Cuộc phán xét về tình yêu

315

Cuộc đời con người mong manh và ngắn ngủi. Chúng ta ý thức điều đó, và luôn phải đối diện với nó, trong các tư tưởng và hành động của mình. Shakespeare đã khẳng định: “Bạn mơ thế nào thì bạn sẽ sống như vậy…” Đành rằng đó không phải là chân lý duy nhất của nhân sinh, nhưng nó cũng nói lên phần nào thân phận con người. Con người ước mơ một cuộc sống không còn cái chết đe dọa nữa, một cuộc sống duy trì được những điều tốt lành mà mình đã hay đang nếm hưởng, cho dù trên đời này ta sẽ phải đối diện với những bấp bênh, sóng gió. Niềm mơ ước ấy bắt nguồn từ đâu? Liệu điều đó có thành tựu không, hay chỉ là một ảo tưởng? Hay đã có một Đấng cho phép ta được hy vọng rằng: “ngươi sẽ không phải chết”? Dưới những hình thức khác nhau, đang khi chúng ta vẫn cảm nghiệm được cái chết trong cuộc đời thì cánh chung học Kitô giáo đã cung cấp những lý do cho phép con người tin tưởng rằng: Bên trong và bên trên cái chết, chúng ta được hứa sẽ thụ hưởng một đời sống vĩnh cửu. Vậy điều cần thiết không phải là trốn tránh quy luật về sự chết hay ghê tởm nó nhưng là chuẩn bị cho một sự kiện tất nhiên phải đến một cách “tỉnh thức”, sẵn sàng. Vì khi còn sống chúng ta đã tin tưởng vào sự Phục sinh của Đức Giêsu, cầu xin ơn trợ giúp nơi Chúa Cha, học biết yêu thương và nhiệt thành dấn thân phục vụ với tất cả lòng mến Chúa, yêu người trong mọi giây phút sống. Lề luật của Chúa Giêsu cô đọng trong một thái độ duy nhất: Yêu mến. Tư tưởng này là bản lề vững chắc, xuyên suốt trong nhiều thế hệ tiền nhân của chúng ta như lời trong châm ngôn về Ánh sáng và Tình yêu của thánh Gioan Thánh Giá đã diễn tả: “Ngoài việc xin ơn Chúa trợ giúp hoặc xin ơn này ơn nọ, chúng ta còn cầu xin học biết cách yêu! Vì ‘vào lúc cuộc đời xế bóng’, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu.” Và trong bài giảng tại Bari, ngày 23/02/2020, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nối tiếp tư tưởng ấy cách kiên quyết rằng: “Hôm nay, chúng ta chọn tình yêu, ngay cả phải trả giá, ngay cả lội ngược dòng. Chúng ta cần liên lỉ xin ơn được sống theo tinh thần Phúc Âm để là Kitô hữu đích thực”. Quả thật, cho dù thời đại nào thì chúng ta cũng phải học cách yêu, yêu như Chúa yêu và chọn lựa đức ái để thi hành sứ vụ mà Đấng là Tình Yêu đã ủy thác cho chúng ta.

