ĐGH Leo XIII và Tông thư Tân Sự
ĐGH Leo XIII (2/3/1810 – 20/7/1903) sinh trưởng tại Ý, tên thật là Vincenzo Gioacchino Raffaele Luigi Pecci, là vị giáo hoàng thứ 256 của Giáo hội Công giáo La Mã, cai quản Giáo hội từ 1878 tới 1903. Ngài là vị GH cao niên nhất – trị vì tới tuổi 93, và có triều đại GH dài thứ ba – sau vị tiền nhiệm là ĐGH Piô IX và ĐGH Gioan Phaolô II.
Ngài nổi tiếng về thông tuệ, về sự phát triển các giáo huấn xã hội qua Tông thư Rerum Novarum (Tân sự – nói về đời sống của giới lao động nghèo) và nỗ lực xác định vị trí của Giáo hội với sự quan tâm tới cách suy nghĩ hiện đại. Ngài ảnh hưởng tới Thánh mẫu học (Mariology) của Giáo hội Công giáo và thúc đẩy tôn sùng Kinh Mân Côi và Áo Đức Bà (scapular). Ngài đã “lập kỷ lục” với 11 tông thư về Kinh Mân Côi, phê chuẩn 2 Áo Đức Bà và là vị GH đầu tiên hoàn toàn ủng hộ khái niệm về Đức Maria là Đấng trung gian (mediatrix).
Ngày 15-5-1891, ĐGH Leo XIII công bố Tông thư Rerum Novarum, một tài liệu mà lịch sử coi là tông thư về xã hội hiện đại đầu tiên. Tài liệu này giới thiệu các giáo huấn “cách mạng” đối với thời đó, trở nên nền tảng của xã hội Công giáo hiện đại. Dùng nhiều tư tưởng xuất hiện trong Công đoàn Fribourg, Rerum Novarum đã làm nổi bật nỗi khó khăn của giới công nhân, quyền của con người đối với sự nghèo khổ của họ (một tranh luận ngược với xã hội chủ nghĩa), và vai trò của nhà nước can thiệp để ngăn chặn nỗi khổ của giai cấp này bằng cách áp dụng mức trung dung giữa tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, tông thư này còn bênh vực mức lương đủ sống để công nhân không gặp khó khăn, và quyền tổ chức của công nhân, đồng thời thúc đẩy quyền của giáo hội được nói về các vấn đề xã hội.
Hầu như ngay từ khi bắt đầu triều đại giáo hoàng năm 1878, ĐGH Leo XIII đã có nhiều tuyên bố chính thức về lao động và điều xấu của thời đó, những điều đó đã tiến báo về Rerum Novarum. Tông thư này nêu bật nhân phẩm và giá trị của công việc, cả về ý nghĩa trừu tượng và thực tế. Ngài biện luận rằng gánh nặng đè trên đôi vai công nhân phải được giảm bớt.
Điều gì thúc đẩy ĐGH Leo viết tông thư đầu tiên về xã hội? Lý do thứ nhất là thần học và luân lý. Ngài tin rằng Giáo hội là cơ quan hướng dẫn luân lý thì phải giữ vai trò quan yếu trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Thứ hai là từ viễn cảnh mục vụ, ngài sợ rằng Giáo hội sẽ mất giới công nhân bị các phong trào xã hội chủ nghĩa thu hút nếu Giáo hội không lên tiếng. Cuối cùng là từ chiều kích Giáo hội, ngài không muốn vị trí của Giáo hội trong xã hội bị yếu thế hơn các sự kiện và phong trào nổi bật ở Âu châu hồi thế kỷ XIX.
Ngài “thổi” tinh thần mới vào triều đại giáo hoàng, biểu hiện trong nhiều vị trí hòa giải với chính phủ, bằng cách quan tâm rằng Giáo hội không đối nghịch với khoa học và bằng cách nhận thức cả nhu cầu mục vụ lẫn nhu cầu xã hội của thời đại.
Ngài là con thứ 6 của một gia đình bình thường. Sau thời gian học ở Viterbo và Rôma, ngài hoàn tất việc học tại Accademia dei Nobili Ecclesiastici (Học viện Giáo sĩ Quý tộc) ở Rôma. Năm 1837, ngài thụ phong linh mục và tham gia công việc ngoại giao của Tòa thánh. Các bề trên mau chóng nhận thấy năng lực của ngài: linh động, minh bạch và nghị lực – dù tướng tá ngài mảnh khảnh. Thế nên tiến trình thăng cấp mau chóng: Ngài được bổ nhiệm làm Đại diện (tương đương thủ hiến) tại Benevento năm 1838 và năm 1841 được bổ nhiệm làm Đại diện quan trọng hơn tại Perugia, rồi được bổ nhiệm làm khâm sứ Tòa thánh tại Bỉ vào tháng 1-1843 và không lâu sau được thăng cấp tổng giám mục.
Việc lưu trú của ngài tại Bỉ, dù chỉ 3 năm, nhưng là thời gian quan trọng trong cuộc đời của vị giáo hoàng tương lai này. Ngài phát hiện người Công giáo trong chính phủ lập hiến hiện đại có thể hữu ích thế nào nhờ hệ thống nghị viện từ sự tự do báo chí, nhưng đại sứ giáo hoàng tại Bỉ đã đình chỉ công việc của GM trẻ Pecci. Ngài có sáng kiến và độc lập trong vài tình huống tinh tế, nhưng lúc đó ngài bị phê phán dữ dội, vua Leopold I coi ngài là “không ngoan ngoãn” như người đại diện tiền nhiệm và sớm triệu hồi ngài về.
Đầu năm 1846, ngài được bổ nhiệm làm giám mục GP Perugia, một giáo phận nhỏ mà ngài “bị giữ chân” 32 năm, dù ngài được bổ nhiệm làm hồng y năm 1853. Ngài chịu đựng “sự khó hiểu” này và nỗ lực nhiều để được lòng Rôma, nhưng vô ích: Ngài bị chỉ trích dữ dội là đối nghịch với Tòa thánh đối với cuộc Cách mạng Rôma năm 1848. Ngài muốn tránh những xung đột vô ích với chính phủ Ý sau việc sáp nhập Umbria năm 1860 khiến Rôma nghi ngờ ngài khá bất công về sự cảm thông tự do và thờ ơ với sự tôn trọng thế quyền.
Ngài nỗ lực tái tổ chức hệ thống giáo phận của mình, cải thiện tâm linh và trí tuệ của các linh mục trong giáo phận. Ngài vẫn có nhiều thời gian để đọc và suy nghĩ. Ngài bận rộn với việc canh tân triết học Kitô giáo và đặc biệt nghiên cứu sách của thánh Thomas Aquinas, học giả triết gia thế kỷ XIII, mà ngài được tu sĩ Dòng Tên là giáo sư Giuseppe giới thiệu. Ngài cân nhắc vấn đề quan hệ giữa Giáo hội với xã hội và càng tin rằng giáo quyền đã sai lầm khi có thái độ sợ sệt, tiêu cực đối với tham vọng của thời đại. Kết quả của sự im lặng chín muồi được người đương thời nhận ra trong thư mục vụ ngài viết năm 1877-1878, đã thu hút sự chú ý của cả những người ngoài biên giới Ý. Năm 1877, ngài được chú ý và được bổ nhiệm làm Hồng y Thị thần (*), tức là người quản lý Giáo hội khi giáo hoàng qua đời.
Khi ĐGH Piô IX qua đời tháng 2-1878, tên Pecci thường được nhắc đến trong số những người có thể được chọn làm giáo hoàng kế vị (principal papabili). Ngài được hầu hết các hồng y không phải người Ý ủng hộ, họ ấn tượng vì ngài có tính tự chủ và năng lực. Hồng y Pecci được bầu giáo hoàng ngày 20-2-1878, sau 3 lần bỏ phiếu. Ngài tuyên bố ngài chọn danh hiệu Leo XIII để nhớ ĐGH Leo XII, người mà ngài luôn khâm phục về sự quan tâm giáo dục, về thái độ hòa giải với thế quyền, và về sự mong ước liên kết với cá Kitô hữu đã tách khỏi Giáo hội Công giáo Rôma. Tuổi tác và sức khỏe của vị tân giáo hoàng khiến người ta nghĩ rằng triều đại giáo hoàng của ngài sẽ ngắn. Thế nhưng ngài đã cai quản Giáo hội suốt phần tư thế kỷ.
