Đàng Thánh Giá với Suy Niệm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

569
 

Way of the Cross with Pope Francis, The Meditations on the Stations
January 14, 2016
by Pope Francis
edited by Alessandro Saraco

Đàng Thánh Giá với Suy Niệm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Chúng ta hãy sửa soạn tâm hồn để cùng nhau đi đường Thánh Giá. Qua những chặng đàng, chúng ta hiệp thông với Chúa Kitô để cảm nghiệm những nỗi đau thể xác và tâm hồn mà Chúa đã gánh chịu; chúng ta sẽ thấy được những vết thương lòng sâu kín trong tâm hồn chúng ta, qua đó chúng ta sẽ cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ bến của Chúa. Chúa đã yêu thương chúng ta và đã hiến mạng mình để cứu chuộc chúng ta. Chúng ta xin Chúa thứ tha tội lỗi của chúng ta và tội lỗi của toàn thế giới, vì chúng ta đã có những hành động và tư tưởng xúc phạm đến Chúa và tha nhân.
 
Chặng 1: Đức Giêsu bị kết án

Xướng: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô.
Đáp: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.
 
Tổng trấn Phi-la-tô nói tiếp: “Thế còn ông Giê-su, cũng gọi là Ki-tô, ta sẽ làm gì đây?” Mọi người đồng thanh: “Đóng đinh nó vào thập giá!” Tổng trấn lại nói: “Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác?” Họ càng la to: “Đóng đinh nó vào thập giá!” Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Ba-ra-ba cho họ, còn Đức Giê-su, thì ông truyền đánh đòn, rồi trao cho họ đóng đinh vào thập giá.” (Mt, 27,22-23,26)

Đền đáp lại tình yêu Chúa Cha

Con Thiên Chúa hiến dâng chính bản thân mình cho chúng ta, Ngài giao phó Mình Máu Ngài trong tay chúng ta để được mãi mãi ở giữa chúng ta. Nơi vườn Cây Dầu, và khi bị xử án trước mặt Philatô, Ngài đã không chống cự, nhưng đã tự nộp mình, Ngài là người Tôi Tớ Đau Khổ như tiên tri I-sai-a đã tiên báo, là người đã hiến thân chịu chết (Is 53, 12).

Đáp trả lại Tình yêu Chúa Cha bằng cách hiến thân mình làm hy lễ, Chúa Giêsu đã không làm thế cách tiêu cực hay buông xuôi. Dĩ nhiên Ngài đã không che dấu nỗi đớn đau sâu thẳm của một con người khi phải đối diện với cái chết dữ, nhưng với lòng tin tưởng tuyệt đối, Ngài đã phó thác thân mình cho Chúa Cha.  Chúa Giêsu đã tự hiến thân mình bằng cái chết để đền đáp lại tình yêu của Chúa Cha, trong sự hiệp thông với thánh ý, để diễn tả tình yêu của Ngài với chúng ta. Trên thánh giá, Chúa Giêsu “đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gal 2, 20). Mỗi người chúng ta có thể tự nhủ rằng: “Ngài đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi”.

Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã đáp trả lại tình yêu của Chúa Cha, xin thương xót chúng con.
Lạy Cha chúng con ở trên trời ….
 
Chặng 2: Đức Giêsu vác thánh giá

Bấy giờ lính của tổng trấn đem Đức Giê-su vào trong dinh, và tập trung cả cơ đội quanh Người. Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: “Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái!” Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá” (Mt 27, 27-31)

