Dẫn nhập loạt bài giáo lý về 8 Mối Phúc

339

Sáng nay, thứ tư ngày 29/01/2020, trong buổi tiếp kiến chung tại hội trường Phaolô VI, ĐTC Phanxicô bắt đầu loạt bài giáo lý về các Mối Phúc trong Tin mừng Matthêu, chương V. Qua đó, ngài khuyến khích mọi người đọc lại các Mối phúc – một vài lần hoặc nhiều hơn trong suốt tuần – để hiểu được con đường này rất tuyệt vời, rất chắc chắn về hạnh phúc mà Thiên Chúa đề nghị cho chúng ta.

1- Dẫn nhập bài giáo lý về các Mối Phúc

Anh chị em thân mến!

Hôm nay chúng ta bắt đầu loạt bài giáo lý về các Mối phúc trong Tin mừng Matthêu (5,1-11). Bản văn này khai mở “Diễn từ trên núi” và soi sáng cho cuộc sống của các kẻ tin cũng như những người không tin. Thật khó để không bị xúc động bởi những lời này của Chúa Giêsu, và thật chính đáng khi mong muốn được hiểu và đón nhận Lời Chúa cách đầy đủ nhất. Các Mối phúc chứa đựng “thẻ căn cước” của người Kitô hữu – đây cũng là thẻ căn cước của chúng ta – bởi vì nó phác hoạ chính khuôn mặt của Chúa Kitô, cách sống của Chúa.

Giờ đây chúng ta hãy đóng khung toàn bộ những lời nói của Chúa Giêsu; trong những bài giáo lý tiếp theo, chúng ta sẽ bàn luận từng Mối phúc một.

Điều quan trọng hơn hết là xem thử việc công bố thông điệp này đã diễn ra như thế nào: Chúa Giêsu thấy đám đông dân chúng theo Người, leo lên sườn núi quanh biển hồ Galilê, Người ngồi xuống, hướng về các môn đệ và công bố các Mối phúc. Cho nên, thông điệp được hướng trực tiếp đến các môn đệ, nhưng ở đằng xa còn có cả đám đông, tức là toàn thể nhân loại. Đó là một thông điệp dành cho toàn thể nhân loại.

Mặt khác, “ngọn núi” được nói đến là núi Sinai, nơi Chúa ban cho Môsê 10 điều răn. Chúa Giêsu bắt đầu ban bố luật mới: hãy trở nên nghèo khó, hiền lành, xót thương… Những “giới răn mới” này còn hơn cả những qui tắc. Thật vậy, Chúa Giêsu không áp đặt bất cứ điều gì, nhưng vạch ra con đường hạnh phúc – con đường của Ngài – bằng cách lặp lại 8 lần từ “phúc cho”.

Mỗi Mối phúc được tạo nên gồm ba phần. Khởi đầu luôn có từ “phúc”; tiếp đến là các hoàn cảnh qua đó con người tìm ra được hạnh phúc: tinh thần nghèo khó; sầu não, đói khát sự công chính…; cuối cùng là động lực của hạnh phúc, được lồng vào bởi liên từ “bởi vì”: “Phúc cho người này, người kia, bởi vì….”. Và như thế có 8 Mối phúc và thật tuyệt vời khi học thuộc lòng chúng bằng cách lặp đi lặp lại, để ghi nhớ trong trí lòng lề luật mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta.

Chúng ta hãy chú ý đến sự kiện này: động lực của hạnh phúc không phải là hoàn cảnh hiện tại mà là điều kiện mới mà những người được chúc phúc nhận được ân sủng từ nơi Thiên Chúa: “bởi Nước Trời là của họ”, “vì họ sẽ được an ủi”, “vì họ sẽ được đất nước làm gia nghiệp”..vv..

Trong yếu tố thứ ba, chính xác là lý do của hạnh phúc, Chúa Giêsu thường dùng thì tương lai thụ động: “họ sẽ được an ủi”, “họ sẽ nhận đất nước làm cơ nghiệp”, “họ sẽ được no thoả”, “họ sẽ được thứ tha”, “họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.

Tuy nhiên từ “Phúc” muốn nói lên điều gì? Vì sao mỗi một mối phúc bắt đầu bằng từ “phúc”? Thuật ngữ ban đầu không ám chỉ đến người nào đó có bụng no đầy hay làm việc tốt, nhưng là người đang sống trong tình trạng ân sủng, có tiến bộ trong ân sủng của Thiên Chúa và tiến bộ trên nẻo đường của Thiên Chúa: nhẫn nhục, khó nghèo, phục vụ tha nhân, an ủi…. những ai tiến bộ trên những điều này họ sẽ là người hạnh phúc, sẽ được chúc phúc.

Để hiến mình cho chúng ta, Thiên Chúa thường chọn những con đường không thể tưởng tượng được, có thể đó là những giới hạn của chúng ta, nước mắt của chúng ta, những thất bại của chúng ta. Đó là niềm vui phục sinh mà những người anh em ở đông phương nói đến, niềm vui đó dẫu có những thương tích nhưng vẫn sống động, đã trải qua cái chết và đã trải nghiệm được của sức mạnh Thiên Chúa. Các Mối phúc luôn đem đến cho chúng ta niềm vui; chúng là con đường để đem lại niềm vui. Và sẽ khiến cho chúng ta vui hơn, hôm nay anh chị em hãy đọc các Mối phúc trong Tin mừng Matthêu, chương 5, 1-11 – có thể một vài lần hoặc nhiều hơn trong suốt tuần – để hiểu được con đường này rất tuyệt vời, rất chắc chắn về hạnh phúc mà Thiên Chúa đề nghị cho chúng ta.

 

 

Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Nguồn tin: w2.vatican.va