Để tránh những xung khắc vợ chồng khi chăm sóc cha mẹ già

27

Ai trong chúng ta có được hạnh phúc khi trưởng thành mà vẫn còn cha mẹ? Ai trong chúng ta có được hạnh phúc để báo hiếu cha mẹ trong tuổi già của các ngài, dù đó là về vật chất, y tế, hoặc tình cảmAi trong chúng ta gặp phải mâu thuẫn giữa việc chăm sóc cha mẹ già yếu với việc chăm lo cho gia đình của riêng mình?Nếu câu trả lời đều là “Có” thì những chia sẻ dưới đây có thể là một gợi ý hữu hiệu cho chúng ta trong hoàn cảnh thực tế của mình.

Khi cha mẹ già yếu, không còn khả năng tự lập được nữa, thì việc con cái đã trưởng thành cần phải nâng đỡ cha mẹ là điều tất nhiên. Dù thế, theo Geneviève de Leffe, một chuyên viên tư vấn hôn nhân: “Việc chọn chăm sóclưu tâm tới những lựa chọn, quản lý tiền bạc, lo các thủ tục hành chính, sắp xếp việc đi lại, nghỉ dưỡng cho cha mẹ già, thường là tốn rất nhiều thời gian của chúng ta”. Nếu vậy thì, chúng ta phải dung hoà thế nào trong việc chăm sóc cha mẹ và quan tâm đến người bạn đời của mình? Đây là một vấn đề tế nhị và thực tế. Cần nhạy cảm với những dấu hiệu khó khăn trong mối tương quan để tránh hiệu ứng “nồi áp suất” và giữ cho hôn nhân không bị rạn nứt.

Đề phòng với tình trạng quá tải cảm xúc

Có một mối nguy hiểm đó là tình trạng quá tải cảm xúc. Theo lời kể của Pauline: “Chồng tôi chỉ trích tôi là người quá lệ thuộc vào tình cảm của cha mẹ. Anh ấy cảm thấy khó đối diện với việc tôi luôn phải chăm sóc cha mẹ mình”. Pauline là người hết mực yêu quý bố mẹ, nên nhiều lúc cảm thấy bị giằng co giữa hai tình yêu của đời mình: chồng và cha mẹ già.

Đôi khi, hình thức dính bén mang tính cảm xúc này bị cường điệu hóa, dựa trên bổn phận của sự hiếu thảo đối với cha mẹ, trong đó người bạn đời chỉ can dự rất ít. Chuyên gia tư vấn hôn nhân nhận xét:

“Trong những trường hợp như vậy, người chồng/vợ thường lưu tâm đến thực tế là người bạn đời của mình đa mang quá nhiều việc. Điều này trước hết dẫn đến nhiều cuộc cãi vã và dần khiến hôn nhân của họ ngày càng lòng lẻo, thậm chí đến mức bị gãy đổ.

Một khó khăn khác có thể xảy ra là sự tập trung thái quá của cả hai vợ chồng vào việc chăm sóc cha mẹ. Ở vào thời điểm mà hôn nhân thường bị suy yếu vì con cái lớn khôn và sống xa nhà, đôi vợ chồng bù đắp cho sự trống vắng này bằng cách chăm sóc cha mẹ già quá mức. Điều này là không lành mạnh và có thể khiến cặp đôi xao lãng trong việc giữ gìn mối tương quan hôn nhân lành mạnh của chính họ.

Cuối cùng, có nguy cơ thực sự dẫn đến cuộc sống song song vào thời điểm cụ thể này. Florence nhớ lại: “Gần đây, mẹ tôi cần sự hiện diện của tôi nhiều hơn. Tôi mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần đến nỗi không còn đủ sức để nói chuyện vớiThomas, chồng mình nữa”. Ngoài ra, việc dành hết sự quan tâm cho cha mẹ già có thể chiếm hết tâm trí của bạn, gây ra sự lo âu và mất kiên nhẫn đối với người chồng/vợ của bạn. Pauline thừa nhận một cách rõ ràng: “Việc chăm sóc cha mẹ khiến tôi trở nên cáu kỉnh, hung hãn, và mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần”.

