Diễn viên Jim Caviezel đã có một bài phát biểu đặc biệt: Đây có thể được coi là một trong những diễn văn công giáo tuyệt vời nhất của thế kỷ 21. Nam diễn viên nổi tiếng, đóng vai Chúa Giêsu trong bộ phim “The Passion of the Christ – Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô” đã kêu gọi thế hệ tiếp theo “hãy đưa tướng quỷ Luxiphe thẳng đường về lại địa ngục!”
Jim Caviezel đã chuẩn bị phát hành bộ phim mới nhất của mình về chủ đề đức tin – ‘Thánh Phaolô, vị Tông đồ Chúa Kitô’ – đã được phát hành vào mùa Xuân năm 2018 – trong phim, anh ấy đóng vai thánh sử Luca.
Trong tư cách là một ngôi sao lớn nhất được gắn lên ảnh, Jim đã đến hội nghị lãnh đạo cấp cao của FOCUS (hội nghị SLS năm 2019) để quảng bá bộ phim nổi bật này.
Các sinh viên có lẽ đã mong đợi một bài phát biểu về bộ phim mới, nhưng những gì họ nhận được lại là một lời kêu gọi hành động phi thường khiến cả chúng tôi cũng phải ‘lạnh xương sống’.
Đám đông đã rất xúc động khi nhìn thấy khuôn mặt nhân hậu, với bộ râu quai nón của Caviezel, đến mức dường như họ không thể bình tĩnh lại được. Anh nhẹ nhàng đưa một ngón tay lên và căn phòng trở nên thật tĩnh lặng đến nỗi có thể nghe thấy tiếng một chiếc kim rơi. Sau đó, Caviezel bắt đầu nói nhẹ nhàng và đọc bài phát biểu đã chuẩn bị của mình với đôi chút vụng về:
“Tên Saolê có nghĩa là ‘người vĩ đại.’ Tên Phaolô có nghĩa là ‘người nhỏ bé’. Trong khi làm bộ phim này, tôi đã học được rằng chỉ cần thay đổi một chữ nhỏ tí xíu thôi, chúng ta cũng có thể trở nên vĩ đại trong mắt Chúa. Nhưng nó đòi hỏi chúng ta phải trở nên bé nhỏ nếu chúng ta muốn trở nên vĩ đại. Đây là cách sống của các thánh. Đây là con đường nên thánh và đây là cách Saolô trở thành Thánh Phaolô.”
Anh tiếp tục nói về ơn gọi, về cách người ta phải cởi mở để có thể phân định được ơn gọi của mình. Anh nói về việc anh ấy biết mình muốn trở thành một diễn viên như thế nào, về khoảng thời gian căng thẳng với vai diễn Edmond Dantes trong phim Bá tước Monte Cristo, cũng như những hy sinh anh ấy phải chịu trong thời gian đóng vai Chúa Giêsu trong phim ‘Cuộc khổ nạn của Đức Kitô’. Caviezel nói:
“Khi tôi ở trên thập giá, tôi mới biết rằng trong sự đau khổ của Ngài có ơn cứu độ cho chúng ta. Hãy nhớ rằng đầy tớ không lớn hơn chủ. Mỗi chúng ta phải vác thập giá của chính mình. Có một cái giá cho đức tin của chúng ta, cho sự tự do của chúng ta. Tôi đã thực sự bị đánh đập, bị đòn roi, bị đóng đinh, bị sét đánh, vâng, phải chịu phẫu thuật tim – đó là những gì xảy ra sau 5 tháng rưỡi khi bị hạ thân nhiệt.”
Anh kể lại một khoảnh khắc trong quá trình quay phim Cuộc Khổ Nạn, khi anh bị cây thánh giá đè lên và khi bị người khác kéo sai cách, vai anh đã bị trật khớp. Anh cho biết cảnh quay này vẫn còn nằm trong phiên bản biên tập cuối cùng của bộ phim và nó được nhận định rằng nếu quá trình sản xuất diễn ra trong studio, chúng ta có thể không bao giờ được xem một màn trình diễn chân thực đến như vậy. “Sự đau khổ đã làm nên vai diễn của tôi, giống hệt như nó đã dệt nên cuộc đời của chúng ta.”
