NGHỆ THUẬT SỐNG Cuộc đời: Trường thao luyện con tim

Cuộc đời: Trường thao luyện con tim

Cuộc đời: Trường thao luyện con tim

(Gợi hứng từ bộ phim ‘Những người khốn khổ’)

 

Les Misérables (Những người khốn khổ) là phiên bản điện ảnh ra đời năm 2013 của cuốn tiểu thuyết cùng tên xuất bản năm 1862 của đại văn hào Victor Hugo. Những người khốn khổ đã miêu tả cả một thế giới của những con người nghèo khổ, đó là bức tranh cực kỳ chân thực về cuộc sống ở nước Pháp nói chung và ở Paris nghèo khổ nói riêng vào nửa đầu thế kỷ 19.Nhân vật chính của tiểu thuyết là Jean Valjean(Giăng Van-giăng), một cựu tù khổ sai tìm cách chuộc lại những lỗi lầm gây ra thời trai trẻ.

Sau 19 năm ngồi tù với số tù 24601 vì ăn cắp một mẩu bánh mì cho con của người chị gái, người nông dân Jean Valjean được thả. Tuy nhiên anh phải mang theo giấy thông hành vàng, dấu hiệu cho thấy người mang nó từng phạm tội, vì vậy Jean bị chủ quán trọ từ chối và buộc phải ngủ ngoài đường. May cho anh là giám mục Myriel, một người nổi tiếng hay làm từ thiện đã cho Jean Valjean một chỗ nương náu. Khi mọi người đã ngủ, Jean lại ăn cắp mấy thứ đồ bạc của giám mục và chạy trốn, anh bị bắt lại sau đó nhưng lại được giám mục Myriel cứu thoát khi nói với cảnh sát rằng đó là đồ ông tặng cho Valjean. Khi chia tay vị giám mục già nói với Jean Valjean rằng anh nhất định phải trở thành một người lương thiện và làm nhiều việc tốt cho mọi người.

8 năm sau Valjean, nay mang tên ông Madeleine, đã trở thành một chủ xưởng giàu có và là thị trưởng thành phố nhỏ nơi ông sinh sống, Valjean phải mang tên giả để tránh sự phát hiện của thanh tra Javert (Gia-ve) vẫn đang truy tìm ông ráo riết. Tuy nhiên số phận buộc Valjean phải để lộ danh tính của mình khi một người đàn ông khác bị nhầm là Jean Valjean và bị bắt đưa ra tòa. Cùng lúc này, Valjean gặp Fantine (Phăng-tin), một cô gái đang hấp hối sau khi bị đuổi việc khỏi công xưởng của ông và buộc phải làm nghề mại dâm để có tiền nuôi con gái Cosette (Cô-dét), em đang phải sống với gia đình nhà Thénardier (Tê-nác-đi-ê) độc ác. Trước khi Fantine chết, Valjean hứa với cô sẽ chăm sóc Cosette cẩn thận, ông trả tiền cho lão chủ quán trọ Thénardier để giải phóng cho Cosette và cùng em chạy trốn lên Paris khỏi sự truy đuổi của Javert. Ở Paris, hai người trú trong một nhà tu kín mà Javert không được quyền khám xét, vì vậy họ tạm thoát khỏi sự truy lùng gắt gao của viên thanh tra…Câu chuyện còn rất nhiều tình tiết hấp dẫn về số phận của các nhân vật…

Nhìn chung, bộ tiểu thuyết không chỉ nói tới bản chất của cái tốt, cái xấu mà tác phẩm còn là cuốn bách khoa thư đồ sộ về lịch sử, kiến trúc của Paris, nền chính trị, triết lý, luật pháp, công lý, tín ngưỡng của nước Pháp nửa đầu thế kỷ 19. Đặc biệt hơn hết, “Những người khốn khổ” là tác phẩm tuyệt đẹp ca ngợi tình yêu: Tình yêu đối với các con chiên của linh mục Myriel, tình yêu tuyệt vọng của Fantine và Éponine, tình phụ tử của Jean Valjean với Cosette, tình yêu lãng mạn giữa Cosette và Marius. Bên cạnh đó, Những người khốn khổ cũng là một trong những tác phẩm hay nhất của văn học Pháp khi thể hiện tình yêu tổ quốc.