Là thụ tạo của Thiên Chúa, con người được sinh ra trong thời gian, và bị thời gian bao bọc, khống chế. Chính vì thế con người có tuổi: Tuổi thơ, tuổi dậy thì, tuổi trưởng thành, tuổi trung niên, tuổi già. Cũng như trong sự sống đã có mầm chết, và trong sự chết sự sống đã nhen nhúm, nảy mầm. Nhờ đức tin người tín hữu tin tưởng vào Lời Chúa, thực tại mai sau xâm nhập đời sống hiện tại và hướng dẫn các hành động của mỗi người, vào lúc cuối đời chúng ta tin rằng tất cả sẽ được gặp gỡ Thiên Chúa trong Đức Kitô. Thiên Chúa đã tôn vinh Đức Kitô và cho Ngài sống lại thì Thiên Chúa cũng sẽ đối xử với ta như vậy vì chính Ngài đã xin Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, Con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con.” (Ga 17, 24). Là con người tội lỗi ta thường thấy khó vâng lời Thiên Chúa, tuổi già và sự chết là một cơ hội thuận lợi để ta thưa “xin vâng” với Thiên Chúa. Một tiếng xin vâng trọn vẹn dứt khoát để đón nhận quy luật mà Chúa đã từng nhắc nhớ cho mỗi người rằng: “Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giang tay ra cho người ta thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” (Ga 21, 18). Đức tin, đức cậy, đức mến là ba nền tảng có sức mạnh biến đổi đưa con người vào sự sống đời đời. Ở mỗi giai đoạn của cuộc đời con người, niềm khát khao thuộc về Chúa Kitô được thể hiện qua các Bí tích Thánh Tẩy, Bí tích Thánh Thể và Xức Dầu. Qua Bí tích Thánh Tẩy con người được tái sinh, sống nhờ ân sủng và ân huệ của Thần Khí. Nhờ Bí tích Thánh Thể mà Đức Kitô trở nên sống động trong tâm hồn chúng ta. Nhờ Bí tích Xức dầu trong giờ lâm tử mà con người có đủ sức mạnh để đối phó với thử thách cuối cùng. Như thế chúng ta có thể sẵn sàng đi vào sự hiệp thông với Thiên Chúa ngang qua cái chết và ra trước Nhan Thánh Chúa với lòng tự do hoàn toàn.

Trong cuộc đời, có những lúc chúng ta phải suy tư, cầu nguyện hay tìm kiếm những lời khuyên khôn ngoan. Chúng ta phải nỗ lực để hiểu biết ý nghĩa của mọi sự và chúng ta chỉ tiến bộ nhờ sự soi sáng của Thiên Chúa và sự cộng tác của mình. Nhưng chúng ta không tìm thấy niềm an ủi thực sự nơi những câu trả lời mà là trong việc cầu nguyện. Nhưng đôi khi dù có vận dụng hết mọi phương tiện cầu nguyện, suy niệm…nài xin trước mặt Thiên Chúa nhiều thứ ơn, không phải lúc nào chúng ta cũng có ngay một đáp án vừa lòng. Đó là lý do chúng ta luôn phải học và học suốt đời. Có những bài học trên sách vở, có những bài học từ gương lành thánh, có những bài học từ cuộc sống. Thiên Chúa đối xử với chúng ta như những người trưởng thành và muốn chúng ta phải tự mình bước đi trong tình yêu bằng đôi chân của mình. Từ khi mở mắt đón chào bình minh cho đến khi cuộc đời xế bóng. Trong mọi ngày đời, Người muốn thanh luyện chúng ta theo cách Người muốn.

Trong tương quan với Thiên Chúa con người phải khiêm tốn nhìn nhận những bất lực của mình, nhưng Thiên Chúa thường đi bước trước cho chúng ta cơ hội để nên thánh hoặc kiên nhẫn chờ đợi chúng ta trở về như Cha chờ con. Thiên Chúa không hiện diện chỉ ở cuối đời của ta nhưng hiện diện ở mọi thời điểm của cuộc đời mỗi người. Nhìn nhận này cho thấy tương quan giữa con người với Thiên Chúa, một tương quan chiều dọc trực tiếp, liên tục trong hiện tại. Vào mỗi thời điểm khi ta đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Thước đo thời gian và giá trị của đời sống này vẫn là tình yêu rộng lớn của Thiên Chúa, mà có ai cân đo đong đếm được Tình yêu của Thiên Chúa? Tuổi tác trí tuệ con người cũng không thể bị ràng buộc và giới hạn tình yêu này.  Chúa Giêsu đã tự nguyện hiến dâng mạng sống mình vì người khác. Cuộc sống tập trung vào Thiên Chúa và tình yêu quảng đại mà Ngài dành cho người khác đã không bị khuất phục bởi tử thần và sự dữ. Tình yêu và sự quan tâm dành cho những số phận khốn cùng nhất đã làm Ngài tuyệt đối thoát khỏi mọi động lực ích kỷ. Mặt khác, sự sống lại của Chúa Giêsu là một kinh nghiệm thuyết phục chúng ta rằng cái chết không chấm dứt mối tương quan sống động giữa Ngài và con người mọi thời. Việc Ngài trở lại là một động lực nâng đỡ đời sống người tín hữu, chứng tỏ quyền năng và tình yêu là điều tối hậu, không bao giờ cùng.