Triều đại giáo hoàng của ĐGH Piô IX, vị tiền nhiệm của ĐGH Leo XIII, đã dài và gây tranh luận. Ngay sau khi bắt đầu triều đại giáo hoàng, ĐGH Piô IX đã mạnh mẽ và cương quyết, cả về việc cai quản Giáo hội lẫn việc đối nghịch với chính phủ Ý vì đã sáp nhập Tòa thánh. Dù triều đại giáo hoàng của ĐGH Leo XIII có tinh thần mới, vị tân giáo hoàng vẫn “cứng đầu” như vị tiền nhiệm về luật tối cao của giáo hoàng và vẫn coi truyền thống Kitô giáo là lý tưởng. Ngài phản ứng mạnh như ĐGH Piô IX để chống lại Hội Tam Điểm (Freemasonry, một hội bí mật mà các giáo hoàng đều coi là đối nghịch với Kitô giáo) và chủ nghĩa tự do thế tục. Khi cai quản Giáo hội, ngài tiếp tục nêu bật sự tập trung quyền vào giáo hoàng hơn là nhà nước và tái củng cố quyền của sứ thần tòa thánh. Ngoài ra, ĐGH Leo XIII còn theo ĐGH Piô IX trong việc khuyến khích lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ngài đổi mới cách kết án chủ nghĩa duy lý (rationalism – thuyết cho rằng lý lẽ là nguồn đầu tiên của kiến thức và của chân lý tâm linh) và theo đuổi việc tái thành lập triết học của thánh Thomas Aquinas (Tiến sĩ Giáo hội). Năm 1899, ngài kết án phong trào thân Mỹ (Americanism), một phong trào mập mờ đối với việc hòa giải văn hóa Công giáo và văn hóa Mỹ.
Tuy nhiên, trong các phương diện khác, chắc chắn rằng triều đại giáo hoàng của Đức Leo XIII nổi bật với tinh thần mới. Khi quan hệ với chính phủ, ĐGH Leo XIII đã tỏ ra rất quan tâm ngoại giao. Ngài đạt được nhiều thành tựu không thể phủ nhận nhờ ngoại giao, dù khả năng của ngài hạn chế về lĩnh vực này. Dù ngài thích chính trị, nhưng sự vĩ đại thật của ĐGH Leo XIII là ngài không làm chính trị. Ngài cũng đồng cảm với tiến bộ khoa học và nhu cầu bày tỏ công khai của Giáo hội Công giáo đối với các tiến bộ như vậy, ngài vẫn là mục tử quan tâm sự sống vĩnh hằng của Giáo hội và rao truyền sứ điệp đó tới khắp thế giới.
Mối quan tâm đổi mới cách đối thoại giữa Giáo hội và thế giới được thể hiện trong nhiều tông thư của ngài đưa ra những hướng dẫn cho người Công giáo khắp thế giới. Năm 1893, tông thư Providentissimus Deus (Thiên Chúa Quan phòng), nay đã lỗi thời nhưng là công việc tiên phong, vạch định khá rộng các quy luật mà người Công giáo nên hiểu về Kinh thánh. Trong vài huấn thị, ngài khuyên rằng Giáo hội và nhà nước sống chung hòa bình trong khung của xã hội hiện đại. Tông thư Rerum Novarum cho thấy rằng giáo hoàng đã nhận thức vấn đề của giới lao động. Ngài cố gắng ủng hộ cách tổ chức của giáo dân và quan tâm cách đối thoại mới với người ngoài Công giáo, như được thể hiện trong cách quan tâm mà ngài cố gắng tạo sự liên kết giữa Anh giáo và Công giáo Rôma, trong cách tôn trọng truyền thống của Giáo hội Đông phương.
