Đầu Năm Học Mới, Một Chút Thao Thức: Liệu có còn tin!

42

Mất lòng tin là mất tất cả. Bi kịch lớn nhất của con người là mất lòng tin, khi con người không tìm ra cái đích thật để mà tin, khi giữa cuộc đời và thuyết giáo là một khoảng cách quá xa.

.

Chúng ta kết thúc một năm giáo dục vừa qua với những chuyện không thể buồn hơn. Ai cũng biết những căn bệnh thành tích, những tiêu cực trong việc dạy học, thi cử…là “chuyện thường ngày ở huyện”, nhưng khi đổ bể vẫn khiến ta bị sốc cao độ. Bạn tôi nói vui, “ở VN từ thời chúng mình đến nay, đứa nào đi học không quay cóp chết chắc chắn làm Thánh!”.

Tôi nhớ đến Trần Văn Thủy trong “Chuyện Tử Tế” khi nói về Niềm Tin, ông cho một chút nhận định thật đáng cho chúng ta, những người VN còn thao thức với vận mệnh đất nước, với lương tâm con người suy gẫm để có thể “bắt đầu và lại bắt đầu” cho tương lai dân tộc. Xin trích những lời ông:

“Chỗ bắt đầu để con người có thể sống với nhau là lòng tin. Nếu không có lòng tin thì con người không thể sống với con người được. Con người đã từ lòng tin thần thánh, lòng tin tôn giáo mà đến với lòng tin có chứng cứ, tin vào những cái đích thật. Lòng tin vốn tự nhiên và mãnh liệt, lòng tin vốn không thể vay mượn hay áp đặt hoặc tước đoạt. Mất lòng tin là mất tất cả. Bi kịch lớn nhất của con người là mất lòng tin, khi con người không tìm ra cái đích thật để mà tin, khi giữa cuộc đời và thuyết giáo là một khoảng cách quá xa.

Trước ngưỡng cửa cuộc đời, những đứa trẻ thơ ngây được chúng ta dạy rằng: các em yêu quý, các em là những đứa trẻ hạnh phúc vì các em là Con Hồng Cháu Lạc. Giang sơn của các em là gấm vóc lụa là, thiên nhiên ưu đãi, tài nguyên giàu có, tiền rừng bạc biển… Cũng trong giáo dục vậy, ở nước Nhật người ta dạy con em họ rằng: “Các bạn nhỏ yêu quý, các bạn là những đứa trẻ bất hạnh. Bất hạnh vì các bạn sinh ra ở một đất nước hoàn toàn không có tài nguyên, không hề được thiên nhiên ưu đãi, một đất nước đã từng thua trong cuộc chiến tranh. Gương mặt của đất nước này, tương lai của các bạn là trong tay các bạn”. Giá như một lần chúng ta dạy con em rằng: “Các em ạ, cái nhục của sự nghèo khổ chẳng khác gì cái nhục của sự mất nước, đừng nghe những lời tâng bốc hão huyền…vì các em ạ, bi kịch và cả hài kịch đều xảy ra ở bất cứ đâu mà lý thuyết và thực hành, lời nói và hành động lại ở một khoảng cách quá xa…”.

Ngày nay các bạn trẻ được sống ở một đất nước “tiền rừng bạc biển ” đang lấy làm may mắn và tự hào vì được đi…Nhật làm. Còn những đứa trẻ bất hạnh của nước bạn giờ ra sao? Câu trả lời ai ai cũng biết.

Giuse Nguyễn Đức Thịnh