Để gia đình trọn niềm vui

57

 Có lần, may mắn được ngồi chung trà đạo với vài linh mục. Nói về thao thức của gia đình giáo phận, các cha đều đồng ý rằng gia đình giáo phận phải hết sức chú tâm đến Chủng Viện và Nhà Hưu Dưỡng. Đúng thế, để tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, các mục tử phải được chú tâm đến việc giáo dưỡng. Và, khi tuổi về già, cũng cần được chăm sóc như người thợ gặt đáng được trả công.

Trở về với gia đình của mỗi người chúng ta cũng thế. Ta cũng có một gia đình như bao người khác. Muốn gia đình mình bình an, hạnh phúc và phát triển thì cần phải quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục thế hệ trẻ và chăm lo cho ông bà cha mẹ ở tuổi xế chiều.

Người Á Đông và cách riêng người Việt rất trọng chữ hiếu. Một minh hoạ: Gia đình một người quen phải sửa nhà. Định bụng rằng sẽ gửi người mẹ già đi đâu đó vài tháng trong những ngày sửa chữa cửa nhà. Thế nhưng khi ngồi lại với nhau thì mọi người trong gia đình đều đồng ý rằng: mẹ ở đâu cũng không bằng ở nhà cạnh con cháu để được phụng dưỡng trong niềm an vui. Thế là đi đến quyết định cuối cùng: để mẹ ở nhà, dẫu rằng chăm sóc cho mẹ ở cái tuổi đã lẫn đã khó, nay càng khó hơn khi nhà cửa bộn bề bụi bậm.

Dẫu vất vả như thế nhưng người con rể của cụ nói với tôi rằng: “Bà đâu có sống lâu với con cháu đâu. Còn được ngày nào để phụng dưỡng thì đó là hồng phúc lớn cho con cháu. Có những gia đình cha mẹ vắn số nên con cái đâu có cơ hội để đền đáp công ơn”.

Tâm niệm của anh ấy làm lay động tâm hồn nhiều người.

Anh bạn còn chia sẻ thêm rằng: khi ta chơi với người nào đó, mà thấy họ đối đãi với cha mẹ không ra gì, thì ta phải hiểu rằng, với ta, họ cũng chỉ là lợi dụng hay chỉ là chơi qua đường. Bởi lẽ, chính cha mẹ của họ mà họ còn coi nhẹ thì với ta, họ cũng chỉ sẽ vắt chanh bỏ vỏ mà thôi!

Đúng như vậy! Ta có được ngày hôm nay chẳng phải là nhờ bao nhiêu mồ hôi nước mắt của cha và mẹ đêm ngày đổ ra để nuôi nấng chăm sóc ta? Ngày hôm nay, bởi đâu ta được thành tài và thành danh, thế mà lại quên đi cái ơn nghĩa sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ?

Cũng có một gia đình tôi quen không được vui cho lắm bởi sự tính toán quá đáng của người con gái trong gia đình khiến cho gia đình rạn nứt. Chuyện là, may mắn người con gái được định cư ở nước ngoài. Sau đó ít năm, cô bảo lãnh cha mẹ và em của cô cùng ra nước ngoài chung sống với cô. Chẳng hiểu sao, thi thoảng cô cứ gợi lại công lao của cô đã đưa được cha mẹ và em sang đây! Người trẻ như cô cứ thoải mái nói năng và hành xử theo cách của người trẻ. Nhưng, người trẻ đâu hiểu rằng những lời nói cũng như cách hành xử của người trẻ đã làm cho người lớn tổn thương như thế nào. Khi tuổi đã lớn và an phận, người già chẳng còn màng chi đến vật chất, cũng không cần những món ăn cao lương mỹ nữa. Họ chỉ mong những món ăn tinh thần là chính những tình cảm và sự trân trọng từ lũ cháu đàn con.

Những người trẻ hành xử thiếu suy nghĩ với cha mẹ như thế là vì đã quên những tháng ngày cơ cực của mẹ khi mẹ mang nặng đẻ đau, cũng như đã quên thuở mình lên năm lên ba, cha mẹ đã quá vất vả vì mình.

Một câu chuyện đầy ý nghĩa: Ngày nọ, một cậu con trai đưa cha già của mình ra sau nhà ngồi phơi nắng. Cha già chỉ đàn chim bay lượn trên bầu trời và hỏi cậu con trai: đàn chim ấy có bao nhiêu con? Bực mình vì cha mình hỏi nhiều lần lẩm cẩm như thế nên cậu bộc lộ thái độ cáu gắt. Lúc ấy, người cha già mới từ tốn nói với cậu con trai: khi con lên 5 tuổi, con cũng hỏi như vậy với cha nhiều lần, và cha luôn hân hoan có câu trả lời dịu dàng cho đứa con thơ bé của mình, không hề cáu gắt bao giờ! Chợt nhận ra mình đã hành xử với cha mình thật tệ, giống như một đứa bất hiếu vậy, chàng trai từ đó thay đổi hẳn, không dám cáu gắt với cha già đáng kính nữa.

Và, một câu chuyện quá xưa – mà tôi được học từ thời còn bé – kể rằng: Ngày kia, một người cha đẽo chiếc gáo dừa. Người con trai của ông hỏi: Cha đẽo cái gáo dừa đó làm gì thế? Người cha vui vẻ trả lời: Đẽo cái gáo này để cho bà nội ăn cơm vì dạo này tay bà yếu, bà làm bể tô cơm hoài! Ít ngày sau, chú bé đẽo một chiếc gáo dừa giống như bố, mà còn đẹp hơn gáo dừa bố làm nữa. Người cha mới hỏi con mình: Con đẽo chiếc gáo dừa đó để làm gì vậy? Chú bé đơn sơ trả lời: Con đẽo gáo dừa cho bố, để mai mốt bố già, con cũng dùng gáo dừa đựng cơm cho bố ăn, giống như bố đã dùng gáo dừa bỏ cơm vào cho bà nội ăn vậy đó mà!

Những câu chuyện hết sức đơn sơ mang đậm tính giáo dục này vẫn in sâu trong tôi dù năm tháng dài đã qua đi. Một ngày nào đó, tôi cũng già nua tuổi tác và chân tay không còn vững như trước. Khi đó tôi cũng cần sự trợ giúp đầy hiếu tình của con cháu. Muốn thế, hôm nay tôi cũng phải sống sao cho hiếu thảo với cha mẹ của mình.

Luôn cần chăm lo cho lớp trẻ để gia đình phát triển, nhưng đừng quên cội nguồn của gia đình là cha mẹ. Khi và chỉ khi ta lo cho trẻ đàng hoàng đồng thời lo cho người già được tươm tất, lúc đó gia đình ta mới bình an, hạnh phúc và tràn đầy niềm vui.

Micae Bùi Thành Châu