Ðền Thánh Phaolô Ngoại Thành

67

Ðền Thánh Phaolô Ngoại Thành

Roma_San_Paolo_fuori_le_mura_BW_1 (Custom)

Ðền Thánh Phaolô gọi là “ngoại thành” vì tọa lạc bên ngoài tường thành do Hoàng Ðế Aureliano xây cất năm 271 để bảo vệ thành Roma chống lại các cuộc tấn công của các lực lượng Man di. Thánh đường hùng vĩ chúng ta thấy ngày nay thật ra là Ðền thờ được tái thiết hoàn toàn sau khi trận hỏa hoạn dữ dội trong đêm 15 rạng ngày 16-7-1823 thiêu hủy toàn bộ Ðền Thờ huy hoàng được kiến thiết 15 thế kỷ trức đó.

Khi đi tới Ðền Thờ này ở ngoại ô Roma, tín hữu hành hương nhớ đến những thăng trầm của vị Ðại tông Ðồ dân ngoại (sinh năm 35 sau Chúa Kitô), các cuộc hành trình truyền giáo của ngài trong toàn vùng Ðịa trung Hải, những lá thư đầy nhiệt huyết ngài gửi tới các cộng đoàn Kitô mới được thành lập bấy giờ, đặc biệt là thư gửi giáo đoàn Roma được thánh nhân viết trong khoảng năm 57-58, trong đó nổi bật các đề tài ơn cứu chuộc, sự tiền định và ơn công chính hóa. Toàn thể đời sống Kitô giáo của chúng ta thấm đượm những tổng hợp đạo lý quan trọng nhất của thánh nhân: cuộc sống của chúng ta trong Chúa Kitô, hướng về Chúa Cha cùng với Thánh Thần của Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, là Chúa Phục Sinh và là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta.

Ngoài ra, người ta cũng không thể tách rời hai thánh Phêrô và Phaolô, vì Roma được thiết lập trên hai Tông Ðồ cột trụ này. Cả hai đều chịu tử đạo tại đây. Và các tài liệu cổ kính nhất đã nói đến những cuộc hành hương của các tín hữu về Roma để kính viếng mộ của hai thánh nhân. Lịch sử Ðền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, tuy không phức tạp như lịch sử đền thờ Thánh Phêrô, nhưng cũng không kém thăng trầm, như hồi thế kỷ thứ 8, đền thờ bị cướp phá, sau đó đến lượt những người Hồi Giáo Sarrasins hồi thế kỷ thứ 9 cướp bóc, nhưng đền thờ được trùng tu ngay.

1. Thánh Phaolô đến Roma

Thánh Phaolô thuộc một gia đình Do thái, định cư tại đảo Tarso, và có quốc tịch Roma. Sau các cuộc hành trình truyền giáo, ngài mang số tiền lạc quyên được tại các giáo đoàn về Jerusalem để trợ giúp Roma tại đây. Thánh nhân bị những người Do thái bách hại, nên bị bắt và dẫn giải tới Cesarea, trước quan tổng trấn Felice. Ông này giam thánh Phaolô 2 năm. Ngài nại lên hoàng đế Cesar vì là công dân Roma.

Mãi đến năm 60, thánh Phaolô mới tới Roma được, sau cuộc đắm tàu ở ngoài khơi đảo Malta. Từ năm 61 đến 63 ngài được tự do tạm, và có thể rao giảng, viết nhiều thư từ (thư gửi tín hữu thành Colosê, Ephêsô và gửi Philomene). Từ năm 63 đến 66, ngài có đi rao giảng tại Ðông phương hay Tây Ban Nha, không có gì chắc chắn. Ðiều chắc chắn là năm 66, ngài lại bị cầm tù ở Roma và bị xử trảm tại nơi gọi là Aquas Salvias, trên đường từ Roma tới Ostia năm 67. Thánh nhân không bị đóng đanh như Chúa Giêsu hay thánh Phêrô vì chém đầu là hình phạt “ưu tiên” dành cho công dân Roma.

