Tuy nhiên trên thực tế, đã có khá nhiều người phải chấp nhận hạnh phúc vượt khỏi tầm tay mình. Đó là mảng tối của hôn nhân và là bi kịch của con người. Quả vậy, cuối cùng thì “người ta chỉ hiểu được giá trị của hạnh phúc khi đã mất nó “. Vì một lý do nào đó, người ta đã vô tình đánh mất thực tại tươi đẹp của cuộc hôn nhân mà chính họ đã vun đắp xây dựng. Cái thực tại đó là, “Đôi chim trong một tổ ấm; đôi con tim trong một lồng ngực; hai tâm hồn trong một liên minh bền vững làm bằng yêu thương và cầu nguyện, sẽ ngày càng bền chặt, ngày càng đầy phước” (Dora Greenwell).
Một liên minh bền vững ngày càng bền chặt sẽ là điều có thật nếu trong cuộc sống hôn nhân gia đình người ta biết sống HÒA với nhau. Đó là dấu chỉ và biểu hiện của một tình yêu trung thực, trong sáng và sâu sắc nhất. Văn hào J.J Rousseau đã nói một câu ngắn gọn và đầy ý nghĩa như sau: “Định nghĩa tiếng YÊU thật giản dị, nó là sự hòa hợp giữa hai tâm hồn trai và gái ”.
Vậy, để duy trì sự hòa hợp và hạnh phúc trong hôn nhân, thiết tưởng đôi bạn cần giúp nhau thấu hiểu và áp dụng linh hoạt giải pháp bốn HÒA. Đó là HÒA thuận – HÒA đồng – HÒA hợp và HÒA giải.
- HÒA thuận.
Trong đời sống vợ chồng, sự hòa thuận là một điều ai cũng mơ ước, bởi “Vợ chồng như đũa có đôi” và “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Nhưng vì lý do nào đó, hai vợ chồng rơi vào tình trạng bất hòa, thì nguy cơ dẫn đến sự tiêu tan hiệp thông trong gia đình là điều dễ xảy ra. ĐGH Gioan Phaolô II, trong Tông huấn về những bổn phận của gia đình Kitô hữu đã nêu rõ: “Không có gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà xuất phát muôn vàn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình” (x. sđd số 21).
Chúng ta đều biết rằng, sự bất hòa thường xuyên trong đời sống vợ chồng chẳng những đe dọa sự hiệp thông, hiệp nhất, mà còn có thể dẫn đến hậu quả tai hại, đó là sự ly hôn ly dị. Do đó, để giữ mãi bầu khí chung êm ấm giữa hai người, tránh xích mích mâu thuẫn nặng nề, thiết nghĩ chúng ta nên từ bỏ ý riêng, từ bỏ tính ích kỷ nhỏ nhen, từ bỏ sự cứng cỏi ngoan cố, thói tự cao tự đại và lòng đam mê hiếu thắng…Chính lúc này, chúng ta mới thấy tình nghĩa vợ chồng hòa-hợp-nên-một là điều vô cùng quý giá và tất nhiên mọi khó khăn trong đời gia đình nhờ đó sẽ được giải quyết tốt đẹp.
- HÒA đồng.
Đối với nhiều người, việc sống hòa đồng trong quan hệ vợ chồng là điều khó thực hiện. Người chồng thì cảm thấy vợ phải “kém” hơn mình một bậc, vì ngày xưa người ta thường nói “Phu xướng phụ tùy” (Chồng định làm gì thì vợ cũng phải làm theo!). Chồng là chủ, là lãnh đạo, là “chúa” (Chồng chúa vợ tôi!). Có trường hợp ông chồng theo thói quen gia trưởng, coi vợ (con) như là đầy tớ, kẻ hầu người hạ. Ngược lại không ít bà vợ tỏ ra uy quyền bà chúa, đối xử với chồng như là một kẻ giúp việc của mình. Lúc đó người chồng hoàn toàn bị lép vế, như có câu nói “Lệnh ông không bằng cồng bà”…
Trong bối cảnh gia đình như thế, không thể có sự hòa đồng trong tương quan vợ chồng. Bởi lẽ, hòa đồng hiểu một cách đơn giản, là sự sống chung hài hòa, bình đẳng, đồng đều giữa hai con người. Trong xã hội ngày nay, người ta luôn đề cao sự hòa đồng giữa chủ-tớ, giữa lãnh đạo-cộng sự, giữa thầy-trò, giữa kẻ giàu-người nghèo vv. Đặc biệt trong quan hệ vợ chồng, cách cư xử ăn ở hòa đồng sẽ là điều kiện đem lại niềm an vui, sự thăng tiến và hòa hợp trong yêu thương.
