Đạo làm người Công giáo

272

ĐẠO LÀM NGƯỜI CÔNG GIÁO

1. Người Công giáo là ai? Người Công giáo là người theo đạo yêu thương nhau, là người đi nhà thờ, là người của Thiên Chúa giáo… Đó là những định nghĩa từ ngoài về người Công giáo. Những định nghĩa theo chiều dài lịch sử được hình thành từ việc đồng bào Việt Nam quan sát lối sống cùng những sinh hoạt đặc thù của người Công giáo Việt Nam. Dầu vậy, liên kết ba định nghĩa đó cũng có thể cho thấy ba nhân tố chính yếu – Thiên Chúa, tình thương và Giáo hội Công giáo -, làm nên nền tảng cho đời sống của người Công giáo.

2. Định nghĩa mới. Căn cứ vào những trải nghiệm ở chiều sâu đời sống đạo, người Công giáo còn được định nghĩa là người cảm nhận mình được Chúa thương, đồng thời ý thức ân huệ đó đã trở thành luật căn bản cho cuộc sống làm người. Nói cách khác trọng tâm của đạo làm người là yêu thương người khác như Thiên Chúa yêu thương. Vì thế, trong quan hệ với Thiên Chúa, cũng như trong quan hệ với đồng đạo, đồng bào, đồng loại, người Công giáo chân chính là người chu toàn bổn phận hàng đầu là lấy tình thương đáp trả tình thương.

3. Niềm tin của người Công giáo. Người Công giáo là người ý thức tình thương của Thiên Chúa đã trở thành định luật cho cuộc sống làm người. Ý thức đó phát xuất từ niềm tin vào những gì Ba Ngôi Thiên Chúa đã và đang làm cho gia đình nhân loại. Người Công giáo là người tin vững vàng rằng:

– Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá đã dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài là Tình Yêu. Nói cách khác, người Công giáo tin rằng Thiên Chúa là Cha yêu thương, là gốc rễ sự sống, là cội nguồn tình yêu. Lịch sử xác minh con người đã nhiều lần xa rời nguồn gốc của mình, đã đi lạc đường, do đó đã phạm nhiều sai lầm, đã tạo ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho cuộc sống nhân loại. Vì thế Thiên Chúa đã có ý định đưa gia đình nhân loại trở về đường ngay nẻo chính, để đi đến sự sống mới, sự sống dồi dào trong ánh sáng chân lý và tình yêu, trong sự hợp nhất và an bình.

– Là Người Cha giàu lòng từ bi nhân hậu, khoan dung, Thiên Chúa Cha đã sai Người Con Một, là Đức Giêsu, đến trong thế giới loài người, hoà nhập vào đời sống gia đình nhân loại, chia sẻ phận người trong thiên hạ, không phải để kết án hay trừng phạt, song để thể hiện Tình Thương vô biên đối với loài người. Theo ý định của Chúa Cha, Đức Giêsu đã mở ra con đường cứu độ, đưa các dân tộc thuộc mọi chế độ xã hội thoát ra khỏi mọi sự dữ cùng những sai lầm và thiếu sót. Và cho đến tận cùng thời gian, Đức Giêsu cùng Hội Thánh của Ngài vẫn đồng hành với gia đình nhân loại, trên đường yêu thương cứu độ, hướng đến nguồn sống mới.

– Qua lời cầu khẩn của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, Chúa Cha đã sai Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa đến với gia đình nhân loại, hiện diện trong cuộc đời của mọi người thành tâm thiện chí, soi dẫn cho họ ý thức và quyết tâm đổi mới con tim và canh tân đời sống. Nhờ đó con người có điều kiện thuận lợi đón nhận quà tặng “sự sống mới”, sự sống dồi dào, từ Chúa Giêsu Phục Sinh.

4. Sống luật yêu thương là lấy tình thương đáp trả tình thương. Trong mối quan hệ với Ba Ngôi Thiên Chúa, bổn phận lấy tình thương đáp trả tình thương đề ra cho người Công giáo việc cần làm hàng đầu, là năng gặp gỡ Chúa, lắng nghe Lời Ngài và mang ra thi hành trong cuộc sống làm người.

Điều cần lưu ý là Lời Chúa không những được ghi lại trong Sách Thánh, song còn là Lời nhập thể làm người ở giữa chúng ta, ở trong bí tích Thánh Thể, Lời được triển khai trong đời sống và giáo huấn của Giáo hội, Lời như hạt giống đã được gieo trên thửa đất nền văn hoá các dân tộc. Và Lời Chúa là Lời ban ánh sáng chân lý và bình an, Lời ban sức sống mới, Lời yêu thương, soi dẫn cho con người đi đến sự sống dồi dào.

Vì thế, người Công giáo chính thực còn là người chuyên cần cầu nguyện, cầu nguyện trong gia đình, trong cộng đoàn, trong mọi hoàn cảnh vui buồn của cuộc đời. Đồng thời là người chú tâm tìm hiểu, học hỏi, suy gẫm Lời Chúa hiện diện trong cuộc sống nhân loại, và mang ra thực hành trong đời sống gia đình và xã hội.

5. Đáp trả tình thương của Thiên Chúa còn có nghĩa là đồng hành với Chúa Giêsu. Đồng hành với Chúa Giêsu trên con đường yêu thương phục vụ mà Ngài đã mở ra cho mọi người đi đến nguồn sống dồi dào. Lộ trình yêu thương và phục vụ đề ra cho người Công giáo hai việc cần làm như sau: – một là hoà nhập vào đời sống văn hoá xã hội của gia đình nhân loại, nhưng không để bị nhiễm thói hư tật xấu và những tệ nạn xã hội, biết đồng cảm với phận người trong nhân loại, nhưng không gây phân hoá chia rẽ cho đời sống cộng đồng; – hai là dấn thân phục vụ cho Tin Mừng Đức Giêsu Kitô và cho sự sống cùng sự phát triển của mọi người.

Công việc phục vụ cho Tin Mừng trong bối cảnh văn hoá xã hội hôm nay đề ra cho người Công giáo hai việc cần làm như sau : – một là cùng nhau vun tưới cho những hạt giống Lời Chúa đã được gieo vào lòng đất văn hoá của các dân tộc, được phát triển và đơm bông kết trái thơm lành cho mọi người; – hai là chung sức với mọi người thiện tâm xây đắp nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho gia đình nhân loại trong thế giới hôm nay.

Trong công việc phục vụ cho sự sống cùng sự phát triển của gia đình nhân loại, người Công giáo cần lưu ý hai điều này : – bước theo Chúa không phải là đứng về cánh hữu hay phe tả, hay chạy theo một thế lực trần thế, – theo Chúa để yêu thương và phục vụ, chớ không phải để chống đối, kết án và loại trừ nhau.

6. Đáp trả tình thương của Thiên Chúa còn có nghĩa là cộng tác với Chúa Thánh Thần. Cộng tác với Chúa Thánh Thần đổi mới lòng trí con người, soi dẫn người người tiến bước trong ánh sáng Chân Lý và Tình Yêu của Chúa cứu độ, để đi đến nguốn sống mới của Chúa Phục Sinh, là sự sống dồi dào trong sự hợp nhất và an bình.

Sự cộng tác này đòi hỏi mỗi người Công giáo quan tâm làm mới cách nghĩ, cách nói. cách hành động, cách ứng xử, cách tu thân, cách tề gia, cách trị quốc của mình, sao cho thuận ý trời, hợp với bối cảnh văn hoá xã hội, và hoà với lòng dân. Nhằm làm cho cách tu thân, cách tề gia, trị quốc, mang lại bình an và niềm vui, yêu thương và hợp nhất cho gia đình nhân loại.