Tình Yêu Chung Thủy

Thánh giá đem lại những gì cho những ai nhìn lên và chạm tay vào nó? Thánh giá để lại gì nơi tâm hồn mỗi người chúng ta? Bạn thấy đó, thánh giá mang lại cho chúng ta một kho tàng mà không ai có thể cho: đó là sự chắc chắn của tình yêu chung thủy mà Thiên Chúa có với chúng ta. Một tình yêu rất cao trọng đến nỗi nó xâm nhập vào tội lỗi của chúng ta và tha thứ tội lỗi đó, một tình yêu đi vào những thống khổ của chúng ta và cho ta sức mạnh để chịu đựng.  Đó chính là tình yêu xâm nhập vào sự chết để rồi chế ngự sự chết đó và để cứu chúng ta. Thánh giá của Chúa Kitô chứa đựng tất cả tình yêu Thiên Chúa; qua đó chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa. Đây chính là tình yêu mà chúng ta có thể phó thác và tin tưởng trọn vẹn… Chúng ta được giải thoát và cứu độ chỉ nhờ ở Đức Kitô bị đóng đinh và phục sinh. Với Ngài, sự dữ, sự đau khổ và sự chết sẽ không có tiếng nói quyết định, bởi vì Ngài cho chúng ta hy vọng và sự sống: Ngài đã biến đổi thập giá từ một dụng cụ của ghen ghét, thất bại, và chết chóc trở thành dấu chỉ của tình yêu, chiến thắng, vinh quang, và sự sống.

Lạy Chúa Giêsu, tình yêu của Chúa rất đỗi cao vời và thủy chung, xin Chúa thương xót chúng con.
Lạy Cha…
 
Chặng 3: Đức Giêsu ngã lần thứ nhất

Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;
người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,
đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.
Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu,
lang thang mỗi người một ngả.
Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người
tội lỗi của tất cả chúng ta” (Is 53-5-6)

Thiên Chúa ban phát sự sống

Đức Tin không phải là một chất liệu để trang hoàng hay trang trí; sống Đức Tin không có nghĩa là trang trí cho cuộc sống với một chút tôn giáo, tựa như cuộc sống này là cái bánh và chúng ta lấy kem trang trí cho nó. Không, đó không phải là Đức Tin chính hiệu. Đức Tin chính là việc chọn Chúa như là tiêu chuẩn và nền tảng cho cuộc sống, và Thiên Chúa không là sự trống rỗng, nửa vời, Chúa luôn tích cực, Chúa là tình yêu, và tình yêu thì luôn tích cực! Sau khi Chúa Giêsu đã xuống thế làm người, chúng ta chẳng còn lý do gì để chối là chúng ta không biết Chúa, hay nói rằng Ngài là một thứ gì đó trừu tượng, trống không, chỉ có danh mà thôi. Không, Thiên Chúa có một gương mặt hẳn hoi, Ngài còn có tên nữa: Thiên Chúa là Đấng xót thương và thành tín, Ngài chính là sự sống đã trao ban cho tất cả chúng ta. Vì lý do này mà Chúa Giêsu đã nói: “Thầy đến mang sự chia rẽ.” Nhưng Chúa không muốn chia rẽ con người. Trái lại, Chúa mang lại bình an, sự hoà giải. Việc làm môn đệ Chúa đòi hỏi ta phải từ bỏ sự dữ, tính ích kỷ, và thay vào đó chúng ta phải chọn điều thiện, sự thật, lẽ phải, và đôi khi chúng ta phải hy sinh và từ bỏ ý riêng mình. Chính điều này gây chia rẽ, lắm khi chúng ta phải cắt bỏ những ràng buộc gần gũi nhất.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến thế gian này để mạc khải cho chúng con biết gương mặt thật của Chúa Cha, xin Chúa thương xót chúng con.
Lạy Cha ….
 
Chặng 4: Đức Giêsu gặp Đức Mẹ

Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.” (Lc 2, 34-35, 51)
Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.” (Lc 2, 34-35, 51)

Mẹ Maria, dấu chỉ niềm hy vọng cho người chịu đau khổ.

Maria là một người Mẹ có trái tim bị gươm đâm thấu và Mẹ thấu hiểu những khổ đau của chúng ta. Mẹ là Mẹ của chúng ta, Mẹ là dấu chỉ hy vọng cho người chịu đau đớn để công lý được khai sinh. Mẹ là người truyền giáo, luôn ở gần và trợ giúp chúng ta trong cuộc sống, bằng tình yêu mẹ hiền, Mẹ đã giúp chúng ta mở tâm hồn ra đón nhận Đức Tin. Như một bà mẹ hiền, Mẹ bước đi bên cạnh chúng ta, chia sẻ cảm thông với những gian truân của chúng ta, và Mẹ luôn ấp ủ chúng ta với tình yêu Chúa… Như Mẹ đã làm với thánh Gioan Điêgô, Mẹ hứa với các tín hữu sẽ an ủi yêu thương họ, và Mẹ thì thào vào tai họ: “Chúng con đừng lo lắng… chẳng phải Mẹ của chúng con không ở đây sao?”

