Sáng nay buổi tiếp kiến chung bắt đầu lúc 9g00 tại quảng trường thánh Phêrô. Tại đây, ĐTC đã gặp gỡ các nhóm khách hành hương và các tín hữu đến từ khắp nơi trên thế giới. Tiếp tục loạt bài giáo lý về sách Công vụ Tông Đồ, ĐTC tập trung đến lời rao giảng của thánh Phaolô: “Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị” (Cv 17,23). Sau khi tóm tắt bài giáo lý bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, ĐTC chào thăm đặc biệt đến các nhóm tín hữu đang hiện diện tại quảng trưởng. Buổi tiếp kiến kết thúc bằng Kinh Lạy Cha và phúc lành của ĐTC.
Thánh Phaolô tại Areopago: một ví dụ về hồi nhập văn hóa đức tin ở Athens.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta tiếp tục hành trình của mình với sách Công vụ Tông đồ. Sau những thử thách đầy kinh nghiệm ở Philipphê, Thêxalônica, Bêrêa, thánh Phaolô lên đường đến Athens, trung tâm của Hy lạp (x. Cv 17,15). Thành phố này, đã từng sống dưới bóng của những vinh quang cổ xưa dẫu cho nền trính trị suy đồi, họ vẫn còn giữ được tính ưu việt của nền văn hóa. Tại đây, thánh Tông đồ “nổi giận vì thấy thành nhan nhản những tượng thần” (Cv 17,16). Va chạm với việc sùng bái ngẫu tượng này, thay vì làm cho Phaolô tránh xa, trái lại thúc đẩy ngài tạo nên một nhịp cầu đối thoại với nền văn hóa đó.
Phaolô chọn lối nhập cuộc vào thành phố và bắt đầu lui tới những địa điểm và những con người quan trọng nhất. Ngài vào hội đường, biểu tượng của đời sống đức tin; đến quảng trường, biểu tượng của đời sống thành thị; và đến Areopago, biểu tượng của đời sống chính trị và văn hóa. Ngài gặp gỡ người Do thái, các triết gia hưởng lạc và khắc kỷ và nhiều người khác. Ngài gặp gỡ tất cả mọi người, không khép kín, nói chuyện với tất cả mọi người qua lại. Bằng cách này thánh Phaolô quan sát văn hóa, môi trường của Athens “bắt đầu từ cái nhìn chiêm ngắm” ngài khám phá ra rằng “Thiên Chúa cư ngụ trong nhà, trên đường và nơi các quảng trường của Ngài” (EG 71). Thánh Phaolô không nhìn thành Athens và thế giới ngoại giáo bằng thái độ thù địch nhưng bằng đôi mắt đức tin. Và điều này khiến chúng ta tự hỏi về cách chúng ta nhìn các thành phố của mình : chúng ta quan sát nó bằng sự dững dưng chăng? Bằng khinh miệt? Chúng ta có nhận ra con cái của Thiên Chúa giữa những đám người vô danh bằng đức tin không?
Phaolô chọn lối nhìn thúc đẩy và mở ra một lối nhỏ giữa Tin mừng và thế giới ngoại giáo. Ngay trung tâm của một trong những thể chế nổi tiếng nhất của thế giới cổ đại, tại Areopago, Phaolô thực hiện thêm một thí dụ về hội nhập văn hóa đối với sứ điệp của đức tin: Ngài loan báo Chúa Kitô cho những người đang thờ ngẫu tượng, không công kích họ, nhưng biến mình thành “pontefice, người xây dựng các nhịp cầu” (Bài giảng tại nhà nguyện Marta 8/5/2013).
Phaolô lấy gợi ý từ đền thờ của thành phố dành cho vị “thần vô danh” (Cv 17,23) – có một bàn thờ được viết là “thần vô danh”; không hình bóng, không gì cả, chỉ có chữ viết ở đó. Bắt đầu từ “lòng sùng kính” dành cho thần vô danh đó, để đồng cảm với các thính giả, Phaolô giảng rằng Thiên Chúa “đang sống giữa mọi người” (EG 71) và “Ngài không ẩn mình đối với những ai đang tìm kiếm Ngài với con tim chân thành, dẫu cho họ đang dò dẫm tìm Ngài” (sđd). Đây thật là sự hiện diện mà Phaolô cố gắng vạch ra: “Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị” (Cv 17,23)
Để mạc khải danh tính của vị thần mà những người Athen đang thờ lạy, thánh Tông đồ bắt đầu từ việc tạo dựng, nghĩa là từ niềm tin vào Thiên Chúa mạc khải, dẫn đến sự cứu chuộc và phán xét, tức là dẫn đến sứ điệp Kitô giáo cách đúng đắn. Thánh Phaolô cho thấy sự mất cân đối giữa cái vĩ đại của Đấng Tạo Hóa và những đền thờ do con người thiết dựng, và ngài giải thích rằng, Đấng Tạo Hóa luôn tự tìm cách để mọi người có thể tìm thấy Ngài. Bằng cách này, theo diễn tả rất hay của ĐTC Bênêđictô XVI, Phaolô “loan báo Đấng mà con người không biết, thế nhưng họ đã biết: điều chưa biết-được nhận biết” (Bênêđictô XVI, gặp gỡ thế giới văn hóa tại Học viện Bernardin, 12/9/2008). Sau đó, ngài mời tất cả mọi người vượt qua “những thời không hiểu biết” và tự quyết định để hoán cải theo quan điểm về cuộc phán xét sắp xảy ra. Rồi Phaolô dẫn đến Kerygma, và ám chỉ về Chúa Kitô, không nêu tên Ngài, bằng cách xác định Ngài như là “một người mà Thiên Chúa đã chỉ định, để bảo đảm chắc chắn điều ấy với mọi người, Thiên Chúa đã làm cho vị này sống lại từ cõi chết” (Cv 17,31).
Ở đây có vấn đề. Lời của Phaolô, lúc bấy giờ làm cho những người đối thoại nín thở – bởi vì đó là một khám phám thú vị – giờ gặp phải một chướng ngại : cái chết và phục sinh của Chúa Kitô làm lộ ra “sự ngớ ngẩn” (1Cor 1,23), dẫn tới nhạo báng và chế diễu. Bấy giờ Phaolô lánh đi: nỗ lực của ngài dường như bị thất bại, thế nhưng một vài người đã tiếp nhận lời giảng của Phaolô và đã mở cửa cho đức tin. Trong số những người này có Dionigi, một thành viên của hội đồng Areopago, và một người phụ nữ tên là Damari. Cũng tại Athens Tin mừng được bén rễ và có thể xoay quanh hai cung giọng: một của người nam và một của người nữ.
Hôm nay chúng ta cũng cầu xin Chúa Thánh Thần dạy cho chúng ta biết xây những nhịp cầu văn hóa, với những người không tin hay người có niềm tin khác với chúng ta. Luôn tạo ra những nhịp cầu, luôn mở rộng bàn tay, không có gì phải công kích. Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần khả năng biết hội nhập văn hóa bằng thông điệp nhẹ nhàng của đức tin, bằng cách ban cho những người chưa nhận biết Chúa Kitô, một cái nhìn chiêm ngắm, được rung động từ một tình yêu đốt nóng cho cả những con tim cứng cõi nhất.
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Nguồn tin: Vatican.va: