Danh vọng và số phận

85

Một năm nữa lại trôi qua theo quy luật tự nhiên bất biến. Điều vui chẳng nhiều, điều buồn chồng chất, nhất là sầu khổ vì Cúm Tàu hoành hành khắp nơi suốt 2 năm rồi. Xin Thiên Chúa thương xót và chúc lành mọi người. Xin Đức Mẹ cứu giúp và ban bình an cho thế giới.

Danh vọng và số phận là hai lĩnh vực khác nhau nhưng vẫn liên quan lẫn nhau. Mơ ước có danh vọng nên tìm cách hành động, chính hành động sẽ tạo nên số phận – vận mệnh hoặc định mệnh.

Cuộc sống luôn có những dịp đặc biệt như Giao thừa, Tết, Lễ, Sinh Nhật, Dịp Kỷ Niệm,… Đó là khoảnh khắc mang tính chất thiêng liêng, vì con người có HỒN và XÁC, chúng ta cùng suy nghĩ mấy điều này:

BUỒN không phải là lộ ra Bề Ngoài, mà là ẩn giấu Bên Trong

LỄ không phải là kéo người Trở Vào, mà là giữ người Ở Lại.

HAY không phải là gây Ngạc Nhiên, mà là tạo Thú Vị.

KHÉO không phải là làm Việc Lớn, mà là làm Điều Nhỏ.

KHỎE không phải là nhấc lên Mạnh, mà là để xuống Nhẹ.

KÍNH không phải là đối với Người Trên, mà là xử sự với Người Dưới.

XẤU không phải do Gương Mặt, mà là do Cách Sống.

Nhà giáo dục William Arthur Ward (1921-1994) nói: “Sự vĩ đại không nằm trong tài sản, quyền lực, danh vọng hay tiếng tăm. Nó được phát hiện trong lòng tốt, sự nhún nhường, sự phụng sự và tính cách.” Thi sĩ Edward Young (1683-1765) nói: “Danh vọng và tài sản có thể rơi xuống từ bầu trời, và sự giàu sang có thể tự tìm đến chúng ta, nhưng ta phải tự đi tìm sự hiểu biết.”

Sống sao nên vậy. Kinh Thánh nói: “Có lắm kẻ khi được các bậc ân nhân lấy lòng từ ái bao la mà đối xử thì sinh thói kiêu căng.” (Et 12c) Danh vọng như “bùa mê, thuốc lú” khiến người ta quay cuồng, điên đảo, thậm chí bất chấp tất cả. Người có niềm tin tôn giáo thì hiểu khác, vì Kinh Thánh cho họ biết điều phải làm, và họ ý thức đúng đắn: “Dù sống trong danh vọng, con người cũng không thể trường tồn; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết. Dù sống trong danh vọng, con người cũng không hiểu biết gì; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết.” (Tv 49:13, 21)

Xưa nay người ta vẫn coi danh vọng như “cái lọng che” mà ai cũng ước mong, dù mức độ có phần khác nhau. Thế nhưng, những ai có nó rồi thì lại thấy chán, những ai chưa có nó thì thấy ham – như ca dao Việt Nam nói: “Cái vòng danh lợi cong cong – Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào.”

Mặc dù chí sĩ Nguyễn Công Trứ (1778-1858) sống hàn vi nhưng luôn có chí tiến thủ, hướng thượng, nuôi lý tưởng giúp đời, muốn tự lập công danh và sự nghiệp. Thật vậy, trong thi phẩm “Đi Thi Tự Vịnh,” ông đã nhận định rất rạch ròi: “Làm trai đứng ở trong trời đất – Phải có danh gì với núi sông.” Như triệt buộc vậy!

Câu đó cũng có dị bản ghi: “Đã mang tiếng ở trong trời đất.” Cuộc đời ông thăng trầm trong sự nghiệp, được thăng thưởng cũng nhiều mà bị giáng phạt cũng lắm, thậm chí còn bị kết án trảm giam hậu (năm 1841) nhưng lại được tha, rồi năm 1843 bị cách chức chỉ còn là lính thú. Tất nhiên ông nói chung và có ý tích cực khi xác định là “làm trai phải có danh với núi sông.”

Ngày xưa người ta trọng nam, khinh nữ: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô.” Ngày nay đã khác, nhưng chưa thực sự bình đẳng đúng nghĩa, có lẽ ý tưởng “kỳ thị” đã “đâm rễ” quá sâu rồi. Vì thế, như phần cài đặt mặc định, nam giới luôn phải/bị là người “đứng mũi chịu sào.” Quả thật, “cái danh” quan trọng đối với mọi người, nhất là nam giới. Nhưng cũng chỉ vì “cái danh” đó mà kéo theo biết bao hệ lụy bất cập khác, thậm chí là tồi tệ, xấu xa!

Cái gì cũng có tính liên đới – dù tốt hay xấu, cụ thể hay trừu tượng. Trong bài “Chí Nam Nhi,” thi sĩ Nguyễn Công Trứ phân tích về nam giới:

Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc

Nợ tang bồng vay trả, trả vay

Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể

Vấn đề gì cũng có thể là đơn giản hoặc phức tạp. Chuyện làm trai là một vấn đề trong cuộc sống, nhất là thời xưa. Cụ Nguyễn Công Trứ khẳng khái đặt vấn đề: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử? Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.” Nghĩa là: “Xưa nay hỏi có ai không chết? Hãy để lòng son chiếu sử xanh.”

Chẳng ai phân định rạch ròi được ranh giới hoặc cấp độ của VINH và NHỤC, THẮNG và THUA, THÀNH CÔNG và THẤT BẠI, GIÀU và NGHÈO, SƯỚNG và KHỔ,… Có người cứ tưởng mình vinh mà thực tế là nhục, có khi người thắng mà lại là kẻ thua, có khi người thất bại mà lại là thành đạt, biên độ giàu – nghèo, sướng – khổ, đẹp – xấu, hoặc các lĩnh vực khác cũng tương tự như vậy!

Xin trở lại vấn đề danh vọng. Ở đây “cái danh” nghĩa là danh giá, danh dự, danh tiếng, nổi tiếng, nhiều người biết,… Là con người, ai cũng háo danh ở mức độ nào đó, chỉ khác nhau nhiều hay ít. Rất nguy hiểm nếu ai đó là người “hữu danh, vô thực.” Cũng bởi “cái tôi” mà ra, thế nên cứ phải đấm ngực sám hối: “Lỗi tại tôi mọi đàng.”

Vấn đề danh vọng có dính líu dục vọng, dục vọng dính líu tham lam, tham lam dính líu vật chất (tiền bạc, của cải,…), vật chất dính líu sự ích kỷ, sự ích kỷ gắn liền sự háo danh – dính líu danh vọng. Một vòng luẩn quẩn của con người. Tiền nhân thường nói chung và gom thành “bộ ba” là Tiền tài – Danh vọng – Vật chất.

Chắc chắn ai cũng biết rằng chí sĩ Nguyễn Công Trứ là người có tài, là con người của hành động. Trải qua nhiều thăng trầm, ông hiểu sâu sắc thế thái nhân tình, nên ông có “chất ngông” khá rõ nét. Cũng hợp lý thôi, bởi vì tư tưởng của ông đi trước thời đại (ngày nay gọi là “cấp tiến”), thì khó có người hiểu ông, thế nên ai cũng xa lánh hoặc tìm cách trù dập ông. Vì vậy, ông tỏ ra khinh bỉ và chán ngán sự đời: “Thế thái nhân tình gớm chết thay – Lạt nồng coi chiếc túi vơi đầy.”

Theo nghĩa ở đây, “túi vơi đầy” có ý nói về tiền bạc, của cải, vật chất. Ngày nay người ta gọi người có loại “túi” này là “đại gia.” Thời nào cũng có chuyện “nổi cộm” liên quan tiền bạc, thời nay càng “rõ nét” hơn. Thảo nào cổ nhân đã nhận xét: “Bần cư trung thị vô nhân vấn, Phú tại sơn lâm hữu khách tầm.” – Nghèo mà sống giữa đô thị náo nhiệt cũng chẳng ai hỏi tới, Giàu thì dù sống nơi rừng sâu núi cao cũng có người tìm tới. Đúng là “đồng bạc đâm toạc tờ giấy.” Vật chất có thể lũng đoạn mọi thứ, kể cả tình cảm gia đình. Chí sĩ Nguyễn Công Trứ nói: “Tiền tài hai chữ son khuyên ngược – Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi.”

Nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Ông cũng nói “toạc móng heo” chứ chẳng úp mở gì ráo trọi, nói đến nơi đến chốn luôn: “Ra trường danh lợi, vinh liền nhục – Vào cuộc trần ai, khóc trước cười.”

Thế thái nhân tình là thế. Đau lòng lắm. Nhưng sự đời là thế thì cũng đành chịu vậy! Về việc xử thế, ông cười nhạo sự thăng giáng, coi làm quan thì cũng như thằng leo dây, ông không giấu giếm “cái ngông, cái gàn” với chút ngạo mạn của mình: “Nào nào! Thằng nào sợ thằng nào – Đã sa xuống thấp lại lên cao.”

