ĐỂ CÓ TRÍ NHỚ TỐT: Hãy tập Mã hoá Thông tin và Nhắc lại Ký ức

60
Thời còn đi học, trong đám bạn cùng lớp, tôi thường phân định bọn họ thành hai loại: nhóm thông minh và nhóm nhớ lâu.
Nhóm thông minh là những người có khả năng thu nạp thông tin một cách nhanh chóng với lối tiếp nhận đa chiều. Để gợi nhớ lại thông tin quan trọng, họ thường dựa vào những mảnh vỡ ký ức trong đầu để suy luận ra đáp án. Tới kỳ thi cuối kỳ, họ không cần nhiều nỗ lực ôn tập nhưng vẫn đạt điểm tuyệt đối.
Trong khi đó, nhóm nhớ lâu (trong đó có tôi), nhóm này thường có xu hướng trông chờ vào đáp án của giảng viên hơn là tự tìm hiểu trước mọi thứ. Thường thì họ học như tụng kinh và làm bài tập rất nhiều để nhớ, nhưng chẳng hiểu gì. Kết quả, mỗi kỳ thi là một cực hình.

Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera.

Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera.
Ban đầu tôi không nghĩ mình sẽ có khả năng như nhóm đầu tiên. Về sau tôi nhận ra rằng, não bộ của từng người đều có cơ chế hoạt động giống nhau. Sự vượt trội về khả năng ghi nhớ tối ưu nhất, chỉ được tạo ra khi một ai đó nắm được cách vận hành của não bộ.
Để tìm hiểu về vấn đề này, hãy cùng tôi đào sâu vào những công trình nghiên cứu khoa học nhằm tìm ra bí quyết của nhóm thông minh là gì.

I. Ký ức như cơn gió, chúng đến rồi đi.

Não bộ có rất nhiều kiểu trí nhớ khác nhau. Nhưng theo nhà sinh học phân tử John Medina, mọi loại trí nhớ đều tuân theo bốn giai đoạn xử lý:
Mã hoá 🡪 Lưu giữ 🡪 Nhớ lại 🡪 Quên.
Đầu tiên là mã hoá. Theo sinh lý học, mã hoá là quá trình não chuyển đổi các nguồn năng lượng từ bên ngoài như ánh sáng, âm thanh, mùi hương,… thành các mẫu điện nơron mà não có thể hiểu được. Đối với tâm lý học thuần tuý, mã hoá là cách thức chúng ta có thể hiểu, chú ý và cách tổ chức thông tin với mục đích lưu trữ.

Nguồn: Internet.

Nguồn: Internet.
Tiếp theo là lưu trữ. Não bộ chúng ta có nhiều vùng lưu trữ khác nhau. Khi chúng ta mã hoá một đối tượng nào đó với đa dạng nguồn thông tin như: âm thanh, hình ảnh, mùi hương, cảm giác hay sự khơi gợi cảm xúc,… thì não bộ sẽ mã hoá những mảnh thông tin này thành ký ức, và lưu chúng trong các “ngăn kéo” tương ứng nguồn thông tin cụ thể như trên. Ví như một em bé tiếp xúc với một sinh vật nhiều lông thông minh và thân thiện, biết sủa gâu gâu, có mùi khó ngửi, bố mẹ đứa bé gọi sinh vật đó là “con chó”. Như vậy, não bộ của đứa bé sẽ lưu trữ các mảnh ký ức về âm thanh “gâu gâu”, hình ảnh của “sinh vật thuộc họ chó” và tên gọi “con chó” của sinh vật này.
Kế đến là nhớ lại. Vì lưu trữ ký ức về một đối tượng trong nhiều “ngăn kéo” khác nhau. Não thường có xu hướng chồng chất và xáo trộn các mảnh ký ức này. Hậu quả để lại là bạn trở thành kẻ bịa chuyện bất đắc dĩ trong các cuộc tám nhảm, hoặc là mơ mộng những chuyện phi thường, kiểu như bạn mơ thấy con vịt đầu chó chẳng hạn. Tất nhiên, nếu muốn ký ức trở nên chính xác và bền vững, bạn phải tạo ra các “đường mòn nơron” kết nối não hải mã (trí nhớ ngắn hạn) với vỏ não (trí nhớ dài hạn).

