ĐẾN DỰ TIỆC
Thứ năm tuần 20 TN. Mt 22, 1-14
Tục ngữ có câu : ăn lúc đói, nói lúc say, diễn tả trạng thái “ngon miệng” của người đang đói được ăn; “mạnh miệng”, đối với người có chút men, không hề biết nhát sợ. Ăn uống thông thường là nhu cầu nuôi thân xác, nhưng ăn uống đến độ say xỉn, lại là dấu hiệu bất thường. Tiết mục ăn uống ở đời, hẳn sẽ có nhiều ý kiến trái ngược, nếu ta sống chỉ để ăn uống hưởng thụ. Dù khỏe mạnh, ăn uống đầy đủ chất, nói hăng nói hay đến đâu, rồi cũng đến giai đoạn người ta chán cơm, chán phở, chán tiêu xài, hoặc là đau bệnh, hoặc gọi là gần đất xa trời…
Trong tương quan xã hội, đi ăn tiệc, dự tiệc, bao giờ cũng là niềm vui cho chủ tiệc, là vinh dự cho khách được mời, dù ngày nay ăn uống, tiệc rượu, đối với chúng ta không phải vì đói, vì ít người mời. Đến với bàn tiệc siêu nhiên, là tham dự bài học yêu thương, là được thông chia hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa là Cha. Đọc trang Tin Mừng hôm nay, cảm nhận đầu tiên của nhiều người về việc nhà vua tổ chức tiệc cưới cho hoàng tử, xét cách khách quan, nhà vua đã thất bại. Người được mời thì kiếu vì nhiều lý do, khi cho gia nhân đi mời khách lạ vào phòng tiệc, họ lại không tuân thủ việc mặc áo cưới !
Chúa Giêsu hôm nay dùng dụ ngôn “tiệc cưới”, nhằm mạc khải về niềm vui hạnh phúc, được bày tỏ qua đại tiệc thiên quốc, hồng ân dự tiệc được mở rộng đến mọi thành phần, không phân biệt giầu nghèo, đạo mới hay đạo cũ. Tổ chức tiệc cưới cho hoàng tử, nhà vua có chương trình, có sự chuẩn bị về khách mời, “thịt béo rượu ngon”, cho thấy tính “chặt chẽ” của đại tiệc. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa là tình yêu được ban khắp muôn dân; được Thiên Tử Giêsu vừa là tư tế vừa là của lễ cứu độ, qui tụ tứ phương thiên hạ về bàn tiệc Nước Trời.
Kinh nghiệm của người xưa cho rằng : đói cơm rách áo, hóa ra ăn mày. Đói rách vì làm ăn không gặp may, vì lười biếng, có thể vẫn đang ám ảnh người anh chị em mình mất đi tình liên đới với bàn tiệc trần gian này. Nếu ta đến dự tiệc không phải chỉ nhằm thỏa mãn cái thú ăn uống, nói hay, hành động đẹp, không vì lợi ích cá nhân, đó chính là chúng ta đang phản ánh niềm vui, hạnh phúc của tình yêu Giêsu. Đến dự tiệc thiên quốc không cần phải “quà cáp” cầu kỳ, nhưng ai cũng phải mặc “áo cưới”, nghĩa là mặc lấy tinh thần yêu thương mà mỗi người đã nhận lãnh từ khi là Kitô hữu.
Cha ông chúng ta khuyên dạy con cháu : ăn có mời làm có khiến, rõ ràng được mời đến dự tiệc trực tiếp hay gián tiếp cũng là mời, miễn sao khách mời đọc được sự chân thành của chủ tiệc. Nếu như hôm nay đến dự tiệc cưới, người ta có quà mừng, có phong bì “dầy hay mỏng”, thì ngày xưa cần tuân thủ mặc áo cưới, gọi đó là thủ tục hay phong tục cũng dễ hiểu. Nếu như mỗi người Kitô hữu đã được trao cho chiếc áo cưới từ khi chịu phép rửa tội, chúng ta không thể giữ được trắng được sạch, Thiên Chúa đã định liệu, ban các Bí tích làm phương thế hữu hiệu giúp ta tự tin bước vào dự tiệc Nước Trời. Mặc áo cưới, sống yêu thương, luôn là điều kiện để mỗi người chắc chắn không bị loại ra khỏi bàn tiệc thiên quốc. Amen.
Lm. Jos. DĐH, Gp. Xuân Lộc