Thật khó để có một sự hiện diện phù hợp với cha mẹ già vì điều này có thể dễ dàng dẫn đến việc trở nên đồng phụ thuộc hoặc xung đột. Nhà tham vấn hôn nhân giải thích: “Trong cả hai trường hợp, đều có tác động tiêu cực đến hôn nhân, khiến người bạn đời cảm thấy bị xa cách hoặc bất lực trước sự trung thành đối lập nhau bị đe dọa”.

Vậy thì chúng ta có thể làm gì?

Đối với Pauline, điều cần thiết là phải phản ứng kịp thời trước những dấu hiệu thoạt đầu cho thấy người bạn đời của mình không thoải mái khi mình dành thời gian chăm sóc cha mẹ già. Ngay khi bạn cảm thấy chồng/ vợ mình không thể chịu đựng được nữa, bạn cần điều chỉnh lại cách sắp xếp mọi thứ. Bạn có thể thử cải thiện khả năng trao đổi, gọi điện thoại cho vợ/chồng mình khi xa nhau. Và, tất nhiên, bạn cần lắng nghe Chúa Thánh Thần!

Thật vậy, sự giao tiếp và sắp xếp rất quan trọng. Jehanne, người cũng rơi vào tình huống khó khăn này, cho biết.

Miễn là bạn nói ra rằng có những điều hiệu quả và có những điều không hiệu quả, nhờ đó, sẽ có thể làm chủ tình hình. Sự sắp xếp cũng giúp ngăn mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát. Ví dụ, trong nhà của chúng tôi, mỗi chúng tôi đều chăm sóc mẹ của mình và mỗi người đưa ra quyết định với anh chị em ruột của mình mà không gây ra sự xáo trộn”.

Đối thoại, thích nghi, thực tế, và cầu nguyện

Trong vai trò là người tham vấn hôn nhân, Leffe đưa ra lời khuyên:

Bước đầu tiên là tham gia đối thoại như là một người chồng/vợ, thể hiện cảm xúc và tình cảm của mình, điều này đôi khi có thể nảy sinh mâu thuẫn nhưng sẽ giúp cặp đôi hiểu nhau hơn. Việc đối thoại tạo điều kiện cho mỗi người bộc lộ tâm tư, nhún nhường một chút, và do đó, hiểu rõ hơn về nhu cầu thực sự của cha mẹ bạn.

Bạn cũng cần phải biết cách thích nghi. Mọi thứ đều mở ra trước mắt: cuộc sống nghề nghiệp, các mối tương quan, bệnh tật, tuổi già… Đừng tự mình bám víu vào một chế độ chăm sóc cụ thể. Bạn có thể phải tự cải thiện các giải pháp mới nếu cần.

Điều cần thiết nữa là xác định và nhận thức được thời gian thực sự cần dành cho cha mẹ già, và tác động của thời gian đó đối với người bạn đời, và đối với cuộc sống của cặp vợ chồng. Và hãy nhớ yêu cầu sự giúp đỡ và chấp nhận giới hạn của chính mình.

Cậy trong vào Chúa qua cầu nguyện

Cuối cùng, điều quan trọng là cùng nhau dành thời gian chất lượng cho cha mẹ già, cho người bạn đời, và cho cả gia đình. Chúng ta không nên quên nhận sự giúp đỡ khi cần, dù là với tư cách cá nhân hoặc như một đôi vợ chồng. Các nhà trị liệu, các nhóm hỗ trợ và các chuyên viên có thể giúp chúng ta tìm thấy sự thoải mái ,và trên hết, giúp chúng ta tìm ra cách sống tốt đẹp hơn trong mối tương quan của chúng ta với cha mẹ lẫn người bạn đời của mình.

Cuối cùng, điều thiết yếu là phải thường xuyên cầu nguyện xin sự nâng đỡ của ơn thánh. Chắc chắn, mọi thứ sẽ dần trở nên rõ ràng hơn.

Trên tất cả, chúng ta cần nhắc nhớ mình rằng: Việc dành thời gian chăm sóc cha mẹ già chỉ là một giai đoạn trong cuộc đời. Chẳng bao lâu nữa, cha mẹ chúng ta sẽ hoàn tất hành trình cuộc đời, và đến lượt mình, chúng ta cũng đến lúc chuẩn bị lên đường về nhà Cha.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (28.06.2023)