Trong những năm cuối triều đại giáo hoàng của ĐGH Leo XIII, cho đến khi ngài trút hơi thở cuối cùng, vẫn có “sự cứng nhắc” trong chính sách của Giáo hội và thái độ dè dặt đối với sự dân chủ Kitô giáo. Do đó, ngài tiếp tục giành được uy tín cho giáo hoàng, như đã thấy càng ngày càng có nhiều nước thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa thánh, ngay cả các nước không theo Kitô giáo. Ngài là người có biệt tài thông minh, khí chất mạnh mẽ, nhận thức sâu sắc về chính mình, và sáng suốt khi quan hệ công chúng. Dù triều đại giáo hoàng của ngài không đem lại ngay nhiều sự thay đổi về mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo với xã hội, nhưng đã mở đầu nhiều thái độ mới và chín muồi trong các thập niên sau.
Một lý do thôi thúc ĐGH Leo XIII viết Rerum Novarum là thời đó đã giao giới lao động nghèo cho những nhà tuyển dụng vô nhân đạo và những đối thủ tham lam (a. 6). Ngài thấy giới lao động nghèo không được giúp đỡ (a.66) và không được bảo vệ để chống lại bất công và bạo lực (a. 32). Ngài cảm thông với những người nghèo, những người có “trái tim chán nản” (a. 37).
Có một xu hướng mạnh dưới chủ nghĩa tư bản là phân xử người nghèo một cách khắc nghiệt. ĐGH Leo XIII không đồng ý cách đó. Ngài cảm thấy đa số giới lao động sống trong điều kiện khốn khổ (a. 5). Người nghèo phải lao động để họ có thể thoát nghèo và để có phương tiện cần thiết để sống (a. 9), và đa số giới lao động nghèo muốn có diều kiện an toàn hơn khi làm việc cực nhọc, không bất công đối với ai (a. 55). Tuy nhiên, ngài biết rằng giới lao động nghèo ghen với người giàu (a. 7), và ngài nghĩ rằng đầu óc của giới lao động nghèo bị kích thích và luôn sẵn sàng nổi loạn (a. 66).
Ngài cẩn thận chỉ ra rằng người nghèo bình đẳng về dân quyền như người giàu (a. 49), và công việc của họ là nguồn tài sản quốc gia (a. 51). Khi đề cập các vấn đề này, ngài thách thức vị trí của những người khinh thường người nghèo, coi người nghèo là gánh nặng của xã hội. Thậm chí còn quan trọng hơn là ngài thách thức vị trí của những người dùng tôn giáo để ủng hộ sự chèn ép người nghèo. ĐGH Leo XIII là giáo hoàng của người nghèo, như Thiên Chúa nghiêng lòng về phía người nghèo (a. 37). Tuy nhiên, ngài ủng hộ người nghèo về thái độ và hành động giống như Chúa.
Ngài xác nhận, giới lao động nghèo nên được giải phóng khỏi sự độc ác của những người tham lam (a. 59). Những người tìm cách giúp đỡ người nghèo có thể hành động thao 3 cách: Hợp tác giúp đỡ bằng vật chất, hợp tác với các tổ chức cá nhân để giúp đỡ công nhân, và hợp tác với các tổ chức để chăm sóc những người phải lệ thuộc (a. 68).
Nói về giới lao động nghèo, ĐGH Leo XIII nói nhiều đến mối quan tâm của ngài về trật tự xã hội. Ngài muốn người nghèo hiểu rằng những người cùng đinh trong xã hội không được coi ngang hàng với người cao nhất (a. 26) và sự nghèo khổ không là điều hổ thẹn (a. 37). Chịu khổ và chịu đựng đó là con người (a. 27), thậm chí đau khổ thể hiện trong sự nghèo nàn, và dù sao, điều được tính từ viễn cảnh của tính vĩnh hằng không là mức độ chúng ta có mà là cách dùng những gì chúng ta có (a. 33). Người nghèo biết rằng không được làm tổn hại tài sản, con người hoặc chủ nhân (a. 30), và không được cướp tài sản của người khác (a. 55) vì quyền tư hữu phải được bảo vệ (a. 23).