Minh hoạ kết nối các mảnh ký ức – ứng dụng ghi chú Obsidian.
Cuối cùng là quên. Não buộc phải làm kém bền những ký ức không quan trọng, nhằm ưu tiên những ký ức quan trọng hơn. Bạn nên cảm ơn bộ não bình thường của bạn có chứng quên tạm thời, nếu bạn nhớ tất cả mọi chi tiết mà không thể quên, đó là một cực hình dày ải bộ não. Người mắc hội chứng Hyperthymesia có bộ nhớ cực khủng. Họ ghi nhớ rất nhiều tiểu tiết trong đời sống, nhưng họ không bao giờ “xóa” được lượng lớn ký ức này. Jill Price – nữ nhà văn người Mỹ bị mắc hội chứng Hyperthymesia đã chia sẻ:
“Nó không ngừng nghỉ, không thể kiểm soát và hoàn toàn mệt mỏi… Hầu hết đều gọi nó là một món quà nhưng tôi gọi nó là gánh nặng. Tôi chạy toàn bộ cuộc sống của mình qua đầu mỗi ngày và nó khiến tôi phát điên!”

II. Muốn ghi nhớ tốt, hãy tận dụng giai đoạn Mã hoá và Nhớ lại.

1. Mã hoá

Một "tủ ký ức" sẽ được bền lâu, nếu chiếc tủ đó có nhiều "ngăn kéo mã hoá". Nguồn: unsplash.com

Một “tủ ký ức” sẽ được bền lâu, nếu chiếc tủ đó có nhiều “ngăn kéo mã hoá”. Nguồn: unsplash.com

a. Mã hoá đầy cố gắng.