7. Chỗ đứng và vai trò người Công giáo trong cộng đồng chính trị. Sứ mạng đồng hành với Chúa Giêsu yêu thương và phục vụ, đòi hỏi mỗi người Công giáo ý thức chỗ đứng và vai trò của mình trong cộng đồng chính trị. Theo giáo huấn của Giáo hội, vai trò đó đề ra cho người Công giáo những nghĩa vụ công dân như sau :

(1) trước hết là đối thoại trong ánh sáng chân lý và tình yêu, và chung sức với mọi người thành tâm phục vụ cho công ích, cho sự sống cùng sự phát triển của mọi người ;

(2) chung sức với mọi người xây mới trật tự xã hội, một trật tự xã hội không phải chỉ có luật và lệnh, song ngày càng mang tính nhân văn, làm nền tảng cho sự phát triển vững bền của con người cùng đất nước;

(3) góp công xây mới nền giáo dục, một nền giáo dục không phải chỉ mang tính thực dụng, song ngày càng mang tính nhân bản và toàn diện, khai mở cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau lộ trình sống đạo làm người trong thiên hạ, và trở nên người tốt và hữu ích cho gia đình nhân loại;

(4) nói chung là cùng với mọi người thiện chí trong gia đình nhân loại xây mới ngôi nhà chung trên nền đá vững chắc là Lời Chúa, với bốn trụ cột vững bền là chân lý và tình yêu, công lý và hoà bình.

8. Xây mới sự hiệp thông. Nhiệm vụ lấy tình thương đáp trả tình thương đòi hỏi người Công giáo tiến bước trên con đường xây đắp tình hiếu thảo trung thành với Ba Ngôi Thiên Chúa, củng cố tình huynh đệ tương thân tương trợ trong Giáo hội, mở rộng tình huynh đệ đồng cảm và bao dung đối với đồng bào và đồng loại.

Trên con đường xây mới mối hiệp thông ba chiều đó, người Công giáo cần biết vận dụng những dị biệt trong cuộc sống nhân loại như cơ sở bổ túc và phong phú hoá lẫn nhau, đồng thời biết tránh biến những khác biệt thành cơ sở kết án và loại trừ nhau. Điều này đòi hỏi người Công giáo, trong đối xử với mọi người cũng như trong cách giải quyết mọi vấn đề, biết vượt qua sức ép của lòng tham sân si cùng tính đối kháng cố hữu, để cho ánh sáng chân lý và tình yêu của Chúa Giêsu soi dẫn suy nghĩ, lời nói, hành vi, phong cách ứng xử, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

9. Vượt khó. Kinh nghiệm từ thực tế cuộc sống cho thấy cái khó nhất trong các việc cần làm nêu trên là tu thân. Nói cách khác, việc mỗi người phải thoát ra khỏi sự khống chế của lòng tham sân si và tính đối kháng cố hữu nơi bản thân, việc làm mới quan điểm và phong cách của mình sao cho phù hợp với thiên thời, địa lợi, nhân hoà, đó là điều khó nhất trong cuộc sống làm người.

Vì thế, để có thể vượt khó, người Công giáo cần chú tâm kiên trì phát huy và liên kết ba lực chính sẵn có như tiềm năng trong cuộc sống nhân loại: – một là nội lực từ ý thức và ý chí nơi bản thân; – hai là trợ lực từ nghĩa gia đình, từ tình bằng hữu, tình đồng đội, đồng đạo, đồng bào; – ba là chủ lực từ các ân ban của Thiên Chúa là cội nguồn mọi điều thiện hảo.

Phát huy và liên kết ba tiềm năng đó làm thành động lực cho công việc tu thân, tề gia, trị quốc, con người mới có thể bình thiên hạ. Bình thiên hạ trong gia đình cũng như ngoài xã hội, trong bối cảnh một thế giới vừa đang trong tiến trình toàn cầu hoá, vừa chứa chất nhiều dị biệt và xáo trộn, nhiều mâu thuẫn và tranh chấp.

Phát huy và liên kết ba lực đó qua con đường chuyên cần cầu nguyện, kiên trì củng cố tình hiệp thông huynh đệ, và nhẫn nại thực hành việc đối thoại cùng hợp tác phục vụ cho sự sống và sự phát triển gia đình nhân loại.

 Cao Minh Mẫn