Đặc Tính Tình Yêu

74

Có thể chúng ta hay nói về tình yêu, nhưng để sống tình yêu đến cùng như Chúa Giêsu dạy: “Tình yêu thí mạng sống” (Ga 15, 13) thì không dễ. Tình yêu có những đặc tính:

Tình yêu là lẽ sống.

Như Grabriel Marcel, ngài diễn tả câu nói “anh yêu em” là muốn nói: “Em không được chết, em cần được sống, sống muôn đời” . Trong câu nói ấy bao hàm một suy tư chín mùi về công trình sáng tạo nên con người. Con người cần có mặt, hiện hữu, và con người sinh ra để sống chứ không phải để chết. Trong lý lẽ của tình yêu đó, con người cần được cứu độ, cần được mua bằng giá chuộc sự chết để sống. Bởi đó câu nói của vị thượng tế tên là Caipha nói chí lý : “ thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” (Ga, 11, 50).

Tình yêu không chiếm hữu.

Tình yêu của đời đôi bạn khi tiến tới tình yêu trao hiến cho nhau, luôn được mời là một tình yêu không vị lợi. Nhưng thật là khó, khi tình yêu đôi lứa ấy bắt đầu bằng một một xác quyết: “anh là của em” và “em là của anh”. Trong tình yêu giới hạn của con người có ảnh hưởng của tình yêu chiếm hữu, nên khi yêu nhau, thường bị trói chặt vào nhau đến nỗi làm nghẹt thở nhau trong đời sống hôn nhân.

Vượt trên tình yêu chiếm hữu là một tình yêu vì người mình yêu. Nó là một tình yêu vượt trên lý trí, không hiểu nổi tại sao cần thực hiện như thế: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cor 13, 4 – 7)

Tình yêu chữa lành.

Một tình yêu đi đến với nhau đích thực còn là một tình yêu bổ khuyết và chữa lành cho nhau. Chấp nhận người mình yêu nhưng còn là chết đi cho cái tôi của từng người để có thể hòa nhập vào nhau. Trên lý thuyết bao giờ cũng dễ nói, nhưng trong thực tế đôi khi “dẫm vào đời nhau” bằng những lời nói, bằng những cử chỉ, thái độ … làm tổn thương đời nhau. Tình yêu của Chúa mới có thể đi cho đến tận cùng của tình yêu biến đổi, chữa lành cho người mình yêu mà thôi. Thế nên khi yêu nhau, muốn chữa lành đời nhau, cần có một đời sống cầu nguyện, gắn bó với Chúa để chữa lành đời nhau như gương bà thánh Monica. Con đường của hy sinh và cầu nguyện.

Tình yêu khổ nạn.

Mang lấy nỗi đau khổ của người mình yêu, không vì thương cảm hay lòng thương hại. Rất nhiều khía cạnh của lòng thương cảm hay thương hại này khi đôi bạn đến với nhau cuối cùng làm tổn hại đời nhau. Tình yêu không là cảm xúc nhất thời, tình yêu đòi hỏi sự bền bỉ, thủy chung, khi vui, cũng như khi buồn, khi mạnh khỏe cũng như khi đau yếu. Một tình yêu gắn vào đời nhau những vui cùng buồn, cùng nhau gánh vác sẻ chia, và sẵn sàng chịu đau khổ vì người mình yêu. Thường khổ nạn trong tình yêu, người ta không thể chấp nhận và không dễ đón nhận, vì quan niệm hôn nhân là mưu cầu hạnh phúc. Bất hạnh trong hôn nhân thường dẫn đến chia tay, chấp nhận bất hạnh người ta cho là hèn.

Trong tình yêu khổ nạn của Chúa Giê su, cho thấy một tình yêu trở nên yếu đuối,  chịu chết trong tay của kẻ thù, mà chính Ngài còn dạy: “Hãy yêu kẻ thù” (Mt 5, 44). Tình yêu khổ nạn là một tình yêu cứu chuộc thật sự cho kẻ ghét mình, cho kẻ thù của mình, cho kẻ phản bội mình, đày đọa mình…

Tình Yêu tự biểu lộ.

Tình yêu không còn là lời nói suông, không là lời có cánh, tình yêu thực sự được biểu lộ bằng hành động và tự trao chính mình. Khi tìm hiểu nhau, đôi bạn thường hay nói về mình, tự giới thiệu mình, đôi khi cả những điều thích và không thích, thật và không thật… Nhưng đôi bạn chỉ hiểu nhau nhiều hơn qua thời gian chung sống với nhau. Thời gian, lời nói và hành động mới là điều tự chính mình bộc bạch cho người mình yêu những gì thật sự thuộc về chính mình. Trong tình yêu sâu đậm của hôn nhân, có thể gặp những con người yêu thương nhau thực sự khi biết khiêm nhượng nhận ra mình, biết xin lỗi, biết thứ tha, biết những yếu đuối, cản trở, khó khăn thuộc về tính khí của mình. Tình yêu đích thực tự nó không che giấu điều gì, nó là sự thật của con người đang yêu.

Chúa Giêsu biểu lộ chính mình “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15, 15).     

Tình Yêu hòa giải và hiệp thông.

Tình yêu luôn có những bất đồng, luôn có những điều làm phiền lòng nhau. Nhưng tình yêu cũng có một sức mạnh để hóa giải giận hờn, biết sẵn lòng khoan dung, biết buông những ích kỷ để hòa hợp. Tình yêu vượt trên những lúc bộc phát, chỉ muốn phá đổ, chỉ muốn làm ra lớn chuyện… Một tình yêu đủ lớn cần có sự bình tĩnh, cân nhắc, kềm chế những nóng giận, vì thực chất của tình yêu luôn là muốn hóa giải sự dữ ra sự lành, xoa dịu những thương tích tội lỗi để sống lại niềm vui bình an. Tình yêu còn là xoa dịu những cay đắng, chất chứa trong lòng của người mình yêu đang đố kỵ, đầy ghen tuông, trách móc.

Có thể thấy tình yêu hóa giải ấy trong dụ ngôn người cha nhân từ (Lc 15, 11 – 32). Rộng tay ôm người con thứ trở về và còn xoa dịu nỗi hậm hực của người con cả vì đố kỵ, ghen tuông. Tình yêu luôn bao dung, ôm vào lòng cả những tội lỗi và lòng ghen ghét. Không để người con thứ mất hút trong tình thương của cha, mà cũng chẳng xóa nhòa người con cả trong tình yêu. Tình yêu đúng nghĩa là trả lại khuôn mặt tươi mới của người mình yêu, con người hoàn toàn dễ thương và trìu mến, con người của yêu thương và chứng nhân của tình thương.

Cần có một tình yêu đủ lớn và đủ mạnh, để yêu thương tất cả, hy sinh tất cả, tha thứ tất cả và đón nhận tất cả. Xin cho tình yêu nhân loại của chúng con làm chứng cho tình Chúa yêu thương.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan