp lại chính những lời của các giám mục:
“Giáo hội tại Á châu phải là một cộng đoàn hiệp thông ăn rễ sâu trong đời sống Chúa Ba Ngôi, một cộng đoàn cầu nguyện và chiêm niệm, một cộng đoàn cử hành bí tích với Thánh Thể là trung tâm. Sự tham gia chân thực và tinh thần đồng trách nhiệm phải là những yếu tố then chốt trong đời sống của cộng đoàn. Đó là một cộng đoàn cố gắng duy trì sự hiệp nhất với các chủ chăn và mối hiệp thông với Giáo hội duy nhất. Cộng đoàn đó được mời gọi làm chứng cho những ý nghĩa và giá trị mà mình tuyên xưng, để cho những giá trị đó nhập thể vào trong lối sống của mình, diễn tả chúng trong cách thế hiện diện, đối thoại và thực hành của mình trong mọi lãnh vực hoạt động của Giáo hội, một Giáo hội có mặt trong lịch sử này giữa lòng thế giới. Cuối cùng, cộng đoàn đó không ngừng tiến về phía trước trong sứ vụ của mình, đồng hành vơí toàn thể nhân loại trong hành trình đi tới Vương quốc của Chúa Cha”.[36]
nguon: tgpsaigon.net
[1] FABC (Federation of Asian Bishops’ Conferences) là tổ chức nối kết nhiều Giáo hội địa phương tại châu Á lại vớí nhau. Tổ chức này bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ lịch sử của 180 giám mục châu Á tại Manila vào tháng 11 năm 1970, nhân chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Phaolô VI tại Philippines. Kể từ ngày đó, FABC không ngừng thúc đẩy sự cộng tác giữa các Hội đồng giám mục các nước tại châu Á. Để tìm hiểu kỹ hơn, có thể đọc Felix Wilfred, “The Federation of Asian Bishops’ Conferences: Orientations, Challenges and Impact”, For All the People of Asia, Vol. I, xx-xxiiv.
[2] Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia, số 20.
[3] For All the People of Asia, Vol. I, xxiv.
[4] Xem Sergio Luciani. “Ce que l’Esprit dit aux Eglises: Orientations pastorales et théologiques de la Fédération des Conférences épiscopales d’Asie,” Eglise d’Asie, Dossier et documents, số 01-1996. Thực ra, trong những năm gần đây, cũng đã có sự căng thẳng giữa Bộ Giáo Lý Đức Tin và một vài nhà thần học châu Á về một số vấn đề thuộc lãnh vực Kitô học. Tuy nhiên, đó là sự căng thẳng với cá nhân các thần học gia, còn đối với FABC, mối bận tâm lớn nhất vẫn mang tính mục vụ và tập trung vào lãnh vực Giáo Hội học.
[5] Xem “Asian Colloquium on Ministries in the Church”, For All the Peoples of Asia, Vol. I, 72.
[6] “Statement of the First Plenary Assembly of the FABC,” For All the Peoples of Asia, Vol. I, 12.
[7] International Congress on Mission, “Basic Christian Communities and Local Ministries,” For All the Peoples of Asia, Vol. 1, 148. Ở đây chúng tôi không thể không liên tưởng đến khẳng định của các giám mục Việt Nam trong Thư Chung 1980 về việc xây dựng một Giáo hội đồng hành với dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào. Hướng đi của các giám mục Việt Nam hoàn toàn gần gũi với các giám mục châu Á. Vấn đề chỉ là cung cách “đồng hành” và quan niệm về “hạnh phúc”.
[8] Suy tư thần học về Giáo hội địa phương là một trong những đề tài được FABC quan tâm đặc biệt. Để có tầm nhìn sâu và rộng hơn về vấn đề này, có thể đọc FABC’s Theological Advisory Commission, “Theses on the Local Church,” Being Church in Asia (Manila: Claretian Publications, 1994).
[9] Xem Special Assembly for Asia of the Synod of Bishops, Lineamenta, 3.
[10] Ibid., 67.
[11] Ibid., 67.
[12] “Statement of the First Plenary Assembly of the FABC,” For All the Peoples of Asia, Vol. I, 287.
[13] Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia, số 25.
[14] Để tìm hiểu kỹ nền Giáo hội học về hiệp thông, có thể tham khảo Jean Marie Tillard, Church of Churches: The Ecclesiology of Communion, (Collegeville, Minnesota: Liturgical Press, 1987). Nguyên bản tiếng Pháp: Eglise des Eglises (Prais: Cerf, 1987).
[15]Julma Neo đã khai triển triển chủ đề này trong “Fostering Communion in the Local Church through the basic Ecclesial Communities,” Asian Colloquium on Church in Asia in the 21st Century, (Manila, 2000), 271-293.
[16] Xem “Statement of the Third Plenary Assembly of the FABC,” For All the Peoples of Asia, Vol. I, 56.
[17]Ecclesia in Asia, số 24.
[18] FABC’s Theological Advisory Commission, “Asian Christian Perspective of Harmony,” For All the Peoples of Asia, Vol. II, 268.
[19] “Statement of the Third Plenary Assembly of the FABC,” For All the Peoples of Asia, Vol. I, 56.
[20]Joseph Cardinal Ratzinger, Called tạ ơn Communion: Understanding the Church today, (San Francisco: Ignatius Press, 1991), 77.
[21] Ibid., 82.
[22] “Statement of the Third Plenary Assembly of the FABC,” For All the Peoples of Asia, Vol. I, 54.
[23] “Statement of the Third Plenary Assembly of the FABC,” For All the Peoples of Asia, Vol. I, 56.
[24] FABC’s Theological Advisory Commission, “Theses on the Local Church,” Being Church in Asia, 11.
[25] Henri de Lubac, The Splendor of the Church, (New York: Sheed & Ward, 1956), 105.
[26] Ecclesia in Asia, số 24.
[27] Xem “Asian Colloquium on Ministries in the Church”, For All the Peoples of Asia, Vol. I, 73. Để tìm hiểu về vị trí và quyền bính của Đức Giáo Hoàng trong viễn tượng Giáo hội học về hiệp thông, có thể đọc Hermann Josef Pottmeyer, Towards a Papacy in Communion: Perspectives from Vatican Council I and II, (New York:Crossroad, 1998); Jean Marie Tillard, The Bishop of Rome, (Wilmington, Del:Micheal Glazier, 1983).
[28] Đức Gioan Phaolô II, Christifideles Laiici, số 5.
[29] Ibid., 28.
[30] Statement of the Third Plenary Assembly of the FABC,” For All the Peoples of Asia, Vol. I, 56.
[31] Khi có dịp đối chiếu và so sánh, người đọc có thể thấy những khai triển triển của châu Á về Giáo hội Tham dự rất giống với những khai triển triển của Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục Châu Phi.
[32] Statement of the Fifth Plenary Assembly of the FABC,” For All the Peoples of Asia, Vol. I, 283.
[33] Lumen Gentium (Hiến Chế Giáo Hội), số 32
[34] Ibid., 287.
[35] Ibid., 293
[36] Statement of the Third Plenary Assembly of the FABC,” For All the Peoples of Asia, Vol. I, 60.