Như tôi đã nói ở phần một: não bộ có nhiều vùng lưu trữ khác nhau. Khi chúng ta học hỏi một đối tượng nào đó với đa dạng nguồn thông tin. Não bộ sẽ mã hoá những mảnh thông tin này thành ký ức, rồi lưu chúng trong các “ngăn kéo” khác nhau của não bộ. Như vậy, khi ngồi trên giảng đường hay tự học bất kỳ điều gì mới mẻ, bạn nên tiếp cận nguồn thông tin với nhiều chiều kích nhất có thể.
Có ba cách mã hoá phổ biến trong học tập:
– Mã hoá âm vị.
– Mã hoá ngữ nghĩa.
– Mã hoá cấu trúc.
Mã hoá âm vị là hành động so sánh những âm thanh trong đầu bạn với âm thanh bên ngoài. Hành động này thường xuyên xảy ra với việc học thuộc lòng và học ngoại ngữ. Khi học thuộc lòng, các bạn đọc qua một chuỗi các ký tự trong học liệu, sau đó các bạn đặt học liệu qua một bên để cố nhớ lại, cuối cùng là đọc thành tiếng và ghi chép ra giấy. Đối với ngoại ngữ, mã hoá âm vị cũng diễn ra với Speaking và Listening. Hành động tập nghe và nhại lại tiếng bản địa chính là sự so sánh âm thanh bên trong bộ não của bạn với những gì bạn nghe được.
Tất nhiên, việc ghi nhớ này sẽ không bền vững, vì não bộ muốn làm kém bền các ký ức. Vì vậy, bạn đừng nên bỏ qua Mã hoá ngữ nghĩa và Mã hoá cấu trúc.
Đối với các học sinh có thái độ học chủ động. Thói quen của họ là đặt câu hỏi với thông tin khó hiểu, và tự định nghĩa thông tin theo cách hiểu của mình, đây gọi là mã hoá ngữ nghĩa.
Ví dụ: Khi bạn bắt gặp cái tên “Daddy-Longlegs” trong một bài viết tiếng Anh, được mô tả là “loài có độc, có nanh quá ngắn nên không thể cắn người”. Bạn đoán bừa “Bố Chân Dài có phải anh chàng ma cà rồng đẹp trai – chân dài tới nách Edward Cullen trong loạt phim Chạng Vạng hay không?”. Nhưng bạn hơi nghi ngờ, nên là bạn vội tra Google rồi phát hiện ra: “Daddy-Longlegs là loài nhện chân dài, có độc”. Lần sau, khi bạn bắt gặp lại danh từ Daddy-Longlegs, bạn lập tức nhận ra đây là loài nhện độc chân dài. Tóm lại, mọi thông tin có ý nghĩa sẽ giúp bạn nhớ tốt hơn những thông tin vô nghĩa.
Tiếp theo, loài người bẩm sinh ghi nhớ tốt hình ảnh nhiều hơn bất kỳ nguồn thông tin nào khác. Vì vậy, bạn thường nhớ lại ký ức hình ảnh của một bộ phim nhiều hơn là một bộ tiểu thuyết. Tuy nhiên, người đọc tiểu thuyết sành sỏi hay tưởng tượng ra viễn cảnh trong đầu của họ, và điều này cũng là một cách ghi nhớ tốt. Tóm lại, các nhà khoa học cho đây là Mã hoá cấu trúc. Để vận dụng phương pháp này vào việc học, bạn nên tìm một ví dụ xảy ra trong thực tế có thể giải thích được các ngôn từ trừu tượng. Hay là tưởng tượng ra viễn cảnh, hình ảnh mà các từ vựng, đoạn văn bản đang gợi ý cho bạn. Tất nhiên, nếu có hình ảnh giải thích đi kèm thì bạn sẽ nhớ tốt hơn.
Có rất nhiều cách để áp dụng 3 kiểu mã hoá này như:
– Vừa viết, vừa đọc thành tiếng, và vừa tưởng tượng khi viết lách.
– Làm bài thuyết trình kết hợp hình ảnh.
– Vẽ sơ đồ tư duy.
– Flashcard từ vựng kèm hình ảnh và ký hiệu ngữ âm.
Tóm lại, để nhớ tốt hơn, hãy học hỏi với đa dạng kiểu mã hoá. Học vẹt là một cách nhớ tốt trong ngắn hạn để đối phó với các kỳ thi. Nhưng học để hiểu kiến thức, để tưởng tượng ra được viễn cảnh thực tế còn giúp bạn nhớ tốt hơn nhiều. Cứ như vậy về lâu về dài, áp lực thi cử sẽ giảm xuống.

b. Mã hoá không cần nhiều cố gắng.

Đối với người mắc hội chứng Asperger, họ bị ám ảnh với những chủ đề mà họ quan tâm. Ngoài ra, họ dễ bị kích động với môi trường bên ngoài vì họ có giác quan quá nhạy cảm. Nhờ vậy mà họ trở thành những thiên tài ghi nhớ thông tin. Tất nhiên, người bình thường như chúng ta cũng có khả năng này, nhưng dùng không đúng chỗ.
Cảm xúc hào hứng, giác quan nhạy cảm luôn cho ta những kỷ niệm khó phai.
Bạn có những kỷ niệm nào không, đặc biệt là tình yêu? Tôi thì luôn nhớ mãi khoảnh khắc lần đầu tiên bắt gặp mối tình đầu của mình. Lúc cô ấy lướt ngang qua tôi trong đám đông hỗn loạn, gương mặt xinh đẹp, giọng nói ngọt ngào và mùi hương tóc của cô ấy làm tôi ấn tượng. Thật may mắn là sau đó, tôi nhận được số phone của nàng từ cú bắt chuyện đầu tiên. Sự chấp thuận của cô ấy làm tôi phấn khích tới mức tôi phải nhảy cẫng lên. Nhờ vậy, sự kiện này làm tôi không thể nào quên sau hơn 8 năm.
Tôi không biết lý do tại sao, tôi lại nhớ lâu và chi tiết kỷ niệm dĩ vãng này. Nhưng nhà báo Benedict Carey có lời giải.

