Đau Khổ Vì Yêu (Lễ Bệnh Nhân)

69

Ngày thế giới bệnh nhân vào ngày 11 tháng 2 hằng năm, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đặt vào đó những suy tư về đau khổ và giúp mọi người quan tâm đến anh chị em đang gặp đau khổ nhiều cách.

Thập hình và thập giá đời là biểu hình của đau khổ. Đau khổ là một điều đáng tiếc không đáng có trong lịch sử con người, thế nhưng tội đã đi vào trong thế nhân, đau khổ là thực tại không thể né tránh.

Những tiếng ca thán trong đau khổ vẫn vang lên tới trời cao. Biết bao đau khổ của từng ngày: Tang chế – thất bại – thiên tai – bệnh tật, đau khổ nội tâm – đau khổ đến từ bạo lực – chuyên chế…Những tiếng kêu la, những lời ai óan, những đêm thức trắng, những ngày lam lũ, những thân phận tủi nhục, ngục tù. Hàng ngàn, hàng triệu cách đau khổ đang từng ngày dày xéo trên thân phận.

Đau khổ như một hiển nhiên khó chịu, con người có khi cam phận, có khi vùng chỗi dậy đi tìm nguyên nhân để mong thoát khỏi. Phải chăng sự xích mích giữa các thần, hay những nhị nguyên để giải thích đau khổ? Thời lưu đày Babylon, người Do Thái có khi bị cám dỗ nghĩ rằng, Thiên Chúa của họ đã thua vị thần nào đó mạnh mẽ hơn. Thiên Chúa vẫn im lặng không lý giải. Người không tin vào Thiên Chúa nghĩ rằng: “Không có Thiên Chúa hiện diện” (Tv 10, 4), hoặc là “Không thể hiểu biết” (Tv 73, 11), và có người đã khuyên nhủ người khác “Hãy nguyền rủa Thượng Đế đi” (Gb 2, 9). Thiên Chúa vẫn im lặng! và sự im lặng của màu nhiệm Thập Giá.

Đau khổ từ đâu đến: Từ nguyên nhân thiên tai – từ nguyên nhân đổ vỡ các mối tương quan – từ các đối lực – Từ tội lỗi nguyên tổ. Không lý giải hết những nguyên nhân đau khổ, con người lại chứng kiến những cái chết của người công chính – những trẻ thơ – những người vô tội, để hoài nghi, trong thế gian này, công lý đã thất bại (Hab 1, 2 – 4; Mal 2, 17…)

Không lý giải được đau khổ, tiền nhân đã liệt nó vào trong mầu nhiệm. Chính vì là mầu nhiệm, không lý giải được nguyên nhân, tiền nhân lại đặt vào đó những ý nghĩa: Sự thanh luyện (Gr 9, 6), sự giáo dục (Đnl 8, 5), sự sửa phạt bởi lòng nhân lành (2Mac 6, 12 – 17; 7, 31 – 38). Từ những ý nghĩa tích cực của đau khổ người công chính nhận ra rằng: Đau khổ là một mạc khải về ý định của Thiên Chúa (Gb 42, 1-6), từ đó nhận ra sự thử thách của Thiên Chúa (Gr 15, 10 – 19).

Đỉnh điểm của ý nghĩa đau khổ là có giá trị cứu độ. Hình thành từ kinh nghiệm của những người công chính và tìm gặp trong một người mang lấy thân phận của “người tôi trung đau khổ” (Is 52), người tôi trung đau khổ ấy lại là một người vô tội, đó là điều shock nhất của lịch sử con người. Con Thiên Chúa đến lãnh nhận mọi đau khổ của con người, đau khổ tột đỉnh nhất là chết trên thập giá như một kẻ có tội, ngôn sứ Isaia diễn tả đến mức “Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích”(Is 53,2).

Thánh Bênađô ghi nhận “ Thiên Chúa không thể đau khổ nhưng Người đau khổ cùng với con người”. “Chỉ có một Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến độ mang lấy trên mình những vết thương và đau khổ của chúng ta, nhất là đau khổ của những người vô tội mới xứng đáng cho chúng ta tin.” (Sứ điệp Urbi et Orbi Message, Phục Sinh 2007)

Đau khổ mặc lấy vinh quang nhờ sự Phục Sinh của Chúa, Chúa đã mang lấy đau khổ của con người để con người tìm được gánh nhẹ nhàng, ách êm ái. Chúa mang lấy sự hận thù, ghen ghét, ích kỷ của con người để họ tìm thấy nơi Người Tình yêu tha thứ, quảng đại, chết vì bạn hữu. Chúa hoán đổi thân phận con người tội lỗi trở nên con của Thiên Chúa.

Với anh chị em đang đau khổ Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI trong ngày lễ bệnh nhân 2011, trích lời Thánh Ighatio Loyola cầu nguyện: “Lạy Nước và từ cạnh sườn Chúa Kitô, xin rửa con. Lạy cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, xin cho con được mạnh sức. Ôi Lạy Chúa Giêsu tốt lành, xin nghe lời con cầu nguyện. Xin giấu con trong vết thương của Chúa”

Đặt niềm tin, sự cậy trông và lòng yêu mến nơi Thiên Chúa trong Chúa Giêsu, bạn sẽ tìm thấy gánh nhẹ nhàng và ách êm ái của tình yêu. Đau khổ sớm biến thành niềm vui (Ga 16, 20).

Đặc biệt trong ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Một người Mẹ đã trải nghiệm qua “trái tim chịu đâm thâu” (Lc 2, 35). Mẹ Hằng Cứu Giúp. Đức Bà cứu kẻ liệt, kẻ khốn. Đức Bà an ủi kẻ âu lo. Đức mẹ bầu chữa. Xin Mẹ cho chúng con biết cùng Mẹ chia sẻ những đau khổ của anh chị em chúng con.

L.M Giuse Hoàng Kim Toan