Lạy Chúa Giêsu, con của Mẹ Maria, xin thương xót chúng con!
Lạy Cha …..
 
Chặng 5: Đức Giê su được ông Simon giúp đỡ

Khi điệu Đức Giê-su đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giê-su. Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người.” (Lc 23, 26-27)

Gặp gỡ tha nhân với lòng thương xót

Thánh giá Chúa mời gọi chúng ta mở lòng ra để cho tình yêu của Ngài tác động đến. Thánh giá cũng dạy chúng ta luôn đối xử với tha nhân với lòng thương xót, hiền hậu, đặc biệt là những người đang chịu khổ đau, cần sự giúp đỡ, cần một lời an ủi hay một hành động cụ thể; Thánh giá mời gọi chúng ta đi xa hơn những hoạt động chúng ta thường làm trong cuộc sống để gặp gỡ và giúp đỡ tha nhân. Bao nhiêu lần chúng ta đã thấy họ trên đường Thánh Giá, bao nhiêu lần chúng ta thấy họ cùng đi với Chúa trên đường tới đồi Canvê: Phi-la-tô, Si-môn người Ky-rê-nê, Mẹ Maria, những phụ nữ… Ngày hôm nay, Cha hỏi các con, các con muốn là ai trong số những người đó? Các con có muốn là Phi-la-tô, người đã rửa tay mình vì không có dũng khí đi ngược dòng để cứu Chúa Giêsu? Các con có muốn là những người đã rửa tay mình, giả vờ vô tội và quay mặt làm ngơ? Hay các con muốn như ông Si-môn, người đã giúp Chúa vác cây thánh giá nặng nề? Hay như mẹ Maria và những phụ nữ nọ, những người với tình yêu đậm sâu đã không hề sợ hãi đi theo Chúa đến nơi tận cùng? Các con muốn mình là  ai? Là Phi-la-tô hay là mẹ Maria? Chúa đang nhìn các con và hỏi: các con có muốn giúp ta vác cây thánh giá không?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn con vác thánh giá với Chúa, xin thương xót chúng con.
Lạy Cha ….
 
Chặng 6: Đức Giê su gặp bà Vêrônica

Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh,
như khúc rễ trên đất khô cằn.
Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong
đáng chúng ta ngắm nhìn,
dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích.
Người bị đời khinh khi ruồng rẫy,
phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật.
Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn,
bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. (Is, 53, 2-3)

Chúa là một quân vương biết thương yêu

Chúa Giêsu không tiến vào Thành Thánh để nhận danh dự dành cho các vị vua trần thế, những người có quyền uy, hay những kẻ cai trị; Ngài tiến vào để chịu đánh đòn, chịu sỉ nhục, và chịu ngược đãi như lời I-sai-a đã tiên báo. Ngài tiến vào để nhận mão gai, gậy và áo choàng tím: vương quyền của Ngài đã trở nên một đề tài cho sự chế nhạo. Ngài vác cây gỗ nặng, hay còn gọi là cây thánh giá, leo lên đồi Canvê. Ngài tiến vào Giêrusalem để chết trên cây thánh giá đó. Vương quyền của Ngài thật sự ngời sáng trong một kiểu cách rất thánh thiêng: ngai vàng của Ngài là cây thánh giá gỗ… Ngài là vị Vua mà chúng ta thần phục và là người bạn đồng hành đặc biệt của chúng ta. Ngài là vị Vua đã yêu thương chúng ta hết lòng đến nỗi chết trên thập giá, chính Ngài dạy chúng ta biết sống phục vụ và yêu thương.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chịu khổ đau vì chúng con, xin thương xót chúng con.
Lạy Cha …
 
Chặng 7: Đức Giêsu ngã lần thứ hai

Tôi là người đã sống cảnh lầm than
dưới làn roi giận dữ của Người.
Người dẫn tôi, bắt tôi lần bước,
trong tối tăm, không ánh sáng soi đường
Người lấy đá hộc chận đường tôi,
xoá lối đi khiến tôi phải lạc hướng.
Răng tôi, Người bắt nhai đá sỏi,
xác tôi, Người vùi dập dưới đống tro. (Aica 3,1-2,9,16)

Chúa Giêsu không bao giờ thất bại

Tình yêu bền vững của Chúa với dân Người được biểu hiện nơi Chúa Giêsu, Chúa tự trở thành nô lệ cho chúng ta, Chúa đã tự từ bỏ vinh quang để mang thân phận của một nô lệ để giữ lời giao ước của Chúa với dân Người. Chúa không hiến mạng vì chúng ta đã vô ơn hay chối bỏ Người, nhưng Chúa hiến mạng vì Người yêu thương chúng ta. Thánh Phaolô nhắc nhủ chúng ta: “Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2Tim, 2, 13). Chúa Giêsu luôn trung tín, Người không bao giờ phản bội chúng ta: ngay cả khi chúng ta phạm lỗi. Người luôn chờ đợi chúng ta để tha thứ chúng ta: Người là gương mặt của Chúa Cha nhân từ.

Tình yêu kiên định của Chúa cho ta thấy sự khiêm tốn của tâm hồn Chúa: Chúa Giêsu không đến để chế ngự con người như những ông vua hay những kẻ có quyền thế, nhưng Chúa đến để hiến tặng tình yêu với sự hiền hậu và khiêm nhường. Đây chính là điều Chúa đã nói về mình: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 29).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vâng lời cho đến chết trên thánh giá, xin thương xót chúng con.
Lạy Cha …
 
Chặng 8: Đức Giê su gặp các phụ nữ ở Giêrusalem

Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: “Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm! Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?” (Lc 23, 27-29,31)

Quà tặng là chính thân mình để mang lại sự sống

Khi theo chân Chúa chúng ta học cách thoát ra khỏi bản thân để đi gặp tha nhân, để đi tới ngoại biên của sự hiện hữu, để hướng tới các anh chị em của chúng ta, đặc biệt là những người không gần gũi với chúng ta, những người bị lãng quên, những người rất cần sự cảm thông, an ủi và trợ giúp,…để thấu hiếu cái lý luận của Thiên Chúa và của Thánh giá, cái lý luận không dựa vào đau khổ hay sự chết nhưng dựa vào tình yêu và sự hiến thân mang lại sự sống. Đi theo Chúa và ở lại với Chúa, chúng ta được lệnh phải “bước ra ngoài bản thân mình”, phải từ bỏ cách sống đức Tin tẻ nhạt, và mạnh dạn nói ‘không’ với những cám dỗ theo ý riêng mình, cứ muốn ngăn chặn những việc làm sáng tạo của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, tình yêu Chúa mang lại sự sống, xin thương xót chúng con.
Lạy Cha …
 
Chặng 9: Đức Giê su ngã lần thứ ba

Cũng là một điều hay cho người nào
phải mang ách từ khi còn trẻ.
Khi chính Chúa bắt nó phải mang,
nó hãy cứ ngồi im lặng một mình,
cứ đặt miệng nó trong bụi đất
– may ra còn chút hy vọng nào chăng –
nó cứ đưa má cho kẻ tát,
chuốc lấy cho mình đầy nỗi nhuốc nhơ.
Vì quả thật, Đức Chúa chẳng bỏ rơi mãi mãi:
có làm khổ, Người cũng xót thương,
vì Người vốn từ bi cao cả;” (Aica 3, 27-32)