"99.1% pure crystal meth" của thầy Bạch giúp Hồng Nhân học giỏi Chuyên ngành Công nghệ dược phẩm và Bào chế thuốc. Nguồn: Internet.

“99.1% pure crystal meth” của thầy Bạch giúp Hồng Nhân học giỏi Chuyên ngành Công nghệ dược phẩm và Bào chế thuốc. Nguồn: Internet.
Benedict Carey, một cây bút xuất sắc của tờ New York Times về chủ đề khoa học và y học. Ở thời sinh viên, ông thần Benedict Carey thường hay mua “thần dược học tập” của mấy thằng cha Hippie vào những ngày thi cử. Thần dược ở đây là Amphetamin, một loại “ma tuý” có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương, tạo hưng phấn và giảm căng thẳng.
Khi dùng “thần dược học tập”, chàng sinh viên Carey đã giúp não bộ mã hoá học liệu mà không cần dùng nhiều nỗ lực. Các nghiên cứu cũng cho thấy, cần sa và thuốc lá cũng giúp các đối tượng thí nghiệm mã hoá thông tin tốt hơn.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây vẫn là cảm xúc tích cực của tinh thần và sự nhạy bén của các giác quan. Cho nên, các thuốc giả dược vẫn tạo ra hiệu ứng tương tự. Như vậy, việc bạn thay đổi vị trí làm việc và học tập ra quán cà phê cho bớt chán; nghe một bản nhạc khơi gợi cảm xúc; cách giảng dạy độc đáo của một giảng viên đều cùng chung một hiệu ứng kể trên.
Các giảng viên phải chia sẻ gánh nặng với học trò nhiều hơn nữa.
Đây là nhiệm vụ mà bất kỳ giảng viên nào cũng phải làm. Nếu muốn làm một giảng viên xuất sắc, bạn phải chia sẻ một nửa gánh nặng học tập với học sinh, sinh viên của mình thông qua các phương pháp mã hoá trên. (Làm ơn chừa ra chất kích thích giúp tôi, các thầy cô không phải Walter White đâu ạ).
Những câu đố, các câu chuyện mở đầu đầy gây cấn, các bài thí nghiệm thực tế, dẫn chứng hài hước gần gũi với đời sống của học sinh,… Luôn là những phương pháp hiệu quả để học sinh ghi nhớ bền vững các kiến thức quan trọng mà bạn muốn truyền tải.

2. Nhớ lại.

a. Buôn dưa lê.

Có một sự thật là, chúng ta nhớ chuyện buôn dưa lê tốt hơn việc nhớ các học liệu. Hầu hết, nội dung của buổi buôn chuyện là các drama mới nổi gần đây. Các nguồn thông tin kiểu này luôn kích thích khả năng mã hoá không cần nhiều nỗ lực của chúng ta.

Nguồn: internet

Nguồn: internet
Vì chúng ta biết ký ức của mình có thể sai. Cho nên, chúng ta rủ rê nhau xào nấu lại drama vừa qua, rồi tranh cãi để xem ai nhớ đúng về drama ấy. Không dừng lại ở đó, chúng ta lại tiếp tục “tao kể chuyện này, mày đừng nói với ai nha” đến những người khác. Rốt cuộc, câu chuyện drama lại trở thành ký ức bền vững trong đầu của mình, còn học tập thì thau… gẫy.
Trong câu chuyện này. Các nhà khoa học phân loại khả năng ghi nhớ của “đảng buôn dưa lê” thành hai kiểu:
1. Nhớ lại kiểu Sherlock Holmes – yêu cầu suy luận để nhớ lại các mảnh ký ức.
2. Nhớ lại kiểu Thư viện – truy xuất một gói thông tin chính xác như việc bạn lấy một quyển sách ra khỏi thư viện.

Các chấm xám, rời rạc và kém bền là mảnh ký ức công việc của bạn. Trái lại, các mảnh ký ức drama là các chấm sắc màu được liên kết lại với nhau.

