Cuộc sống xao động hôm nay có vẻ làm ta quên ở với Chúa”
Lời Chúa: Mc 3, 13-19
Suy niệm:
Thông thường ở xã hội Do Thái, người môn đệ đi tầm sư học đạo.
Còn Thầy Giêsu lại đi “gọi” học trò.
Thầy muốn lập một nhóm học trò ruột, hết sức gần gũi với mình.
Những người Thầy muốn, Thầy đã gọi họ lại.
Và họ đã đáp lời mà đến với vị Thầy đang ở trên núi.
Như thế sáng kiến thì bắt nguồn từ Thầy,
còn đáp lại là điều con người cần thực hiện.
Thầy Giêsu muốn lập một nhóm mười hai môn đệ.
Có thể vì Thầy nhớ đến mười hai chi tộc Ítraen ngày xưa.
Mục đích của nhóm Mười Hai này là ở với Thầy và được Thầy sai đi.
Ở với là chuyện ưu tiên, và cũng là chuyện dễ bị xao lãng.
Ở với là có tương quan thân thiết và thường xuyên với Thầy.
Ở với là chia sẻ cuộc sống ăn ở, đói no, thành công, thất bại.
Khi ở với Thầy Giêsu, người môn đệ hiểu Thầy sâu xa và gắn bó với Thầy.
Khi các môn đệ đến với và ở với Thầy Giêsu,
họ như được tách ra khỏi đám đông.
Sau này, khi tìm người thay thế Giuđa phản bội,
Phêrô đòi đó phải là người đã sống với Thầy Giêsu ngay từ đầu (x.Cv 1, 22).
Ở với nằm trong định nghĩa về người môn đệ của Thầy Giêsu.
Nhưng đó không phải là điểm dừng.
Ở lại với Chúa là để được sai đến với con người.
Được tách ra khỏi đám đông chính là để được sai đến với đám đông,
trong tư cách của người đã được mắt thấy tai nghe Thầy Giêsu.
Người môn đệ được sai sẽ được phép làm những việc y hệt như Thầy :
rao giảng Tin Mừng và trừ quỷ nhằm phục vụ cho con người.
Chẳng những họ làm việc như Thầy, họ còn làm việc của Thầy và với Thầy.
Không ở với thì cũng chẳng được sai đi, và cũng không đủ sức để được sai.
Nhưng ở với là để có ngày được sai đi, mà sai đi thì vẫn luôn ở với.
Kitô hữu là người được gọi, để ở với Chúa Giêsu và được ngài sai đi.
Cuộc sống xao động hôm nay có vẻ làm ta quên ở với Chúa
và rơi vào tình trạng nghiện việc.
Chính vì thế công việc ta làm không đem lại hiệu quả thực sự và lâu bền.
Hãy ở với Giêsu mỗi ngày 15 phút, bạn sẽ thấy mọi sự thay đổi.
Cầu nguyện:
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
NHỮNG KẺ NGƯỜI MUỐN
Những kẻ được Thầy Giêsu tuyển chọn, họ là ai? Một vị thầy danh tiếng lẫy lừng như Thầy Giêsu chắc hẳn phải chọn cho mình những môn đệ xuất chúng. Thánh Máccô kể tên những người được Thầy Giêsu chọn: họ là những người đánh cá, người thu thuế, có người thuộc nhóm Quá Khích, có người về sau còn trở thành kẻ nộp Thầy. Đọc qua danh sách ấy, ta không khỏi ngỡ ngàng.
Để tuyển chọn các tông đồ, Thầy Giêsu đã đi lên núi. Người thường lên núi để cầu nguyện với Chúa Cha. Để tuyển chọn những người cộng tác trong việc rao giảng Tin Mừng, Người đã bàn hỏi với Chúa Cha. Người cũng muốn các môn đệ của mình sống tâm tình cầu nguyện liên lỉ như thế. Người gọi họ đến vì họ là những kẻ Người muốn chọn. Chẳng phải vì các ông tài giỏi hơn ai nhưng các ông được chọn chỉ vì Thiên Chúa muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ (x.Mc 3,3-15). Danh tiếng Thầy Giêsu được nhiều người biết đến. Được làm môn đệ của Thầy có lẽ các ông cũng hãnh diện và rất tự hào. Khi được gọi thì các ông đều sẵn sàng.
Các ông sẽ sống với Thầy, để được Thầy dạy dỗ, huấn luyện, uốn nắn trái tim, để con tim của mỗi người mở ra với tình yêu của Thiên Chúa, cưu mang thao thức của Thầy Giêsu và cưu mang cả những nỗi khổ đau của đồng loại. Rồi đây, các ông cũng sẽ chạnh lòng khi nhìn thấy những người nghèo khổ, cũng chạnh lòng trước những nỗi đau của người khác và sẵn lòng làm những gì được Thánh Thần soi dẫn và thúc đẩy. Ở bên Thầy, các ông hạnh phúc. Đó là điều dễ hiểu. Càng sống với Thầy, các ông càng hiểu Người hơn, ngưỡng mộ và càng yêu mến Thầy hơn.
Khi xa Thầy, một mình chống chọi với bão giông, các ông mới biết mình cần Chúa. Các ông cũng sẽ được sai đi rao giảng. Bao việc lạ lùng các ông thực hiện nhân danh Thầy cho các ông cảm nếm niềm hạnh phúc của một người được sai đi. Các ông có xuất thân khác nhau, tính tình và tuổi tác cũng khác nhau nhưng giữa các ông đều đón nhận cùng một lời mời gọi, cùng một tình yêu nhưng không từ Thầy Giêsu. Có những người là anh em ruột, có người cùng quê. Các ông đều chia sẻ thao thức của Thầy, cùng được mời gọi mang lấy những tâm tình của Thầy, yêu thương như Thầy, phục vụ như Thầy. Chắc hẳn đời sống cộng đoàn của các ông cũng tràn đầy niềm vui của sự sẻ chia, của yêu thương và nâng đỡ; nhưng cũng có nhiều lúc giữa các ông xảy ra bất hòa, có những căng thẳng vì khác biệt về tính tình, tuổi tác và nếp suy nghĩ. Chính Thầy Giêsu đã gọi các ông lại để anh em làm hòa với nhau, để mỗi người không nhìn về chính mình nhưng hướng nhìn lên Chúa, lắng nghe Chúa và sau đó hướng nhìn về nhau.
Lạy Chúa Giêsu! Chiêm ngắm khuôn mặt của những tông đồ được Chúa chọn hôm nay, con hiểu rằng bản thân con được Chúa kêu gọi cũng là vì Chúa muốn. Con đã đáp lời mời gọi của Chúa nhưng con nhận thấy mình vẫn chưa hết lòng để Chúa huấn luyện. Nhìn về cuộc đời của các tông đồ, con nhận ra, Chúa cũng yêu thương con bằng một tình yêu nhưng không. Chúa đặt đề con sống giữa chị em là vì Chúa muốn thánh hóa từng người chúng con bằng tình yêu và gương hy sinh của Chúa. Chúa luôn cho con có hoàn toàn tự do để đáp lại tiếng Chúa. Xin Chúa ban ơn giúp con biết sống xứng đáng ơn kêu gọi mà Chúa dành cho con. Amen.
Bông hồng nhỏ, Học viện MTG.Thủ Đức