Việc Thánh Phaolô đến Roma là do Thánh Thần Chúa thúc đẩy, như lời sách Tông Ðồ Công Vụ ghi lại: “Sau khi những sự kiện ấy xảy ra, Phaolô được Thánh Thần Chúa thúc đẩy, đi ngang qua miền Macedonia và Acaia, và đi Jerusalem. Ông nói: “Về đó rồi, tôi còn phải đi thăm Roma nữa”. (TÐCV 19,21)

Thánh Luca trong sách này cũng ghi lại sự tích thánh Phaolô từ đảo Malta đến Roma:

“Ba tháng sau, chúng tôi ra khơi trên một chiếc tàu đã qua mùa đông tại đảo; tàu này của thành Alexandria và mang huy hiệu hai thần Dioscuri. Chúng tôi ghé vào thành Syracura và ở lại đó ba ngày. Từ nơi ấy chúng tôi đi men theo bở biển và tới thành Regio. Ngày hôm sau có gió nam nổi lên, và sau hai ngày chúng tôi tới cảng Pozzuoli. Ở đây, chúng tôi gặp được những người anh em, họ mời chúng tôi ở lại với họ bảy ngày. Chúng tôi đến Roma như thế đó. Các anh em ở Roma nghe tin chúng tôi tới thì đến tận chợ Appio và Ba Quán đón chúng tôi. Thấy họ, ông Phaolô tạ ơn Thiên Chúa và thêm can đảm. Khi chúng tôi vào Roma, Ông Phaolô được phép ở nhà riêng cùng với người lính canh giữ ông.

Ba ngày sau, Phaolô mời các thân hào Do thái đến. Khi họ đã tới đông đủ, ông nói với họ: “Thưa anh em, tôi đây, mặc dầu đã không làm gì chống lại dân ta, hay các tục lệ của tổ tiên, tôi đã bị bắt tại Jerusalem và bị nộp vào tay người Roma. Sau khi điều tra, họ muốn thả tôi, vì tôi không có tội gì đáng chết. Nhưng vì người Do thái chống đối, nên bó buộc tôi phải kháng cáo lên hoàng đế Cesar; tuy vậy, không phải là tôi muốn tố cáo dân tộc tôi. Ðó là lý do khiến tôi xin được gặp và nói chuyện với anh em, bởi chính vì niềm hy vọng của Israel mà tôi phải mang xiềng xích này.

Họ nói với ông: “Về phía chúng tôi, chúng tôi không nhận được thư nào từ Giuđêa nói về ông, cũng chẳng có ai trong các anh em đến đây báo cáo hoặc nói gì xấu về ông. Chúng tôi muốn được nghe ông trình bày ý nghĩ của ông, vì chúng tôi biết là phái của ông đến đâu cũng gặp chống đối”.

Họ hẹn ngày với ông, và hôm đó, đến gặp ông tại nhà trọ đông hơn. Ông trình bày cho họ và long trọng đến làm chứng về Nước Thiên Chúa; từ sáng đến chiều, ông dựa vào Luật Môisê và các ngôn sứ mà nói về Ðức Giêsu, để cố thuyết phục họ. Nghe ông nói, người thì được thuyết phục, người thì không chịu tin. Khi giải tán, họ vẫn không đồng ý với nhau; ông Phaolô chỉ nói thêm một lời: “Thánh Thần đã nói rất đúng khi dùng ngôn sứ Isaia mà phán với cha ông anh em rằng: “Họ đến gặp dân này và nói: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, vì lòng dân này đã ra đần độn, chúng đã nặng tai, còn mắt thì chúng nhắm lại, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.

Vậy xin anh em biết cho rằng: ơn cứu độ này của Thiên Chúa đã được gửi đến cho các dân ngoại; họ thì họ sẽ nghe. Ông nói thế rồi thì người Do thái đi ra, tranh luận với nhau sôi nổi”.

