SUY NIỆM Cầu nguyện Dấu ấn phục vụ

Dấu ấn phục vụ

Dấu ấn phục vụ

 

Chúa Giêsu giáng sinh làm người để CƯ NGỤ giữa chúng ta (Ga 1:14), để YÊU THƯƠNG chúng ta, để CHIA SẺ mọi nỗi vui buồn với chúng ta, nói chung là để PHỤC VỤ chúng ta. Một vị Chúa Tể càn khôn mà khiêm hạ đến vậy sao?

Chúa Giêsu nói: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20:26-27; Mc 10:43-44). Ngài không nói suông, không “chỉ tay năm ngón”, không ra lệnh, mà Ngài làm thật: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28; Mc 10:45).

Như vậy, phục vụ là “điểm son” của đức tin. Vị Khai Sinh đức tin của chúng ta (Dt 12:2) đã hoàn toàn phục vụ người khác, thậm chí là rửa chân cho các đệ tử của mình (x. Ga 13:4-10). Cuộc đời Ngài luôn từ bỏ tất cả vì vinh quang Nước Trời và phục vụ mọi người. Ngài không tìm ý riêng mà tìm ý của Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài (x. Ga 5:30). Các Tông đồ, từ Thánh Phêrô tới Thánh Phaolô, cũng đều là những người phục vụ. Gương của Đức Giêsu, của các Tông đồ và các môn đệ thời sơ khai đều coi trọng sự phục vụ.

Sự phục vụ là điều tự nhiên đối với các Kitô hữu khi họ bắt đầu đánh giá cao những gì đã được làm cho họ. Khi chúng ta dành tình yêu cho Đức Kitô càng sâu đậm, chúng ta càng mong muốn phục vụ Ngài – phục vụ tha nhân là phục vụ chính Ngài. Chính đức tin trưởng thành khiến chúng ta bắt chước Đức Kitô mọi cách. Ngài đã yêu thương và phục vụ để chúng ta yêu thương và phục vụ. Chúng ta hành động vì người khác trước, ngay cả trong những việc chúng ta cảm thấy không thoải mái.

Chương 2 trong sách Công vụ nói nhiều đến việc phục vụ. Người ta phục vụ nhau bằng cách bán những gì mình sở hữu để giúp người nghèo (Cv 2:42-47). Động thái đó vẫn tiếp tục trong thời kỳ đầu của Giáo hội: “Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu” (Cv 4:32, 34-35), đó là “đặc điểm” để nhận biết các tông đồ. Thời gian trôi qua, Giáo hội phát triển và vẫn luôn được khuyến khích phục vụ (x. Rm 12:11; Gl 5:13; Dt 12:28; 1 Pr 4:10).

Thật lợi ích cho các Kitô hữu biết coi việc phục vụ là điều cần thiết, Chúa Giêsu đã phục vụ chúng ta hết mình thì rất đáng để chúng ta phục vụ người khác. Tự bản chất, phục vụ là hy sinh. Những vĩ nhân được thế giới khâm phục và ca tụng cũng đều là những người biết sống vì người khác, luôn sẵn sàng phục vụ người khác.

Chắc hẳn chúng ta đã nhiều lần tự vấn: “Chúa Giêsu muốn gì ở tôi?”. Chắc chắn Thiên Chúa chỉ trả lời chân thật, ngắn gọn và thẳng thắn: “Mọi thứ. Đừng giữ lại thứ gì cho riêng mình”. Và Ngài đã làm gương: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8:20; Lc 9:58). Vậy đó!

Chúng ta đã “quen tai” với lời kêu gọi của Đức Kitô: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6:33). Vì “quen tai” và vì “biết tỏng” nên chúng ta thấy bình thường, thậm chí có thể là “vô tác dụng”. Chúng ta cũng “quá biết” chuyện người thanh niên giàu có muốn nên trọn lành, anh ta đã giữ mọi giới luật từ nhỏ, Chúa Giêsu nói: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10:21). Nghe vậy, anh ta “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mc 10:22). Chúa Giêsu luôn nói rất thật, không hề bóng gió, và Ngài nói riêng với từng người như vậy. Chính của cải và gia đình lại là “chướng ngại vật” (x. Mc 10:29-31; Lc 14:26), những thứ đó cần thiết và là “vật bất khả ly”, nhưng lại khiến chúng ta không thể phục vụ Chúa đúng mức!

Lời Chúa có lúc làm chúng ta vui, nhưng thường thì Lời Chúa làm chúng ta “đau” và khiến chúng ta “khó chịu” lắm! Tại sao? Vì Lời Chúa “cản trở” công việc của chúng ta, “cản lối” những hoạch định tương lai của chúng ta, “cản mũi kỳ đà” những dự tính của chúng ta. Và chúng ta lý luận là phải có thời gian dành riêng cho mình. Chúng ta cho rằng Chúa đòi hỏi quá đáng. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta tham dự những buổi phụng vụ ở nhà thờ, đọc kinh ở nhà, thăm viếng bệnh nhân, tham gia các hội đoàn, đi làm từ thiện, dâng cúng tiền xây dựng nhà thờ, học lớp Kinh thánh, tìm hiểu Giáo huấn Xã hội Công giáo, học khóa thần học,… Thế là đủ lắm rồi! Vì thế, chúng ta có thể ảo tưởng, tự mãn nguyện với những gì mình làm mà hóa kiêu ngạo, đôi khi có thể chỉ vì mình mà cứ tưởng vì Chúa!

Phục vụ Đức Kitô là việc quan trọng hơn mọi thứ khác. Đó là bổn phận và trách nhiệm của chúng ta với Chúa, phải là “ưu tiên số một”. Bởi vì chúng ta đều là tôi tớ, tước vị hay chức vị chỉ mang tính xã hội, ai cũng chỉ là người mắc nợ qua Máu Thánh mà Ngài đã đổ ra để cứu độ chúng ta thoát khỏi ách tội lỗi và sức mạnh của bóng tối (x. Cl 1:13). Chúng ta đã được cứu thoát bằng giá rất đắt (1 Cr 6:20; 1 Cr 7:23) vì đó là “giá máu” của chính Đức Kitô, Thiên Chúa Ngôi Hai (Cv 20:28). Mục đích của chúng ta là trở thành “đầy tớ tài giỏi và trung thành” (x. Mt 25:21), là những người sẽ được Thiên Chúa trọng thưởng (x. 2 Tm 4:6-8).

Quả thật, chúng ta chẳng là gì, vì chúng ta quá yếu đuối! Chúng ta sẽ không bao giờ có thể đền đáp Ơn Cứu Độ mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Mãi mãi chúng ta không thể thanh toán hết món “nợ máu” đó. Hãy khiêm nhường thú nhận tội lỗi để xin Thiên Chúa xót thương, chắc chắn chúng ta sẽ không phải thất vọng. Phục vụ nhau là cách đền tội và tuân lệnh Đức Giêsu đã truyền. Đó là công lý và hòa bình!

Từ hang Bêlem tới đỉnh đồi Can-vê, cuộc đời Chúa Giêsu trải dài và in đậm dấu ấn PHỤC VỤ.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xấu hổ quá!

TRẦM THIÊN THU

Exit mobile version