Đâu là nguyên lý của hành động?

102

1Chiều ngày 04/10/2014, Chuyên đề khóa 31 của Chương trình Chuyên đề Giáo Dục, Ban Mục vụ Gia Đình TGP. Sài Gòn đã khai giảng, với chuyên đề khai màn: “Nguyên lý hành động”, do chuyên gia Vũ Đức Trí Thể, Công ty TGM Training, thuyết giảng. Tới tham dự có hơn 70 bạn trẻ và sinh viên, từ 18 – 25 tuổi. Buổi học đem lại nhiều điều lý thú cho học viên với những khám phá mới lạ.

1. Cái gì khiến bạn hành động?

Đó là câu hỏi mở đầu để tìm hiểu nguyên lý cho mọi hành động trong cuộc sống chúng ta. Mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau, tùy theo hoàn cảnh, quan điểm sống của mình. Tuy nhiên, trong mọi lát cắt riêng lẻ, chúng ta luôn tìm được một điểm đồng quy: Nếu như bạn cho rằng động lực, mong muốn, ước mơ, nhu cầu, cảm xúc, sở thích, tính tò mò v.v… đưa bạn tới hành động, thì điều cốt yếu khó phủ nhận chính là “nỗi sợ” thúc đẩy chúng ta phải hành động.

Chỉ có nỗi sợ một điều gì đó mới đẩy con người tiến tới bước phải hành động một việc cụ thể. Có người sợ thiếu tiền nên phải đi làm kiếm sống; sợ thất nghiệp nên phải cố gắng trong công việc; sợ ngu dốt nên phải học hành; sợ cô đơn nên phải tìm kiếm người đồng cảm, yêu thương; sợ không có định hướng trong cuộc đời nên phải đi tìm lẽ sống…

Vậy, trong muôn vàn nỗi sợ đó, điều đáng sợ nhất là gì? Chính là “cho phép” bản thân bị mắc kẹt ở mức trung bình. Khi chúng ta không cố gắng trong hoàn cảnh của mình để vươn lên, tự cho phép mình sống thế nào cũng được là chúng ta đang thất bại với đời. Trong khi đó, cuộc đời luôn đòi hỏi chúng ta phải cố gắng, nhưng chúng ta lại bị kéo ghì xuống bởi muôn vàn cám dỗ của thú vui trần tục mà quên đi ý nghĩa của cuộc đời. Khi sa đà vào những đam mê nhỏ nhoi, những thói xấu đời thường, người trẻ sẽ không còn thời gian cho việc học hành, nghiên cứu, đánh mất cơ hội chuẩn bị hành trang cho mình sau này giúp ích cho cuộc sống và xã hội.

Khi ta “cho phép” bản thân bị mắc kẹt ở mức trung bình là chúng ta không dám buông bỏ những thứ cần phải buông để tiến bước về phía trước. Mặc dù lòng người luôn ước mong, hướng tới thành công, nhưng những hành động trong hiện tại lại đi ngược lại với những ước muốn đó, nói khác đi là chúng ta “cho phép” bản thân bị mắc kẹt ở mức trung bình là chúng ta tự phá hủy ước vọng thành công của mình.

2. Thất bại lớn nhất của đời ta là gì?

Nếu như “cho phép” bản thân bị mắc kẹt ở mức trung bình là chúng ta thất bại với đời, nhưng thất bại lớn nhất của đời ta chính là thất bại với chính mình. Mất niềm tin, tự mãn, mất cơ hội, không dám làm, không có mục tiêu rõ ràng, chấp nhận thất bại… đã là thất bại lớn nhất của đời người chưa?