Sứ điệp gởi người nghèo vế điểm này có vẻ nhắm tới việc an ủi người nghèo, khuyến khích họ chấp nhận vị thế của mình trong xã hội mà không “cay cú” (rancor) và không làm hại người khác. ĐGH Leo XIII còn quan tâm về sự hài hòa xã hội, ngài muốn giúp đỡ người nghèo trong việc duy trì trật tự tốt. Nhưng có điều khác khiến ngài quan tâm nhất: Tài sản của người nghèo. Ngài nói với họ rằng họ nên chấp nhận những gì mình có như nhà cửa, quần áo, an ninh, và sống mà không thấy khổ sở (a. 51). Ngài nói rõ rằng họ đừng cam chịu bị đối xử bất công như thể là điều tất nhiên không thể tránh, và họ phải vùng lên giành quyền lợi ngay khi họ duy trì trật tự xã hội tốt. Hãy bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng hãy tránh bạo lực và đừng bao giờ nổi loạn (a. 30); đòi hỏi của bạn phải hợp lý (a. 37); hãy đưa ra yêu cầu với lý do (a. 82); hãy thành lập công đoàn (a. 69) nhưng đừng đình công (a. 56). Sứ điệp về việc duy trì trật tự tốt phải rõ ràng và không được sai lầm, đó cũng là sứ điệp về việc vùng lên giành quyền lợi. ĐGH Leo XIII muốn giới lao động bảo vệ quyền lợi của mình, đưa ra yêu cầu, và các phương tiện chính để làm vậy là thành lập công đoàn. Khi cố gắng đòi quyền lợi, giới lao động nên liên minh với chính phủ, ĐGH Leo XIII nói rõ rằng giới lao động nên được chính phủ quan tâm đặc biệt (a. 54).
Thành phần hoạt động xã hội trong chương trình của ĐGH Leo XIII về việc đối xử với giới lao động phải phù hợp với thành phần luân lý. Ngài cảm thấy luân lý Kitô giáo phải được tái lập (a. 82) về nhân phẩm đích thực trong cách sống luân lý (a. 37). Đối với công nhân, luân lý có trong khi hoàn tất công việc (a. 30), trong khi góp phần vào những điều tốt chung (a. 50), trong khi hài hòa làm việc với chủ nhân giàu có (a. 28), và trong khi không cấu kết với những người xấu (a. 30). ĐGH Leo XIII kết hợp trách nhiệm của công nhân với trách nhiệm Kitô giáo toàn cầu khi thể hiện tôn giáo và sống giản dị, ngài tuyên bố rằng “nếu xã hội loài người có thể được chữa lành, chỉ có trở lại với đời sống Kitô giáo và các huấn sẽ chữa lành” (a. 41).
Tông thư Rerum Novarum cũng có sứ điệp dành cho những người giải quyết với giới lao động. Ngay đầu tông thư, ĐGH Leo XIII tuyên bố rằng giới lao động phải được quan tâm (a. 5). Điều này khiến ngài đề xuất không can thiệp vào chuyện của những người mà công nghiệp không là gánh nặng luân lý về tài sản của công nhân. Đối với ĐGH Leo XIII, chủ nhân phải có luân lý rõ ràng: Không được đối xử với công nhân như nô lệ (a. 31); phải tôn trọng nhân phẩm của công nhân (a. 31); không dùng con người để hưởng lợi (a. 31); không chèn ép người nghèo vì tư lợi (a. 32). Phương pháp đối với chủ nhân đòi hỏi cao về luân lý nhưng rất thực tế: Người ta cần người nghèo nên phải làm việc hài hòa (a. 28). Đối xử bất công với công nhân là vô luân lý, đồng thời bất lợi cho việc làm chủ và quản lý.