Thánh Gioan nói rằng: chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên tình yêu tức là Đức mến với Thiên Chúa và tha nhân. Chúng ta phải đọc lại bài ca Đức mến tuyệt vời trong thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô. “Giả như tôi có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến thì tôi cũng chẳng là gì…” (1Cr 13, 1-13). Không có gì có thể thay đổi Đức mến vì Đức mến là mục đích của mọi hành vi đức tin. Điều đó muốn nói với chúng ta trên trần gian này, sống yêu thương là tham dự đầy đủ nhất về vào đời sống vĩnh cửu.  Đức Phanxicô nói: “Hôm nay, chúng ta chọn tình yêu” cũng có nghĩa là “Phục vụ anh em trong tình yêu Chúa”. Điều đó nói thì dễ nhưng thực hành thì không đơn giản chút nào. Vì lẽ, phục vụ là gì và tại sao chúng ta phải phục vụ? Bạn sống kệ bạn, tôi sống kệ tôi, hà cớ chi mà tôi phải vướng víu, liên quan đến bạn? Tại sao tôi phải có trách nhiệm yêu thương bạn làm chi? Cuộc đời tôi tại sao lại phải chịu cực khổ, hao mòn và mệt mỏi vì bạn? Bạn đâu phải ba mẹ hay anh em ruột thịt của tôi…? Rồi còn những suy nghĩ ích kỷ khác theo việc kiểu ai nấy làm, không liên quan đến tôi, chỗ chung, việc chung tôi không làm cũng có người khác làm; hoặc tệ hơn nữa khi nghĩ rằng mình là như vậy, (là Kitô hữu tu si, linh mục…) mà phải làm những việc ấy sao? Vô vàn những câu hỏi và những lối suy nghĩ kiểu như thế được dựng lên cách tinh vi khiến chúng ta không thể “chọn tình yêu” chọn lối sống hy sinh và phục vụ lẫn nhau theo gương Thầy Giêsu, Vậy để sống theo tinh thần Phúc Âm và trở nên Kitô hữu đích thực, chúng ta phải làm gì?

Với bản tính tự nhiên, chúng ta thường giới hạn tình yêu nơi những người thân cận: yêu thương những kẻ thuộc về mình như cha mẹ, anh chị em, bạn bè thân thiết va những người đối tốt với ta. Nhưng để “yêu như Chúa yêu”, chúng ta không được dừng lại ở đó, chính Chúa Giêsu đã nói: “Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mến các ngươi, thì các ngươi có công gì? Há những người thu thuế cũng không làm thế sao?” (Mt 5, 6). Vì vậy sống theo tinh thần Tin Mừng còn phải đi xa hơn nữa: Yêu thương hết mọi người, yêu thương những người không có gì để đền đáp chúng ta, yêu thương cả những người bất đồng ý kiến, yêu thương những người không yêu thương thậm chí cả những người ghét bỏ, gây oan ức và bách hại chúng ta. Đó là tình yêu phổ quát, không loại trừ một ai. Tự sức người, chúng ta không thể nào làm được những điều như thế. Có phải chúng ta thấy mình đã cố gắng rất nhiều để sống tốt những mối tương quan chiều ngang với anh chị em mình? Thực ra ta đã chỉ cậy vào sức riêng mình. Quả thực “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”. Ngài đã quyết định điều gì thì chắc chắn đó là điều tốt nhất cho chúng ta rồi, hơn nữa với Chúa và trong Chúa chúng ta làm được hết. Chẳng qua chúng ta tưởng mình có đủ khả năng tự vượt qua khó khăn mà không biết Chúa đang đứng nhìn và mỉm cười vì sự ngớ ngẩn của con Ngài.