Các chấm xám, rời rạc và kém bền là mảnh ký ức công việc của bạn. Trái lại, các mảnh ký ức drama là các chấm sắc màu được liên kết lại với nhau.
Trong quá trình mã hoá và lưu giữ thông tin vào não, các mảnh ký ức bị rời rạc. Tuy nhiên, các kết nối nơron giữa các mảnh ký ức này “vẫn còn nét, nhưng hơi mờ”. Vậy nên, chúng ta buộc phải nhớ lại theo kiểu Sherlock Holmes – bằng việc suy luận để kết nối các ký ức rời rạc lại với nhau. Nhưng lỡ chúng ta ghép nhầm ký ức thì sao? Thì hội bà tám vẫn còn nhiều thành viên dài mõm hơn bạn, họ chưa bao giờ buông tha cho ký ức sai lầm của bạn cả.
Chúng ta xào nấu câu chuyện cho nhau nghe, tranh cãi về việc ai nhớ tốt hơn. Cứ như vậy kéo dài trong vòng 1 tuần đến vài tháng, nhớ lại kiểu Sherlock Holmes dần biến thành nhớ lại kiểu Thư viện. Như vậy, chúng ta truy xuất toàn bộ gói ký ức một cách chính xác và nhanh chóng hơn.
Muốn tận dụng hiệu ứng này trong làm việc và học tập. Bạn nên tạo mqh với đồng nghiệp và bạn bè có cùng chí hướng. Hãy trò chuyện về công việc, hãy học nhóm, work date để cùng nhau ghi nhớ lâu bền những kiến thức quan trọng.

b. Hiệu ứng khoảng cách.

Nếu bạn thuộc dạng đội quân một người (One Man Army), bạn thích đánh trận một mình, thay vì học theo đội nhóm. Bạn muốn chủ động hơn trong việc nhớ những thông tin quan trọng, mà một đội nhóm hiếm khi đáp ứng được. Vậy thì hiệu ứng khoảng cách sẽ hỗ trợ bạn.

Hermann Ebbinghaus và hiệu ứng khoảng cách - Nguồn: internet

Hermann Ebbinghaus và hiệu ứng khoảng cách – Nguồn: internet
Người đầu tiên phát hiện ra hiệu ứng này nhà tâm lý học người Đức  – Hermann Ebbinghaus. Ông gợi ý rằng, việc chủ động nhớ lại thông tin với khoảng thời gian ngày càng tăng sẽ làm giảm khả năng quên đi thông tin. Nhưng thực tế thì mất bao lâu để lưu trữ? Ít thì 3 quả trứng, nhiều thì 1 tên lửa?
John Medina cho rằng: Một số thông tin chỉ mất và ngày để lưu trữ, một số thông tin khác thì mất hàng năm để lưu trữ.
Tuy nhiên, đã có hai công trình nghiên cứu lớn minh hoạ lại tuyên bố của Hermann Ebbinghaus: Thứ nhất, khoảng cách nhớ tối thiểu do lập trình viên người Ba Lan – Piotr Wozniak đảm nhận. Và thứ hai, khoảng cách nhớ tối đa do gia đình nhà khoa học Bahrick đảm nhận.
Năm 1982, Piotr Wozniak đã ra tạo bộ học liệu với 3000 từ vựng tiếng Anh và 1400 dữ kiện khoa học. Với lý thuyết của Ebbinghaus cùng với khả năng lập trình của mình. Wozniak đã lập trình hệ thống lập lại ngắt quãng bằng flashcard trên máy tính. Nhằm tìm ra khoảng nghỉ tối ưu, ông đã theo dõi khả năng nhớ từ vựng của mình trên sổ tay, sau đó điều chỉnh lại ngày giờ của phần mềm.
Kết quả, sau phiên học đầu tiên, Wozniak nhớ được các từ mới trong vài ngày. Sang phiên học thứ hai (sau ngày thứ nhất một ngày), ông ôn tập lại, thời gian nhớ kéo dài ra một tuần. Một tuần sau kể từ phiên học thứ hai, ông tiếp tục ôn tập lại trong phiên thứ ba và nhớ được các từ vựng trong một tháng. Công trình nghiên cứu của Piotr Wozniak đã đóng góp cho hiệu ứng khoảng cách – những khoảng nghỉ tối thiểu từ 1 ngày, 2 ngày, đến 1 tuần.
Trước đó, vào năm 1970, gia đình nhà khoa học Harry P. Bahrick tiến hành nghiên cứu về khoảng nghỉ tối đa là bao lâu. Ông Bahrick cùng vợ con đã học 3 hộp flashcard, mỗi hộp có chứa 60 flashcard từ vựng tiếng Pháp và Đức. Họ phân lịch như sau:
– Hộp 1 học trong khoảng nghỉ 2 tuần 1 lần.
– Hộp 2 có khoảng nghỉ một tháng 1 lần.
– Hộp cuối có khoảng nghỉ 2 tháng một lần.
Đến tận năm 1993, gia đình Bahrick mới công khai công trình nghiên cứu của mình. Khi học với khoảng nghỉ 2 tháng/1 lần, họ nhớ được 76% số từ vựng trong bài kiểm tra cuối cùng. Đối với khoảng nghỉ 2 tuần/1 lần, họ chỉ nhớ 56% số từ vựng.
Đến tận 2008, mọi các quảng nghĩ mới được công bố rõ ràng và chính xác nhất sau nghiên cứu của nhóm Wiseheart và Harold Pashler ở đại học California, San Diego. Hãy nhìn kỹ bảng biểu này.

