TIN TỨC Tin Giáo hội Đại Hội Châu Á Thái Bình Dương Lần II Về Di Dân,...

Đại Hội Châu Á Thái Bình Dương Lần II Về Di Dân, Gia Đình Và Sứ Vụ

HoiNghiDiDanTaiwan_2014

Từ ngày 25 đến 28 tháng 9 năm 2014, tại giáo phận Đài Trung, Đài Loan, đã diễn ra Đại hội Châu Á Thái Bình Dương lần II về Di dân, Gia đình và Sứ vụ do Uỷ ban Giám mục Chăm sóc mục vụ cho người Di dân và Lữ khách của Hội đồng Giám mục Miền Trung Hoa (Chinese Region Bishops’ Conference – Đài Loan) tổ chức.

Tiếp nối sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô viết cho người di dân và người tị nạn nhân ngày Thế giới di dân và tị nạn năm nay, Đại hội đã chọn chủ đề “Di dân và gia đình trong sứ vụ hướng đến một thế giới tốt đẹp hơn”.

Các vị giám mục và linh mục đặc trách mục vụ di dân của nhiều Hội đồng Giám mục đã trực tiếp tham dự hoặc cử đại diện tham dự; trong đó có Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines, Israel, Liban, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, Italia, Thuỵ Sĩ và Việt Nam. Ngoài ra, cũng có đại biểu của Văn phòng Phát triển Con người thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu và đại biểu của giáo phận Hong Kong, Trung Quốc. Đặc biệt, Đại hội còn hân hạnh đón tiếp sự hiện diện của Đức Thượng phụ Gregorios III của Giáo hội Công giáo Hy Lạp lễ điển Melkite, và đại diện các Bộ Lao động và Ngoại giao của Đài Loan.

Mỗi ngày Đại hội thảo luận từng đề tài mục vụ theo 3 nhóm đối tượng: mục vụ di dân trên đất liền, mục vụ trên biển cho thuyền nhân và ngư dân, mục vụ cho người tạm cư và tị nạn do thiên tai, chiến tranh và xung đột chính trị. Với hầu hết các lãnh thổ ven biển, các Hội đồng Giám mục quốc gia đã thiết lập Văn phòng mục vụ hàng hải (Apostolate of the Sea) đặt dưới sự điều hành của Uỷ ban Giám mục đặc trách mục vụ di dân. Văn phòng mục vụ hàng hải có trách nhiệm cử hành bí tích cho các thuyền nhân khi cập cảng tại nước sở tại, phối hợp với Caritas địa phương chăm sóc mục vụ cho các nạn nhân thiên tai trên biển.

Trong suốt 3 ngày Đại hội, các tham dự viên đã chăm chú lắng nghe các bài báo cáo về hiện trạng lao động nhập cư trong nước và quốc tế, lao động trên biển, kết hôn ngoài nước, nhập cư bất hợp pháp, thảm trạng gia đình di dân trong mối đe doạ về hôn nhân và trách nhiệm nuôi dưỡng con cái. Cụ thể trong bối cảnh lao động nhập cư và kết hôn với người nước ngoài tại Đài Loan, các báo cáo viên đã chia sẻ và giới thiệu các chương trình trợ giúp xã hội và pháp lý cho người lao động nhập cư; đại diện các Bộ Lao động và Ngoại giao cũng đã trình bày và và giải đáp cởi mở về những điều luật và quyền lợi liên hệ đến làn sóng nhập cư tại Đài Loan. Trước tình trạng người nhập cư ở Đài Loan tạo ra khá nhiều tiêu cực xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đạo đức và tâm linh như nạn áp bức và bóc lột lao động, ly dị và tái hôn, mại dâm và phạm pháp, Giáo hội địa phương đã nỗ lực thiết lập, bảo trợ, và phát triển các chương trình mục vụ cho người di dân đến Đài Loan theo từng sắc tộc và nhóm ngôn ngữ ở tất cả 7 giáo phận của giáo hội sở tại. Đức Thượng phụ Gregorios III cũng đã chia sẻ về tình trạng giáo hội tại Syria trong chiến tranh và nạn di dân tạm cư lánh nạn. Đức cha Crispin Varquez đã tường trình những kế hoạch mục vụ đầy nỗ lực dành cho nạn nhân của siêu bão Haiyan, xảy ra tại giáo phận Borongan, Philippines hồi tháng 11 năm 2013; hậu quả thiên tai để lại không chỉ ảnh hưởng về mặt vật chất và con người tự nhiên với vô số dịch bệnh đói kém mà còn tạo ra những thảm trạng tâm linh về luân lý gia đình, nạn di dân kèm theo tệ nạn xã hội và những ảnh hưởng lâu dài đối với sự phát triển tâm-sinh lý của rất nhiều trẻ em. Từ kinh nghiệm của giáo phận mình, Đức cha Crispin nhấn mạnh: Giáo hội còn cần phải chuẩn bị để định hướng mục vụ cho thế hệ nạn nhân thiên tai để họ có thể tái hội nhập với xã hội và ổn định cuộc sống.

Theo thống kê, hiện có hơn 50 triệu người di dân Châu Á trên toàn thế giới. Vì thế, mục vụ di dân đứng trước một đòi hỏi không chỉ ở cấp giáo phận hay quốc gia mà còn ở cấp liên quốc gia và quốc tế. Hơn nữa, mục vụ di dân không thể tách rời với mục vụ gia đình vì nguyên cớ của các cuộc di dân nếu không phải do chiến tranh tạo ra thì cũng nhằm mục đích đoàn tụ gia đình hoặc chấp nhận ly hương ly tán để mưu tìm một cuộc sống gia đình ổn định và vững bền hơn. Tiếc thay, hầu hết các cuộc di dân đều để lại những hệ quả cá nhân và tập thể mà Giáo hội cần phải tham gia chữa lành. Thế nên trong thông điệp gửi đến Đại hội, Đức cha Bosco Lâm Cát Nam, giám mục giáo phận Đài Nam, Chủ tịch Uỷ ban Giám mục Chăm sóc mục vụ cho người Di dân và Lữ khách của Hội đồng Giám mục Miền Trung Hoa (Đài Loan), đã nói lên ước mơ của ngài là làm sao có thể thiết lập được một mối liên kết giữa các vị giữ trách nhiệm mục vụ di dân của các quốc gia để thực hiện một chương trình mục vụ cụ thể cho hàng triệu anh chị em di dân. Kế hoạch mục vụ di dân đa quốc gia cần có sự phối hợp giữa giáo phận gốc và giáo phận tiếp nhận cả về mặt hành chánh và bí tích lẫn đòi hỏi dấn thân mục vụ để chăm lo cho đời sống của các gia đình di dân được ổn định và tốt đẹp hơn.

Trong sứ điệp gửi Ngày di dân thế giới năm 2015 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã bày tỏ rằng anh chị em di dân và người nhập cư “có một chỗ đặc biệt trong lòng Hội thánh, và chính những anh chị em này giúp Hội Thánh mở rộng con tim thể hiện tình mẫu tử đối với toàn thể gia đình nhân loại”. Với tâm thế đó, Đại hội Châu Á Thái Bình Dương lần II về Di dân, Gia đình và Sứ vụ đã khép lại với Thánh lễ Đại trào do Dức Hồng y Rosales, nguyên Tổng giám mục Manila, chủ tế vào sáng Chúa nhật, 28 tháng Chín – cũng là ngày Giáo hội tại Đài Loan cử hành Ngày Di dân.

Nam Định

hdgmvietnam.org

Exit mobile version