Chủ nhân không được bắt làm việc không thích hợp (a. 31). Họ phải công bằng với công nhân (a. 32), và họ không được làm thiệt hại tiền bạc của công nhân hoặc chỉ coi trọng tài sản của mình (a. 32). ĐGH Leo XIII kết hợp trách nhiệm của chủ nhân với việc cân nhắc mối quan tâm tôn giáo và tâm linh của công nhân (a. 31), và kiềm chế công nhân khỏi ảnh hưởng tham nhũng (a. 31). Kết quả của sự kết hợp này là sứ điệp về mối quan tâm đối với công nhân là một con người hoàn toàn, một con người có những nhu cầu thể lý, tâm linh, tâm lý, luân lý, và gia đình.
Vì chủ nhân có của cải, ĐGH Leo XIII có điều để nói với họ về tài sản và vị trí của họ trong xã hội là những người giàu. Ngài cảnh báo họ về cạm bẫy của sự giàu có, ngài chỉ ra rằng tài sản không làm người ta hết buồn và nó là rào cản bước tới hạnh phúc vĩnh hằng (a. 34). Trong tầm nhìn vĩnh hằng, vấn đề không là mức độ chúng ta có mà là cách chúng ta sử dụng những gì chúng ta có (a. 33), và chúng ta sẽ phải tường trình với Chúa về tài sản của chúng ta (a. 34). Những người giàu có tài sản là để vì sự hoàn thiện của họ và vì lợi ích của người khác (a. 36), và họ được khuyến khích để chia sẻ của cải khi họ thấy người khác thiếu thốn: Khi nhu cầu đến cực độ, đòi hỏi công lý; nói cách khác, nhu cầu thuộc về bác ái (a. 36).
ĐGH Leo XIII cũng nói với những người giàu điều mà ngài đã nói với giới lao động nghèo: Luân lý Kitô giáo phải được tái lập (a. 82), vì nhân phẩm đích thực ở trong cách sống luân lý (a. 37). Luân lý đối với người giàu có trong những điều kiện với “tinh thần kiêu ngạo” của họ (a. 37) và “chuyển tới sự tử tế” (a. 37). Họ phải quan tâm tới trách nhiệm của họ (a. 82), nghĩa là họ không được đàn áp công nhân bằng bất công hoặc vô nhân đạo (a. 53).
ĐGH Leo XIII nói trong Rerum Novarum về nhiều vấn đề đặc biệt liên quan điều kiện của công nhân.
Công nhân có quyền thành lập công đoàn, quyền này ngoài quyền của chính phủ (a. 72). SỰ kết hợp mà ĐGH Leo XIII hình dung ra có thể chỉ thuộc về công nhân hoặc của công nhân và chủ nhân (a. 69), ngài mơ về một xã hội hài hòa mà các mức độ xã hội cùng hợp tác hơn là cạnh tranh. Tông thư này mạnh mẽ ủng hộ công đoàn, nói rằng mức tăng của họ được mong muốn (a. 69). Mục đích của công đoàn là sự thuận lợi riêng của những điều được kết hợp đó (a. 71), để công nhân dùng công đoàn của họ tạo an toàn về thể lý, tâm hồn và tài sản (a. 76). Cùng với thế giới quan của ĐGH Leo XIII, tông thư này nói rằng mục đích chính của công đoàn là sự hoàn thiện về luân lý và tôn giáo (a. 77). Cách hướng dẫn và cách tổ chức khôn ngoan là chủ yếu đối với thành công của công đoàn (a. 76). Các thành viên được tự do chấp nhận cách tổ chức và quy luật, nhưng họ nên nhớ rằng tổ chức phải phù hợp với mục đích (a. 76). Hoạt động đúng đắn của công đoàn liên quan văn phòng, ngân quỹ, và sự quyết định (a. 78), công đoàn nên tìm cách bảo đảm rằng mỗi công nhân có đủ việc làm công nhân nghèo được giúp đỡ (a. 79).
ĐGH Leo XIII rất muốn công nhân giành quyền lợi, nhưng ngài cũng muốn có sự hài hòa và hòa bình trong xã hội, đình công là xấu và không được phép (a. 56), ngài đặt hy vọng vào khả năng của các chủ nhân và nhân viên để phân định mọi thứ một cách thân thiện nhờ sự giúp đỡ của chính phủ và Giáo hội.