Lòng thương xót bao la

Thiên Chúa đặt lên thánh giá Chúa Giêsu tất cả sức nặng của tội lỗi chúng ta, tất cả những bất công gây ra bởi chính Cain cho em mình, tất cả những đắng cay từ cuộc bội phản của Giuđa và Phêrô, tất cả những vinh hoa hão huyền của các bạo chúa, tất cả những kiêu căng hợm hĩnh của những người bạn giả dối. Quả thật đó là một thánh giá nặng nề, nặng nề như màn đêm với người bị ruồng bỏ, nặng nề như cái chết của người thân, nặng nề vì nó chất chứa tất cả những xấu xa của tội lỗi. NhưngThánh Giá tỏa sáng như bình minh sau đêm dài, vì nó tượng trưng cho tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu vĩ đại hơn những điều bất công và những phản bội của chúng ta. Nơi Thánh Giá chúng ta thấy được tính quái dị của con người khi con người để cho sự dữ dẫn đường chỉ lối, và rồi cũng nơi Thánh Giá, chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót bao la của Chúa, Người không đối xử với chúng ta theo như tội lỗi chúng ta đã phạm nhưng theo như lòng thương xót Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Ngài là sức mạnh và sự cứu rỗi của chúng con, xin thương xót chúng con.
Lạy Cha …
 
Chặng 10: Đức Giê su bị lột áo

Khi đến nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ, chúng cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống. Đóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau. Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người. (Mt 27, 33,36)

Hiệp thông với Đức Kitô chịu đau khổ trên đường thánh giá

Các Kitô hữu biết rằng sự đau khổ không thể bị tiêu trừ nhưng nó có thể mang một ý nghĩa và trở thành bằng chứng cho niềm tin và sự phó thác vào Thiên Chúa vì Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta; với ý nghĩa này, đau khổ có thể được dùng như một phương tiện giúp ta lớn lên trong Đức Tin và Tình Yêu Thương. Khi suy niệm về sự hiệp nhất giữa Đức Kitô với Chúa Cha, chúng ta thấy sự hiệp nhất đó được thể hiện ngay cả khi Đức Kitô đang phải chịu đau khổ tột cùng trên thập giá (Mc 15, 34), qua đó, các Kitô hữu học cách sống hiệp nhất như Chúa Giêsu. Vì thế  cái chết được thăng hoa và mọi người có thể coi cái chết như lời mời gọi cuối cùng của Đức Tin. Thật vậy, lời mời gọi của Chúa: “hãy rời khỏi xứ sở của ngươi” (Stk 12,1), và “hãy đến!” thúc đẩy chúng ta quên bản thân mình đi và tin tưởng rằng Chúa sẽ giúp chúng ta kiên định trong Đức Tin cho đến giờ phút cuối đời của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chịu lột áo và khoác lấy thân phận người tôi tớ, xin hãy thương xót chúng con.
 Lạy Cha …
 
Chặng 11: Đức Giê su chịu đóng đinh

Đóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau. Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người. Phía trên đầu Người, chúng đặt bản án xử tội viết rằng: “Người này là Giê-su, vua dân Do-thái.” Cùng bị đóng đinh với Người, có hai tên cướp, một tên bên phải, một tên bên trái. Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: “Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào! ” Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! (Mt, 27, 35-42)

Thánh giá, nguồn hy vọng duy nhất của chúng ta

Khi chúng ta nhìn lên cây Thánh Giá thấy Chúa Giêsu bị đóng đinh, chúng ta suy niệm về dấu chỉ của tình yêu, về lòng yêu thương bao la của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta và về thập giá là nguồn ơn cứu độ. Lòng thương xót của Chúa, xuất phát từ thập giá, bao trùm cả thế giới. Nhờ cây thập giá của Chúa Kitô mà sự dữ bị chế ngự, tử thần bị đánh bại, sự sống được trao ban cho chúng ta và hy vọng được khôi phục.  Thật vậy, nhờ thập giá mà chúng ta lại có được hy vọng. Thập giá Chúa là nguồn hy vọng duy nhất của chúng ta. Đó là lý do tại sao Giáo Hội “tán dương” Thánh Giá và tại sao các Kitô hữu thánh hoá bản thân mình bằng cách làm dấu Thánh Giá. Chúng ta không tán dương những cây thập giá bình thường, nhưng chúng ta tán dương thập giá vinh quang của Chúa Kitô, dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa bao la, dấu chỉ của ơn cứu độ và con đường dẫn tới phục sinh. Đây chính là hy vọng của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đánh bại sự dữ, xin thương xót chúng con.
Lạy Cha…
 