Cuộc đời: Trường thao luyện con tim

“Chợt Tình Yêu đến trong ánh nắng mai, xóa tan màn đêm u tối,

cho tôi biến đổi tâm hồn thành một người mới…”

Hạnh phúc thì ngắn ngủi mà đau khổ lại giai dẳn triền miên là cảm nhận thật của tôi khi nhận ra mình là một con người. Chưa hết đợt sóng này, đợt sóng khác lại luẩn quẩn vướng đến chân… Tôi sinh ra để được hạnh phúc với những điều hay và đẹp ở cuộc sống này; nhưng thật sự lắm lúc hạnh phúc đâu tôi chẳng thấy mà chỉ toàn là những nỗi đau và trái ý, luôn có điều gì đó tôi phải chấp nhận và vượt qua!

Nhìn lại từ bên trong, cuộc sống tôi luôn gắn liền với những vui buồn, sướng khổ xuất phát từ trái tim mình. Mọi cảm xúc đều biến chuyển theo nhịp đập con tim, từ những hứng khởi khi gặp được niềm vui đến những đau đáu nghẹt thở không thể chịu đựng nổi khi gặp điều trái ý. Tôi chợt nhận ra rằng, một người ‘sống’ hay ‘chết’ là ở cung điệu của con tim và sự sống thật sự bắt nguồn từ đó.

Nhìn ra bên ngoài, cuộc đời có lẽ là một ngôi trường lý tưởng để thao luyện con tim. Những hoàn cảnh xảy đến và những con người tôi gặp là những bậc thầy đào luyện không hẹn trước. Những trải nghiệm lớn bé xảy đến trong những vấp váp cho tôi một bài học quý giá rằng: “Chẳng có gì xảy đến mà vô tình cả”. Tại sao tôi lại được sinh ra trong gia đình này, cộng đồng này, tại sao là những con người này chứ không phải ai khác. Vì sao những biến cố này lại xảy đến cho tôi mà không phải là người khác; những hoàn cảnh, những loại người tôi muốn tránh tôi lại cứ gặp hoài?… Tất cả, tất cả là những cơ hội để thao luyện trái tim tôi trở nên mềm mại, kiên nhẫn và biết yêu thương bằng một tình thương tinh tuyền vô vị lợi.

Trái tim ‘bằng đá’ hay ‘bằng thịt’?

Khi bị đụng độ với người này người khác trong những xung khắc và bất đồng không thể tha thứ được, tôi mới biết con tim tôi ‘bằng đá’ hay ‘bằng thịt’. Tôi thường ví cuộc đời này giống như một cái thúng với đầy những con tim bằng đá được lưu chuyển trong một chuyến xe trên một chặng đường gập ghềnh. Những dao động của cuộc sống làm cho những hòn đá va chạm vào nhau.  Hòn đá càng có nhiều sắc cạnh càng dễ có những va chạm với những hòn đá sắc cạnh khác. Những va chạm mạnh sẽ là những sức mẻ đau đớn thật nhưng cách nào đó cũng làm bào mòn các góc cạnh của nhau.

Thật đáng tiếc, thay vì tận dụng cơ hội để được làm trơn tru chính mình thì có những hòn đá lại làm cho những đổ vỡ trong mình trở nên những góc cạnh sắc bén hơn và đụng chạm lại tiếp diễn trong mệt mỏi không cùng. Nếu không nghĩ mình đang được bào mòn, “hận thù” thật ra cũng là cách để mài nhọn ‘nanh vuốt’ của trái tim mà thôi. Điều đáng lo ngại là : khi đụng chạm xảy ra tôi luôn nghĩ mọi chuyện là do người khác có nhiều góc cạnh chứ chẳng phải trái tim bằng đá, gai góc. Quan sát thái độ tức bực và phản ứng muốn trả đũa “mắt đền mắt, răng đền răng” của mình, mới biết trái tim tôi vẫn còn nhiều chỗ cứng cõi lắm, chẳng “hiền” chút nào! Tưởng chừng như mình đang chịu đựng người ta quá đỗi nhưng kỳ thực người khác cũng đang chịu đựng những góc cạnh của mình.

Những đổ vỡ vẫn còn đó và thật khó có thể hàn gắn, nhưng cái trớ trêu mà ít người chấp nhận là: người đang gây thương tích cho tôi đó lại là ân nhân của tôi và tôi cũng là ân nhân của người đó. Khi nhận ra mình đang được thao luyện con tim, tôi mới biết nhờ họ tôi mới nhận ra con người thật của mình khi nhìn lại mình, nhờ họ mà góc cạnh của tôi được bóc trần và bứng bỏ được phần nào. Thay vì ghét tôi lại thấy thương cho họ và cho cả chính tôi nữa vì luôn mang trong mình cái gánh nặng nề của “trái tim bằng đá”.

Trái tim mềm mại như ‘Nước’

Cảm thương cho những cứng cõi nơi trái tim mình, tôi lại thấy trân trọng những con người có ‘con tim bằng thịt’ thật sự. Nơi họ, tôi biết tôi cần phải học thế nào về hai chữ “kiên nhẫn và mềm mại”. Người đời thường nóng nảy và bốc đồng nên đưa ra một định nghĩa tiêu cực rằng: “Nhịn là nhục”. Tuy vậy, cái trầm tĩnh đầy kiên nhẫn cho thấy “nhịn nhục’ là cái chiến thắng ở giây phút cuối cùng, là thể hiện sức mạnh làm chủ chính mình chứ chẳng phải là hèn yếu, nhát đảm. Sự nóng giận nảy lửa để muốn chứng tỏ mình bằng sức mạnh bạo lực là thể hiện cái yếu đuối của chính mình mà sau đó tôi mới thấy ‘không nhịn mới là nhục’.

Lão Tử chiêm niệm về nước và thường ví người kiên nhẫn là người có trái tim biết mềm mại như “Nước”. Nước rất mềm và khiêm tốn nên luôn chảy vào chỗ trũng. Sự cứng cõi nơi con người ngược hẳn với Nước vì luôn muốn chứng tỏ mình ‘luôn luôn đúng’ nơi ‘cái tôi vĩ đại’. Nước rất mềm nên có thể vượt qua mọi cản vật trên đường mình đi. Gặp phải tảng đá cản lối, Nước chỉ biết ép mình luồn qua để tiếp tục hành trình của mình. Cản lối là điều thường tình nhưng Nước muốn rằng không thể vì vật cản mà làm tắc nghẽn cuộc sống tự do mà mình đã chọn lựa.

Nước di chuyển thật nhẹ nhàng và lướt thật êm, nước im lặng thấm đẩm vào vạn vật, đi tới đâu Nước mang lại nguồn sống tới đó. Cái mềm của nước còn là “ở bầu thì tròn và ở ống thì dài”, Nước thích ứng với mọi hoàn cảnh và biến chuyển với mọi hoàn cảnh cuộc sống. Nước không nhất thiết là chính mình trong một thể duy nhất nhưng vẫn có thể ‘dừng lại’ một lúc khi mùa đông băng giá đến, và cũng có thể ‘xóa tan chính mình’ khi trời hè nóng bức, xuân qua thu đến Nước lại chuyển mình cho vạn vật được trổ sinh.

Mặc dù Nước hóa thân trong mọi hình thái và hòa lẫn trong mọi sự và mọi nơi nhưng vẫn luôn là chính mình. Nước cũng biết rằng, cuộc đời sẽ chẳng bao giờ thõa mãn hết những gì mà mình đã hoạch định nên cứ thanh thản mà thuận theo chuyển vận của trời đất. Nước dầu có bị vẫn đục bởi vết nhơ cuộc đời nhưng Nước vẫn ý thức bổn phận của mình là gột rửa để cuộc đời thêm trong sạch, thêm tươi mới, làm vơi đi cơn khát của những tâm hồn khô hạn, cằn cỗi. Xong nhiệm vụ gột rửa Nước lại thăng hoa chính mình trong thể hơi vì vẫn giữ được sự tinh khiết vẹn toàn của mình. Nước thật tuyệt diệu, con người có con tim mềm mại như Nước lại càng tuyệt diệu khôn cùng!

Trái tim biết ‘Thương mà… xót’

Tình yêu là điều cao quý và huyền diệu nhất của cõi đời. Nhưng thật khó để hiểu tại sao tình yêu lại luôn gắn liền với đau khổ như một định mệnh. Người có kinh nghiệm về tình yêu luôn chia sẻ cùng một câu cửa miệng quen thuộc: ‘yêu là khổ’. Ta có thể hỏi lại: Vậy nếu không khổ thì có tình yêu thật không? Câu hỏi này thật khó để trả lời…!

Vì lẽ đó, chưa bao giờ tôi lại thấy mông lung cho bằng hai chữ tình yêu, người ta nói ‘yêu’ quá dễ dàng trong khi tình yêu thật sự đòi hỏi phải trả giá và thanh luyện đến kỳ cùng ‘cái tôi’ của mình. Trong thời đại này, về mặc từ ngữ ‘tình yêu’ đã bị biến nghĩa và bị giới hạn vào những quan niệm khác nhau bởi những toan tính vị kỷ. Ở đây, thay vì gọi ‘tình yêu’ tôi sẽ gọi lại bằng ‘Tình thương’ để diễn tả về một tình yêu phổ quát, một tình yêu vô vị lợi và tinh tuyền. Tình yêu thì có nhiều loại nhưng ‘Tình thương’ chỉ có một. Các loại tình yêu con người thường bị pha tạp bởi cái tôi vị kỷ nên phần lớn chỉ làm con người thêm quyến luyến và ràng buộc. Đau khổ mà các loại tình yêu này mang lại phần lớn chỉ là thất vọng vì những dục vọng của tôi không được thỏa mãn như mong ước. Còn Tình thương vô vị lợi là diễn tả cao nhất của các loại tình yêu và hiện diện trong mỗi loại tình yêu theo những hình thức khác nhau nhưng sắc thái thì như nhau. Chỉ có Tình thương vô vị lợi và đến cùng này mới thật sự mang lại sự tự do, giải thoát và mới có năng lực biển đổi thân phận con người.

Dầu vậy, Tình thương vô vị lợi cần phải trải qua thử thách nghiệt ngả của đau khổ, xót xa. Có như thế mới minh chứng được Tình thương thật là gì. Nếu thương mà quá dễ dàng và ‘thuận buồm xuôi gió’ thì chẳng có gì để nói và tình thương đó có phần ‘ảo tưởng’. Tình thương thật là cái Tình vô giới hạn và không phân biệt. Bao lâu còn phân biệt giới hạn vào hoàn cảnh hay đối tượng với những điều kiện đặt ra thì trái tim tôi vẫn còn dừng lại ở tình thương vị kỷ. Bất kỳ sự vật hay con người nào cũng có những mặt ưu mặt khuyết, nên phải là điều gì hay, đẹp, dễ thương thì tôi mới thương thì quả thật tôi chỉ ‘thương chính mình’ chứ chẳng phải thương thật sự. Cái xót xa của Tình thương là chỗ phải thương trọn con người : cả cái hay lẫn cái dở, cả cái đẹp lẫn cái xấu, vì thương như thế mới là thương thật với người thật, việc thật!

Khi xem một bộ phim cũng như gặp phải những cảnh thực trong đời, với ‘cái tình bình thường’ tôi sẽ luôn có cái nhìn thương cảm với những nhân vật chính diện và ác cảm với những nhân vật phản diện. Những người dễ thương thì tôi mến, những người dễ ghét thì nhất quyết ‘không đội trời chung’. Cái hạn hẹp của trái tim tôi sẽ lộ ra khi tôi luôn phải gặp những người gây cho tôi khó chịu, mệt mỏi. Thật ra, người cần thương chưa hẳn là người dễ thương mà là những người dễ ghét; vì thật ra người bị coi là dễ ghét là đau và khổ hơn cả. Họ ‘đau’ vì họ đang ‘ảo tưởng về chính mình’, họ ‘khổ’ vì họ đang bị trói chặt bởi cái ‘tự ti’ và ‘tự tôn’ và ‘tự kỷ’ nơi mình do tình dục, danh vọng, địa vị và tiền tài chi phối… Họ ‘đau’ nên mới tỏ ra khó chịu và khó thương như vậy, và người ‘đau bệnh’ là người cần được quan tâm săn sóc, cảm thông hơn người lành.

