Đánh thức một thế hệ trẻ đang ngủ quên…
5 năm kể từ ngày bắt đầu cuộc sống tự lập xa nhà. Cách đây 5 năm tôi chưa có gì cả. Bây giờ nhìn lại, tôi cũng vẫn không có gì cả. Nếu được hỏi về điều mà tôi làm được lớn nhất trong vòng 5 năm qua, có lẽ nó giống như hình ảnh những cầu thủ U19 Việt Nam khi họ thất bại: những giọt nước mắt.
Trải qua nhiều cung bậc cuộc sống, có khi hạnh phúc thăng hoa, có khi thất bại đau đớn ê chề, đằng sau đó, có một thứ tài sản quý giá vô cùng đối với tôi là những giọt nước mắt: nước mắt khi thất bại khó khăn, nước mắt khi thành công, hạnh phúc. Bởi đó là dấu hiệu của sự trưởng thành.
Tôi là một người trẻ. Với những kinh nghiệm và vốn sống ít ỏi của mình, tôi chưa đủ tầm để đưa ra những phán xét, đánh giá. Tôi chỉ đơn giản là đưa ra những góc nhìn để hy vọng rằng bạn cũng như tôi – thế hệ trẻ của Việt Nam, nếu còn đang “ngủ quên” vào một số thực trạng thì hãy làm ơn cùng nhau tỉnh giấc để sống, để cống hiến, để làm nhiều điều ý nghĩa, để có thể thực sự trưởng thành, cho dù có phải khóc, cho dù có phải mất nhiều nước mắt khi nhìn về thực trạng tuổi trẻ bây giờ.
Tuổi trẻ bây giờ đang bị ngủ quên khi quá tập trung vào những khó khăn trong cuộc sống của mình.
Tuổi trẻ bây giờ đang bị ngủ quên khi quá thờ ơ và vô cảm vì quá nhiều người được đầy đủ dẫn đến việc không biết trân trọng những gì xung quanh.
Tuổi trẻ bây giờ ngủ quên khi đã quá lãng phí thời gian vào những việc vô bổ, tào lao như suốt ngày ngồi lỳ bên máy tính, la cà các quán nhậu.
Tuổi trẻ bây giờ ngủ quên khi ít người dám nghĩ lớn mà chỉ mơ ước những hiện thực vật chất tầm thường.
Tuổi trẻ bây giờ ngủ quên khi chẳng mấy người dám cống hiến sức trẻ mà đám đông chỉ để ý đến lợi ích cá nhân nhỏ nhoi cho riêng mình.
Tuổi trẻ bây giờ còn đang bị mắc kẹt trong cái tư duy “mì ăn liền”
Cái gì cũng muốn nhanh, muốn gọn, muốn rẻ. Tuổi trẻ bây giờ muốn làm giàu nhanh chóng, không mất sức nhưng mù quáng về hiểu biết và thiếu bản lĩnh, thế nên mới có chuyện bao nhiêu sinh viên bị lừa vào đường dây bán hàng đa cấp. Tôi không phản đối bán hàng đa cấp. Tôi là dân luật, tôi chỉ nói lên những điều mà pháp luật quy định. Ở Việt Nam bán hàng đa cấp được pháp luật chấp nhận bởi hình thức bán hàng này có những ưu điểm của nó.
Hành vi bán hàng đa cấp bất chính chủ yếu nằm ở hai chỗ: cách thức bán hàng và cách thức trả thưởng. Trong đó có một hành vi vi phạm phổ biến như bắt người tham gia phải nộp một khoản tiền đầu tư để trở thành thành viên, một món hàng nhưng bán đi bán lại nhiều cấp để lấy phần trăm; trả hoa hồng chủ yếu từ việc dụ dỗ, giới thiệu người khác vào mạng lưới mà không dựa trên kết quả bán hàng thực sự, thu phí từ việc đào tạo người trong hệ thống…
Bản chất bán hàng đa cấp là tốt, vì nó tiết kiệm chi phí khi phân phối sản phẩm từ nhà sản xuất. Nhưng khi triển khai thì nhiều cái tốt bị biến tướng, và đặc biệt là nó đánh vào khát vọng làm giàu nhưng mù quáng về kiến thức và thiếu bản lĩnh của các bạn trẻ. Khi bạn còn trẻ, bạn không bao giờ thành công được nếu không xây dựng nền tảng kiến thức và kinh nghiệm vững chắc cho mình. Cứ đứng núi này trông núi nọ, làm nhiều thứ nhưng chẳng giỏi thứ gì thì làm sao mà đi xa được.
Bạn thường chỉ có thể tích lũy nhiều kinh nghiệm đủ để trơ và có bản lĩnh khi làm việc trong một lĩnh vực ít nhất từ 3 năm – 5 năm, không bao giờ có cái gì là nhanh, là gọn cả. Và như nhiều người nói, để trở thành chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực gì, bạn phải có 10,000 giờ cho nó. Thế nhưng, là chuyên gia thì phải là chuyên gia đúng nghĩa, và quan trọng nhất là phải có chữ TÂM. Khi có TÂM, có TÀI, chắc chắn sẽ có TẦM ảnh hưởng.
Tôi ngỡ ngàng khi được nghe chia sẻ thực trạng sinh viên Việt. Rằng Việt Nam mình bây giờ không phải là thừa thầy thiếu thợ, mà là thừa BẰNG nhưng thiếu cả thầy và thợ giỏi. Thực trạng đám đông: việc chân tay thì lười không muốn làm, việc chất xám thì không đủ trình độ để làm được. Tìm đâu một giải pháp?
