VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT Đau khổ và lòng thương xót

Đau khổ và lòng thương xót

đau khổCó thể nói, đau khổ gắn liền với thân phận con người; còn lòng thương xót thuộc bản tính của Thiên Chúa. Nếu như đau khổ cần được giải thoát, vết thương cần được chữa lành thì người đau khổ cần tương quan với Thiên Chúa của lòng thương xót như nhu cầu khẩn thiết và sống còn trong đời sống tâm linh. Tương quan này đã được tác giả Henri Boulad khẳng định trong tác phẩm All is Grace, qua câu nói: Đau khổ tạo nên vết thương là cửa ngõ để Thiên Chúa đi vào tâm hồn con người. Như thế, đau khổ không còn là thực tế mà nhiều triết gia và nhà tư tưởng dựa vào đó để khước từ Thiên Chúa nhưng là tùy duyên giúp con người khám phá ra sự gần gũi và lòng thương xót của Thiên Chúa. Quan sát thế giới đau khổ sẽ cho chúng ta nhiều bài học ý nghĩa.

Cách đây khoảng 15 năm, khi chưa đi tu, tôi và chị H đã tình nguyện đi vào các bệnh viện để trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân dưới sự bảo trợ của Cha H, dòng Chúa Cứu Thế. Chuyện xảy ra tại bệnh viện Nguyễn Trãi Q.5, TP-HCM. Lúc đó, chị H bị ung thư gan bước sang giai đoạn cuối chờ chết. Gia đình chị đã đi xem bói và thầy bảo bệnh này không qua khỏi trừ khi có một Đấng nào đó phù giúp. Thế nên, anh N, chồng chị chạy vạy để chuẩn bị ma chay cho chị, một chiếc quan tài đã chuẩn bị ở góc nhà. Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi, chị nhờ chúng tôi mời một cha để ban các phép sau hết, 2 tuần sau chị khỏi hẳn trước sự ngỡ ngàng của đội ngũ bác sĩ trong bệnh viện. Chúng tôi hỏi về lịch sử đời chị, chị chia sẻ rằng: ngay từ nhỏ đã nhận bí tích Thanh Tẩy theo đạo mẹ nhưng vì mẹ mất sớm nên chị không còn giữ đạo nữa !… Trong lúc nằm đau đớn vì căn bệnh di chứng hành hạ, cộng thêm nỗi khổ của gia đình nghèo, chị như bị cô lập hoàn toàn và mọi quá khứ đã ùa về trong ký ức của chị. Khi thấy một số người tập trung bên giường bệnh nhân bên cạnh mình để đọc kinh cầu nguyện với lòng Chúa thương xót gì đó, chị càng cảm thấy tủi thân. Chị được nghe những người lớn kể lại rằng chị đã được lãnh bí tích Thanh Tẩy khi mẹ còn sống. Từ đó, chị mạnh dạn xin tấm ảnh Chúa chuộc tội của chị bạn ở giường bên, để đầu giường và kêu cứu Đấng đội mão gai ấy. Nỗi đau của chị như được vơi đi vì thấy rằng có “một người” còn đau khổ hơn mình nữa ! Và một ánh sáng lóe lên trong đầu chị: hãy xin một cha đạo Công giáo đến để trợ giúp mình. Và rồi, lòng thương xót Chúa đã đậu lại trên cuộc đời của chị.

Qua đó, chúng ta thấy rằng khi người ta cảm thấy bất lực trước những vấn nạn của cuộc sống, họ chạy đến với Đấng toàn năng có toàn quyền giải thoát họ. Chính trong sự đau khổ cùng cực, cảm thức tâm linh đã chỗi dậy như một thứ men thiêng liêng làm dậy lên khối bột tinh khiết. Trong trường hợp của chị H, ấn tín của bí tích Thanh Tẩy không vì thế mà bị mất đi. Ơn Chúa vẫn đồng hành và tác động trong đời sống chị giúp chị vượt qua mọi khó khăn mặc dầu chị không ý thức Đấng ấy là ai. Bây giờ, chị đã kinh nghiệm Đấng ấy có tên là Thương Xót mà chị kêu cầu mỗi ngày lúc 3 giờ chiều. Đau khổ và cái chết gần kề đã giúp chị yêu quá cuộc đời vì được cảm nghiệm một Đấng hằng yêu thương và săn sóc chị.