“Có rất nhiều đau đớn và đau khổ trước khi phục sinh và con đường của bạn đi sẽ không khác gì. Vì vậy, hãy ôm lấy cây thánh giá của bạn và hướng tới mục tiêu của bạn. Tôi muốn bạn bước ra thế giới ngoại đạo này và tuyên xưng đức tin của bạn trước mọi người cách mạnh mẽ. Thế giới cần những chiến binh kiêu hãnh, sinh động bằng đức tin của mình. Những chiến binh như Thánh Phaolô và Thánh Luca, những người dám liều hy sinh cả tên tuổi và thanh danh của mình để đưa đức tin và tình yêu dành cho Chúa Giêsu vào trong lòng thế giới.”
Caviezel đã nói về dân chủ và cho thấy sự ‘tự do làm những gì bạn muốn’ không giống với ‘tự do làm những gì bạn nên làm’. Anh trích dẫn câu nói nổi tiếng của thánh Maximilianô Kolbe, “Sự thờ ơ là tội lớn nhất của thế kỷ 20,” và anh nói thêm, “Vâng, thưa anh chị em, đó cũng là tội lớn nhất của thế kỷ 21”.
Anh nối kết toàn bộ bài nói chuyện của mình bằng cách trích dẫn lời hiệu triệu trước trận chiến trong phim ‘Braveheart – Trái tim can đảm’ trong đó nam diễn viên chính William Wallace đã khơi dậy tinh thần cho cả đội quân của mình bằng cách nói về tự do và những gì người ta phải sẵn sàng làm để có tự do. Khi ngừng trích dẫn, Jim bỏ qua những gì đã soạn sẵn để nói với tất cả niềm xác tín:
“Mọi người đều phải chết. Nhưng không phải mọi người đều đang thực sự sống. Từng người một, tất cả chúng ta đều phải đấu tranh cho sự tự do đích thực và phải sống thực, các bạn của tôi ơi! Vì Chúa, chúng ta phải sống! Với Chúa Thánh Thần là khiên đỡ và Chúa Kitô là thanh gươm của bạn, ước mong bạn tham gia cùng với Thánh Micae và tất cả các thiên thần để tống khứ tướng quỷ Luxiphe và tất cả tay sai của hắn về lại địa ngục nơi dành cho chúng!”
Thật thú vị khi nhìn xem Caviezel thay đổi cách nói chuyện, từ việc đọc diễn văn đã soạn sẵn, rồi sau đó bỗng diễn tả tự phát. Rồi như để minh họa cách trực quan sự khác biệt giữa “người vĩ đại” và “người nhỏ bé”, sau khi kết thúc khoảnh khắc đầy cuốn hút, anh ta nghiêng người trở lại bục và nở một nụ cười bẽn lẽn vì đã làm đảo lộn phần diễn văn cuối cùng đã soạn sẵn của mình.
Chỉ đọc lại những câu chữ của bài phát biểu này mà thôi thì không hay lắm; tốt nhất nên xem lại toàn bộ video của bài phát biểu ấy. Nó có thể khiến bạn xem đi xem lại bộ phim ‘Paul, Apostle of Christ’ (Thánh Phaolô, vị Tông đồ của Chúa Kitô) – hoặc thậm chí nó sẽ thôi thúc bạn có được sự dấn thân thiêng liêng của đội quân Wallace trong một trận chiến có muôn ngàn khó khăn ập xuống trên họ.
Video của bài phát biểu của Jim Caviezel:
Trailer phim ‘Paul, Apostle of Christ’:
J-P Mauro (Aleteia) / Trần Hùng chuyển ngữ