img_0

Như vậy, trước kỳ thi, bạn hãy xem bạn còn bao nhiêu ngày nữa. Sau đó, chuẩn bị học liệu và phân lịch nhắc lại phù hợp dựa theo bảng biểu trên. Còn muốn siêng hơn trong giai đoạn chuẩn bị, và lười hơn trong giai đoạn ôn thi. Tôi nghĩ bạn nên tìm hiểu ứng dụng Anki (Trong tương lai, tôi sẽ viết về cách học từ vựng bằng hệ thống Anki này).

#Kết

Đừng buồn vì bạn có trí nhớ kém, bởi vì não bộ của bạn hoạt động theo cơ chế Mã Hoá, Lưu Trữ, Nhớ Lại và Quên. Nếu nhớ quá lâu mà không thể quên, bạn sẽ bị mệt mỏi vì quá tải bộ nhớ. Tuy nhiên, để nhớ được các thông tin quan trọng, hãy tận dụng Mã Hoá và Nhớ Lại.
Khi một kiến thức quan trọng xuất hiện ngay trước mắt bạn, hãy mã hoá kiến thức bằng nhiều chiều kích khác nhau. Một “tủ kiến thức” càng có nhiều “ngăn kéo” thì não bộ càng nhớ tốt kiến thức đó.
Bất cứ ai cũng vậy, mối tình đầu là mối tình khắc cốt ghi tâm. Bởi vì, sự phấn khích của não bộ và sự nhạy cảm của 5 giác quan, giúp cho chúng ta ghi nhớ vĩnh viễn mối tình đó. Nên là, các thầy cô hãy làm cho đám học sinh và con trẻ vui vẻ hơn với cách dạy độc đáo của mình: câu đố, câu chuyện truyền cảm hứng, thí nghiệm độc lạ, hình ảnh và video sinh động đều giúp trẻ nhớ kiến thức tốt hơn.
Đối với việc nhớ lại, các bạn nên tham gia vào hội nhóm chia sẻ kiến thức, làm bạn với những người đem lại nguồn tri thức bổ ích. Hãy trò chuyện, làm việc nhóm cùng họ nhằm củng cố trí nhớ dài hạn của bạn. Ngoài ra, hãy xây dựng thói quen ôn tập mỗi ngày để nhắc lại kiến thức đã quên trên lớp. Trước mỗi kỳ thi, bạn nên phân bổ thời gian ôn thi theo hiệu ứng khoảng cách nhằm ghi nhớ học liệu một cách tốt nhất.
Chúc các bạn thành công.