Chuyện thứ hai liên quan đến người chị dâu của tôi. Chị bị ung thư tử cung, phải trải qua nhiều giai đoạn xạ trị, bao đợt tóc rụng rồi lại mọc ra là bao đợt nỗi đau cứ chồng chất trong cuộc đời chị. Thế nhưng, kỹ thuật và công nghệ y học hiện đại của Mỹ đã không tránh khỏi những giới hạn của mình, đành bó tay trước căn bệnh trầm kha của chị. Tôi nhớ có lần chị gọi điện thoại về hỏi thăm từng người trong gia đình, tôi đã hỏi chị: Làm sao chị vượt qua được những nỗi đau hiện tại ? Chị trả lời: Mỗi lần cơn đau hoành hành, chị cảm nhận được một sự nâng đỡ nào đó từ thế giới bên kia và chị nghĩ ngay đến một ai đó sẽ bớt đau khổ từ sự chấp nhận cơn đau của mình. Từ đó, tôi hiểu rằng người ta sẽ bớt đau khổ khi nghĩ đến nỗi bất hạnh của người khác hơn là chỉ quay quắt trong chính mình. Chính khi cảm thức về nỗi đau của một ai đó, con người được vơi đi nỗi đau. Và tôi cũng rút ra được một chân lý khác: Thánh giá không quá sức tôi. Bây giờ, tôi hiểu phần nào lời Chúa phán với thánh Phaolô khi ông xin cất khỏi cái “dằm” đang nằm trong thân xác ông: “ Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9) Thật vậy, chính sự yếu đuối bất lực của con người khi đối diện với mầu nhiệm của cuộc sống đã giúp mở ra một thế giới của quyền năng và sức mạnh chữa lành của lòng thương xót Chúa.

 Như chúng ta đã khẳng định đau khổ gắn liền với thân phận con người, thế nên, không ai tránh khỏi niềm đau nỗi khổ trong cuộc đời, nhưng cuộc sống sẽ lụi tàn và thất vọng hay thăng hoa và hy vọng đều tùy thuộc vào thái độ của ta khi đối diện với những mầu nhiệm cuộc đời. Không phải vì tri thức con người không giải thích được mà nó được coi là mầu nhiệm nhưng theo Đức Bênêdictô XVI: mầu nhiệm phải được mở ra trong ánh sáng của đức tin. Cũng vậy, mầu nhiệm đau khổ phải được sống trong đức tin, nghĩa là cảm nghiệm được sự nâng đỡ và xót thương của Chúa trong chính đau khổ của cuộc đời. Đau khổ giúp làm sống dậy trong chúng ta cảm thức về tôn giáo, về sự hiện diện của một Đấng giải thoát mọi đau khổ và chữa lành mọi vết thương. Đồng thời, đau khổ cũng giúp ta nhìn xuống nỗi bất hạnh của người khác bằng lăng kính cảm thông và xót thương. Và như thế, đau khổ không chỉ tạo nên vết thương là cửa ngõ để Thiên Chúa đi vào tâm hồn con người mà còn là nơi gặp gỡ của những tâm hồn đau khổ luôn cần đến lòng thương xót của Ngài.

Biển khổ kiếp nhân sinh

Ôm trọn tấm hình hài

Sóng ồn ào cuồn cuộn

Như cuốn mất tương lai

Sóng khổ sẽ qua đi

Khi niềm tin còn mãi

Biển khổ sẽ lặng thầm

Lòng Thương Xót không phai.

EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist

Exit mobile version