Tuổi trẻ bây giờ lười học quá
Tôi dự một hội nghị tầm cỡ quốc tế được tổ chức ở Hà Nội – đại hội quảng cáo châu Á – Adasia 2013. Tôi ngỡ ngàng vì trước đây cá nhân tôi lúc nào cũng thoái thác việc học ngoại ngữ trong khi mọi giờ giải lao của hội nghị hôm đó, người ta đều chủ yếu nói hai thứ ngoai ngữ là Tiếng Anh và Tiếng Trung. Ngơ ngác chẳng hiểu gì, tôi thấy hổ thẹn, thấy mình kém cỏi và nhỏ bé. Tôi giật mình khi nghe câu chuyện của một đại biểu với lời khuyên về một thứ rất nhỏ, gần gũi thôi nhưng mà mình quá vô tình không để ý.
Đó là bài học về việc tiết kiệm nước bởi vì trên thế giới có hàng tỷ người không có nước sinh hoạt mỗi ngày trong khi bao lâu nay mình chẳng thèm quan tâm và cứ sử dụng một cách xả láng. Những bài học cho dù là nhỏ như vậy, cũng cần phải học. Lười đọc, lười học, lười phát triển bản thân. Cứ như vậy bao giờ mới lớn lên được? Nếu bạn 30 tuổi mà bạn không chịu học hỏi, phát triển bản thân mình cho tốt đẹp lên thì chẳng khác gì bạn chỉ là một đứa trẻ 1 tuổi sống cuộc đời mình lặp đi lặp lại 30 lần.
Tuổi trẻ bây giờ ít người “dám bước đi”
Nói đúng hơn là ngại bước đi. Tuổi trẻ bây giờ thích ngồi quá. Thích ngồi trong phòng trọ, ngồi trong lớp học, ngồi trong quán ăn, ngồi trong hàng net. Và đặc biệt là ngồi trong những cái sai lầm của tư tưởng. Có phải tự nhiên không khi mà Chế Lan Viên từng than rằng: “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp – Giấc mơ con đè nát cuộc đời con?” Thơ ông sâu xa, nhiều tầng ý nghĩa. Nhưng có thể thấy một điều hiển nhiên rằng, cái sự không dám bước đi là ở chỗ mắc kẹt vào “những giấc mơ con” một cách quá sâu, quá lâu mà không tách ra được. Cứ mắc kẹt trong những cái giấc mơ tầm thường trong suốt cả cuộc đời mà không dám nghĩ lớn, không dám làm việc lớn.
Có lần được hỏi về điều trăn trở của vua cà phê Việt Đặng Lê Nguyên Vũ, ông trả lời rằng:
“Điều trăn trở của tôi còn là sự day dứt của nhiều bạn trẻ đang mặc cảm của sự nghèo khó, của lòng tự ti. Nhưng tiền bạc vốn không phải là vấn đề mà điều quan trọng là phải có những ước mơ lớn lao. Hiện nay, có nhiều bạn trẻ đang mang trong lòng những ước mơ rất hạn hẹp về những giá trị vật chất mà thiếu đi “chất lửa” của tuổi trẻ khát khao được cống hiến, được chia sẻ và tâm huyết với những thay đổi lớn lao của dân tộc, của đất nước – đó cũng là một phần lỗi không nhỏ ảnh hưởng của nền giáo dục hiện nay đang làm bào mòn đi tính sáng tạo trong suy nghĩ của họ.”
Đâu rồi khát vọng tuổi trẻ Việt?
Lịch sử ghi nhận vô cùng nhiều con người trẻ nhưng thực sự tài năng, không chỉ có bài học ở người Việt, mà còn trên cả thế giới. Năm 27 tuổi, Gia Cát Lượng đã trở thành quân sư của Lưu Bị đi xây dựng mộng phục hưng nhà Hán sau 10 năm tu luyện ở Long Trung, là một “đứa con nít” trong mắt Tào Tháo nhưng đã làm kinh thiên động địa đánh tan 830,000 quân Ngụy sau trận Xích Bích.
Năm 37 tuổi, Võ Nguyên Giáp – một vị tướng không qua bất kỳ trường lớp quân sự chính thống nào được phong hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, làm cả thế giới bất ngờ và khâm phục khi chỉ huy các chiến dịch và các chiến thắng lớn đánh bại thực dân Pháp, đánh tan Mỹ thống nhất đất nước, dẹp loạn quân Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc.
Chẳng có gì là diễn ra tự nhiên cả, những con người đó, họ cần rất nhiều yếu tố để làm được những việc đó, nhưng khởi đầu là họ phải có tư duy lớn, khát vọng lớn chứ không chấp nhận mơ những giấc mơ tầm thường.
Cuộc sống chỉ bắt đầu khi thực sự tỉnh giấc. Tuổi trẻ là thế hệ quan trọng của đất nước. Tự tin quá không tốt, bi quan quá cũng không tốt, hãy là một người thực tế biết hy vọng. Cuộc đời này ngắn ngủi, đừng lãng phí cuộc đời vào những giấc ngủ quá lâu.
Tự vấn bản thân mình, rằng mình đã làm điều gì khác biệt trong chính cuộc sống mình? Mình đã làm điều gì ý nghĩa cho cuộc sống của mình? Mình đã mang đến những giá trị gì cho cuộc sống của người khác? Mình đã tạo ra những giá trị gì cho cuộc đời? Mình đã cống hiến được những gì cho đời? Bởi những gì bạn làm được cho bản thân sẽ ra đi cùng bạn, những gì bạn để lại cho đời sẽ ở lại mãi mãi.
Để làm được những điều đó, thế hệ trẻ – quan trọng là phải DÁM BƯỚC ĐI.
Đỗ Việt Cường
http://www.triethocduongpho.com/2015/01/17/dau-roi-khat-vong-tuoi-tre-viet/