“Suốt hai năm tròn, ông Phaolô ở tại nhà ông đã thuê và tiếp đón tất cả những ai đến với ông. Ông rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giêsu Kitô một cách rất mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào” (TÐCV 29,11-20).

Trong dịp bạo chúa Nero đốt thành Roma vào năm 64 và đổ tội cho các Kitô hữu, thánh Phaolô cũng bị tố cáo là thủ lãnh một phong trào tập thể làm phương hại cho nhà nước. Ngài lại bị bắt và giam tại nhà tù, rồi sau đó bị kết án xử trảm.

Theo chứng từ của Eusebio, thánh Phaolô tử đạo giữa tháng 7 năm 67 tới tháng 6 năm 68. Truyền thống nói rằng đầu thánh nhân nhảy lên 3 lầu trên sườn đồi và làm nảy sinh 3 giòng suối, đó là Tre Fontane hiện nay. Huyền thoại này được thánh Gregorio Cả chấp nhận (năm 604).

2. Lịch sử Ðền Thờ Thánh Phaolô

Thi hài Thánh Phaolô được đặt trong ngôi mộ cạnh đường Ostiense, cũng như nhiều tội nhân bị kết án tử hình khác. Nhưng chẳng bao lâu mộ thánh nhân trở thành nơi hành hương và tôn kính của các Kitô hữu. Trên mộ ngài, người ta thiết lập một nhà tưởng niệm nhỏ (cella memoriae).

Theo sách Giáo Chủ (Liber Pontificalis), chính hoàng đế Costantino đã khởi công xây dựng một thánh đường trên mộ thánh Phaolô và được thánh hiến ngày 18-11-324 dưới thời Ðức Giáo Hoàng Silvestro I (314-335). Kích thước của thánh đường nguyên thủy này tương đối nhỏ bé. Thánh đường to lớn hơn được xây cất tại nơi đó vào năm 386, tức là nửa thế kỷ sau khi hoàng đế Costantino qua đời. Các hoàng đế Valentiniano II, Teodosio và Arcadio bấy giờ viết cho Ðô Trưởng Roma Sallustio để được sự phê chuẩn của Thượng Viện và Nhân Dân Roma về dự án xây một đền thờ lớn, thay thế nhà thờ dâng kính thánh Phaolô, trước tình trạng các tín hữu hành hương kéo tới ngày càng đông đảo.

Công trình bắt đầu năm 390 và được hoàn thành dưới thời Hoàng Ðế Onorio vào năm 395. Thánh đường có 5 gian, có 4 hàng cột phân ra, gồm 80 cột bằng cẩm thạch. Ðó là thánh đường lớn nhất của Kitô giáo trước khi Ðền Thờ Thánh Phêrô được kiến thiết. Suốt trong 15 thế kỷ, Vương Cung Thánh Ðường này không ngừng săn sóc cẩn thận. Chẳng hạn, vào giữa thế kỷ thứ 5, thánh Giáo Hoàng Lêô Cả cho khởi sự một loạt các cuộc tu bổ và trang điểm đền thờ.

Thời Phục Hưng, Ðền Thánh Phaolô vẫn được để nguyên. Nhưng ngày 15 và 16-7-1823, do sự bất cẩn của một người thợ, Ðền Thờ bị hỏa hoạn thiêu rụi hoàn toàn. Hai kiến trúc sư Bosio và Belli khuyên nên xây lại hoàn toàn mới Ðền thờ, họa lại mô hình của Ðền Thờ cũ. Giới văn hóa, chính trị ủng hộ Ðức Lêô XII để ngài khởi công xây cất lại và ngày 25-1-1825, ngài gửi thư “Ad plurimas easque gravissimas” mời gọi các Giám Mục mở cuộc lạc quyên nơi các tín hữu cho công trình tái thiết. Lời kêu gọi được các nơi hưởng ứng và nhiều người đã gửi tiền về Roma. Phó vương xứ Ai Cập tặng các cột bằng đá trắng và Nga Hoàng Nicola I tặng các khối đá làm hai bàn thờ ở hai gian bên.

