Lời Chúa Năm A Đã có một mùa chay như thế

Đã có một mùa chay như thế

(Cảm nhận về biến cố động đất-sóng thần ở Nhật Bản)

Đối với người Công giáo, mùa Chay không là chuyện lạ lẫm. Rất nhiều cuộc tĩnh tâm cho nhiều người, nhiều giới lần lượt được tổ chức ở khắp nơi ; có thể nói mùa Chay là mùa làm thay đổi diện mạo nhân loại, nhất là ở khía cạnh đạo đức, là 40 ngày chúng ta tắm gội chính mình để trở thành người mới.

Làm mới bằng cách nào và hiệu quả của các lời hiệu triệu của Giáo hội từ cấp độ toàn cầu dến các họ đạo nhỏ lẻ đến đâu luôn là nỗi trăn trở của những chủ chăn, của những người thiện chí.

Khởi đầu cho “mùa làm mới” này , chúng ta được mời gọi trở về với chính mình, biết mình là ai – tro bụi – nay còn mai mất, chẳng có gì là bền vững nơi thân bụi cát này. Nhắc lại thân phận mỏng dòn của nhân loại không đồng nghĩa với thái độ đầu hàng buông xuôi trước những thách thức của cuộc sống nhưng để con người biết khiêm tốn nhận ra giới hạn của chính mình. Chúng ta thi hành án lệnh do chính sai phạm của mình : phải mang nặng đẻ đau, vất vả ,lam lũ làm ăn, (Kn 3/16-19), phải biết tận nhân lực ; nhưng tận nhân lực không là Nhân định thắng Thiên, tận nhân lực đúng cách, chính là  : Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” ( Mt 6,33)

Phải biết mình còn nhiều thiếu sót, phải biết xé lòng mình, phải biết trở về. Không tự hối, không biết đấm ngực ăn năn, hay tránh né trách nhiệm là còn cố giữ lại cho mình tật tính của nguyên tổ : tại vì con rắn, tại Eva…; không thấy tại mình thiếu vâng phục. Những quả táo thơm ngon, đặc sản nông nghiệp nổi tiếng của Fukushima yên bình với nắng vàng man mác trên những triền núi đầy hoa làm tôi nhớ đến trái cấm nơi vườn Eden, chắc là ngon lắm, thứ trái cây khởi đầu cho những ngày dài trầm luân của nhân loại. (Không biết trái cấm có phải là trái táo hay không  nhưng trong những hoạt cảnh sáng tạo và sa ngã , thường treo trái táo).

Không thể LÀM MỚI nếu không biết mình còn CŨ KỶ chỗ nào.…

Nhìn về Fukushima để chúng ta hiểu rằng lời khẳng định trong sách Khởi nguyên dẫu không muốn nghe, nó vẫn là sự thật ; những công trình vững chắc được tính toán tỉ mỉ như nhà máy điện nguyên tử bổng chốc trở nên mong manh lạ thường ; những thành phố, những tiện nghi bổng chốc trở nên vô nghĩa. Không thể không ngạc nhiên khi sóng thần có thể đặt để một con tàu lớn nằm ngay giữa phố cách xa bờ biển, xe hơi đậu trên mái nhà và trên hết con người dẫu tài trí nhưng chẳng thể che chở chính mình trong khốn khó gian nguy, như cách cảm nhận của nhà báo Vũ Bằng trên VTC : “Sức mạnh của Thiên Nhiên là không thể tưởng tượng nổi ”.

Trận động đất và sóng thần ở Fukushima hôm 11 tháng 3 năm 2011, sau khi khai mạc mùa Chay hai ngày, giúp ta cảm nhận sâu sắc lời nhắc nhở trong cựu ước từ thuở khai nguyên: “Hãy nhớ mình là bụi đất và sẽ trở về bụi cát”. (Khởi nguyên 3,19).

Quả thật, Nhật Bản hay thế giới và cho một Kitô hữu chúng ta, đã có một Mùa Chay để đời, một Mùa Chay ý nghĩa.