Mức lương phải có sự thỏa thuận của chủ nhân và nhân viên; họ phải vượt qua ước muốn cá nhân của chủ nhân; và họ phải thỏa mãn quyền an toàn để hỗ trợ cuộc sống (a. 61-62). Mức lương không bao giờ thiếu sức hỗ trợ công nhân tằn tiện và liêm khiết (a. 63): Công nhân phải nhận mức lương đủ để sống và hỗ trợ vợ con (a. 65). Nếu công nhân nhận mức lương ít hơn, chịu lép vế: Người đó là nạn nhân của công lý (a. 63). Công việc không được kéo dài làm nhụt tinh thần hoặc cơ thể phải mệt mỏi (a. 59). Các yếu tố cấu thành được liệt kê là: Bản chất công việc; tình trạng thời gian và vị trí; tình trạng thể lý của công nhân (a. 59).
Công nhân nên “ngừng tay vào những lúc nhất định và nghỉ ngơi” (a. 59), và công nhân phải có “nhiều thời gian rảnh rỗi để hồi phục sau khi lao tâm lao tứ với công việc mệt nhọc” (a. 60). Viết về tuần làm việc 7 ngày, ĐGH Leo XIII dùng trách nhiệm tôn giáo là vũ khí đấu tranh để có tuần làm việc 6 ngày, và ngài nhất quyết rằng nên có thời gian nghỉ ngơi kết hợp với tôn giáo (a. 58).
Phải quan tâm đặc biệt tới phụ nữ và trẻ em, không được đối xử bất công với họ ở nơi làm việc (a. 60), và phải tạo điều kiện an toàn sức khỏe cho công nhân ở nơi làm việc, nhất là ở các nhà máy (a. 64).
ĐGH Leo XIII nhấn mạnh đến quyền làm chủ tài sản. Quyền tư hữu phải được duy trì nguyên trạng (a. 23) và phải được coi là điều thiêng liêng (a. 65). Tuy nhiên, là sai trái đối với quyền tư hữu bị hạn chế ở một số người, và tài sản riêng phải được lan rộng trong nhiều người nhất (a. 65). Cùng với điều này, ĐGH Leo XIII tuyên bố rằng nên có “sự phân chia công bằng về tài sản” (a. 66), nói cách khác, nên có ít tài sản chỉ có trong tay người giàu và nên giảm thiểu số người nghèo.
Mục đích là tạo hạnh phúc chung và riêng (a. 48). Chính phủ bảo vệ cộng đồng và các thành phần trong cộng đồng (a. 52), và chính phủ nên bảo vệ công bằng mỗi người và mỗi tầng lớp công dân (a. 49). Bảo vệ công bằng đối với các công dân nghĩa là chính phủ nên cân nhắc cẩn trọng đối với những người yếu thế và nghèo khổ (a. 54), và sự quan tâm đặc biệt này nên kể cả giới lao động nghèo (a. 54).
Chính phủ nên tìm cách cải thiện tình trạng của người lao động (a. 48) vì một phần nhiệm vụ của chính phủ là bảo vệ hạnh phúc và lợi ích của người lao động (a. 49), và vì tư lợi của chính phủ để cải thiện tình trạng của người lao động (a. 51). Sự quan tâm của chính phủ đối với công nhân nên bao gồm sự bảo vệ tinh thần của người lao động (a. 57). Chính phủ nên tránh can thiệp về các vấn đề lương bổng, giờ giấc, và điều kiện làm việc (a. 64), vì các ấn đề này thuộc lĩnh vực thỏa thuận của chủ nhân và công nhân. Chính phủ không có quyền cấm công đoàn (a. 72), nhưng có thể phản đối, ngăn chặn, và giải tán công đoàn khi mục đích không trùng khớp với luân lý, công lý, hoặc lợi ích quốc gia (a. 72). Là người trông coi trật tự xã hội, chính phủ nên tránh để xảy ra đình công (a. 56), nhưng nên tìm cách loại bỏ những nguyên nhân gây đình công (a. 56). Chính phủ cũng nên bảo vệ tài sản cá nhân: “Dân chúng phải được giữ trong ranh giới trách nhiệm luân lý của họ” (a. 55).
