CUỘC TRỞ LẠI CỦA TÊRÊSA THÀNH AVILA
(cảm nhận từ cuốn Tự Thuật của Têrêsa Avila)
Nhờ lòng đạo đức của cha mẹ, ngay từ nhỏ Têrêsa đã được Chúa thức tỉnh các nhân đức. Nhưng các nhân đức này sẽ lớn lên hoặc mất đi do những tiếp xúc và giáo dục. Trước khi vào Cát Minh, Têrêsa cũng đã phải trải qua những ảo tưởng, những đấu tranh để thắng chính mình và bước vào đời sống nội cấm. Ngài viết: “Quyền năng của Chúa đã dẫn con qua biết bao nẻo đường quanh co để tới một nếp sống rất đảm bảo có biết bao nhiêu là tôi tớ của Chúa.” Têrêsa vô cùng nhạy cảm với những ơn lành mà ngài đã cảm nhận được từ nơi Chúa, ngài mang trong tim những thao thức lớn lao nhưng cũng phải đối diện với những đớn hèn của phận người. Có quãng thời gian ngài thú nhận đã bắt đầu phung phí những ơn Chúa ban và đời sống ngài trở nên lạc hướng. “Một bên Chúa kêu gọi tôi, một bên tôi vẫn theo thế gian, tất cả những sự thuộc về Chúa đem lại cho tôi niềm vui, thế nhưng tôi cũng bị trói buộc và gắn chặt vào những sự thế gian.” Ngài tin rằng Chúa đã cứu ngài khỏi biết bao dịp nguy hiểm nhờ không bỏ cầu nguyện. Ngài trình bày cầu nguyện như phương thế tuyệt hảo để đền bù lại những gì đã mất. Và chính bắt đầu từ đây, sau khi ngài tự nhận là “Lý do làm tôi khóc và bực bội vì tôi thấy những tâm tình thúc đẩy, đã dốc lòng và ước ao mãnh liệt mà tôi vẫn cứ mãi ở trong tình trạng sa đi ngã lại.” Ngài đã trình bày phương thế Chúa dùng để thức tỉnh linh hồn ngài và giữa lúc tăm tối nhất Chúa lại ban cho ngài ánh sáng và làm cho các nhân đức ngài thêm vững mạnh để không bao giờ ngài xúc phạm đến Chúa nữa. Têrêsa Avila rất sùng kính thánh nữ Maria Mađalêna và thường xuyên nghĩ đến cuộc chuyển hướng của thánh nữ. Chính trong thời gian thử thách này, ngài cũng đã gặp cuốn Tự thuật của thánh Augustino và ngài tin Chúa đã an bài như thế. Ngài mến thánh nhân vì nhiều lý do, một trong những lý do đó là thánh nhân đã từng là một tội nhân. Ngài nói: “Tôi thấy phản chiếu chính con người mình trong đó.” Ngài đã khóc thảm thiết vì đau đớn và vì hối hận. Cuộc chiến đấu thiêng liêng không còn nhiệm nhặt trong bốn bức tường tu viện nữa nhưng là tận trong Lâu đài nội tâm của ngài. Nơi đó bóng tối và ánh sáng giao tranh, nơi đó, Thiên Chúa và thế gian bắt ngài phải lựa chọn. Chính kinh nghiệm ấy đã đưa ngài đến xác tín rằng: “tôi đã bắt đầu cầu nguyện mà không biết cầu nguyện là gì.” Nhưng những lối thực hành vô cùng đơn sơ ấy không vô hiệu chút nào, tập quán tốt giúp ngài vượt qua được thảm trạng linh hồn mình. Đó là trước khi ngủ, ngài thường dâng mình cho Chúa, làm dấu Thánh Giá, suy về cảnh Chúa cầu nguyện trong vườn dầu. Ngài rất thích cầu nguyện trước ảnh tượng vì ngài biết trí tưởng tượng của ngài giới hạn trước vẻ đẹp của Chúa. Ngài viết: “Tôi xin những ai đọc truyện đời tôi hãy biết cho rằng đời tôi đã quá thất trung đến nỗi trong tất cả các vị thánh đã chuyển hướng cuộc đời, tôi không tìm được vị nào giống như đời tôi cả, vì tôi nhận thấy một khi Chúa đã kêu gọi các ngài, các ngài không con phạm đến Chúa bao giờ nữa. Còn tôi được Chúa kêu gọi rồi tôi còn tệ hơn, vì đã tìm cách đi ngược lại những gì Chúa đã ban cho tôi.”
Cuộc trở lại của Thánh Têrêsa không chớp nhoáng như cuộc ngã ngựa của Phaolô nhưng đó là một hành trình liên lỉ trong kiên trì chiến đấu nhờ cầu nguyện. Đó là sức mạnh giúp ngài thắng chính mình nhờ không bỏ cuộc trước những khao khát được Chúa khơi dậy. Đó cũng là nền móng cho CUỘC VỀ NGUỒN của CÁT MINH CHÂN KHÔNG mà sau này chính ngài đã là người đi tiên phong trong công cuộc cải tổ. Cuộc đời của thánh Têrêsa Avila chính là dấu chỉ cho sự ứng nghiệm của những Lời Chúa phán: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông.” (Is 1,18). Vì “Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã mất”. (Lc 19, 10) nên “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. (Lc 15,10). Chớ gì CUỘC TRỞ LẠI CỦA VỊ NỮ TIẾN SĨ HỘI THÁNH luôn nâng đỡ và gieo hy vọng trên cuộc hành trình nên thánh mỗi ngày của chúng ta. Xin đừng để Thiên Chúa chờ đợi nhưng hãy bắt đầu kiên nhẫn “cải tổ” bản thân và làm cho những thao thức của chúng ta trở nên lời ngợi ca Lòng Thương Xót vô biên của Chúa.
Sr. Anna Bích Hạt, Học viện MTG Thủ Đức