Hơn 10 ngày sau trận động đất và sóng thần, thế giới không còn nhắc nhiều đến thiệt hại vật chất vốn không riêng gì “xứ sở mặt trời” gánh chịu mà nó trở nên chuyện thường ngày của nhiều vùng đất khác nhau như Katrina( Mỹ), Phuket Thái Lan hôm 26/12/2004, trận động đất ở Đường Sơn Trung quốc vào mùa hè 1976 lấy đi trên 200.000 người…Nhưng cả thế giới buộc phải ngưỡng mộ cách ứng xử mẫu mực, sắc sảo trước thiên tai và trước đồng bào của người dân Nhật Bản với nhau – như tấm lòng của em bé 9 tuổi luôn biết nghĩ về người khác trong cảnh khốn cùng (Bài học cảm động về một cậu bé 9 tuổi  – Dân Trí ). Phải chăng em đã chỉ dạy chúng ta biết sống theo lời huấn dụ trong “Thư mùa Chay của hai ĐGM giáo phận Quy Nhơn” mà chúng ta được nghe trước đó mấy hôm : “Anh chị em đừng ngại hy sinh đóng góp phần mình dù nhỏ bé cho việc bác ái để góp phần xoa dịu đau khổ của người bất hạnh.”. Không ai trong chúng ta nghèo hơn em bé trên kia. Em chẳng còn gì, kể cả mẹ cha, người thân ruột thịt ; nghèo đến thế là cùng nhưng có lẽ cũng không ai trong chúng ta dám nghĩ rằng mình góp phần xoa dịu đau khổ của người bất hạnh nhiều hơn em bé 9 tuổi này.

Hiệu ứng Fukushima cho ra đời các website, các facebook “Pray for Japan” cũng là lời cầu nguyện cho chính chúng ta. Chúng ta tìm thấy gì nơi những lời khấn xin ? Phải chăng đây là lúc chúng ta đối diện với chính mình trước mặt Thiên Chúa để nói với Ngài rằng : “Chúa đã nói đúng ! Con chỉ là cát bụi, mong manh, yếu đuối nhưng chẳng phải thứ cát bụi tầm thường bị quên lảng, nhưng là thứ cát bụi  được Chúa giải thoát khỏi mệt nhoài, khỏi đắng cay sầu muộn. Ôi ! cát bụi tuyệt vời !(TCS).

Sống  mùa chay để làm mới mình chính là biết chia sẻ phần mình cho người khác, là biết  thân tình thưa chuyện với Chúa mỗi ngày.

Fukushima sẽ xây dựng lại đẹp đẽ hơn. Tôi biết  giữa cộng đoàn đông đảo người dân Fukushima, có những người anh em đồng đạo thuộc giáo phận Sendai, họ đang sống mùa Chay thật sự, hơn ai hết họ hiểu rằng sau một thời gian nữa họ đón nhận nến sáng Phục Sinh, trên đoạn đường thương khó Fukushima. Rồi đây, họ sẽ gặp ánh trăng sáng hơn, mát dịu hơn, yên bình hơn để họ hiểu rằng dẫu mình chẳng là gì nhưng Thiên Chúa vẫn cứ quan tâm. Ngài đang quay mặt lại an ủi họ vì họ cũng là hạt bụi tuyệt vời được Chúa dựng nên và cứu chuộc. Trong tuyệt vọng của bi kịch thương khó xuất hiện niềm hy vọng Giáng sinh qua biến cố Truyền Tin mà Phụng Vụ sẽ tái diễn ngày 25.3 sắp tới, đã an ủi Sendai, Fukushima …Vâng ! Tình yêu Chúa muôn đời con ca ngợi.

Chúng ta tin rằng chúng ta sẽ mới hơn sau đêm Phục sinh này như Fukushima sẽ mới hơn, hoa nở rực hơn, con người gần gũi nhau hơn sau những điêu tàn, đổ nát.

Micae Trần

 

Exit mobile version