CUỘC THI VẤN ĐÁP CỦA ĐỜI NGƯỜI
Người Kitô hữu, ai ai cũng biết cũng như tin rằng mình phải trải qua 2 kỳ thi vấn đáp sau khi rời cái cõi tạm này. 1 kỳ thi vấn đáp chung và 1 kỳ thi vấn đáp riêng cho mỗi cá nhân.
Kỳ thi vấn đáp cuối cùng của đời người Kitô hữu nó lạ lắm !
Các câu hỏi trong kỳ thi này thí sinh không trả lời được bằng lời nói mà ngang qua hành động của mình hay những việc mình đã làm khi còn sống. Thành quả của việc mình đã làm hay hành động khi mình còn sống chính là kết quả để lọt vào vòng trong hay bị loại.
Kỳ thi này lạ lắm ! Vị Giám Khảo sẽ không hỏi rằng A, B, C sau khi rời cõi tạm có bao nhiêu tiền trong tài khoản hay có bao nhiêu căn hộ hay biệt thự. Giám Khảo cũng sẽ không hỏi người đó có mấy cái bằng giáo sư tiến sĩ ở trong tay. Giám khảo cũng sẽ không hỏi thí sinh bất cứ một điều gì khác ngoài lòng mến.
Và rồi tiêu chuẩn này ai đo được ? Trong đời sống dương gian, thí sinh đâu có thấy Giám Khảo bao giờ đâu để mà nói với Giám Khảo biết rằng mình đã sống lòng mến ? Không ! Dù không thấy nhưng Giám Khảo vẫn ở bên thí sinh ngày từng ngày trong cuộc sống.
Có ứng sinh thì nói lòng mến rất hay nhưng lại không thực thi như lời mình nói. Có ứng sinh thì khi còn sống cũng làm việc bác ái, cũng sống lòng mến đó nhưng dường như là bác ái và lòng mến giả hiệu, đánh bóng tên tuổi của mình.
Những thể loại phô trương công đức thì Giám Khảo đã nói rất rõ : Họ đã được thưởng công rồi !
Giám Khảo còn nói thêm : Phần anh em ! Khi bố thí anh em đừng cho người khác biết ! Vì khi đó Cha anh em trên Trời sẽ thấy việc anh em làm.
Mà rồi khó cho ứng sinh đó là ứng sinh cứ nghĩ khác và Giám Khảo nghĩ khác. Giám Khảo ẩn thân nơi những con người nghèo, người bị tù đày, người đu mù câm điếc … người bị loại trừ ra khỏi xã hội.
Trong đoạn Tin Mừng nói về ngày thi chung thì Giám Khảo cũng đã nói rồi cũng như đã đưa ra hình ảnh 2 bên rất rõ ràng cho chiên và dê.
Phần còn lại là cách sống của mỗi ứng sinh trong cuộc đời. Lòng mến đòi buộc ứng sinh phải sống hết sức tinh tế.
Thánh Phaolô tông đồ đã nhấn mạnh: “Lòng bác ái không được giả hình, giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành, thương mến nhau với tình huynh đệ” (Rm 12,9). Nhiều khi trong cuộc sống chúng ta dễ bị cám dỗ đánh giá việc từ thiện bác ái dựa vào những con số. Chúng ta quyên góp nhiều tiền, nhiều đồ cứu trợ, tiến hành nhiều dự án, xóa đói giảm nghèo cho nhiều người, đưa nhiều cháu đến trường,… Nhưng thiết tưởng ta nên hỏi lại mình, qua những “thành tích” đó, ta có được “lòng mến Chúa yêu người” là linh hồn của việc thực hành bác ái không?
Mỗi chúng ta cũng nên tự hỏi: Tôi có đang tìm hư danh cho bản thân, cho tập thể hay cho một tổ chức xã hội nào đó qua hành động bác ái này không?
Và chúng ta thấy Thánh Phaolô còn nói trong bài ca đức ái như sau: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3).
Với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong Thông điệp “Bác ái trong Chân lý” số 2, đã từng nói: “Mọi sự đều bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, mọi sự đều được định hình bởi tình yêu ấy, và mọi sự đều qui hướng về tình yêu ấy”. Như chúng ta đã nghe, Chúa Giêsu đã để lại bài giảng về tinh thần làm việc bác ái thật rõ ràng. Trước hết, Ngài xin chúng ta đừng làm việc bác ái để được khen, được ngưỡng mộ vì lòng quảng đại của mình nhưng phải làm thế nào để “tay trái không biết việc tay phải làm” (Mt 6,3). Không phải chỉ bác ái bên ngoài nhưng cốt lõi phải là bác ái bên trong, bác ái mà không có tình yêu thương chỉ là bác ái giả tạo nhằm che giấu một mục đích vụ lợi, ích kỷ nào đó mà thôi.
Hết sức thận trọng, mỗi người chúng ta hãy tự vấn: Tôi có thực sự trao ban tình yêu cho tha nhân qua việc bác ái này không? Bác ái không phải nơi đồng tiền mình vội vàng cho, nhưng không ngừng lại được một giây, không nói chuyện với họ để hiểu họ đang cần gì.
Tuy cùng một lúc chúng ta có thể thực hiện được nhiều việc bác ái, nhưng đó chưa hẳn là giúp người nghèo thật sự. Đối với Mẹ Têrêsa, Kitô hữu làm việc bác ái không phải như những nhân viên công tác xã hội, nhưng là những chứng nhân tình yêu Thiên Chúa, những người đem tình yêu Thiên Chúa đến cho người anh em và đem người anh em về với Thiên Chúa. Trong khi các tổ chức xã hội lấy tiêu chí lượng giá là số lượng vật chất họ ban phát, còn Mẹ Têrêsa tuy vẫn dồn sức lực để cho ‘kẻ đói ăn, cho người khát uống’ nhưng Mẹ đặt trọng tâm của sứ vụ bác ái vào việc trở nên “sự hiện diện, tình yêu thương, lòng thương xót của Chúa” cho anh em.
Chúng ta nhìn lại việc bác ái là một hành vi yêu thương, làm kín đáo mà chỉ có Chúa biết và hiểu giá trị của việc mình làm. Việc bác ái chỉ thực sự có ý nghĩa khi xuất phát từ tình yêu, yêu Chúa trong người anh em cùng khổ và yêu thương anh em như chính mình (Mt 22,39).
Với lời mời gọi của Chúa Giêsu, “Chính anh em hãy là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48), Ngài đã ủy thác sứ vụ loan báo Tin Mừng cho các tông đồ, và ngày nay, Ngài cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy ra đi và thi hành sứ mạng ấy qua việc thực thi lòng bác ái chân thật với tha nhân.
Trong tận cõi lòng, chúng ta hãy ý thức rằng, làm việc bác ái để loan báo Tin Mừng và loan báo Tin Mừng bằng cách làm việc bác ái, một lòng bác ái được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực và phải xuất phát từ tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân.
Thời gian qua đi rất nhanh và rất vội. Mỗi ứng sinh (là chúng ta) phải sống như thế nào đó để chúng ta vượt qua kỳ thi vấn đáp cá nhân của mỗi chúng ta. Nếu không vượt qua kỳ thi đó thì ta như người mất cả chỉ lẫn chài. Thế gian ta cũng chẳng được mà Nước Trời ta cũng chẳng có.
Lm. Anmai, CSsR