Chính phủ phải cho phép tự do hành động đối với các cá nhân và gia đình (a. 52). Chính phủ không thể loại bỏ tư sản nhưng có thể kiểm soát, mặc dù nên tránh đánh thuế nặng (a. 67). Quyền dân sự không nên tùy tiện đưa vào sự riêng tư của các gia đình, nhưng chính phủ có thể và nên tạo sự giúp đỡ công khai đối với các gia đình gặp nhiều khó khăn (a. 21). Chính phủ có thể phục hồi quyền trong các gia đình, nhưng chăm sóc con cái họ không là việc của chính phủ (a. 21). Công quyền nên can thiệp khi “có sự tổn thương hoặc mối đe dọa các điều tốt chung hoặc lợi ích của các nhóm cá nhân, mà tổn thương này không thể sửa đổi hoặc ngăn ngừa bằng cách khác” (a. 52). Đặc biệt là quyền của luật pháp nên được sử dụng nếu cuộc đình công hoặc bãi công đe dọa an ninh trật tự, nếu đời sống gia đình bắt đầu tan rã, nếu các cơ hội thực hành tôn giáo không được cung cấp cho công nhân, nếu điều kiện lao động đe dọa tình trạng luân lý, hoặc “nếu giai cấp chủ nhân đàn áp giới lao động bằng bất công hoặc làm thoái hóa họ bằng những điều kiện nguy hại tới nhân vị hoặc nhân phẩm con người” (a. 53).
Nếu Giáo hội bị coi thường, sự phấn đấu của con người sẽ vô ích (a. 25). Những đóng góp của Giáo hội để giải quyết các vấn đề xã hội bao gồm:
a. Giáo hội trích các giáo huấn từ Phúc âm sẽ giải quyết hoặc cải thiện vấn đề (a. 25).
b. Giáo hội điều chỉnh cuộc sống và luân lý của con người (a. 25).
c. Giáo hội cải thiện điều kiện làm việc của công nhân qua các giáo huấn (a. 25), vì Giáo hội nổi trội về lòng thương xót (a. 43) và các xã hội tôn giáo quan tâm các dạng nghèo khổ của con người (a. 44).
d. Giáo hội tìm cách đoàn kết các tầng lớp để bảo vệ lợi ích của công nhân (a. 25). Giáo hội có thể đưa người giàu và người nghèo xích lại với nhau (a. 29), và Giáo hội tìm cách nối kết 2 tầng lớp xã hội này thành tình láng giềng và tình bằng hữu thân thiện nhất (a. 33).
e. Giáo hội chỉ ra cách chữa lành và thực hành liệu pháp (a. 40).
TRẦM THIÊN THU
(Chuyển ngữ từ NetPlaces.com và Shc.edu)
(*) Camerlengo (từ nguyên tiếng Ý): Hồng y Thị thần, giám chức quản lý tông tòa, thị tùng viên, hầu cận. Có ba giám chức ở Rôma mang tước hiệu này: 1. Hồng y thị thần của Giáo hội công giáo, phụ trách văn phòng quản lý thu nhập và tài sản của Toà thánh, xác thực cái chết của Đức Giáo hòang, chỉ huy các công việc chuẩn bị và điều hành cơ mật viện để bầu vị Giáo hoàng mới; 2. Hồng y thị thần của Hồng y đòan, phụ trách tài sản và nguồn thu nhập của Hồng y đoàn, chủ sự thánh lễ cầu cho Hồng y qua đời, ghi chép và lưu giữ mọi hồ sơ của Hồng y đòan; 3. Giám chức thị thần của hàng giáo sĩ Roma, do các kinh sĩ và các cha chính xứ ở Rôma bầu chọn, để chủ tọa các hội nghị của họ và làm trọng tài trong các vấn đề ưu tiên (chú thích của người dịch).