Quá chán chường với chốn quan trường nhưng ông không chán đời hoặc bi quan, yếm thế. Ông vốn là người yêu đời, rất chịu chơi, vì đối với ông thì cái gì cũng có thể “chơi”được, kể cả tài kinh bang tế thế. Ông có tài mà người đời không nhận ra cái tài của ông, thậm chí còn bị khinh nữa. Chính Chúa Giêsu cũng đã minh định: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mìnhtrong gia đình mình mà thôi.” (Mt 13:57; Mc 6:4)

Đời là thế! Và tất nhiên, chỉ có người tài giỏi mới có thể chân nhận cái tài giỏi của người khác. Còn người thường thì tìm cách xa lánh, ghét bỏ, gièm pha, trù dập,… Đúng vậy, vì trải qua một thời gian thì người ta có thể biết được đâu là vàng, đâu là thau, đâu là rác rưởi,… Chí sĩ Nguyễn Công Trứ “chơi ngông” vì ông buồn thế thái nhân tình, chứ ông vẫn biết mình là ai. Ông nói: “Trời đất cho ta một cái tài – Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.”

Chí sĩ Nguyễn Công Trứ quả là tinh đời thật. Ông không chịu “vẩn đục” dù dòng đời ô uế, bẩn thỉu. Ông nhận xét rất tinh tế và chí lý: “Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe – Trần có vui sao chẳng cười khì?” Có lẽ chẳng mấy ai nhìn được như ông? Con người luôn yếu đuối, có lẽ vì thế mà có lúc ông đã “thề độc” như thế này: “Kiếp sau xin chớ làm người – Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.”

Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng. “Cái danh” không chỉ xuất hiện trong xã hội con người đời thường mà còn len lỏi và tồn tại cả trong tôn giáo. Thật vậy, đôi khi người ta muốn “sáng danh mình” mà cứ nói là “sáng danh Chúa.” Chính Chúa cũng bị “vạ lây” một cách oan uổng! Nào là xây dựng nhà này, nhà nọ, nào là làm từ thiện, công ích, gây quỹ,… Ôi thôi, thiên hình vạn trạng! Ai mà vì chân lý và công lý thì không thể không nói, mà nói ra thì… “đụng chạm,” thuận ngôn thì nghịch nhĩ, lời thật làm mất lòng, và sẽ bị người ta ghét. Hệ lụy tất yếu là vậy!

Ngày xưa, Chúa Giêsu bị người ta ghét chỉ vì Ngài chân thật và thẳng thắn. (Mt 22:16; Mc 12:14; Lc 20:21; Ga 1:14; Ga 14:6) Nhưng hãy nhớ rằng chỉ có “kẻ sống theo sự thật” thì mới “đến cùng ánh sáng.” (Ga 3:21) Vả lại, chính Chúa Giêsu đã xác định: “Sự thật sẽ giải phóng anh em.” (Ga 8:32) Đó mới là sự giải phóng đích thực, là sự giải thoát đúng nghĩa. Sự thật là chân lý. Không ai có thể làm lu mờ chân lý hoặc bóp méo sự thật. Thế mà, trong cuộc sống (đời và đạo), người ta vẫn ngang nhiên BÓP MÉO SỰ THẬT, ngấm ngầm xuyên tạc sự thật, không ngần ngại đổi trắng thay đen, lật lọng còn nhanh hơn trở bàn tay. Khủng khiếp quá! Thế nên, Thánh Phaolô cũng đã từng phải thốt lên: “Mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành.” (2 Tx 2:7) Còn Thánh Phêrô đã tiên báo: “Con đường sự thật sẽ bị phỉ báng.” (2 Pr 2:2)

Cái danh chỉ là cái tiếng, gọi là danh tiếng, chỉ là hình thức vẻ bề ngoài mà người ta đua nhau “mua danh bán chức” đủ kiểu. Thích bề ngoài có khác gì giả hình? Trước đây, người ta “đề cao” vấn đề Sổ Vàng hoặc Bằng Ân Nhân, rồi có một thời gian đã ít nhắc tới nó, nhưng nay lại thấy xuất hiện. Người ta lại bắt đầu “đánh” vào nhược điểm (điểm yếu) của con người là thích nổi bật giữa đám đông, thích mình có tên tuổi hơn người khác – tức là “háo danh” đấy thôi!

Vì biết con người háo danh nên ma quỷ “ra tay” liền. Cũng do nghe lời xúi giục đường mật của nó mà Mẫu Tổ Êva đã không ngần ngại phạm tội bất tuân lệnh của Chúa, và rồi lại còn “liều mạng” cám dỗ cả phu quân cùng phạm tội. Tội chồng lên tội. Nguyên nhân phạm tội là “háo danh,” vì muốn bằng Thiên Chúa. Người muốn bằng Thiên Chúa là người kiêu ngạo, kiêu ngạo là phạm tội. Như vậy rõ ràng háo danh là kiêu ngạo, thế thì háo danh cũng là một kiểu phạm tội. Thánh Gioan phân tích: “Phạm tội là làm nô lệ cho tội.” (Ga 8:34)

Cái danh bình thường mà bất thường. Cũng vì háo danh mà người ta ghen tức nhau: “Con gà tức nhau tiếng gáy.” Thật độc đáo khi tục ngữ mượn hình ảnh con gà để nói về sự háo danh của con người. Thật thâm thúy! Thánh Giacôbê cũng nói: “Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa.” (Gc 3:16) Chính con Rắn Quỷ đã nói với Mẫu Tổ Eva rất ngon ngọt: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” (St 3:4-5) Người có “máu” háo danh mà nghe nói vậy thì muốn hành động ngay, không thể chần chừ.

Cám dỗ là một chuyện, quan trọng vẫn là phần người bị dụ dỗ. Nếu không tham thì vẫn an toàn. Thực tế đời thường cũng cho chúng ta thấy rõ hậu quả của sự háo danh: Nhiều người muốn “đổi đời” mà bị lừa, nhiều cô gái muốn “ngồi mát ăn bát vàng” mà thân tàn ma dại, nhiều người nghe lời xúi bẩy mà mất cả chì lẫn chài,…

Tại sao người Pharisêu háo danh? Vì họ sống giả hình, họ giả hình vì họ “vốn ham hố tiền bạc.” (Lc 16:14) Một chuỗi hệ lụy tất yếu! Đúng như Thánh Phaolô nói: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé.” (1 Tm 6:10)

Thánh Phaolô liệt kê một số thói hư, tật xấu khi cảnh báo dấu hiệu Thời Cuối: “Người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa; hình thức của đạo thánh thì họ còn giữ, nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ.” (2 Tm 3:2-5) Những lời thật như thế thì ít người muốn nghe hoặc đọc, có lỡ nghe thì cũng cố quên, nhớ làm chi cho nhức đầu. Cái Tôi là thế, thật bỉ ổi và khốn nạn! Thật chí lý và xác đáng với nhận xét của ông Pascal: “Cái TÔI là đáng ghét.” Cái Tôi đáng ghét thật, thảo nào Chúa Giêsu bảo phải từ bỏ chính mình.

Háo danh đi liền với hám lợi, vì danh vọng nối kết với dục vọng, nghĩa là người ta nhân danh Chúa nhưng thực chất chỉ bám vào những gì thuộc trần gian. Thánh Phaolô đã cảnh báo: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.” (1 Cr 15:19) Và thánh nhân xác định: Không một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào – mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng – được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa.” (Ep 5:5)

Triết gia Jean Jacques Rousseau (1712-1778) so sánh: “Danh vọng chỉ là hơi thở của con người, và nó thường độc hại.” Văn sĩ William Arthur Ward (1921-1994) xác định: “Sự vĩ đại không nằm trong tài sản, quyền lực, danh vọng hay tiếng tăm. Nó được phát hiện trong lòng tốt, sự khiêm nhường, sự phục vụ và tính cách.” Đặc biệt nhất là cách đặt vấn đề của Chúa Giêsu: “Được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân thì nào có lợi gì?” (Mt 16:26; Mc 8:36; Lc 9:25) Trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du nhận định về số phận con người: “Bắt phong trần phải phong trần – Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”

Nhận xét của văn hào Shakespeare (1564-1616) lạ lùng mà tinh tế: “Có người sinh ra được ngay sự nổi tiếng rơi vào mình, có người tìm mãi rồi cũng thấy nó, nhưng có người tim cả đời cũng không bao giờ thấy nó.” Kinh nghiệm từng trải. Câu nói hay thật, không chỉ áp dụng cho cuộc sống đời thường mà còn có thể áp dụng cho đời sống tôn giáo.

Rất cần noi gương Thánh Gióp. Bởi vì số phận con người bí ẩn, khó hiểu, chỉ có Thiên Chúa biết. Trời sinh một bậc kỳ tài là để dùng vào một sứ mệnh nào đó, nhưng trước khi trao sứ mệnh đó, trời bắt họ phải trải qua trăm cay, ngàn đắng. Có lẽ điều này đúng, vì đó cũng là sự công bằng mà thôi.

Chẳng có gì bền vững trên thế gian này, con người còn phải chết huống chi vật chất. Cái sờ thấy còn mất thì nói chi cái không thể đụng chạm. Kinh Thánh xác định: “Của cải không bền lâu muôn thuở và danh vọng chẳng lưu truyền muôn kiếp.” (Cn 27:24)

Lạy Thiên Chúa công minh chính trực, Lời Ngài là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi. Con đã thề và con xin cam kết giữ quyết định công minh của Ngài. (Tv 119:105-106) Xin Ngài giúp con giữ trọn vẹn như vậy cho đến hơi thở cuối đời. Amen.

TRẦM THIÊN THU