Thánh đường mới được khánh thành năm 1854, nhưng trong thực tế, công trình tái thiết kéo dài 100 năm, và chỉ vào năm 1928, với việc xây cất 4 cổng 100 cột, kiến trúc sư do Guglielmo Calderini, Ðền Thờ mới được hoàn thành như ta thấy hiện nay.

Khuôn viên bên ngoài nhà thờ có 150 cột, tất cả đều là một khối duy nhất. Cửa đồng của Ðền Thờ là một kiệt tác của nghệ thuật Bizantine do Giovanni VII đặt làm ở Constantinople.

Ðền Thờ dài 136 mét, rộng 65 mét, và cao 29.7 mét. Thánh đường có 5 gian, được chia bằng 24 cột, có chân dung 264 vị Giáo Hoàng, từ thánh Phêrô cho đến Ðức Gioan Phaolô II, nhắc nhớ sự liên tục của Huấn quyền Giáo Hoàng. Bức tranh khảm ở hậu cung Ðền Thờ do các nghệ sĩ miền Venezia hồi thế kỷ 13 thực hiện, diễn tả Chúa Kitô đang ngồi trên một ngai, giữa thánh Phêrô và Anrê ở bên phải, và thánh Phaolô và Luca ở bên trái.

Ở dưới chân ngài, ta thấy có hình nhỏ Ðức Giáo Hoàng Onorio III đang quì, cùng với vị tiền nhiệm Innocenzo III và người kế vị Gregorio IX, là những vị cho thực hiện bức tranh khảm ấy. Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã long trọng khánh thành Ðền Thánh Phaolô ngoại thành năm 1854, trước sự hiện diện của 185 giám mục, đến Roma để dự lễ tuyên bố tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội.

Dưới bàn thờ chính hiện nay 1.37 mét, có một tấm đá bằng cẩm thạch mỗi chiều 2.12×1.27 mét, có ghi hàng chữ: “Paolo Apostolo Mart” (Dâng kính Tông Ðồ Phaolô Tử Ðạo). Theo một số người, bia này có từ thế kỷ thứ I, một số khác cho là từ nửa sau của thế kỷ thứ IV. Nhưng tấm bia này gồm nhiều miếng hợp thành. Ðây chính là mộ của thánh Phaolô Tông Ðồ.

Bên trên bàn thờ chính là một cái tán (ciborio) do nghệ sĩ Arnolfo di Cambio ở Roma thực hiện năm 1282. Cái tán này chỉ bị hư hại sơ trong trận hỏa hoạn năm 1823 và được trùng tu sau đó. Tại 4 góc của cái tán có 4 tượng nhỏ diễn ta các thánh Phêrô, Phaolô, Luca và Biển Ðức.

Tóm lại, khi viếng Ðền Thờ Thánh Phaolô được tái thiết, chúng ta hiểu hơn sự huy hoàng của phụng vụ Roma thời cổ xưa. Ở cuối hậu cung, có Ðức Giám Mục Roma ngồi, chung quanh có tất cả hàng giáo sĩ, các Giám Mục và Linh Mục, Phó Tế.

Trong gian dài, có 4 hàng cột bao quanh, hướng cái nhìn của chúng ta về bàn thờ, dân Chúa, sau phụng vụ Lời Chúa với những bài thánh ca, đi rước tiến đến trước mặt ÐGH và trao cho ngài với các cộng sự viên bánh và rượu trong phần dâng lễ. Lễ vật ấy, theo thói quen cổ kính, được dùng để nuôi hàng giáo sĩ và người nghèo. Sau đó, Dân Chúa lại tiến về Ðền Thờ để rước Mình, Máu Thánh Chúa Kitô, trước bàn thờ được xây dựng trên mộ của thánh Phaolô: một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha.

Phúc Nhạc

(Trích dẫn từ Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ số 270, tháng 6 năm 2000)

 bấm vào đây để xem hình ảnh 3D đển thờ