Chặng 12: Đức Giê su chết trên thánh giá

Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát! ” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói: “Thế là đã hoàn tất! ” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí. (Gn 19, 25-30)

Một tình yêu không chạy trốn cái chết

Biến cố Chúa chết vì chúng ta là một chứng minh rõ ràng nhất cho tình yêu đáng tin cậy của Chúa. Nếu bỏ mạng sống mình vì bạn hữu là bằng chứng vĩ đại nhất của tình yêu (Ga 15, 13), thì Chúa Giêsu đã hiến mạng mình cho tất cả, ngay cả cho kẻ nghịch với Ngài, để biến đổi trái tim họ. Khi suy niệm về cái chết của Chúa Giêsu, niềm tin của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn và rõ nét hơn; đó là niềm tin vào tình yêu Chúa luôn thuỷ chung với chúng ta, tình yêu đó mạnh đến nỗi Chúa đã chịu chết đi để mang lại cho ta ơn cứu độ. Tình yêu này không chùn bước trước cái chết để cho ta thấy sự sâu thẳm của tình yêu, một tình yêu mà chúng ta có thể tin tưởng; Quả thật, sự tự hiến của Chúa Kitô làm tiêu tan mọi nỗi nghi ngại và giúp ta được phó thác trọn vẹn nơi Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hiến thân cho tất cả chúng con, xin thương xót chúng con.
Lạy Cha …
 
Chặng 13: Đức Giê su được hạ xác xuống

Ở đó, cũng có nhiều người phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa. Các bà này đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê để giúp đỡ Người. Trong số đó, có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê và Giô-xếp, và bà mẹ các con ông Dê-bê-đê.  Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành A-ri-ma-thê, tên là Giô-xếp, và cũng là môn đệ Đức Giê-su.Ông đến gặp ông Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. Bấy giờ tổng trấn Phi-la-tô ra lệnh trao trả thi hài cho ông.” (Mt, 27, 55,57-58)

Mất mạng sống mình vì Chúa

“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9, 24).
Câu Phúc Âm trên là tổng hợp sứ điệp của Chúa Kitô, một tổng hợp được Ngài diễn tả rất đạt bằng cách nói ngược với chủ đích giúp chúng ta chú tâm nghe lời Ngài. Nhưng câu “mất mạng sống mình vì Chúa Giêsu” có nghĩa gì? Việc mất mạng có thể xảy ra bằng hai cách: cách công khai qua việc tuyên xưng đức Tin, và cách âm thầm qua việc bảo vệ sự thật. Các thánh Tử Đạo là ví dụ rõ ràng nhất của việc mất mạng sống mình vì Chúa Kitô. Trong suốt 2000 năm, có khá đông người nam và người nữ đã hiến thân mình bảo vệ niềm tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô và Phúc Âm của Ngài. Hôm nay, ở nhiều nơi trên thế giới, còn có nhiều – nhiều hơn cả hồi thế kỷ thứ nhất – các thánh tử đạo từ bỏ mạng sống mình vì Chúa, các thánh thà chịu chết còn hơn phải chối Chúa. Đây là giáo hội của chúng ta. Chúng ta có nhiều người tử vì đạo hôm nay hơn cả những thế kỷ đầu tiên. Hành vi tuẫn giáo có thế xảy ra hàng ngày, dầu không bó buộc phải chết, nhưng vẫn có âm hưởng của việc “mất mạng sống” vì Chúa Giêsu; những hành vi tuẫn giáo hàng ngày đó là việc chu toàn bổn phận mình với lòng yêu thương, theo lý luận của Chúa Giêsu, lý luận của sự cho đi, của sự hy sinh.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mất mạng sống để cứu chuộc chúng con, xin thương xót chúng con.
Lạy Cha …
 
Chặng 14: Đức Giê su được chôn táng trong mộ

Khi đã nhận thi hài, ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về. Còn bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a ở lại đó, quay mặt vào mồ.” (Mt, 27,59-61)