Một khía cạnh khác của việc sống theo Tin Mừng là phải biết tha thứ lỗi lầm cho anh chị em mình. Trước hết tinh thần tha thứ phải được thực hiện trong các mối tương quan với các thành viên trong gia đình, cộng đoàn và những người xung quanh ta… Trong cuộc sống của mỗi người, không thiếu những lúc người khác làm cho chúng ta khó chịu, bực mình. Hoặc chúng ta khó hòa hợp với người anh chị em của mình. Nhưng Chúa dạy chúng ta phải đi bước trước đến với người làm tổn thương ta, với những người nói xấu hay làm ta đau khổ. Là môn đệ của Chúa, được mời gọi đi theo, lắng nghe và thực thi giáo huấn của Ngài: Yêu thương và tha thứ vô điều kiện “không phải bảy mươi lần bảy” nhưng là hơn thế. Quả vậy, khi ta chiêm ngưỡng hy lễ tuyệt hảo của Chúa Giêsu trên Đồi Sọ, dưới chân thập giá đông vô kể những kẻ bất bình, những kẻ sỉ nhục Chúa, cả những kẻ đóng đinh và coi thường Chúa: “Ông có phải là Con Thiên Chúa thì hãy tự xuống khỏi thập giá đi” (Mt 27, 40b). Họ đang vui vẻ hả hê cười nói, vì đã giết được Chúa, thì chính lúc đó Chúa ngước mắt lên trời và thưa cùng Chúa Cha: “Lạy Cha xin tha cho họ” (Lc 23, 34). Các thánh đã làm gương cho chúng ta về khía cạnh này. Thánh Stephano đã tha thứ cho Phaolô, Thánh nữ Maria Goretti đã tha thứ cho chàng thanh niên Alexade, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã tha thứ cho Ali Agca và biết bao tấm gương khác.

