Đánh mất ý nghĩa cuộc sống vì lấn sâu vào thế giới ảo

124

Đánh mất ý nghĩa cuộc sống vì lấn sâu vào thế giới ảo

Hiện nay trên thế giới có khoảng 2,1 tỉ người đã tiếp cận được với Internet, rất nhiều người sống một cách lệ thuộc vào nó và có nhiều trường hợp tử vong do sử dụng các tiện ích từ mạng Internet như Game, phim ảnh, các mạng xã hội… Thực trạng đáng lo ngại ấy đặt ra nhiều câu hỏi về bản lĩnh sống của con người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay.

Sự bùng nổ về công nghệ và kĩ thuật đã tạo nền tảng cho Internet lên ngôi, chiếm lĩnh và chi phối cuộc sống của hàng triệu người. Mạng Internet trở thành công cụ hữu ích cho cuộc sống con người bởi tính đa dạng, phong phú và tiện ích của nó. Internet được xem là người bạn trung gian trong việc nối kết con người mọi nơi lại với nhau, là công cụ hữu ích giúp tăng tiến sự hiểu biết về thế giới, trau dồi kiến thức và là công cụ giải trí tuyệt vời. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực ấy, Internet cũng tạo nên không ít những bất cập cho xã hội. Việc sử dụng không đúng mục đích, hay sự lệ thuộc vào thế giới ảo được xem là một tình trạng sống nguy hại đối với nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.

Nhiều người trẻ vì không được trang bị một vốn kiến thức căn bản về cuộc sống, về đạo đức làm người. Không được xây dựng một bản lĩnh sống vững vàng. Trước sự thay đổi của hoàn cảnh sống, trước sự va chạm và sự tiếp xúc với những cái mới lạ trong cuộc sống. Họ đã không làm chủ được mình, họ dễ dàng đánh mất những ý niệm về một cuộc sống hạnh phúc mà họ hằng khao khát. Và thế giới ảo trở thành thế giới của họ, nơi thế giới ảo kia họ tìm được những gì mình có. Nhưng họ đã quên rằng những gì họ đạt được trong thế giới ảo kia chẳng bao giờ tồn tại trên thực tế. Nó đang khống chế họ, đang chiếm hết thời gian và tâm trí mà đáng lẽ ra họ dành cho học tập, cho bạn bè, người thân và sự nghiệp tương lai của họ. Nó đang chiếm lĩnh hết mọi thứ và đang đánh lừa họ mà họ không hay biết.

Vậy tại sao người trẻ hôm nay lại dễ dàng bị rơi vào thế giới ảo như vậy? Trong một xã hội đề cao vật chất và cỗ vũ cho lối sống hưởng thụ, người trẻ bị những áp lực của cuộc sống đè nặng. Trong tâm trí của họ không còn những suy nghĩ dành cho cõi nhân sinh và dành cho cuộc sống “tuy nghèo nhưng hạnh phúc”; hay họ luôn muốn đứng trên người khác, muốn đạt được mọi thứ từ công danh đến của cải vật chất… bên cạnh đó lại không được trau dồi đạo đức làm người, không hiểu về giá trị của chính mình, của sự sống… Cho nên, khi bước vào với thực tiễn của một cuộc sống cạnh tranh tàn nhẫn, sòng phẳng và khốc liệt, họ dễ gục ngã, dễ chán nản và không có niềm tin vào chính mình. Họ tìm đến với thế giới ảo kia, nơi những mong ước, những hoài bão ấp ủ trong lòng có thể thực hiện được. Sự thành công, sự chiếm lĩnh cái “ghế làm chủ” trong thế giới ảo càng làm cho họ bị cuốn hút vào đó và quên đi tất cả.

Thế giới ảo cũng trôi qua nhanh hơn, trong thế giới ấy họ an ủi mình bằng sự lãng quên thời gian để không phải để tâm đến cuộc sống xô bồ và đảo điên kia… Trong thế giới ảo, họ có thể kiếm được nhiều tiền, kiếm được nhiều vật dụng, đứng được trên những ngôi vị thật cao mà nơi cuộc sống thật họ nghĩ là không thể nào.

Nhưng họ đã quên rằng: Họ là con người, mà con người thì phải đối mặt với những thực tại của cuộc sống kia, con người thì cần những nhu cầu thật để duy trì sự sống và tiếp tục cuộc sống. Và quan trọng hơn nữa, họ quên mất giá trị thực thụ của một con người không phải là chỗ đứng trong xã hội, không phải là tiền bạc, tiện nghi cuộc sống… mà giá trị của một con người thì không thước đo, không hoán đổi. Đáng ra, cần phải nhớ con người là một ngôi vị, con người là hình ảnh của Đấng Tạo Hóa nên con người có một giá trị bất khả nhượng. Đáng ra, họ phải biết cuộc sống hạnh phúc mới là điểm đến của đời người, tìm thấy nguồn sống từ nơi Đấng là mạch của Sự Sống mới thật sự tròn đầy ý nghĩa.

Trong những suy tư về cuộc sống, trong ý thức hướng về sự Phục sinh khải hoàn của Đức Kitô. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại đời mình, hãy soi vào cuộc sống của chính mình để xem: Liệu chúng ta có đã từng hay đang sống bằng những ảo giác hay không. Chúng ta đã hiểu như thế nào về giá trị của đời người, của nhân vị con người? Và hãy nhìn vào sự đổ máu của Đức Kitô, để biết rằng: Con người chúng ta tuy chỉ là một loài thụ tạo, nhưng lại là nhân vị vô giá, tuy thấp kém nhưng chính Thiên Chúa của hoàn vũ lại hy sinh để cứu chuộc. Sự sống con người thật mong manh nhưng lại được cứu bằng giá máu của Chúa trời đất. Suy gẫm những điều đó, chúng ta sẽ nhận ra, chúng ta không hề tầm thường, các giá trị vật chất không thể dùng để đánh giá, để so sánh hay để lượng giá một ai.

Hỡi những người đang ngủ mê hãy chỗi dậy trong Chúa phục sinh, hãy thoát khỏi sự lệ thuộc vào cuộc sống ảo kia. Hãy biến nó thành công cụ, thành người bạn chứ đừng để nó trở thành ông chủ của ta. Hãy nhận ra giá trị vô đối của mình và nhớ rằng Chúa đã phục sinh vì muốn ta cũng phục sinh với Ngài. Hãy đón nhận Ngài và sống một đời sống mới trong Ngài. Hãy hát vang lời ca mừng “Chúa đã phục sinh”.

Pet Hồ Thái Hùng
Báo chí K34 – Trường ĐHKH Huế