“Ta với mình tuy hai mà một…”, một khi mà hai vợ chồng sống tích cực lý tưởng hòa đồng thì chắc chắn sẽ không còn cảnh kẻ trên đàn áp người dưới, kẻ khinh người trọng, kẻ hơn người kém, kẻ cao người thấp nữa. Họ đối xử với nhau một cách bình đẳng, kính trọng và yêu thương. Trong tình yêu chắc chắn không còn có “giai cấp” nữa. Còn gì đẹp cho bằng hình ảnh minh họa sau: “Cho dù vật đổi sao đời, chúng ta đã sống cả đời yêu nhau. Cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, cùng lau giọt lệ ngậm ngùi sầu thương” (Charles Jeffreys).
- HÒA hợp.
Sự hòa hợp vợ chồng luôn là một thách đố lớn đối với tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Bởi vợ chồng vốn rất khác biệt nhau mọi đàng, nhưng lại phải chung sống với nhau trong sự hòa hợp lâu dài. Hòa hợp về tính cách, suy nghĩ, sở thích, phán đoán, ứng xử, quyết định, cách giao tiếp, nếp sinh hoạt vv. Một tác giả đã viết: “Hòa hợp là sự chấp nhận nhau để hòa nhập với nhau, bù trừ cho nhau…là sự thông hiểu nhau, chấp nhận nhau và sống biết điều với nhau” (x. Nguyễn Đình Xuân, Tâm lý học tình yêu GĐ, NXB GD 1993, trg 113).
Trong đời sống vợ chồng, vấn đề hòa hợp là một thực tế rất quan trọng để duy trì hạnh phúc hôn nhân lâu bền. Phần lớn các cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa xin ly hôn đều khẳng định là họ không thể sống hòa hợp với nhau được nên phải chia tay. Sự bất hòa bất nguồn từ nhiều nguyên nhân. Có thể là về mặt tâm lý tinh thần, có thể là về đời sống tình dục, có thể là về chuyện chi tiêu quản lý tiền bạc, có thể là cách giáo dục con cái vv.
Dù với nguyên nhân nào, hai vợ chồng đều cần ý thức rằng việc sống hòa hợp giữa hai vợ chồng là điều tối quan trọng, mặc dù đây là một vấn đề cực kỳ khó khăn, phức tạp và tế nhị. Sự hòa hợp giữa hai vợ chồng tùy thuộc phần lớn vào thiện chí và ý hướng tích cực của cả hai bên. Xét cho cùng, chính tình yêu trung thực và nồng ấm sẽ luôn là sức mạnh giúp đôi bạn vượt thắng tất cả. “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” (Ca dao VN).
- HÒA giải.
Ai cũng biết trong đời sống gia đình, vợ chồng khó tránh khỏi những va chạm, mâu thuẫn, xung khắc này nọ. Bởi, “Chén bát còn có lúc xô xát, huống chi vợ chồng” (Tục ngữ VN). Do đó, điều quan trọng trong đời sống vợ chồng không phải là tránh mâu thuẫn nhưng là tìm cách giải quyết tốt đẹp, êm thắm những xung đột. Đó là con đường hòa giải.
Tùy theo tính cách, kinh nghiệm, trình độ và hoàn cảnh sống của mỗi gia đình, chúng ta sẽ có những giải pháp riêng biệt, đặc thù. Một cách chung nhất, dựa theo kinh nghiệm của nhiều người, có thể đưa ra mấy giải pháp sau:
– Một sự nhịn chín sự lành. Trân trọng những khác biệt của nhau;
– “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê”;
– Nếu lỡ có tranh cãi thì “Hãy nhường cho chồng/ vợ của bạn thắng trong cuộc tranh cãi, nếu cần có người thắng” (Danh ngôn);
– “Trong tình yêu, niềm khoái lạc nhất là lúc làm lành với nhau sau cãi vã” (Alfred Musset);
– Luôn giúp nhau sống bao dung, tha thứ. Hai người phải chứng minh người này luôn cần thiết cho người kia, luôn biết lắng nghe và cảm thông…Giữ mình để không bao giờ là người gây chiến trước;
– Luôn tự chủ để làm chủ lời nói, thái độ và các phản ứng của mình. Đặc biệt không bao giờ biến chuyện nhỏ thành chuyện lớn…
Aug. Trần Cao Khải