Yêu như Chúa yêu còn phải biết hy sinh phục vụ trong tinh thần khiêm hạ. Chúng ta thấy được điều này nơi gia đình, các cộng đoàn, các nhà tình thương… Trong gia đình: Cha mẹ hy sinh vì con cái, vợ chồng hy sinh cho nhau. Trong giáo xứ, các anh chị Giáo lý viên dấn thân dạy giáo lý cho các em, các đoàn thể cộng tác trong việc chung xây dựng giáo xứ phát triển. tại các nhà tình thương cũng luôn có các thiện nguyện viên âm thầm phục vụ các người ốm đau bệnh tật… như Mẹ Têrêsa Callcutta đã sống và trải nghiệm tinh thần phúc âm bằng cả cuộc đời dâng hiến, phục vụ. Mẹ khảng định: “Chúng ta có khả năng hưởng hạnh phúc với Chúa ngay lúc này, có nghĩa là giúp đỡ như Người giúp đỡ, cho đi như Người cho đi, phục vụ như Người phục vụ, yêu thương như Người yêu thương.” Họ là những tấm gương hy sinh phục vụ, phản ánh nhiều góc cạnh trên gương mặt nhân hậu của Đức Kitô. Nhưng mặt khác cũng vẫn còn đó những gia đình tan nát, con cái bơ vơ vì người lớn không chịu nhường nhịn hy sinh. Nhiều cộng đoàn còn những chia rẽ, bất hòa, thiếu hiệp nhất, loại trừ nhau… Vậy để xóa đi những tình trạng đáng buồn đó chúng ta hãy tỏa sáng tình thương ở mọi lúc, mọi nơi, như William Blake nói: “Chúng ta được đặt vào trần gian ngắn ngủi để học tỏa sáng tình thương.” Đó cũng là cách chúng ta làm chứng cho Chúa, vì “cứ dấu này mà mọi người nhận ra anh em là môn đệ của Thầy là anh em hãy có lòng yêu thương nhau. Không ai có quyền sống cho riêng mình, nhất là khi đứng trước tình cảnh khó khăn đau khổ của người khác. Đó là chân lý trong lẽ sống làm người, huống chi đối với chúng ta là những Kitô hữu luôn được mời gọi sống đức ái trọn hảo và “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.” Như người Samaritanô khi đứng trước một người cần cứu giúp, anh ta không hề tính toán xem mình có trách nhiệm hay không, anh ta cũng không hề nghĩ đến sự cách biệt chủng tộc, tôn giáo, chức vụ, nghề nghiệp, xấu tốt, người thân hay kẻ thù. Tinh thần liên đới thúc bách anh ta phục vụ và đồng cam cộng khổ với tấm lòng thương cảm và sự nhiệt tâm. Trong tông sắc về năm thánh Lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc các tín hữu rằng: “Chúng ta hãy bước sâu hơn vào trung tâm của Tin Mừng, nơi người nghèo có một trải nghiệm đặc biệt với lòng thương xót của Thiên Chúa… Liệu chúng ta có đang sống như những môn đệ của Ngài hay không? “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, đó là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). Chúng ta hãy tái khám phá những hoạt động tự nhiên của tinh thần Phúc Âm: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc và chôn xác kẻ chết. Và chúng ta cũng đừng quên các hoạt động thiêng liêng của Phúc âm: Lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta và cầu cho kẻ sống cũng như kẻ chết.” Khi chúng ta yêu thương và sống bác ái, là chúng ta đang thực thi lời nhắc nhở của Đức Giêsu và nhận ra chính Chúa Kitô đang hiện diện trong những “con người bé nhỏ” này. Thân xác Ngài thực sự đã trở nên hữu hình. Chúng ta đừng quên những lời của Thánh Gioan Thánh Giá: Khi chúng ta lìa đời, chúng ta sẽ được phán xét trên cơ sở của tình yêu. Vì thế ngay “hôm nay” chứ không phải một giây phút nào khác chúng ta hãy đong đầy con tim mình sức mạnh của Tình yêu, và hãy để Thần Khí của Đức Kitô hướng dẫn.

Tóm lại, Chúng ta sống trong thế giới này là để học yêu thương theo cung cách của Đức Kitô. Khi sống yêu thương là chúng ta đang bước vào Nước Thiên Chúa, nơi đó tình yêu được trao ban và lãnh nhận một cách vô hạn. Rồi đây chúng ta sẽ chết, chết vào tuổi nào, chết ở đâu, chết cách nào, chết trong tình trạng nào, chắc chắn sống làm sao, chúng ta sẽ chết làm vậy. Cuộc đời con người, như Thánh Vịnh 89 nói: “Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi”. Chớ gì chúng ta đều biết mang tâm tình của cụ Simeon “công chính và đạo đức, luôn ngóng đợi ơn cứu độ và tràn đầy Thánh Linh.” (Lc 2, 25). Như thế chúng ta sẽ biết sống hết mình trong giây phút hiện tại với tất cả năng lực yêu thương mà Chúa đã khắc ghi trong tâm hồn mỗi người.

Nt. Anna Bích Hạt, Học viện MTG. Thủ Đức

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Giu se Đỗ Văn Thụy, MSV; Tân Phúc Âm hóa trong cuộc sống
  2. Jack Philip, chuyển ngữ: Nguyễn Ngọc Kính, ofm; Tôi muốn sống tự do
  3. Đức Giáo hoàng Phanxicô; Tông huấn Evangelii Gaudium
  4. Giuse Phan Tấn Thành; Nt. Maria Đinh Thị Sáng; Cánh chung học