Khi Chúa xét xử là lúc Ngài tỏ tình thương yêu

Thập giá là Lời, qua đó Thiên Chúa trả lời cho sự dữ ở thế gian. Đôi lúc, dường như Chúa không có phản ứng gì với sự dữ, dường như Ngài im lặng. Nhưng Chúa đã nói, Ngài đã trả lời và lời đáp trả của Ngài là Thánh Giá Chúa Kitô: lời đó là tình yêu, lòng thương xót và sự tha thứ. Nó cũng cho thấy sự xét xử, với ý nghĩa là: khi Chúa xét xử chúng ta, Ngài cho ta thấy tình Ngài yêu chúng ta. Chúng ta hãy nhớ điều này: Chúa xét xử chúng ta bằng cách yêu thương chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận tình yêu của Ngài, chúng ta sẽ được cứu, nếu chúng ta từ chối tình yêu đó, chúng ta sẽ bị kết án, chẳng phải bởi Thiên Chúa, nhưng bởi chính bản thân chúng ta bởi vì Chúa chẳng bao giờ kết án, Ngài chỉ biết yêu thương và cứu thoát.

Thập giá cũng là lời đáp trả mà các Kitô hữu dành cho sự dữ, khi nó tiếp tục hoành hành nơi chúng ta và chung quanh chúng ta. Khi vác thánh giá trên vai như Chúa Giêsu đã làm, các Kitô hữu đáp trả sự dữ bằng cách thực hiện điều tốt lành.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa xét xử chúng con bằng cách yêu thương chúng con, xin thương xót chúng con.
Lạy Cha …
 

Lời Nguyện Kết Thúc:

Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài con đang ẩn náu.
Con thưa cùng CHÚA: “Ngài là Chúa con thờ,
ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc?”
Còn thần ngoại xứ này, những thần linh xưa con sùng mộ,
vẫn gia tăng tàn phá, và thiên hạ tới tấp chạy theo.
Máu tế thần, con quyết chẳng dâng,
tên của thần, môi con không tụng niệm!
Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.
Phần tuyệt hảo may mắn đã về con,
vâng, gia nghiệp ấy làm con thỏa mãn.
Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy,
ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.
được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.
Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,
thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.
Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.
Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi! Amen
(x. Tv 15)
 

Thư Mục:

  1. Chặng thứ nhất: http://w2.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2013/documents/papa-francesco_20130327_udienza-generale.html 
  1. Chặng thứ hai:http://w2.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2013/july/documents/papa-francesco_20130726_gmg-via-crucis-rio.html
  1. Chặng thứ ba: http://w2.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2013/documents/papa-francesco_angelus_20130818.html
  1. Chặng thứ bốn:

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/apost_exhortations/documents/papa-francesco_esortazione-ap_20131124_evangelii-gaudium.html#II.%E2%80%82Mary,_mother_of_evangelization

  1. Chặng thứ năm:

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2013/july/documents/papa-francesco_20130726_gmg-via-crucis-rio.html

  1. Chặng thứ sáu:

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2013/documents/papa-francesco_20130324_palme.html

  1. Chặng thứ bẩy:

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2014/documents/papa-francesco_20140627_omelia-ospedale-gemelli.html

  1. Chặng thứ tám:

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2013/documents/papa-francesco_20130327_udienza-generale.html

  1. Chặng thứ chín:

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2014/april/documents/papa-francesco_20140418_via-crucis.html

  1. Chặng thứ mười:

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/encyclicals/documents/papa-francesco_20130629_enciclica-lumen-fidei.html

  1. Chặng thứ mười một:

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2014/documents/papa-francesco_angelus_20140914.html

  1. Chặng thứ mười hai:

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/encyclicals/documents/papa-francesco_20130629_enciclica-lumen-fidei.html

  1. Chặng thứ mười ba:

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2013/documents/papa-francesco_angelus_20130623.html

  1. Chặng thứ mười bốn:

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2013/march/documents/papa-francesco_20130329_via-crucis-colosseo.html
 

Luca Quang chuyển ngữ