Theo chuyên gia Vũ Đức Trí Thể, thất bại lớn nhất của đời ta là ta không tham gia 100%trong cuộc sống. Khi chúng ta không sử dụng hết khả năng và tiềm năng bản thân vào mọi việc, từ nhỏ tới lớn, là chúng ta thất bại với chính mình. Cuộc đời, với nhiều khó khăn và thử thách luôn đòi hỏi mỗi người phải biết sống hết mình. Ngược lại, chính bản thân ta cũng đòi hỏi những người xung quanh phải sống hết mình với chúng ta. Sinh viên đi học luôn ước mong giáo viên lên giảng đường phải giảng hết mình, bằng cả tâm huyết mà họ có. Cũng vậy, giảng viên mong các học viên của mình biết học thật sự chứ không học kiểu “nửa vời”. Tương tự, khi chúng ta có người thân phải giải phẫu, chúng ta luôn cầu mong bác sĩ cứu chữa tận tình và tập trung hết mình cho ca phẫu thuật. Sống hết mình cho công việc học hành, trong các mối tương quan cuộc sống là nguyên lý thứ 2 của hành động đưa con người tới thành công trong cuộc đời.

3. Kỷ luật với bản thân

Kỷ luật với bản thân là thứ quyết định cho ta hành động và thành công. Song, chúng ta cần hiểu đúng kỷ luật là ta phải làm những điều mà mình không muốn hoặc không thích nhưng nó có ích (theo nghĩa tích cực) cho bản thân.

Trong cuộc sống, chúng ta chỉ cần sống kỷ luật 10% thôi cũng đủ giúp ta đi tới thành công. Bởi vì, khi chúng ta đạt được 10% kỷ luật với mình, chúng ta sẽ đi đến thói quen làm công việc đó, từ đó sẽ đi đến đam mê. Thực tế chứng minh: Con người có thể nghiện bất kể thứ gì, về tích cực cũng như tiêu cực, nếu bước đầu chúng ta tự cho phép mình làm theo nó. Vậy, tại sao chúng ta không chọn cho mình những kỷ luật, những thói quen để đi đến thành công trong cuộc đời? Hiểu được nguyên tắc đi từ kỷ luật bản thân đến thói quen và đam mê, bạn có thể chọn cho mình những thứ để đặt nền móng cho sự thành đạt mà bạn đang hướng tới, Đây là nguyên lý hành động thứ 3 không phải ai cũng hiểu và làm được để đi đúng đường cho mục tiêu thành công.

4. Nếu có một sức mạnh hay quyền lực nào đó, thì quyền lực “tuyệt đối” là gì?

Đây là câu hỏi có thể còn mới lạ với nhiều người, hoặc chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến có một quyền lực “tuyệt đối” ở nơi ta mà không ai có thể tước đoạt được. Đó chính là quyền lựa chọn.

Trong bất cứ lựa chọn nào của bạn, của tôi đều đem lại hệ quả của nó: hoặc tích cực – ta gọi là kết quả, hoặc tiêu cực – ta gọi là hậu quả. Nhiều người khi bắt tay vào làm việc, khi nhắm đích thành công luôn chăm chú đến hệ quả thay vì tập trung vào sự lựa chọn và hành động. Thêm vào đó, những thứ ta phấn đấu và đạt được, ta lại lấy đó làm mục đính sống mà quên đi mục đích sống phải ở trong con người mình chứ không phải những thứ ta nắm bắt được. Khi hiểu được giá trị của quyền lựa chọn, chúng ta sẽ biết mình cần phải cho gì và từ bỏ gì để hành động cho đúng và đạt được thành công trong cuộc sống.

Sau 3 giờ diễn giải 4 nguyên lý của hành động, chuyên gia Vũ Đức Trí Thể dành thời gian lắng nghe chia sẻ của các bạn sinh viên, những băn khoăn về học hành và việc làm trong tương lai. Những câu trả lời tương tác đã phần nào làm thỏa mãn thắc mắc của các bạn trẻ. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề và đào sâu hơn nữa về những đề tài của sinh viên, đặc biệt về “sự học”, cần có nhiều thời gian hơn nữa và chuyên gia hẹn gặp các học viên vào chiều thứ Bảy, ngày 11/10 sẽ tiếp tục chia sẻ đề tài “Nhìn lại sự học”. Hy vọng đây sẽ là chuyên đề giúp các bạn trẻ gỡ rối nhiều vấn đề trong học hành cũng như trong xác định nghề nghiệp và hướng đi thành công.

Phong Linh