Cái xót xa hơn có thể xảy ra là khi chính những người thân thuộc nhất, những người tôi yêu mến nhất lại ‘quay lưng’ và làm tôi tổn thương. Gặp cảnh như vậy, tôi có thương người ta nổi không hay từ yêu thương lại trở thành thù hận. Thật khó và quả thật là khó…! Làm sao để chấp nhận một thế giới đang đỗ vỡ, một xã hội đang khủng hoảng đây; tôi có can đảm để gánh vác một gia đình đang tan nát, một cộng đoàn đang bế tắc không; bằng cách nào để đón nhận và ôm lấy trái tim những con người với đầy nết xấu và đáng ghét…? Dù biết tim mình sẽ đau và nhói nhưng một trái tim có tình thương thật sẽ coi đó là cơ hội để được thương nhiều hơn và thương đến cùng. Vì thế, tôi cần phân biệt đâu là cái đau của tình yêu quyến luyến thường gây nên ‘khổ’ bởi sự ràng buộc, đâu là cái ‘đau’ của vì Tình Thương vô vị lợi lại mang lại tự do và lòng thương xót vô biên. Mẹ Têrêsa Calcutta có nói một câu rất chí lý rằng: “Một con tim bị tổn thương vì yêu thật sự sẽ không còn là tổn thương nữa nhưng chỉ còn là yêu hơn mà thôi”. Có lẽ, điều lớn lao nhất và hạnh phúc của cõi đời chẳng phải là đạt được niềm vui để thỏa mãn chính mình nhưng là có được một trái tim biết yêu thương một cách tự do và không giới hạn, biết rung nhịp theo cung điệu của ‘Tình thương mà… xót’.

Nói cho cùng, cuộc sống con người có thể thay đổi với nhiều tiến bộ của công nghệ kỹ thuật nhưng bản tính con người từ xưa đến giờ vẫn chẳng có gì thay đổi. Trường để thao luyện con tim vẫn chỉ là một bài học về ‘Tình thương’ phải được ôn đi ôn lại mãi. Đây chỉ là cái nhìn chủ quan mà tôi thấy giúp tôi nhiều để biết chấp nhận và trân trọng cách tích cực hơn những gì xảy đến trong đời. Là con người nên tất nhiên tôi sẽ có những sợ hãi khi đối diện với cuộc sống; nhưng không thể vì sợ hãi mà làm tôi phải lẫn tránh thực tại của chính mình; vì tôi biết rằng ‘tránh vỏ dưa này tôi lại đụng phải vỏ dừa’ đau đớn hơn. ‘Thuốc đắng thì mới dã tật’, tôi sẽ can đảm hơn để uống thuốc đắng khi biết rằng thuốc đắng đó có ích cho tôi. Vị ngọt của nó tôi có thể cảm nhận được khi những gai nhọn và lệch lạc nơi trái tim mình được gột sạch.

 

“…  Và con tim đã vui trở lại, tình yêu đến cho tôi ngày mai, tình yêu chiếu ánh sáng vào đời, tôi hy vọng được ơn cứu rỗi…”

 

Nếu không có Tình yêu…

BỔN PHẬN khiến người ta dễ NÓNG GIẬN.

TRÁCH NHIỆM đẩy người ta tới chỗ BẤT NHà

CÔNG BẰNG làm cho người ta đâm ra TÀN NHẪN. 

SỰ THẬT biến người ta thành kẻ ưa SOI MÓI. 

Sự KHÔN NGOAN dẫn dắt bạn tới chỗ LÁU CÁ. 

Sự ĐON ĐẢ biến con người thành kẻ GIẢ DỐI. 

Sự AM HIỂU đẩy bạn trở thành kẻ CỐ CHẤP.

QUYỀN LỰC khiến người ta trở thành kẻ ÁP BỨC. 

DANH TIẾNG làm bạn trở thành kẻ KIÊU NGẠO. 

CỦA CẢI làm con người ta trở nên THAM LAM.

LÒNG TIN biến bạn thành kẻ CUỒNG TÍN.

  

Nếu Không Có Tình Yêu… 

Trên đời này bạn KHÔNG LÀ GÌ CẢ!!!

 

Bài hát : Lời hát kinh cầu – Nhạc sĩ Minh Châu

Xin thắp lên một ngọn nến kính dâng trước nỗi đau con người

Xin khẽ rơi giọt nước mắt khóc cho những ai đang khổ đau

Xin góp thêm một lời hát cất lên giữa không gian ưu sầu

Xin giúp nhau vượt giông bão bước chung kiếp nhân sinh về sau

Lời hát bay qua muôn tinh cầu

Để cùng nương náu băng qua vực sâu

Đêm dài tan biến trong tim nguời

Hát cho tình nhân ái loang qua biển khơi

Hãy hát êm như câu kinh cầu

Nguyện cầu ân phúc cho muôn đời sau

Dẫu còn bao vết thương trong đời

Hát cho liền da vết thương trong lòng tôi

 http://dongten.net/

 

 

Bài viết liên quan:
Exit mobile version