Đẹp thay bước chân người loan báo Tin Mừng

85

Trong 34 Chúa nhật thường niên, Giáo Hội đã đặc biệt dành một Chúa nhật gọi là Chúa nhật Truyền Giáo. Với bản chất là truyền giáo, Giáo Hội mời gọi người Kitô hữu cùng bước đi với nhau và với Giáo Hội, can đảm đáp trả tiếng Chúa qua trung gian là Đức Thánh Cha Phanxicô “Hãy ra vùng ngoại biên”. Lịch sử Giáo Hội cho thấy đã có nhiều tâm hồn đáp trả lại sự thôi thúc đó khi cất bước ra khỏi chính mình, rời khỏi quê hương để tiến về phía trước, tiến về vùng đất ít người biết đến Đức Kitô. Noi theo những bậc tiền nhân, Chúa mời gọi chúng ta sống tinh thần truyền giáo trong thời đại hôm nay.

Quay ngược thời gian, tôi lần mò theo dòng chảy của Giáo Hội, bắt gặp từ Kerygma cho đến lời của Chúa Giêsu ngày lên Trời “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”(Mt28,19). Thông điệp cuối cùng của Chúa Giêsu nơi trần thế là khao khát của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Khi chính Chúa Giêsu đã nói: “Thầy đã đến ném lủa vào thế gian và phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Lời của Chúa thúc bách các Tông Đồ dẫn thân tiến bước khi đầy tràn sức mạch của Chúa Thánh Thần, các ông lên tiếng loan báo Tin Mừng. Trong chính lời loan báo tiên khởi, còn gọi là Kerygma, đã tác động trên nhiều người và đem lại kết quả tốt đẹp. Trong thời điểm của các Tông Đồ, vị Tông Đồ dân ngoại – Thánh Phaolô cũng đã thốt lên rằng “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9,16). Giờ đây, loan báo Tin Mừng không còn là trách nhiệm nữa, nhưng đã trờ thành nguồn sống, là lý do sống của người Kitô hữu và là bản chất của Giáo Hội.

Từ 11 Tông Đồ đã lãnh nhận lời Thầy Giêsu dạy, con số người đón nhận Tin Mừng và trở thành người đi rao giảng Tin Mừng đã gấp rất nhiều lần. Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến các Thánh đã sống một đời cho Tin Mừng. Mỗi vị được Thần Khí Chúa soi sáng, thúc đẩy trong từng khía cạnh khác nhau theo từng đặc sủng riêng biệt: có thể kể đến vị nổi bật là Thánh Phanxicô Xavie – bổn mạng các vùng truyền giáo, Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu – bổn mạng các xứ truyền giáo. Đó là điều kì diệu của Thiên Chúa, khi hai vị với hai lối sống, cách truyền giáo khác nhau: một Phanxicô Xavie rong ruổi hết miền này xứ nọ, một Têsêsa Hài Đồng Giêsu truyền giáo trong lời cầu nguyện không ngừng. Điểm chung duy nhất của các ngài là lòng khao khát cho mọi người được biết đến Tin Mừng của Chúa.

Bước tiếp hành trình của các ngài, ngày hôm nay thợ gặt vẫn đang miệt mài trên các cánh đồng truyền giáo. Đối diện với muôn vàn khó khăn thử thách: bị người ta hắt hủi, không đón nhận, khinh thường… Nhưng có khi thử thách lại đến từ chính thợ gặt: lạm dụng quyền bính, gương mù gương xấu… tạo nên những vệt đen cho Giáo Hội. Thế nhưng, trong niềm tin Thiên Chúa có thể lấy ra điều tốt từ cái xấu, để chính những người truyền giáo can đảm dẫn thân hơn nữa.

Vệt đen đó chỉ là những chấm nhỏ trên một trang giấy trắng hồng ân của Thiên Chúa. Ngày nay, Chúa mời gọi mỗi người sống tinh thần truyền giáo trong điều kiện của mình. Truyền giáo trước hết cho chính mình rồi sau đó mới đến người bên cạnh, truyền giáo cho người gần cho đến người ở xa. Giáo dân truyền giáo trong khả năng của mình, giáo sĩ truyền giáo trong phương thế dành cho giáo sĩ và tu sĩ cũng vậy. Hãy hành động vì tin rằng Thiên Chúa ở với mình.

Là một Tập sinh, tôi cũng nhận được sự thôi thúc sống tinh thần truyền giáo ngay tại cộng đoàn mình đang sống, bằng chính lối sống của bản thân. Cùng với đó là sống sứ mạng chuyển cầu cho Giáo Hội trong công cuộc truyền giáo và nuôi dưỡng lòng nhiệt thành truyền giáo đã được mời gọi. Hãy để Chúa trở nên niềm vui của người tông đồ, của người tu sĩ, khởi đi từ tình yêu siêu việt mà mỗi người cảm nhận được sự thúc bách bước chân hớn hở lên đường cho tin Mừng được loan xa.

                                                                       Maria Mỹ Loan, Tập sinh HD.MTG Thủ Đức