Dám sống

77

DÁM SỐNG

Trực giác thì im lặng mà cứu cánh của ngôn ngữ lại là truyền đạt. Một mặt, tôi muốn dìm mình vào trong thinh lặng để tìm kiếm chân lý đích thực cho cuộc đời. Mặt khác, trong tâm hồn tôi xuất hiện một cơn lốc quay cuồng với những ước muốn chưa được sáng tỏ, những tưởng tượng mơ hồ và những suy nghĩ xung khắc nhau đòi hỏi tôi phải lên tiếng qua ngòi bút của mình. Tôi tự hỏi, làm sao con người có thể trải nghiệm sự tồn tại của mình cách toàn vẹn mà không bị đục khoét bởi quá khứ còn lẩn quẩn đâu đó trong tâm hồn họ? Làm sao có thể sống một cuộc đời nhẹ nhõm và chỉ chạm đến con tim của những người khác mà không để lại trong họ những vết hằn?…Có thể nói, những mảnh ghép của thành công và thất bại, hay đôi khi chỉ là những lo lắng vụn vặt trong cuộc sống thường ngày cũng đủ gây xáo trộn nội tâm, nếu như mỗi người đã lỡ đánh mất điểm tựa trọng yếu cho cuộc đời mình. Nhưng, một điều cũng không khỏi gây ngạc nhiên cho chúng ta là, có mấy ai thực sự nhận biết được điểm tựa quan trọng nhất trong cuộc đời họ? Như vậy, điều duy nhất cho phép con người sống chính là hành động, ngay cả khi phải đối diện một cách cô đơn giữa ý thức cá nhân và thân phận làm người dường như “bị quăng ném vào cái thế giới hư vô với biết bao phi lý” này? Dám sống – tôi thiết tưởng đó không phải là một quyết định dễ dàng đối với tất cả mọi người. Bởi vì, sống không có nghĩa chỉ là tồn tại.

Thật vậy, trong nơi sâu thẳm của cõi lòng, mỗi người chúng ta đôi khi cảm thấy một sự bất an bệnh hoạn, một sự lo sợ là mình không đáng kể và vô giá trị. Và dường như lúc nào chúng ta cũng có thể rơi vào trạng thái ở ngoài bản thân mình, xa lạ với chính mình, trong khi lại quá trĩu nặng với trách nhiệm, nên cuộc đời xét cho cùng là một chuỗi những mắt xích của phi lý và lo âu? Chúng ta có thể suy nghĩ về kinh nghiệm của Chúa Giêsu trong vườn Giêtsêmani, ngang qua những giai điệu buồn và trầm lắng như: “Sao Cha im lặng khi cô đơn đong đầy cuộc sống?…Sao Cha im lặng khi mọi người che mắt hững hờ?..Sao Cha im lặng khi con ưu tư đi tìm lẽ sống?…Sao Cha im lặng khi một mình con ngước mắt nguyện cầu?…”, để thấy rằng, chính Chúa cũng đã từng kinh qua những giây phút hãi hùng đến thế trong nội tâm Ngài. Hay chúng ta cũng có thể lắng lòng một chút để cảm nhận những suy tư này: “Nếu Chúa không chết, con kinh hãi lắm giờ chết vì phải một mình đi vào cõi hư vô, tuyệt vọng. Nếu Chúa không chết, con sẽ chẳng phải mất công chuẩn bị hành trang cho chuyến đi sau cùng vào cõi chết. Vì cõi chết có gì hiện hữu để chờ mong, để chuẩn bị?…” (Đường Về-Tập 2, Những người lữ hành hạnh phúc). Nếu cõi chết không có gì hiện hữu để chờ mong, thì cõi trần còn gì đáng sống để hi vọng?

Không thể tin hay hi vọng nếu không yêu, cũng như không thể hi sinh khi tình yêu vắng bóng! Qua đó, có thể nhận thấy rằng, thảm trạng mất hướng đi dễ dàng đánh gục con người trong vô nghĩa của Ơn Gọi, khi không còn điểm tựa là chính Đức KiTô trong cuộc đời. Thế nhưng, nếu không có những sợ hãi và khắc khoải kia, con người liệu có thể có được nhận thức sâu xa và chắc chắn về thực tại của mình hay không? Chính vì cảm nhận sâu sắc về sự phi lý của cuộc sống mà con người luôn muốn nổi dậy, chống lại nỗi khốn khổ của kiếp người. Chính trong việc luôn phải bận rộn với những bản phác thảo cho những dự định và mải miết ngoài bản thân mình, con người làm cho mình không hiện hữu. Mặt khác, nhờ việc theo đuổi những mục đích siêu việt mà con người mới có thể hiện hữu. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng sự thực là như vậy. Để đạt đến sự hoàn tất vận mệnh của mình, mỗi người phải được chuẩn bị để từ bỏ mọi sự, kể cả sự sống. Trong khi đó, hầu hết mọi người dường như chỉ bắt đầu đến gần được mức độ cần thiết của việc quên mình vào lúc cuối đời. Vậy, phải nói sao về những nỗ lực và nhiệt huyết của tuổi trẻ trong việc tìm kiếm sự thật này? Phải chăng khao khát thinh lặng chỉ là một chút bình yên tạm thời khi cơn lốc xoáy còn trong thời kỳ tiềm ẩn? Như vậy, “dám sống” đồng nghĩa với việc dám đón nhận mầu nhiệm sự dữ nơi cuộc đời mình.Và một khi đã biết chấp nhận sự hiện diện của “sỏi đá” trên lộ trình, nó không còn làm hại chúng ta được nữa. Trái lại, chúng ta có thể sử dụng những tảng đá từng cản trở lối đi, để làm nền cho căn nhà của mình thêm vững chắc hơn! Tại sao không?!

Nhưng đang khi còn ở giữa tình trạng thụ động và bất lực, mỗi chúng ta có đủ kiên nhẫn để vấn đề ngày một tồi tệ hơn cho tới khi có thể thấu suốt mọi ngọn nguồn? Còn gì để mơ ước, để hi vọng, để đợi chờ nơi một thi hài bất động? Còn gì để tìm kiếm nơi một người đã hoàn toàn thua cuộc, bị loại khỏi vòng chiến một cách thê thảm, nhục nhã? Tất cả những gì gọi là vinh quang, vinh dự, vinh hiển đều tuột khỏi con người của Đức KiTô?! Vì trước mặt thế gian, Ngài dường như hoàn toàn trần trụi, tơi tả và bất lực. Sự thực là, mỗi người chỉ có thể nhận ra sự hiện diện mới mẻ của Đức Kitô trong cuộc đời mình, nhờ những xáo trộn xảy đến nơi cuộc sống tưởng chừng như bình lặng đến vô tình này. Chỉ khi mỗi người có thể đạt đến một sự hiểu biết về những phức tạp của động cơ bên trong, họ mới bắt đầu đánh giá được mức độ, mà những sức mạnh của vô thức như sự bấp bênh, những thành kiến, những đam mê, những tham vọng trong con người …đã quyết định đến hành động của họ như thế nào.

Nếu ai đã từng trải qua những khoảnh khắc đau đớn của cơn khủng hoảng nội tâm sẽ cảm nghiệm được rằng, thực sự ơn đức Tin không khi nào thụ động trong suốt những ngày khó khăn ấy! Đó chẳng phải là một cách tiếp cận Thiên Chúa mới mẻ hơn cả, đang bắt đầu được mở ra cho con người sao?! Chỉ cần một chút ánh sáng le lói sau cơn bão của cảm xúc, cũng đủ soi rọi những đổ nát và tê liệt trong tâm hồn, nếu mỗi người thực tâm muốn tìm kiếm lẽ sống cho cuộc đời. Và điều tưởng chừng như đe dọa ý chí hiện sinh của con người lại là một lời mời gọi để vươn lên. Bởi vì chính trong khoảnh khắc sống còn, con người giống như thể bị buộc phải huy động toàn lực để quyết định đánh cược số phận mình trong ván bài cuối cùng. Chính sự đánh cược này lại giúp con người thanh luyện những bất nhất, do dự, hãi sợ… mà họ chưa nhận ra nơi bản thân mình, và giúp mỗi người tự định hướng lại để sống một cuộc đời sâu sắc và tập trung hơn. Thậm chí, nó có thể đảo lộn mọi sự và kéo theo việc phải viết lại cách triệt để kịch bản cuộc đời.

Do vậy, chính những khó khăn và thách đố lại thường phá vỡ sự tự mãn, phá vỡ những ảo tưởng rằng con người có khả năng quản lý đời mình, đẩy con người tới việc phải hành động dứt khoát để có được một quyết định sáng tạo cho một khởi đầu mới! Và khởi đầu mới này hứa hẹn một kết thúc có hậu bởi lẽ, con người đã nhận ra sự mỏng manh của thân phận hư vô nơi mình. Vì thế, họ sẽ gia tăng lòng tin vào sự tốt lành của Thiên Chúa, học lại cách tin tưởng vào người khác, và học cách mở rộng chu vi của niềm hi vọng, dẫu biết rằng, sự tin tưởng hầu như luôn luôn là một cuộc mạo hiểm liều lĩnh, vì mỗi người có thể chẳng bao giờ biết trước người khác sẽ đáp lại họ thế nào?! Nhưng đó lại chẳng phải là điều mong mỏi của Đấng Chịu-Đóng-Đinh trên thập giá, một sự táo bạo và liều lĩnh trao phó trọn vẹn trái tim yêu của Ngài cho nhân loại hư vô này sao? “Một cho Tất Cả”- Giêsu đã đánh đổi vị thế của Con Đức Chúa Trời để mặc lấy thân phận cát bụi của người thợ mộc vô danh. Ngài đã dám sống một cuộc đời bình dị đến tầm thường, để giành lại cho con người một đời sống trổi vượt, khi đưa con người từ hư vô lên địa vị làm Con Thiên Chúa giống như Ngài.

Sr. Têrêsa Âu thị Phương Anh
Học viện MTG Thủ Đức