Đá tảng góc tường
(Thứ Hai tuần IX thường niên)
Lời Chúa: Mc 12,1-12
Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường (Mc 12,10)
Suy niệm:
Kinh Thánh Cựu Ước đã từng ví von dân Do Thái là một vườn nho Chúa chọn, bón tỉa, Ngài đã làm hết mức cho vườn nho của Ngài. Nhưng thay vì sinh hoa trái công chính như Ngài hằng mong ước, lại sinh ra những trái nho chua chát và Ngài sắp trao cho người khác chặt phá đi. Tiên tri Giêrêmia còn nói Israel là cây nho được tuyển chọn, nhưng trở nên thoái hóa và cằn cỗi, nên bị nhổ đi.
Trong Tân Ước, vườn nho ám chỉ những đặc ân Thiên Chúa dành cho Israel. Nhưng họ không biết hưởng dùng nên Kinh Thánh nói “Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông và đem trao cho dân khác làm sinh hoa quả” (Mt 21,43). Và đó là ý nghĩa dụ ngôn hôm nay. Dụ ngôn có được diễn tiến như sau:
Lần đầu tiên, ông chủ gửi đầy tớ tới xem xét thu hoa lợi, thì người đầy tớ đó lại bị đánh đuổi về tay không.
Lần thứ hai, người được sai đến, đã bị đánh đuổi lại bị sỉ nhục và cũng ra về tay không.
Cuối cùng, khi con trai ông chủ tới, thì bị túm cổ đem đi giết và vứt ở ngoài đường (c.8).
Cứ bình thường một người cha nào làm như vậy tức là dại dột. Nhưng ở đây, Chúa muốn minh chứng một chân lý, tình thương xót nhẫn nại của Chúa bao la vô cùng. Nhưng tội ác của con người càng lúc càng gia tăng. Một đàng là tình thương ngút ngàn, một đàng là tội lỗi tràn đầy. Thiên Chúa chỉ ra án phạt khi tội nhân quyết tâm từ chối tình yêu.
Sau những diễn biến Chúa ám chỉ về Ngài bằng hình ảnh viên đá bị thợ loại bỏ nhưng lại trở thành đá góc tường hữu dụng (c.10). Viên đá góc là hình ảnh lấy từ Thánh vịnh 118,22 mà dân Do Thái hát lên khi viếng đền thánh Sion. Theo nghĩa bóng, Viên Đá Góc Tường chỉ về chính Chúa Cứu Thế. Có thể hiểu được bốn cách:
– Đá này chỉ về góc căn nhà mà nhờ đó toàn thể ngôi nhà đứng vững.
– Chỉ chính góc nhà hay chính viên đá góc tường hiện ra bên ngoài để nâng đỡ hai góc tường.
– Đôi khi ám chỉ nóc ngôi nhà từ xa trông thấy được.
– Theo Isaia, Chúa Kitô được gọi là viên đá góc tường làm người ta vấp phạm đúng như lời tiên tri Simêon nói trong đền thờ (Lc 2,34)
Thật ra cả 4 ý nghĩa đều ám chỉ về Đấng cứu thế.
Ý nghĩa chung của dụ ngôn này là dân Do Thái bị loại ra khỏi nước Chúa, còn dân ngoại được mời vào. Dụ ngôn này cũng nói lên lịch sử của chính dân Do Thái mà Thiên Chúa từng can thiệp vào mỗi khi Ngài gửi các tiên tri như lời Ngài đã nói “Xưa kia nhiều phen nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà phán bảo Tổ phụ và ngày sau hết, Ngài đã phán dạy qua Người Con…” (Dt 1,1)
Dụ ngôn này cũng trình bày Chúa Cứu Thế:
– Là Con duy nhất của Thiên Chúa, cao vượt hơn mọi tiên tri.
– Quyền lợi Chúa Cha và Chúa Con ngang nhau.
– Việc Chúa chịu chết là việc tình nguyện vì Thiên Chúa là Thiên Chúa yêu thương.
Dụ ngôn trình bày vai trò đau khổ của Chúa Cứu Thế. Nhưng là sự đau khổ sinh ơn cứu độ. Đó là lý do nhẫn nại của Thiên Chúa. Adam đã đánh mất địa đàng, nhưng đồng thời lại được hứa ban Đấng Cứu Thế. Lỗi phạm nhờ có ân sủng biến thành tội hồng phúc. Đại hồng thủy đưa đến giao ước của Noe. Babel sụp đổ để đưa đến lòng tin của anh em ông.
Như vậy Thiên Chúa có chương trình của Ngài mà chúng ta không thể hiểu hết được. Cũng như xưa người ta không hiểu cái chết của Ngôi Hai để làm gì, thì nay chúng ta mới hiểu được là cái chết đó đem ơn cứu rỗi và sự sống cho mọi người. Đó là ý nghĩa của viên đá bị loại nhưng được Thiên Chúa tuyển chọn. Vườn nho hoang tàn của mùa thu nhường chỗ cho một mùa xuân hoa trái mới. Hầm rượu đầy chan chứa. Tất cả là ơn Thánh.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con theo lòng nhân hậu Chúa. Xin Chúa hãy dùng cuộc đời chúng con theo ý Chúa, để sinh hoa lợi cho vườn nho của Chúa là Giáo Hội chúng con.